Sử dụng các giải pháp công khai minh bạch để quản lý Tài sản và phòng chống tham nhũng trong ngành y tế.

Khi VAFI hỏi các Bộ trưởng  rằng  BT có yêu thích sự minh bạch hay không thì dĩ nhiên  BT đều khẳng định mạnh mẽ ;  Có lẽ  BT không thể trả lời khác được vì nếu vậy sẽ không còn là Bộ trưởng  ?

VAFI tiếp tục hỏi BT Kim Tiến rằng BT có yêu thích sự minh bạch tại hệ thống bệnh viện công lập hay không thì tất nhiên BT ủng hộ mạnh mẽ ;

Người dân hay nghe Bộ trưởng y tế nói về sự công khai minh bạch trong ngành y tế, tuy nhiên hiện nay hệ thống bệnh viện công lập là khối yếu kém công khai minh bạch nhất so với khối doanh nghiệp nhà nước ;

Dành chút thời gian lướt web từ BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Đồng cho đến hàng ngàn Bệnh viện công lập đều không có thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, thông tin đấu thầu, đấu giá…. một cách thường xuyên và định kỳ như khối doanh nghiệp nhà nước ?

Tại sao lại có tình trạng mù thông tin như vậy ? Vì không có chính sách qui định hệ thống bệnh viện công lập phải công bố thông tin như khối doanh nghiệp nhà nước , nhưng tại sao các Bộ trưởng lại không học hỏi cách thức công bố thông tin của khối doanh nghiệp nhà nước sang cho khối sự nghiệp công lập? Phải chăng các BT còn quan liêu hay chưa nhận rõ vai trò của công khai minh bạch trong công tác quản lý tài sản nhà nước cũng như trong công cuộc phòng chống tham nhũng ?

VAFI xin nói rõ càng minh bạch bao nhiêu thì càng tránh được thất thoát tài sản nhà nước bấy nhiêu . Bọn tham nhũng rất sợ sự minh bạch vậy tại sao các BT không đánh mạnh vào nỗi sợ hãi của chúng ?

Để thúc đẩy minh bạch trong hệ thống bệnh viện công lập nhằm phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngăn chặn bội chi bảo hiểm y tế , giảm thâm hụt   ngân sách nhà nước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) đề xuất các giải pháp cụ thể như sau :

           1/ Hệ thống bệnh viện công lập phải công bố thông tin  theo phương thức thường xuyên và định kỳ như khối doanh nghiệp nhà nước :

– Công bố thông tin chi tiết về tình hình hoạt động, về tình hình tài chính, về tuyển dụng nhân sự, về thu nhập, về đấu thầu, đấu giá trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư thuốc men như tinh thần Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Bộ Y tế, Bộ Tài chính với chức năng quản lý vốn & tài sản nhà nước trong hệ thống  BVCL am hiểu sâu sắc lĩnh vực này cần nhanh chóng xây dựng 1 nghị định về công bố thông tin trong hệ thống BVCL ;

– Đặc biệt lưu ý phải công bố chi tiết những thông tin về đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các loại trang thiết bị, vật tư, thuốc men y tế. Hiện nay có tình trạng suất đầu tư cho cơ sở vật chất, cho máy móc thiết bị y tế gấp đôi so với lĩnh vực y tế tư nhân ; Giá mua hóa chất, vật tư công cụ dụng cụ y tế cao gấp hai tới ba lần so với các bệnh viện tư nhân, cho nên phải công bố trên trang Web của hệ thống bệnh viện công theo cách thức :

+ Phải công bố công khai các đợt đấu thầu xây dựng và mua sắm trang thiết bị, sau đó công bố công khai kết quả đấu thầu một cách chi tiết. Đối với trang thiết bị y tế phải mô tả rõ loại thiết bị y tế, nguồn gốc xuất sứ  …

+ Đối với việc mua sắm hóa chất, vật tư… y tế. Số tiền này là không nhỏ trong các khoản chi tại bệnh viện, bằng khoảng 45% tổng chi cho mua sắm thuốc ( theo cách thức tính của các bệnh viện tư không có tham nhũng ), tuy nhiên những mặt hàng này bị tham nhũng  nhiều nhất ( giá mua vào gấp hai tới ba lần so với bệnh viện tư ) . Vấn đề đặt ra là phải công khai việc đấu thầu mua sắm tất cả các khoản này một cách chi tiết, sau đấu thầu hay mua sắm cũng phải công khai một cách rất chi tiết để người dân có thể hiểu rằng từng loại vật tư y tế mua với giá bao nhiêu. Khi thực hiện được việc này thì tình trạng “ ăn dày, ăn đậm” sẽ chấm dứt và chỉ còn tình trạng tham nhũng theo kiểu tinh vi hơn.

–  VAFI  tính sơ bộ rằng nếu hệ thống BVCL thực hiện công bố thông tin theo phương thức trên thì nhà nước sẽ tiết kiệm được từ 7000 tỷ – 10.000 tỷ đồng/năm. Số tiền trên là không nhỏ cho nên đề nghị các Bộ trưởng khẩn trương xây dựng chính sách để hệ thống BVCL thực hiện chế độ công bố thông tin thường xuyên và định kỳ vào năm 2018.

          2/ Phải chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp       

– Chế độ kế toán tài chính hiện hành cho các đơn vị sự nghiệp công lập là rất sơ sài, không hạch toán đầy đủ như doanh nghiệp nhà nước: Chẳng hạn không hạch toán khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn… dẫn tới rất nhiều bệnh viện ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước rót hàng năm ;

– Hiện nay hệ thống BVCL khoảng trên 2200 BV, đại bộ phận các bệnh viện này khai báo không tự chủ được tài chính, ngay cả các bệnh viện hàng đầu quá tải bệnh nhân như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy cũng không tự chủ tài chính được ?

– Tuy nhiên nếu nhìn vào tình hình hoạt động  tài chính của khối bệnh viện tư nhân, nhiều bệnh viện tư nhân tại các tỉnh và đô thị lớn phải tự đầu tư từ đất đai, tòa nhà, máy móc, thiết bị nhân sự…không  1 đồng vốn  nào của nhà nước . Các bệnh viện tư nhân này đều lấy đối tượng khách hàng chủ yếu là đối tượng có bảo hiểm y tế , với giá cả dịch vụ như các bệnh viện công lập  nhưng tồn tại  phát triển được và có lãi , tại sao lại như vậy ? VAFI nghĩ rằng Bộ trưởng tài chính, y tế phải nghiên cứu có trách nhiệm vấn đề này để từ đó quyết định hàng loại các bệnh viện có thương hiệu mạnh phải tự chủ tài chính hoàn toàn, không thể có chuyện cho tự nguyện tự chủ tài chính như  ;

– Hiện nay  loại hình doanh nghiệp công ích chủ yếu hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm như doanh nghiệp thủy lợi, doanh nghiệp bảo trì đường bộ, đường sông, đường sắt, hay doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, chiếu sáng… Nhiều doanh nghiệp công ích loại này đã thực hiện cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán, từ đó tiết kiệm được  nhiều chi phí đồng thời cũng tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm ( do các doanh nghiệp này hạch toán rõ ràng minh bạch ). Đưa ra cơ sở này để khẳng định rằng chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là rất dễ dàng .

– Phải đưa hệ thống BVCL về cùng môi trường hạch toán như khối bệnh viện tư nhân, để từ đó dễ dàng đánh giá năng lực trình độ của đội ngũ lãnh đạo bệnh viện công lập, thúc đẩy năng lực quản trị bệnh viện ;

          3/ Phải xã hội hóa công tác thanh tra :

– Nhìn vào quá trình công tác của Bộ trưởng tài chính, VAFI hiểu rằng BT Đinh Tiến Dũng có quá nhiều kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra nhưng vì sao hàng năm có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra của nhiều lực lượng nhưng tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển cùng  sự thất thoát  tài sản nhà nước ngày càng lớn  ?

– Phải kêu gọi sự vào cuộc của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng với những giải pháp mới hữu hiệu .

– Thực ra đã có nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ & Quốc hội đã  kêu gọi sự tham gia của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng nhưng chưa đủ và chưa có các giải pháp hữu hiệu để nhân dân vào cuộc ;

– Cần mở ra ngành kinh doanh mới là ngành KD “ chống tham nhũng” nhằm mời gọi sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp này lấy kinh phí đâu để hoạt động ? Nhất quyết không thể từ tài trợ của ngân sách nhà nước mà được trích từ tiền xử phạt doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm tham nhũng . Nhà nước hãy dành 50% tiền xử phạt theo từng vụ việc trả cho các doanh nghiệp thì lập tức sẽ có nhiều doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự bài bản ( am hiểu luật và tài chính ) ra đời. Bằng biện pháp này, có thể giảm tới 50% vụ việc tham nhũng hiện nay, giúp cho nhà nước đỡ thất thoát hàng tỷ đô la 1 năm.

          4/ Phải thực hiện kiểm toán bắt buộc cho các đơn vị sự nghiệp công lập như với doanh nghiệp nhà nước :

– Khối doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện kiểm toán bắt buộc từ lâu trong khi khối đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện kiểm toán ;

– Hiện nay có hàng trăm đơn vị công lập với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng không phải kiểm toán bắt buộc ? Đây có phải là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước hay không ? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này ? Xin để các Bộ trưởng tự trả lời nhưng quan trọng là phải tiến hành kiểm toán ngay trong năm 2018.

– Để chuẩn bị tốt cho công tác kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công lập, trước mắt yêu cầu kiểm toán bắt buộc với những đơn vị có doanh thu trên 100 tỷ đồng, sau một thời gian sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng phải kiểm toán.

Trên đây là kiến nghị của VAFI. Những giải pháp trên mới chỉ là giai đoạn khởi đầu cho tiến trình công khai minh bạch ở cấp độ thấp.

VAFI tự hỏi rằng, không biết Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính có quan tâm tới những vấn đề chiến lược của ngành y tế  mà VAFI đề cập ở trên hay không  ? Hay bị quên đi vì quan liêu  hay vì nhiều công việc sự vụ ?

Với tư cách là Đại Biểu Quốc Hội, Đại biểu của Nhân Dân, xin các vị Bộ trưởng có thư trả lời cho VAFI biết rõ .

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133