VAFI giới thiệu trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thụy Sĩ & chính thức hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Sĩ

Zürich (Thụy Sĩ), ngày 23 tháng 6 năm 2025 – Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiêm Luật sư điều hành của VCI Legal, đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ – Việt Nam 2025 (“SVEF”), do SVEF phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức.

Tiến sĩ Philipp Rösler (thứ hai từ bên phải) hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ – Việt Nam (SWEF) và thành viên Hội đồng Quản trị Vietjet nhiệm kỳ 2022–2027. Trước đây, ông từng giữ chức Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức (2009–2011), sau đó là Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Liên bang kiêm Phó Thủ tướng Đức (2011–2013). Sinh ra tại Việt Nam, Tiến sĩ Rösler là người gốc Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng và Phó Thủ tướng trong Chính phủ Liên bang Đức.

Tại Diễn đàn, ông Tuấn và ông Philipp Rösler đã chính thức ký Biên bản Ghi nhớ (MoU), đánh dấu việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa VAFI và SVEF nhằm thúc đẩy hợp tác lâu dài trong lĩnh vực tài chính, đầu tư và đổi mới sáng tạo trong ngành dịch vụ tài chính giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Thỏa thuận tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như sau:

  • Đối thoại chính sách và vận động hành lang: Phối hợp với các cơ quan nhà nước tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng chính sách và hoạt động lập pháp.
  • Chia sẻ kiến thức và nội dung chuyên môn: Đồng tổ chức các sự kiện về thị trường tài chính Việt Nam, quy định đầu tư và kinh tế vĩ mô; chia sẻ các báo cáo thị trường và phân tích chuyên sâu.
  • Thúc đẩy kinh doanh và đầu tư: Tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp – chính phủ (B2G), các chuyến xúc tiến đầu tư và thăm quan đoàn cấp cao.

Thỏa thuận thể hiện cam kết của cả hai bên trong việc xây dựng một nền tảng song phương vững chắc nhằm chia sẻ tri thức, triển khai các sáng kiến chung và thúc đẩy đối thoại chính sách. Quan hệ hợp tác này là một phần trong nỗ lực của SVEF nhằm kết nối các tổ chức trền nhiều khu vực lãnh thổ và nhiều lĩnh vực, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn như một chất xúc tác cho sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, tập trung vào việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Ngày 27 tháng 6 năm 2025, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết về Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Diễn đàn SVEF cũng hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và giáo dục giữa Thụy Sĩ, Việt Nam và các đối tác quốc tế. Được tổ chức tại Zurich, sự kiện đóng vai trò là cầu nối để củng cố hợp tác kinh tế, thúc đẩy trao đổi kiến thức và quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp, học giả và nhà hoạch định chính sách của cả hai quốc gia.

Tại Diễn đàn, ông Tuấn đã trình bày tham luận với tiêu đề: “Việt Nam – Trung tâm tài chính quốc tế mới nổi”. Bài phát biểu tập trung phân tích những đột phá về chính sách và pháp lý trong những quy định pháp luật đầu tiên về trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam. Các nội dung trọng điểm bao gồm:

(i) Những cải cách về pháp lý và cấu trúc;

(ii) Xây dựng khung vận hành cho hoạt động đầu tư;

(iii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện đang sở hữu đầy đủ các điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới. Chiến lược “một trung tâm, hai điểm đến” của Việt Nam là chiến lược đặc trưng, mang tính khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh so với các trung tâm tài chính quốc tế khác.

Cụ thể, thành phố Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn và phát triển nhất cả nước, có nhiều tiềm năng lớn để trở thành những “cầu nối” kinh tế thu hút dòng vốn và giao dịch tài chính toàn cầu. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế cũng vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV – đánh dấu bước tiến quan trọng về thiết chế trung tầm tài chính quốc tế.

 


Thông tin chi tiết về Diễn đàn:

Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ – Việt Nam 2025 được tổ chức vào các ngày 10, 23 và 24 tháng 6 năm 2025, tại Trust Square và Đại học Zürich, Thụy Sĩ.

Ngày thứ nhất (10/6), phiên đối thoại đóng vai trò là sự kiện mở đầu của Diễn đàn, quy tụ khoảng 100 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các địa phương Việt Nam, doanh nghiệp Thụy Sĩ, các tổ chức quốc tế và nhà hoạch định chính sách. Cuộc đối thoại này đóng vai trò như một sự kiện khai mạc cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Sĩ 2025 diễn ra vào ngày 23/6.

Ngày thứ hai (23/6) – trọng tâm của Diễn đàn đã chào đón sự tham dự của các quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả từ cả hai quốc gia. Chương trình bao gồm bốn phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào các chủ đề trọng yếu như:

– Quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác đa phương Việt Nam – Thụy Sĩ trong bối cảnh thế giới phân mảnh;

– Việt Nam với vai trò là trung tâm tài chính quốc tế mới nổi;

– Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;

– Xây dựng nền kinh tế sẵn sàng cho tương lai: Chiến lược mở rộng thị trường và phát triển nguồn nhân lực.

Ngày thứ ba (24/6), diễn ra các hội thảo chuyên đề, với nội dung nổi bật là kết nối hệ sinh thái công nghệ thông tin giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Hội thảo tập trung làm rõ vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam với tư cách là điểm đến cho lĩnh vực gia công phần mềm năng động và cạnh tranh, đồng thời khám phá không gian công nghệ đang phát triển của cả hai quốc gia, nhằm nhận diện các điểm giao thoa giữa đổi mới tài chính (fintech) của Thụy Sĩ và năng lực kỹ thuật số của Việt Nam.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133