Bộ Tài chính đã có văn bản số 16058/BTC-TCT ngày 26/11/2010 gửi BIDV trả lời về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng. Xung quanh văn bản này, cộng đồng các công ty chứng khoán chưa nhất trí, về phía Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI ) thì có quan điểm ngược với Tổng Cục thuế, vì vậy VAFI làm văn bản này gửi tới Bộ Tài chính:
1/ Tại văn bản 16058/BTC-TCT đã khẳng định: Công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng và thu phí không phải là hoạt động kinh doanh chứng khoán. Do đó CTCK phải kê khai nộp thuế GTGT với mức thuế suất GTGT là 10% đối với phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.
* Kết luận trên được dẫn chiếu bởi các căn cứ sau : ( trích tư công văn 16058 )
– Tại tiết a, b điểm 8 Mục II Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của BTC hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT qui định đối tượng không chịu thuế GTGT :
“ a/ Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức: Cho vay; chiết khấu và tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác theo qui định của pháp luật do các tổ chức tài chính, tín dụng tại VN cung ứng .
b/ Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, các hoạt động khác theo qui định của pháp luật về chứng khoán”.
– Tổng cục Thuế lấy thêm 1 căn cứ tại Luật chứng khoán (Khoản 19 Điều 6) : “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”
* Có lẽ từ các căn cứ trên mà người soạn thảo văn bản nghĩ rằng Nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán không phải là hoạt động kinh doanh chứng khoán (vì không được đề cập cụ thể trong nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT ).
2/ Phân tích của VAFI :
a/ Khái niệm về dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán:
– Có lẽ Chưa được qui định cụ thể trong các văn bản dưới Luật CK;
– Khi bán chứng khoán xong, theo qui trình thanh toán thì phải sau 3 ngày làm việc, tiền bán chứng khoán mới về tài khoản nhà đầu tư; Vì lý do nào đấy, do cần tiền để chi tiêu hay lại mua tiếp chứng khoán, nhà đầu tư sẽ có ngay tiền bán chứng khoán sau khi giao dịch bán với điều kiện phải mất 1 khoản phí được gọi là phí ứng trước tiền bán chứng khoán .
– Bản chất của nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ cấp tín dụng cho nhà đầu tư: khi bán chứng khoán xong, phải sau 3 ngày làm việc tiền mới về tài khỏan, muốn có tiền ngay, nhà đầu tư phải vay tiền từ công ty chứng khoán hoặc từ ngân hàng, tài sản thế chấp chính là dòng tiền bán chứng khoán về sau.
– “Phí dịch vụ ứng trước chứng khoán” được tính toán trên cơ sở mức lãi vay của 1 ngày nhân với số ngày cần vay. Số ngày cần vay có thể là 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn là 5 ngày hoặc 7 ngày ( nếu tính cả ngày nghỉ, ngày lễ ).
– Mức lãi vay 1 ngày hiện nay khoảng 0,06%/ ngày. Mức lãi vay này luôn luôn biến động tùy theo lãi suất huy động và cho vay của thị trường tín dụng .
– Đa phần các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ này đều không có đủ tiền, phải liên doanh hoặc vay vốn từ các ngân hàng thương mại để thực hiện nên công ty chứng khoán không thể ấn định “mức phí”.
– Từ phân tích trên để thấy rằng về bản chất “ Phí dịch vụ ứng trước chứng khoán” không phải là 1 khoản phí dịch vụ, (chỉ là thuật ngữ quen thuộc trên thị trường), nó là dịch vụ tín dụng. Và đã là dịch vụ cấp tín dụng thì không chịu thuế GTGT .
b/ Cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là hoạt động kinh doanh chứng khoán :
– Cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là 1 nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán cơ bản và rất phổ biến cho nhà đầu tư tại tất cả các công ty chứng khoán. Nghiệp vụ này diễn ra thường xuyên hàng ngày và còn phổ cập hơn các nghiệp vụ cơ bản khác như tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán…
– Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán có tác dụng làm tăng tính thanh khoản cho thị trường và rất lành mạnh;
– Về khía cạnh pháp lý:
+ Điều 60 Luật Chứng khoán 2006 đã qui định:
“Công ty chứng khoán được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh dưới đây:
> Môi giới chứng khoán;
> Tự doanh chứng khoán;
> Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
> Tư vấn đầu tư chứng khoán
Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh qui định như trên, CTCK được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác”
+ Như vậy ngoài 4 nghiệp vụ kinh doanh nói trên, vẫn còn các nghiệp vụ kinh doanh khác cần phải được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật như dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, dịch vụ ký quỹ….
+ Chính vì vậy tại tiết b điểm 8 Mục II Phần A Thông tư 129/2008/TT-BTC đã qui định : “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, các hoạt động khác theo qui định của pháp luật về chứng khoán”.
3/ VAFI đề nghị:
– UBCKNN nên có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế để xác nhận rằng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là 1 nghiệp vụ kinh doanh của CTCK và nên giải thích về bản chất của “Phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán”;
– Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nên xem xét lại vấn đề này và nhanh chóng có văn bản phản hồi để các công ty chứng khoán có cơ sở làm báo cáo tài chính cho đúng Luật.
– Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang èo uột trầm lắng như hiện nay, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đã có văn bản trình Chính phủ và Quốc Hội cho miến thuế đối với nghiệp vụ chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức cho nhà đầu tư cá nhân đến hết năm 2012, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này và được cộng đồng các nhà đầu tư hoan nghênh. Hy vọng rằng những vước mắc mà VAFI đề cập như trên sẽ được giải quyết thỏa đáng