Suy nghĩ về nhiệm vụ chủ yếu cụ thể của Tân Bộ trưởng Tài chính và Tân Thống đốc

Ỏ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế nước ta, vai trò vị trí của  Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương thể hiện là  những Bộ quan trọng nhất với sự ổn định và phát triển kinh tế, vì thế nhiệm vụ của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng nhà nước là vô cùng nặng nề; Vậy thì nhiệm vụ của Bộ trưởng BTC & Thống đốc ngân hàng là gì ? Nếu căn cứ theo qui định của pháp luật thì các chức danh này có rất rất nhiều nhiệm vụ (do là các siêu bộ), làm cách nào để định lượng được Bộ trưởng BTC và Thống đốc ngân hàng sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ này ? Rất khó xác định vì các Bộ trưởng mới được bổ nhiệm chưa có nhiều thời gian trước đó để xây dựng cho mình 1 chương trình hành động cụ thể, vì thế Thủ tuớng chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng mới nhậm chức là phải nhanh chóng có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ;

Về tiêu chí xác định Bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng các Bộ trưởng chỉ cần hoàn thành những nhiệm vụ chủ chốt của Bộ mình theo năm và theo nhiệm kỳ, những nhiệm vụ chủ chốt này phải được cụ thể hóa bằng những mục tiêu rất cụ thể;

Về nhiệm vụ chủ yếu và cụ thể của Bộ trưởng TC và Thống đốc, VAFI suy nghĩ rằng phải đưa mức lãi suất cho vay hàng năm xuống khoảng 12%/năm là hoàn thành nhiệm vụ . Đây là 1 chỉ tiêu tổng hợp, nếu hạ được lãi suất cho vay xuống 12 %/năm một cách bền vững thì đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu vỹ mô quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP, giảm bội chi ngân sách, giảm thâm hụt thương mại, ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát được lạm phát, phát triển thị trường chứng khoán, đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước……

Đưa mức lãi suất cho vay về  12%/năm có khó lắm không ? Rất khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay và khó nếu như các Bộ trưởng không xác định được đầy đủ hệ thống giải pháp cần thiết để thực thi. Tuy nhiên mức lãi suất 12% đã từng tồn tại trong giai đoạn 2003 – 2007 và trong các năm 2006, 2007 – Thời kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán VN thì lãi suất cho vay đã xuống tới mức 8%/năm  – 10%/ năm (đây là thời kỳ tiền đi tìm dự án chứ không phải như bây giờ là dự án đi tìm tiền ).

Để đạt được mục tiêu chiến lược như trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau:

1/ Ý kiến chung  với  Bộ trưởng và Thống đốc :

1.1.  Phải có cơ chế chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, đồng thời có cơ chế ngăn cản dòng tiền nhàn rõi đầu tư vào những kênh không có lợi cho nền kinh tế như đầu tư vàng ngoại tệ, bất động sản…

+ Hiện nay dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và TTCK chỉ khoảng 35%, số còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi cho nền kinh tế ;

+ Tại sao lãi suất huy động và cho vay của các nước trong khu vực và trên thế giới rất thấp ( thấp hơn nước ta khoảng 4 – 5 lần ), bởi vì họ có chính sách hoàn hảo để hướng khoảng 90% dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng và TTCK, trong dòng vốn này, cơ cấu đưa vào ngân hàng và TTCK là 7 : 3 );

+ Đầu tư vào vàng là không có lợi cho nền kinh tế và lại còn bất lợi hơn so với đầu tư vào ngoại tệ vì dòng vốn đầu tư vào vàng là dòng vốn chết, không đưa được vào sản xuất kinh doanh, tuy nhiên kinh doanh vàng miếng và đầu tư vàng miếng hiện nay rất “thoải mái tự do” không cần giấy phép của ngành và không thu thuế với cá nhân kinh doanh vàng, trong khi cá nhân đầu tư vào chứng khoán thì cực kỳ rủi ro nhưng phải chịu hai loại thuế là thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức ? ( phiên họp Quốc Hội vừa qua mới chỉ tạm thời cho phép miễn giảm thuế chuyển nhượng và thuế cổ tức trong khoảng thời gian ngắn ) ;

1.2. Cần phải xác định lại mức độ bội chi ngân sách hàng năm và chỉ tiêu phát hành trái phiếu chính phủ ( có tính cả các khoản bảo lãnh ) ở mức hợp lý ?

+ Không nên xem chỉ tiêu nợ quốc gia/ GDP bằng khoảng 50%  là ngưỡng an toàn (theo thông lệ quốc tế) vì lãi suất huy động trái phiếu chính phủ của ta gấp 3 lần so với các nước, điều đó đồng nghĩa với việc tiền lãi phải trả gấp 3 lần so với các nước ) ;

+ Cần nhanh chóng cắt giảm và hạn chế tối đa việc chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp ;

+ Có kế hoạch đề xuất với Chính phủ cân bằng ngân sách trong 5 năm tới ;

1.3. Ngành tài chính và ngân hàng nên cùng nhau xúc tiến việc điều tra các khoản nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng mà NHNN chưa có số liệu chính xác, để từ đó nhanh chóng có giải pháp nhằm xử lý nhanh các khoản nợ xấu trong 1 số ngành kinh tế đang gặp khó khăn ;

1.4. Vấn đề trọng dụng nhân tài :

+ Nếu xét theo tiêu chí hội nhập, thì có hàng ngàn vấn đề đang tồn tại trong ngành tài chính, ngân hàng cần phải giải quyết để góp phần đưa đất nước nhanh chóng tiến lên ;

+ Bộ máy tham mưu giúp việc phải giỏi thì mới giúp cho Bộ trưởng hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy nhiên đội ngũ tham mưu giúp việc hiện nay ở ngành ngân hàng tài chính nhìn chung còn chậm đổi mới, bảo thủ và chưa đạt yêu cầu hội nhập, nguời biết làm cỗ thì ít ( những người có sáng kiến, có năng lực hoạch định chính sách đúng hiệu quả ), nguời ăn cỗ thì nhiều, nhiều lãnh đạo chỉ biết phán mà lại hay phán sai ;

+ Đề nghị các Bộ trưởng chú trọng thu hút nhân tài trong khâu tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm, đồng thời mạnh dạn thay thế những cán bộ lãnh đạo không có tầm nhìn, yếu kém về năng lực hoạch định chính sách . Các Bộ trưởng nên đẩy mạnh việc thu hút nhân tài trong xã hội để bổ sung cho đội ngũ tham mưu giúp việc.

+ Đề nghị các Bộ trưởng nên dành nhiều thời gian đi thực tế, lắng nghe có chọn lọc những ý kiến góp ý phản biện trong công luận ;

+ Tăng cường sử dụng và  tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp và phản biện chính sách từ các chuyên gia kinh tế tài chính nước ngoài vì họ đã có kinh nghiệm về quản lý thị trường tài chính ngân hàng – Nếu tổ chức tốt công tác này thì có thể coi là công tác bổ sung nguồn nhân lực cho bộ máy điều hành….

2/ Góp ý kiến với Tân Thống đốc ngân hàng nhà nước :

2.1. Thị trường vàng hiện nay hầu như bị buông lỏng quản lý hay nói cách khác là NHNN chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý thị trường này .

+ Vàng có thể được coi như ngoại tệ, ngoại tệ thì bị cấm mua bán trên thị trường tự do, còn vàng không bị cấm, được mua bán và đầu cơ thoải mái mà không bị đóng thuế, có hàng ngàn cửa hàng vàng kinh doanh vàng nhưng thực chất là có cả kinh doanh ngoại tệ ;

+ Cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do mà không có những giải pháp hạn chế kinh doanh vàng miếng thì làm sao bình ổn đuợc thị trường ngoại hối 1 cách bền vững ?

+ Vừa qua NHNN lấy ý kiến công luận về dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng, thông điệp chính sách này đã không thành công, bằng chứng là trong thời gian gần đây và nhất là những ngày vừa qua thị trường kinh doanh vàng miếng lại nhảy múa và đã tác động tới thị trường ngoại hối, vì thế Dự thảo Nghị định này chưa thể được ban hành và cần sửa đổi toàn diện theo Dự thảo cũ .

+ Về quản lý thị trường vàng, nhiệm vụ đặt ra cho tân Thống đốc là phải có giải pháp để kiểm soát triệt để thị trường này, chấm dứt cung cách quản lý theo kiểu cho xuất vàng và nhập vàng ;

2.2. Về thị trường ngoại hối, cần nhanh chóng có qui định thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, tiếp tục khống chế và hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong khu vực dân cư xuống mức 1%/năm ;

2.3. Để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại có cơ hội nhiều hơn trong việc huy động vốn, nên tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 35%/vốn điều lệ, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần không có quyền biểu quyết ở mức 10%/vốn điều lệ ;

2.4. Có cơ chế chính sách để giảm từ 15%- 20% số lượng các ngân hàng cổ phần thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể và quốc hữu hóa ( thông qua việc thâu tóm từ ngân hàng cổ phần nhà nước ) nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại ;

2.5. Không cho phép thành lập các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm, các công ty kinh doanh vàng trực thuộc các tổ chức tín dụng vì việc thành lập các tổ chức mới này là không có hiệu quả cho hệ thống ngân hàng cũng như cho nền kinh tế ;

3/ Góp ý với Tân Bộ Trưởng Bộ Tài chính :  

3.1. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần làm ngay là phải sử  dụng công cụ thuế và phí để :

+ Tăng các loại thuế và phí để chống nhập siêu, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền, những mặt hàng mà trong nước có khả năng sản xuất được ( dư địa chính sách còn nhiều ) ;

+ Giảm thuế và phí ở một số ngành hàng xuất khẩu chưa có ưu thế cạnh tranh ;

+ Giảm 50% thuế VAT ở 1 số ngành kinh tế đang gặp khó khăn về đầu ra, vay nợ nhiều và có nguy cơ bị phá sản ( hiện nay đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề ) như ngành sửa chữa đóng tàu, vận tải biển, sản xuất xi măng ;

+ Miễn tất cả các lọai thuế và phí đối với ngành kinh doanh vận tải công cộng : Từ mua sắm linh kiện, phương tiện vận tải đến các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm kích thích phát triển vận tải công cộng, hạn chế ùn tắc giao thông, bù lại cần có chính sách hợp lý để tăng thuế nhập khẩu xăng dầu ở những thời điểm thích hợp ;

+ Miễn các loại thuế VAT, thuế nhập khẩu cho nguyên liệu, thức ăn gia súc, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành hàng kinh doanh gia súc để kích thích ngành chăn nuôi phát triển, tăng cung cho thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần cải thiện đời sống của người dân .

3.2. Bộ trưởng cần quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán, TTCK không thể không quan tâm đặc biệt vì nó là mặt trận kinh tế hàng đầu, phát triển được TTCK thì hệ thống doanh nghiệp, trong đó có hệ thống ngân hàng sẽ được bơm vốn, tăng khả năng tài chính đồng thời có điều kiện giảm giá thành sản phẩm và là điều kiện tiên quyết để hạ lãi suất cho vay :

+ Bộ trưởng tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Thứ trưởng tài chính Nguyễn Thị Băng Tâm là những người có công lớn trong việc tạo những nền tảng cơ bản để hình thành nên thị trường chứng khoán ; Trong giai đoạn 2004 -2007, ngay từ thời điểm UBCKNN được chuyển giao về Bộ Tài chính, Bộ trưởng Sinh Hùng luôn coi TTCK là công việc ưu tiên hàng đầu, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý luôn luôn có những giao ban, chỉ thị nhắc nhở, thúc giục các đơn vị thuộc Bộ hoạch định những chính sách cần thiết, những chính sách đột phá để phát triển TTCK và kết quả là TTCK đã đạt được nhiều kết quả ngoài ý muốn của các thành phần tham gia thị trường;

+ Tuy nhiên TTCK hiện nay rất èo uột ảm đạm, nhiều chức năng cơ bản của TTCK như là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, hay duy trì niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản… đã gần như bị vô hiệu. Những bất ổn vỹ mô trong thời gian qua có tác động đến TTCK nhưng chỉ 1 phần, hoạt động kém hiệu quả của TTCK như giai đoạn hiện nay là kết quả của sự chỉ đạo, quản lý yếu kém từ lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực chứng khoán đến hoạt động kém hiệu quả và không có tầm nhìn của lãnh đạo UBCKNN ;

+ Đã đến lúc cần phải có những giải pháp toàn diện ( VAFI đã chuẩn bị và sẽ công bố ) để cải tổ 1 cách toàn diện theo chiều sâu về hoạt động của TTCK.

3.3. Cần cải tổ cơ chế hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước thuộc diện không cổ phần hóa hay chưa cổ phần hóa nên theo hướng :

+ Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà nhà nước nắm giữ 99%/vốn điều lệ để thành công ty công chúng có chế độ công bố thông tin và chế độ tài chính thường xuyên được minh bạch và được giám sát từ công chúng ;

+ Chủ sử hữu nhà nước cần đòi hỏi khối doanh nghiệp này phải hoạt động có lãi và qui định  nộp tiền cổ tức về cho ngân sách nhà nước ;

+ Nếu thực hiện cơ chế này với khoảng 90% khối DNNN không thuộc diện cổ phần hóa hay chưa cổ phần hóa thì hàng năm ngân sách nhà nước sẽ thu được tiền cổ tức khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước ;

3.4. Cần cơ chế để chuyển đổi toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thành công ty cổ phần để cho các doanh nghiệp này hoạt động cạnh tranh hiệu quả  và giảm chi phí bao cấp của nhà nước ;

Tin Liên Quan

024 3972 8133