Lãnh đạo Bộ Tài chính và SSC thường hay trách công chúng đầu tư là đầu tư theo phong trào hay tâm lý đầu tư bầy đàn còn phổ biến trên TTCK. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng không có gì khó hiểu vì đông đảo nhà đầu tư cá nhân trên TTCKVN đều biết được điều này, tuy nhiên để lý giải nguyên nhân gì dẫn đến “ tâm lý đầu tư bầy đàn “ và cần những giải pháp gì để khắc phục tồn tại này thì nhà hoạch định chính sách hay nhà quản lý thị trường chưa bao giờ quan tâm tới , vì vậy Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra những đề xuất để giải quyết hạn chế trên :
I/ Tại sao lại có tâm lý đầu tư bầy đàn :
– Nhà đầu tư cá nhân còn thiếu nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về TTCK do TTCK còn non trẻ, mặt khác vai trò của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức chứng khoán thuộc SSC còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao;
– Chúng ta chưa có những tổ chức định mức tín nhiệm có tên tuổi trên thế giới hoạt động tại VN, nếu có các tổ chức này thì việc đánh giá doanh nghiệp về những phương diện như đánh giá tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, phân tích kinh tế ngành , kinh tế vỹ mô hay cách thức đánh giá những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng các nhà đầu tư. Nhận thức hạn chế này, cách đây 4 năm , VAFI đã có nhiều hoạt động để xúc tiến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cũng như mời gọi các tổ chức có uy tín trên thế giới vào đầu tư tại VN, tuy nhiên qua 4 năm kiến nghị thì cho tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa xúc tiến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho công ty định mức tín nhiệm ra đời và hoạt động tại VN. Có thể BTC còn bận nhiều việc , vì vậy đề nghị BTC giao cho VAFI làm tư vấn hoạch định chính sách nhằm soạn thảo khung khổ pháp lý cho công ty định mức tín nhiệm ra đời và hoạt động ( VAFI không đòi hỏi phí tư vấn mà coi đây là 1 nghĩa vụ để đóng góp cho thị trường vốn ).
– Trong các hoạt động đầu tư chứng khoán cũng như nhìn vào cấu trúc cổ đông của doanh nghiệp nước ta thì còn thiếu vắng vai trò của các nhà đầu tư tổ chức, nhất là tổ chức trong nước, thế hiện :
+ Vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế ;
+ Trong các giao dịch mua bán chứng khoán trên thị truờng chính thức và phi chính thức thì tỷ trọng giao dịch của các tổ chức đầu tư trong nước chỉ chiếm khoảng 5% so với lượng vốn của các nhà đầu tư cá nhân trong nước ;
+ Nhìn vào cấu trúc cổ đông của các doanh nghiệp VN, nếu không tính cổ phần nhà nước thì tỷ trọng cổ đông tổ chức trong 1 doanh nghiệp ( có tính cả nhà đầu tư nước ngoài ) chiếm chưa tới 20% vốn điều lệ, còn nếu tính tỷ lệ cổ đông tổ chức trong nước trong 1 doanh nghiệp thì tỷ lệ bình quân không tới 5% / vốn điều lệ.
– Tại các TTCK khu vực cũng như trên thế giới, vai trò của các nhà đầu tư có tổ chức là rất quan trọng trong hoạt động giao dịch chứng khoán cũng như trong công tác quản trị doanh nghiệp :
+ Hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức mang tính dẫn dắt thị trường vì giao dịch của họ chiếm tỷ trọng từ 70%-80% giao dịch toàn thị trường, còn ở ta thì tỷ lệ ngược lại. Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm phổ biến, do đó nảy sinh tâm lý đầu tư bầy đàn và hay làm tổn thuơng thị trường .
+ Trong cấu trúc cổ đông , do thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức nên gây ra tình trạng cấu trúc lỏng, tức là luôn luôn có sự thay đổi về cổ đông trong 1 công ty cổ phần và đa phần nhà đầu tư cá nhân đếu có khuyên hướng đầu tư ngắn hạn và không quan tâm tới công tác quản trị doanh nghiệp.
+ Chúng ta cần phải tạo ra 1 cấu trúc cổ đông có tổ chức để làm nền tảng thúc đẩy quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm này trước hết thuộc về các nhà hoạch định chính sách.
II/ Những giải pháp để thúc đẩy sự ra đời và phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước :
– Các nhà đầu tư tổ chức trong nước đóng 1 vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển thị truờng cũng như cho sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp VN, cần phải có những giải pháp nền tảng để làm tăng qui mô của NĐTTC lên gấp ngàn lần so với hiện nay, đây cần phải được xem như là 1 chiến lược phát triển TTCK và chiến lược phát triển ngành tài chính.
– Giải pháp thì có nhiều, tuy nhiên trong văn bản này chúng tôi chỉ đề cập tới vài giải pháp cơ bản, đồng thời đi sâu vào giải pháp xây dựng chính sách thuế hợp lý để thúc đẩy sự ra đời của TCĐTTN.
– Đây là 1 thông lệ phổ biến trên thế giới, các nước trong khu vực như Hongkong, Singapore, Thailand, Indonexia, Malaysia, Philipine ….đều thực hiện điều này.
– Tại sao lại có thông lệ này :
+ Nhằm định hướng việc thu hút các dòng vốn gián tiếp nứoc ngoài, định hướng ở đây là tăng cường thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn nhằm đảm bảo sự ổn định của TTCK cũng như ổn định về cấu trúc cổ đông.
+ Khuyến khích các tổ chức tài chính nước ngoài tăng cường sự hiện diện ở trong nước bằng cách lập công ty thay vì mở văn phòng đại diện hay thậm chí không hiện diện tại nuớc sở tại – Đây cũng là cách thức nhằm giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới thông qua các định chế tài chính này.
2/ Cần khuyến khích các công ty quản lý quỹ nước ngoài thực hiện hợp tác với các công ty trong nước dưới hình thức lập công ty liên doanh hay lập quỹ đầu tư liên doanh.
– Để thực hiện việc này thì cần coi các quỹ liên doanh hay công ty quản lý quỹ liên doanh ( thực hiện thành lập theo pháp luật VN ) là các pháp nhân trong nước.
– Nếu thực hiện được việc này thì sẽ đẩy nhanh việc phát triển ngành công nghiệp quản lý quỹ .
– Đây cũng là 1 thông lệ phổ biến trên thế giới.
3/ Tổ chức đầu tư trong nước phải được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế như nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài :
3.1/ Phân tích những vấn đề còn tồn tại trong chính sách thuế về đầu tư chứng khoán :
– Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ( pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài thì áp dụng hình thức thuế khoán ( thuế thu nhập chứng khoán = tổng giá bán x 0,1%) – đây là 1 hình thức phù hợp theo thông lệ quốc tế và và đáp ứng được việc thu thuế đơn giản đối với những tổ chức nước ngoài không cần có mặt ở VN.
– Nhà đầu tư cá nhân ( trong nước và nước ngoài ) cũng thu theo hình thức thuế khoán ( Luật thuế thu nhập cá nhân ) – Đây là hình thức phù hợp nhất.
– Đối với nhà đầu tư là pháp nhân trong nước thì thu nhập tính thuế = doanh thu bán chứng khoán – giá mua chứng khoán – chi phí và số thuế phải nộp được và nhân với thuế suất 25% ( theo Luật thuế thu nhập DN). Đây là 1 mức thuế quá cao nếu so với đối tượng là tổ chức nước ngoài và cá nhân đầu tư chứng khoán và cũng như rất cao so với thông lệ quốc tế.
– Như vậy thực tế chúng ta có 2 phương pháp tính thuế và thu thuế khác nhau cho 2 loại đối tượng kinh doanh chứng khoán .
– Khi mà phương pháp tính thuế không đồng nhất cho mọi đối tượng thì đã tạo 1 sân chơi không bình đẳng trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế :
+ Nhiều pháp nhân trong nước có hoạt động đầu tư chứng khoán ( thường là những doanh nghiệp không có bộ máy tổ chức bài bản ) thì tìm cách lách thuế để tránh việc phải đóng thuế cao như giao tiền cho cá nhân kinh doanh chứng khoán để được miễn thuế , hay việc mua bán cổ phiếu 0TC thì kê giá mua cao, bán gía thấp trong các hợp đồng mua bán với cá nhân để nhăm tạo thu nhập lỗ hoặc lãi ít. Trong trường hợp kinh doanh thua lỗ thì kê khai trích lập dự phòng nghiêm chỉnh để được giảm thuế , như vậy những đối tượng doanh nghiệp này áp dụng cả 2 phương pháp tính thuê mà cơ quan thuế không thể phát hiện được. Trong những trường hợp như thế này thì 1 trong những nguyên nhân xảy ra vi phạm là cũng do cơ chế chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp còn bất hợp lý .
+ Những doanh nghiêp hoạt động bài bản và công khai minh bạch thì không thể áp dụng cách thức hạch toán như trên và như vậy họ phải chịu thiệt thòi do cơ chế .
– Từ những bất cập về cơ chế thuế hiện hành dẫn đến hậu quả :
+ Nếu các nhà đầu tư thành lập quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty chuyên đầu tư chứng khoán thì phải chịu thuế cao rất nhiều so với cá nhân và tổ chức nước ngoài , vì vậy trên thực tế họ không thích thành lập pháp nhân mà chỉ muốn đầu tư theo hình thức cá nhân để không bị thu thuế cao.
+ Chỉ một số ít người rất giỏi về đầu tư chứng khoán và có uy tín kinh nghiệm thì mới mạnh dạn thành lập công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, họ dùng tài năng chất xám để bù vào những thua thiệt do phải đóng thuế cao.
+ Thị trường chứng khoán hoạt động được 8 năm nhưng cho đến nay ngành công nghiệp quản lý quỹ VN mới chỉ có 32 công ty quản lý quỹ và 20 quỹ đầu tư chứng khoán. Đây là 1 con số quá ít ỏi nếu so với các ngành công nghiệp dịch vụ khác có hàng ngàn doanh nghiệp, con số này cũng quá nhỏ nếu nói về Qui mô vốn của các quỹ đầu tư chúng khoán VN. Tổng quy mô vốn của các quỹ đầu tư chứng khoán VN chỉ bằng các quỹ của 1 công ty quản lý quỹ nước ngoài có mặt tại VN ở qui mô vừa.
+ Như vậy rào cản về chênh lệch trong nghĩa vụ đóng thuế trên thực tế không thuyết phục được nhiều người lập quỹ đầu tư hay bỏ vốn vào các quỹ đầu tư.
+ Do trong nươc còn quá ít các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nên lực lượng là các nhà dầu tư tổ chức trong nước còn quá yếu, với thực tế này thì ngành công nghiệp đầu tư chứng khoán VN chưa thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán dẫn tơi tâm lý đầu tư theo phong trào hay tâm lý bầy đàn đang ở thế áp đảo hiện nay – Điều này ngược với thông lệ quốc tế.
2/ Giảm Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức đầu tư trong nước liệu có cải thiện được những bất cập của chính sách thuế hiện hành hay không ?
– Tính toán mức thuế suất là bao nhiêu cho hợp lý và để trình các cấp có thẩm quyền là 1 việc không hề đơn giản.
+ Khi mà mức thuế suất của hoạt động đầu tư chứng khoán ở mức thấp hơn các ngành khác thì có quan điểm lại cho rằng hoạt động đầu tư chứng khoán có sự ưu đãi mà nhiều người còn không hiểu rằng đầu tư chứng khoán là 1 hoạt động đầy rủi ro. Thực tế đang diễn ra trên TTCK chỉ ra rằng nhiều loại giá chứng khoán đã giảm giá trị trên 60%, nếu so với giá của năm 2007 . Tình hình hiện nay là hầu như gần 100% nhà đầu tư bị thua lỗ, nếu có đơn vị nào báo cáo lãi thì đó là lãi để dành từ những năm trước hay là từ việc mua chứng khoán rẻ từ 2 năm trở về trước.
+ Thực ra nhà đầu tư hay bất kỳ doanh nghiệp nào đều không muốn chính sách ưu đãi của nhà nước mà đòi hỏi 1 chính sách bình đẳng và sòng phẳng. Nếu nhà nước nhận thắy rằng việc phát triển TTCK nhằm phát triển kinh tế, là tạo nếp văn hoá công khai minh bạch về tài chính sẽ có lợi cho đất nước thì đòi hỏi nhà nước phải có 1 chính sách đúng đắn và hợp lý. Một khi hoạt động đầu tư chứng khoán phát triển thì sẽ ngày càng tạo áp lực cho đông đảo doanh nghiệp tiến hành công khai minh bạch về tình hình tài chính và như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng lên nhiều mà không cần đòi hỏi nhiều hoạt động thanh tra kiểm tra về thuế tại các doanh nghiệp, như vậy hoạt động đầu tư chứng khoán là 1 đòn bẩy để gia tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Trong trường hợp thuế suất thấp thì những bất cập về nghĩa vụ nộp thuế vẫn xảy ra tình trạng như phân tích trên, tất nhiên những vi phạm sẽ giảm đi nhiều, tuy nhiên lại vẫn xảy ra những mâu thuẫn giữa các nhóm đối tượng như trên :
+ Khi kinh doanh chứng khoán thua lỗ thì nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân trong nước vẫn phải nộp thuế khoán, còn nhà đầu tư tổ chức trong nước không phải nộp thuế do chính sách trích giảm dự phòng giảm giá chứng khoán và do được bù lỗ .
3/ Thông lệ quốc tế và khuyến nghị của VAFI :
– Hoạt động kinh doanh chứng khoán là rất đặc thù so với các ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ :
+ Kinh doanh chứng khoán là 1 hoạt động đẩy rủi ro nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp , là 1 công cụ thúc đẩy công khai minh bạch và công cụ giám sát tài chính.
+ Tham gia vào hoạt động kinh doanh chứng khoán có nhiều đối tượng bên cạnh các pháp nhân trong nước như nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài hiện diện và không hiện diện tại VN… Tất cả những đối tượng này đều phải tham gia trên 1 sân chơi, đều được bình đẳng về kinh doanh cũng như nghĩa vụ nộp thuế và như vậy cần phải có 1 phương pháp tính thuế thống nhất .
– Thông lệ phổ biến trên thế giới , Có 2 phương pháp :
+ Phương pháp thuế khoán ( Lumpsum Tax ) được tính trên giá bán với 1 mức thuế suất phù hợp với tình hình phát triển của TTCK từng nước.
+ Phương pháp : (Giá bán – Giá mua trung bình ) x thuế suất ( còn gọi là phương pháp Capital gain Tax – CGT) . Phương pháp này có ưu điểm so với phương pháp trên là khi bị lỗ thì nhà đầu tư chịu thuế thấp hơn, nhưng về bản chất cũng là thuế khoán vì không bao hàm chi phí .
+ Cả 2 phương pháp thường đều tính trên 1 lần giao dịch bán chứng khoán để tiện cho công tác thu thuế và kiểm tra thuế. Tuy nhiên phương pháp CGT phù hợp khi thị trường OTC được quản lý chặt chẽ và có lưu giữ giá mua giá bán chứng khoán hàng ngày tại Sở giao dịch chứng khoán để thuận lợi cho công tác tính thuế và kiểm tra thuế.
– Đề xuất của VAFI về phương pháp tính thuế cho mọi đối tượng đầu tư chứng khoán :
+ Hoạt động đầu tư chứng khoán là 1 hoạt động rất đặc thù, vì vậy cần có những qui định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn dưới Luật để phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời tạo 1 sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng.
+ Nhà đầu tư tổ chức trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân đầu tư phải cùng 1 phương pháp tính thuế.
+ Trong giai đoạn hiện nay của TTCK, khi mà thị trường OTC chưa đi vào hoạt động thì nên áp dụng phương thức thuế khoán cho mọi đối tượng đầu tư chứng khoán, còn về mức thuế suất sẽ được điều chỉnh tăng theo sự phát triển ổn định của TTCK trong từng thời kỳ.
+ Khi thị trường OTC được xây dựng hoàn chỉnh thì nên áp dụng phương pháp CGT cho mọi đối tượng
+ Bộ Tài chính nên căn cứ vào Luật Quản lý thuế để tạo lập 1 phuơng pháp tính thuế thống nhất cho mọi đối tượng đầu tư chứng khoán, đồng thời chấm dứt tình trạng trốn thuế hay lách thuế, có như vậy mới thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp quản lý quỹ nước nhà.
Trên đây là ý kiến của VAFI, kèm theo văn bản này, có 1 phụ lục nói về chính sách thuế đối với đầu tư chứng khoán của Trung Quốc .