Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm như hiện nay thì đòi hỏi phải có nhiều giải pháp làm cho môi trường đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn nhằm gia tăng lượng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế . Một trong những giải pháp đó là cần tập trung tạo lập hàng hoá chủ chốt cho thị trường, đó là những doanh nghiệp có mức vốn hoá lớn & kinh doanh hiệu quả, vì vậy Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin trình bày giải pháp tạo hàng hoá trọng điểm như sau:
1/ Danh sách các doanh nghiệp cần niêm yết trong năm 2009 :
– Ngân hàng TMCP Vietcombank ;
– Ngân hàng Vietincombank ;
– Tổng công ty cổ phần Bia rượu Nước Giải khát Sài Gòn ( Sabeco );
– Tổng công ty cổ phần Bia rượu Nước Giải khát Hà Nội ( Habeco );
– Công ty điện thoại di động Mobifone ;
2/ Tập trung đưa các doanh nghiệp này lên sàn trong năm 2009 với các lý do :
– 4/5 doanh nghiệp trên đều là những doanh nghiệp có mức vốn hoá trên 1 tỷ đô la, kinh doanh hiệu quả và có nhiều tiềm năng phát triển ; Việc hoàn thành niêm yết 5 doanh nghiệp này sẽ làm cho qui mô vốn hoá của TTCK tăng lên khoảng 50% và làm thay đổi kết cấu hàng hoá ;
– Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhất là các tổ chức đầu tư lớn chỉ thích đầu tư vào các doanh nghiệp lớn có mức vốn hoá trên 1 tỷ đô la, vì vậy giải pháp này sẽ làm gia tăng lượng vốn đầu tư nước ngoài , đồng thời kích thích TTCK phát triển ;
– Làm tăng tính hội nhập của TTCKVN ;
– 5 doanh nghiệp trên đều có tài sản nhà nước lớn nên đòi hỏi cần tăng tốc độ về thay đổi quản trị doanh nghiệp để làm cho tài sản nhà nước được quản lý hiệu quả hơn ;
– Khi thực hiện cổ phần hoá 4/5 doanh nghiệp trên ( trừ Mobifone ), các doanh nghiệp này đều cam kết sau cổ phần hoá sẽ tiến hành niêm yết ngay, việc thúc đẩy niêm yết các doanh nghiệp này nhằm đảm bảo thực hiện lời cam kết với các nhà đầu tư , tuy nhiên việc thúc đẩy tiến độ niêm yết sẽ còn tuỳ thuộc nhiều vào sự quan tâm của các cơ quan đại diện cổ phần nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước VN….
3/ Khả năng thực hiện niêm yết 5 doanh nghiệp trên trong năm 2009 :
– Trong 5 doanh nghiệp này thì công ty Mobifone chưa đuợc chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhưng đã hoàn tất những bước cơ bản của cổ phần hoá, nhất là khâu định giá và có thể tiến hành thành công IPO và niêm yết trong năm 2009 ;
– Việc đẩy nhanh niêm yết 5 doanh nghiệp này chỉ là quan tâm giải quyết những công việc liên quan đến thủ tục hành chính , là những công việc đơn giản chứ không phải là giải quyết những vấn đề đầy khó khăn như chống lạm phát hay chống khủng hoảng ;
– Tuy nhiên giải quyết những công việc thủ tục hành chính hay liên quan trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước thì luôn là 1 thách thức lớn. Chẳng hạn việc tiến hành cổ phần hoá Vietcombank phải kéo dài tới 4 năm, sau khi IPO VCB xong thì phải mất 8 tháng mới tiến hành đại hội cổ đông được, trong khi đó đối với nhiều doanh nghiệp tiến trình cổ phần hoá chỉ hoàn tất trong 1 năm. Đối với việc cổ phần hoá Vietcombank, tiền của nhà đầu tư bị treo mất 8 tháng mà hầu như không được hưởng cổ tức, đó là 1 thiệt hại cho nhà đầu tư.
– Để hoàn thành việc niêm yết 5 doanh nghiệp này thì Chính phủ cần giao cho Bộ Tài chính là đầu mối tham mưu và đôn đốc . Cơ quan tham mưu cần phải xây dựng lộ trình cụ thể ( những bước công việc cụ thể ) cho từng doanh nghiệp.
4/ VAFI đề xuất lộ trình niêm yết cho 5 doanh nghiệp :
– Ngân hàng Vietcombank :
+ Đã nộp hồ sơ niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cách đây hơn 1 tháng ;
+ Bộ Tài chính, UBCKNN, SCIC cần chỉ đạo Sở giao dịch & VCB phải niêm yết
trong quí 1/2009, Ngân hàng nhà nước cần giải quyết nhanh những thủ tục liên quan đến việc niêm yết VCB .
– Tổng Công ty cổ phần Bia rượu Nứớc giải khát Sài gòn và Hà Nội :
+ Đã hoàn thành cổ phần hoá được gần 1 năm ;
+ Bộ Công thương là cơ quan đại diện cổ phần nhà nước ( cổ phần đa số ) tại 2 Tổng công ty này cần chỉ đạo người đại diện trực tiếp xúc tiến thủ tục niêm yết tại Sở GDCK HCM để trong Quí 2/2009 hoàn thành việc niêm yết .
– Ngân hàng Vietincombank :
+ Đã hoàn thành IPO vào tháng 12/2008 nhưng cho tới nay chưa thể tiến hành đại hội cổ đông ;
+ Để tránh vốn nhà đầu tư “ bị phong toả quá lâu mà không được hưởng cổ tức như trường hợp Vietcombank”, Ngân hàng nhà nước cần quan tâm giải quyết những thủ tục hành chính như duyệt điều lệ, cử người đại diện phần vốn nhà nước….để tạo điều kiện cho Vietincombank có thể tổ chức ĐHCĐ vào đầu tháng 3/2009. Sau đó NHNN cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục như phê duyệt vốn điều lệ, phê duyệt HĐQT để Vietincombank nhanh chóng có đăng ký kinh doanh vào cuối tháng 3/2009.
+ Được biết Vietincombank sẵn sàng niêm yết, vì vậy Ngân hàng nhà nước cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục theo qui định của pháp luật để cuối Quí 2/2009 doanh nghiệp có đủ điều kiện lên sàn.
– Công ty Mobifone :
+ Đã tiến hành công việc chuẩn bị cổ phần hoá từ lâu, đã hoàn tất khâu kiểm kê đánh giá tài sản doanh nghiệp và các công việc chuẩn bị cho thu hút nhà đầu tư chiến lược…
+ Tuy nhiên để Mobifone tiến hành IPO và niêm yết được hấp dẫn thì các cơ quan chỉ đạo cổ phần hoá cần tính toán phuơng án vốn điều lệ :
> Tới hết năm 2008, vốn chủ sở hữu của Mobifone là khoảng 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang ở tình trạng thừa vốn : vốn đầu tư cho các năm sau sẽ không nhiều nếu so với nguồn doanh thu, nguồn lợi nhuận cũng như nguồn vốn khấu hao cơ bản .
> Nếu cổ phần hoá Mobifone với số vốn điều lệ là 15.000 tỷ đồng thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư vì tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư là thấp, đồng thời sẽ là lãng phí vốn nhà nước do dư thừa vốn không sử dụng hết hoặc không sử dụng hiệu quả .
> Nên để vốn điều lệ của Mobifone khoảng 8000 tỷ đồng, trước khi IPO, nhà nước có thể thu về 10.000 tỷ đồng để đầu tư cho cơ sỏ hạ tầng thì sẽ thiết thực hơn nhiều ( trong phương án này chưa tính tới số tiền nhà nước thu về từ việc bán cổ phần ) .
> Hy vọng Mobifone sẽ được IPO trong Quí 2/2009 và niêm yết vào đầu Quí 4/2009.