Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước ( gọi tắt là Nghị định 81) và Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động & công khai thông tin tài chính doanh nghiệp nhà nước ( Nghị định 87 ) là những văn bản pháp lý hiện hành ( tiếp nối các văn bản trước về công khai minh bạch thông tin tài chính DNNN) chứa đựng chi tiết nghĩa vụ người quản lý DNNN phải công khai các loại báo cáo tài chính, báo cáo phân tích tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động….. một cách chi tiết trên trang thông tin điện tử của DN, kèm theo đó qui định nhiều chế tài xử phạt hành chính và hình sự từ khiển trách , cảnh cảo, cách chức, buộc thôi việc…. để buộc người quản lý doanh nghiệp phải thực hiện. Trên thực tế đã có nhiều DNNN thực hiện tương đối nghiêm chỉnh chế độ công khai thông tin tài chính theo Nghị định 81 & 87, tuy nhiên với các DNNN do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý, chẳng hạn như Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán không hề công bố 1 thông tin nào theo qui định Nghị định 81 & 87 trên các trang thông tin điện tử của họ ? Tại sao lại như vậy ? Tại sao Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát do Bộ Tài chính lựa chọn và bổ nhiệm lại coi thường pháp luật ? Phải chăng họ nghĩ rằng họ là “người nhà “ của Bộ Tài chính – Bộ có chức năng thay mặt Chính phủ, thay mặt nhân dân quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để sẵn sàng lờ đi những nghĩa vụ đó ?
Ủy Ban Chứng khoán nhà nước là đơn vị thay mặt Bộ Tài chính quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp đó, đồng thời có chức năng quản lý chế độ công khai minh bạch thông tin với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, trong đó có 3 đơn vị trên đang ở đâu trong vai trò quản lý của mình ? Phải chăng họ đã buông lỏng quản lý với những “ đứa con thân thiết “ ?
Tại sao nói việc cố tình trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin là sai phạm nghiêm trọng ?
– Hai Sở GD và Trung tâm LK là các đơn vị trực tiếp quản lý thị trường chứng khoán, trong đó có quản lý chế độ công bố thông tin của tất cả công ty niêm yết. Bất kỳ hành vi công bố thông tin nào bị chậm trễ không đúng thời hạn, công bố không đầy đủ thông tin, không công bố thông tin….đều bị nghiêm khắc xử phạt để bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch và hiệu quả cho thị trường chứng khoán nhưng người quản lý các đơn vị này lại cho mình cái quyền không công khai thông tin, có quyền đừng ngoài vòng pháp luật, vậy thử hỏi những cơ quan quản lý như vậy có đủ sức mạnh và sự trong sạch để quản lý thị trường được tốt hay không ?
– Người quản lý doanh nghiệp tại 3 đơn vị này đều xuất thân từ cán bộ lãnh đạo tại UBCKNN, họ là những người từng làm chính sách pháp luật, họ rất am hiểu pháp luật nhưng tại sao họ không thực hiện chế độ công bố thông tin DNNN ? Họ sợ cái gì ? Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam( VAFI ) đã nhiều lần kêu gọi sự tuân thủ công bố thông tin của khối doanh nghiệp nhà nước, đã từng đề nghị Bộ Tài chính cảnh cáo, kỷ luật Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vì vi phạm nghiêm trọng chế độ công khai thông tin nhưng 3 đơn vị trên không sợ, vẫn cố tình phớt lờ, phải chăng họ có chỗ dựa vững chắc tại Bộ Tài chính ?
– Bộ Tài chính, UBCKNN có nhiệm vụ quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như quản lý sự tuân thủ nghiêm ngặt chế độ công bố thông tin tài chính của khối DNNN nhưng chưa gương mẫu thực hiện chế độ quản lý. Đáng lý ra Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở GDCK và Trung tâm LK phải là những tấm gương mẫu mực về tuân thủ pháp luật thì mới thực hiện tốt vai trò của mình ;
– Bộ Tài chính , UBCKNN nghĩ sao khi nhiều DNNN thuộc các Bộ ngành địa phương tuân thủ thực hiện nghị định 81, 87 nhưng doanh nghiệp thuộc Bộ mình không thực hiện ? Hành vi sai phạm của Ban quản lý 3 đơn vị đó có đáng xấu hổ cho Bộ không ? Bộ Tài chính nghĩ sao khi người ta nói rằng Bộ chỉ có mấy doanh nghiệp mà không quản lý tốt thì nói gì đến vai trò quản lý giám sát của hàng ngàn DNNN ?
– Trong những năm gần đây rất nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật trầm trọng đang diễn ra trên TTCK : Gian lận trắng trợn về sổ sách báo cáo tài chính, về đầu cơ thổi giá cổ phiếu , về lập các công ty ma để thổi giá cổ phiếu nhằm huy động vốn…Hàng giả, hàng nhái rất nhiều trên TTCK và bây giờ lại xuất hiện cả tỷ phú giả nữa, rồi lại có chuyện tôn vinh kẻ gian dối mà ai cũng biết làm người hùng của TTCK…Rất rất nhiều tiêu cực vi phạm trắng trợn có sự tiếp tay của 1 số cán bộ tại UBCKNN, Sở GDCK. Nhiều thanh tra giám sát thị trường đã bị “ bắn gục bởi những viên đạn ngọt ngào “ của những kẻ vi phạm pháp luật . Có lẽ Bộ trưởng phải trực tiếp vi hành thị trường thì mới trực tiếp thấy được phần nào những mảng tối của TTCK và nhân đây cũng nói rằng các tham mưu của Bộ trưởng về TTCK đang ở trên mây, trên gió chứ không phải dưới mặt đất ?
– Có rất nhiều tiêu cực tham nhũng, lợi ích cục bộ… trong công tác quản lý thị trường chứng khoán . Bằng văn bản này VAFI đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm chế độ công bố thông tin theo Nghị định 87, 81 của người quản lý 3 đơn vị trên để Bộ trưởng tài chính thấy rằng tài đức của người quản lý doanh nghiệp đến đâu ?
Căn cứ qui định về xử phạt hành chính với những vi phạm về công bố thông tin tại Nghị định 81, 87 ; VAFI đề xuất hình thức kỷ luật và xử phạt đối với HĐQT, BKS, Ban điều hành của 2 Sở GDCK, TTLK như sau :
1/ Cảnh cáo HĐQT, Tổng Giám đốc, Ban KS. Trường hợp có thành viên nào đâú tranh trong việc công bố thông tin thì không bị kỷ luật .
2/ Các thành viên trên không xứng đáng được nhận tiền thưởng trong năm 2017. Nhân đây, VAFI cũng nói rõ là toàn bộ nguồn thu từ 3 đơn vị trên là thu các loại phí từ nhà đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư đã phải trả phí giao dịch không nhỏ cho dịch vụ quản lý thị trường kém là bất công cho các nhà đầu tư.
3/ Xử phạt hành chính bằng tiền phạt là thích đáng theo qui định hiện hành đối với các thành viên trên vì cố tình không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý DNNN . Nguồn tiền xử phạt không lấy từ doanh nghiệp ( vì là lấy tiền nhà nước, tiền của dân không thể trả cho những vi phạm pháp luật của 1 số cán bộ quản lý ) mà phải lấy từ tiền túi của các thành viên trên. Cần biết rằng 2 Sở GDCK và Trung tâm LK là những doanh nghiệp độc quyền đang được hưởng lợi nhuận siêu ngạch ; Tiền lương, tiền thưởng của các thành viên bị kỷ luật là rất cao, có người còn hưởng bổng lộc cao hơn nhiều so với thu nhập tiền lương .
4/ Đề xuất xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch UBCKNN :
– Chủ tịch UBCKNN là người thay mặt Bộ quản lý 3 đơn vị trên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chế độ công bố thông tin đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường nhưng Chủ tịch đã bỏ qua việc này ;
– Bản thân Chủ tịch UBCKNN hiện nay từng đảm nhận nhiều năm trên cương vị Chủ tịch, Tổng GĐ HSX nhưng cũng cố tình không thực hiện chế độ công bố thông tin của DNNN mặc dù VAFI đã có văn bản nhắc nhở;
Bộ Tài chính là đơn vị trực tiếp xây dựng Nghị định 87 và có trách nhiệm kiểm tra giám sát Nghị định này và cả Nghị định 81, hy vọng rằng Bộ trưởng tài chính nhanh chóng xử nghiêm những vi phạm nêu trên theo đúng qui định của pháp luật, kiên quyết không bao che cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Kết luận xử lý cũng phải công khai minh bạch theo nguyên tắc công khai công bằng minh bạch của thị trường chứng khoán.