Từ nhiều năm nay chất lượng dịch vụ KCB, PHCN ( khám chữa bệnh, phục hồi chức năng ) từ tuyến địa phương lên tuyến tuyến cuối, tuyến trung ương còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Năng lực trình độ của đội ngũ y bác sỹ tại tuyến địa phương còn khoảng cách rất xa so với tuyến trung ương, cho nên tồn tại phong trào vượt tuyến, trái tuyến là đương nhiên. Có thể khẳng định rằng những tồn tại bất cập trong hệ thống bệnh viện công lập hiện nay chủ yếu là do cơ chế quản lý bệnh viện công lập chưa thay đổi và vẫn là cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, chứ không phải là cơ chế quản trị hiệu quả và chuyên nghiệp theo thông lệ thế giới. Để xóa bỏ những tồn tại bất cập hiện nay, để cho người dân địa phương trên cả nước được hưởng chất lượng dịch vụ KCB hàng đầu ngay tại địa phương của mình mà không phải vượt tuyến, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin trình bày kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển các tập đoàn bệnh viện :
1/ Nghiên cứu sự hình thành và phát triển Tập đoàn bệnh viện HCA (Hospital Coporation of America ) :
– HCA là 1 Tập đoàn bệnh viện Hoa Kỳ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, Trụ sở chính đóng tại Nashvile, Tennessee. Hiện nay HCA đang quản lý 174 bệnh viện và 119 cơ sở Freestanding surgery centers tại 20 Bang của Mỹ và hoạt động tại Anh Quốc. HCA quản lý khoảng 240.000 nhân viên ;
– HCA đang niêm yết trên thị trường chứng khoán NYSE, HCA là tập đoàn bệnh viện lớn hàng đầu của Mỹ, chiếm 5% thị phần và HCA cũng nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất của S&P 500 ;
– Giá trị thị trường của HCA hiện nay khoảng 32 tỷ đô la, doanh thu năm 2016 khoảng 41 tỷ USD, lợi nhuận ròng 2,8 tỷ USD ;
– HCA được thành lập năm 1968 tại Nashvill Tennessee bởi 3 nhà đầu tư cá nhân ( Dr Thomas F.Frist Sr ; Jack C Masey và Dr Thomas F Frist Jr ). Họ là những người có bằng bác sỹ, dược sỹ, họ là các nhà quản trị doanh nghiệp giỏi và là nhà đầu tư trực tiếp đã kinh doanh thành công tại các chuỗi cửa hàng thuốc, chuỗi cửa hàng fast food trước khi bắt tay gây dựng HCA theo chuỗi bệnh viện .
– Năm 1969 HCA niêm yết tại thị trường chứng khoán New York nhằm mục tiêu huy động vốn và phát triển thương hiệu bệnh viện chất lượng hàng đầu để nhanh chóng biến HCA thành Tập đoàn bệnh viện ;
– Trong thập niên 1970, 1980, HCA đã thực hiện hàng trăm thương vụ hợp nhất sáp nhập hay mua lại các bệnh viện nhỏ để hình thành hệ thống bệnh viện HCA tại nhiều địa phương tại Mỹ.
– Trong thời gian niêm yết HCA cũng huy động được hàng chục tỷ đô la từ các nhà đầu tư chứng khoán để phát triển tập đoàn. Trong thập kỷ 90, HCA cũng có vài thương vụ hợp nhất sáp nhập với các tập đoàn bệnh viện lớn để đưa HCA trở thành tập đoàn bệnh viện lớn hàng đầu nước Mỹ,
– Điều gì làm HCA phát triển nhanh như vậy ? Chỉ 49 năm phát triển , khởi đầu là 1 bệnh viện nhỏ ( có lẽ nhỏ hơn BV Việt Đức , Bạch Mai, Chợ Rẫy so cùng năm 1968 ) nhưng nay qui mô hoạt động của HCA gấp vài trăm lần các bệnh viện trên ?
– Ngay từ đầu thành lập, HCA đã có các nhà quản trị rất giỏi, họ đã nhờ sức mạnh của thị trường chứng khoán để huy động vốn, để chiêu mộ bác sỹ giỏi và có chế độ trả lương cạnh tranh.
– Các bệnh viện có qui mô nhỏ hơn HCA, chất lượng dịch vụ kém hơn nhanh chóng gia nhập vào tập đoàn HCA, bởi vì nếu hợp nhất, sáp nhập vào Bệnh viện mạnh thì tất cả cùng có lợi, Các bệnh viện được sáp nhập sẽ nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ KCB, thu hút được nhiều bệnh nhân hơn và thu nhập của người lao động ( nhân viện , y bác sỹ ) cũng tăng lên và nhà đầu tư vào các bệnh viện được hợp nhất cũng có lợi ;
2/ Áp dụng kinh nghiệm thế giới để xây dựng hệ thống các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam :
– Tại sao bao nhiêu năm rồi chúng ta không phát triển các thương hiệu mạnh như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy…xuống các tỉnh mà cho tới giờ chỉ có 1 cơ sở duy nhất ?
– Việc xây dựng và mở rộng qui mô của bệnh viện tỉnh, BV huyện với nguồn nhân lực hạn chế có làm nên 1 thương hiệu mạnh hay không ?
– Tại sao đội ngũ bác sỹ giỏi không mặn mà làm việc tại các bệnh viện tuyến dưới mà chỉ mong ước được làm việc tại các bệnh viện lớn và mạnh ?
– Tại sao các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân lớn trong nước lại tuyển dụng được nhân sự giỏi sẵn sàng đi công tác tại địa phương ?
– Vấn đề ở đây là do cơ chế quản lý bệnh viện công lập hiện hành quá lạc hậu và không thể áp dụng được cơ chế quản trị doanh nghiệp hiện đại ;
– Phải thay đổi cơ chế quản trị hiện hành theo hướng chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, từ đó cổ phần hóa các bệnh viện lớn do nhà nước nắm giữ cổ phần đa số để hình thành nên các tập đoàn bệnh viện nhà nước và từ đó thực hiện tiến trình sáp nhập các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện vào các bệnh viện lớn nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện địa phương & các bệnh viện nhỏ tại thành thị .
3/ Đã có đủ cơ sở để cổ phần hóa bệnh viện công lập :
– Cho tới hết năm 2016, Bảo hiểm y tế nhà nước đã có 82% dân số có bảo hiểm , Có thể dễ dàng đạt con số 100% dân số có bảo hiểm y tế bằng phương thức đẩy mạnh phong trào tự chủ tại hệ thống bệnh viện công lập, chuyển dần ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ cho người nghèo mua bảo hiểm;
– Kinh tế VN ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên;
– Thị trường chứng khoán VN đã phát triển được 15 năm. Việc cổ phần hóa niêm yết chứng khoán đối với nhiều bệnh viện là việc rất dễ dàng. Các bệnh viện được cổ phần hóa có thể dễ dàng huy động được hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế. Nếu chúng ta không tranh thủ TTCK thì sẽ là 1 sự lãng phì rất lớn trong khi hàng năm ngân sách nhà nước phải bơm hàng tỷ đô la vào hệ thống bệnh viện mà không cải thiện nhiều chất lượng dịch vụ, hơn nữa nợ công tăng cao thì cũng không thể có đủ nguồn vốn để ném vào ngành y tế , đó là chưa kể có sự thất thoát tham nhũng trong quản lý vốn đầu tư…
4/ Bài học kinh nghiệm về việc hình thành các Tổng Công ty nhà nước ( Tổng công ty 90, 91 ):
– Trong quá khứ, chính phủ đã thành lập hàng trăm tổng công ty nhà nước trực thuộc các Bộ ngành, địa phương theo hướng sắp xếp các doanh nghiệp có cùng ngành nghề với nhau để hình thành nên tổng công ty ;
– Sự hình thành nên các Tổng công ty nhà nước này không xuất phát từ nhu cầu phát triển tự nhiên của các doanh nghiệp mạnh mà chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, cho nên vai trò của Tổng công ty là rất mờ nhạt, hầu như không xứng với vai trò của công ty mẹ. Vai trò của bộ máy Tổng công ty nhà nước chỉ là 1 đơn vị quản lý hành chính cấp trung gian, thay mặt Bộ và UBND tỉnh để quản lý các doanh nghiệp thành viên, cho nên trên thực tế hầu như không có Tổng công ty thực sự mạnh về quản trị doanh nghiệp và tiềm lực tài chính (trừ 1 số Tập đoàn mạnh do vị thế độc quyền, do được quản lý khối tài sản nhà nước lớn như EVN. PVN…nhưng các tập đoàn này không mạnh về quản trị doanh nghiệp );
– Tại Bộ Y tế cũng hình thành 2 Tổng công ty 90 là Tổng công ty Dược VN và Tổng công ty Thiết bị y tế. Với Tổng công ty Thiết bị y tế không có đơn vị thành viên nào mạnh và sau này chỉ còn vài thành viên nhỏ đã được cổ phần hóa. Đối với Tổng công ty Dược, có 1 số đơn vị thành viên mạnh đã được cổ phần hóa và phát triển ở mức khiêm tốn, tuy nhiên còn tốt hơn nhiều so với giai đoạn là DNNN, còn vai trò của Công ty mẹ thì mờ nhạt, chỉ dựa vào sự hoạt động năng động của một số đơn vị thành viên ;
– Nhắc lại những bài học kinh nghiệm trên để thấy rằng không thể hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện nhà nước theo cách thức cũ ( như Tổng công ty 90, 91 ) .
5/ Hệ thống bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy được hình thành như nào ?
– Từ lộ trình tăng viện phí sắp hoàn thành, từ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, từ hoạt động tự chủ năng động của nhiều bệnh viện tư nhân thì có thể khẳng định rằng toàn bộ các bệnh viện mạnh có thể hoàn toàn thực hiện chế độ tự chủ tài chính và đây là tiền đề quan trọng để cổ phần hóa các bệnh viện này theo cơ chế đặc thù ;
– Các Bệnh viện lớn sẽ thực hiện IPO bước đầu với tỷ lệ cổ phần bán ra hạn chế khoảng 15%/ vốn điều lệ dành cho người lao động và cổ đông bên ngoài. Giai đoạn đầu nhà nước sẽ nắm giữ 85% /vốn điều lệ ;
– Vai trò của người lao động và cổ đông bên ngoài là gì ? Giúp nhà nước đẩy nhanh tiền trình công khai minh bạch tình hình tài chính, tình hình hoạt động, cải thiện nhanh cơ chế quản trị doanh nghiệp nhằm giảm nhanh nhiều khoản chi không cần thiết, tăng thu để cải thiện thu nhập cho người lao động và thúc đẩy các bệnh viện lên sàn chứng khoán ;
– Sau cổ phần hóa , khi chất lượng quản trị doanh nghiệp đã được thay đổi thì tiến hành thu hút đối tác chiến lược là các Tập đoàn bệnh viện nước ngoài có tên tuổi và thương hiệu mạnh nhằm thu hút kỹ năng quản trị bệnh viện và thu hút công nghệ khám chữa bệnh chất lượng cao.
– Khi các bệnh viện hàng đầu đã thay đổi cơ bản về phương thức quản trị bệnh viện thì nhu cầu mở rộng hoạt động là tất yếu, khi đó không cần sự kêu gọi của Bộ y tế như hiện nay là cần giúp đỡ các bệnh viện tuyến dưới dưới hình thức bệnh viện vệ tinh hay cử các đoàn chuyên gia xuống địa phương…mà bản thân các tập đoàn bệnh viện sẽ thiết tha đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cho các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện sáp nhập vào bệnh viện lớn để hình thành nên hệ thống các bệnh viện từ trung ương đến địa phương ;
– Khi các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện gia nhập Tập đoàn thì dĩ nhiên Tập đoàn không thể không cải tổ mạnh mẽ các bệnh viện tuyến dưới , vì nếu không cải tổ thì thương hiệu tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng . Tập đoàn sẽ tiến hành đào tạo lại đội ngũ y bác sỹ ở tuyến cơ sở, sẽ cử nhân sự giỏi xuống làm việc trực tiếp tại cơ sở….
– Từ thúc đẩy hình thành phát triển các Tập đoàn bệnh viện, thúc đẩy phong trào hợp nhất, sáp nhập sẽ đạt được hiệu quả là từng bước chuyển được cơ chế quản lý hành chính quan liêu sang cơ chế quản trị chuyên nghiệp. Việc quản lý mọi hoạt động các bệnh viện “con” ( bệnh viện tỉnh, huyện ) được chuyển từ cơ quan hành chính ( như Sở y tế, Bộ ngành, địa phương ) sang cho các tập đoàn.
– Khi các Tập đoàn bệnh viện nhà nước ngày càng phát triển thì sẽ xóa bỏ ranh giới của bệnh viện trung ương & địa phương . Khi đó vai trò của Bộ Y tế và các Sở Y tế chỉ là công việc quản lý nhà nước, giám sát việc thực thi pháp luật của hệ thống bệnh viện chứ không phải lo công việc quản lý hành chính vụ việc như hiện nay.
– Trong các báo cáo chung tổng quan ngành y tế hàng năm đều đề cập tới việc chưa tìm ra cơ chế quản lý bệnh viện công lập. Chính sách cổ phần hóa hiện hành chưa thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Bộ Y tế mà họ còn đợi chờ kết quả thí điểm từ Bệnh viện Giao thông vận tải. Nắm bắt được nhu cầu này VAFI đưa ra, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm cải tổ hệ thống bệnh viện công lập hiện nay và có lẽ không còn giải pháp nào khác để cải tổ và rõ ràng cơ chế quản lý hiện nay cần phải được đổi mới .