Từ đầu năm 2009, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) đã có một số văn bản kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết
trên thị trường chứng khoán nhằm giúp các Tổng công ty này tiếp cận phương thức quản trị tiên tiến, tăng cường tính công khai, minh bạch , tăng cường sự giám sát của các nhà đầu tư nhằm gia tăng vốn và tài sản của nhà nước cũng như của các cổ đông, đồng thời góp phần tạo hàng hóa cơ bản cho TTCK, tuy nhiên cho đến nay, cổ đông nhà nước là Bộ Công thương đã không có ý kiến gì về việc xúc tiến niêm yết 2 doanh nghiệp này ( theo ghi nhận tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra ).
Trong năm 2009, với sự thúc giục của VAFI và các cổ đông , việc xúc tiến niêm yết của Sabeco và Habeco có vẻ tiến triển bước đầu :
– Tại Đại hội cổ đông Sabeco vào tháng 7/2009, Chủ tịch HĐQT đại diện cho 89,5% cổ phần nhà nước tuyên bố Sabeco hoàn toàn có thể thực hiện niêm yết vào thời điểm cuối năm 2009, trước sự ngạc nhiên, vui mừng và phân vân của cổ đông bên ngoài về tuyên bố đó , ông Chủ tịch cam kết chắc chắn và nều không hoàn thành niêm yết thì HĐQT sẽ từ chức ;
– Còn với Habeco thì sao ? Tổng Giám đốc Habeco tuyên bố sẽ sớm đưa Habeco niêm yết trên sàn Upcom.
– Cùng với những tuyên bố trên, giao dịch cổ phiếu của Sabeco & Habeco trên thị trường OTC đã tăng mạnh và có thanh khoản, đặc biệt là giá cổ phiếu Sabeco đã tăng tới 40% ( từ 37.000 đ/cp lên tới 54.000 đ/cp ) vì nhà đầu tư kỳ vọng vào việc niêm yết của 2 doanh nghiệp này .
– Tuy nhiên, tới thời điểm cuối năm 2009, HĐQT Sabeco bất ngờ dừng việc niêm yết với lý do Bộ Công thương chưa cho niêm yết, chỉ cho niêm yết khi Sabeco chọn được đối tác chiến lược nước ngoài và với giá bán bằng giá đấu bình quân ( giá quá cao ). Với những thay đổi này khó mà thực hiện được, và các nhà đầu tư chứng khoán hiểu rằng Sabeco không có lộ trình niêm yết, giá cổ phiếu của Sabeco tục dốc thê thảm, trở về vị trí cũ và không có tính thanh khỏan, các nhà đầu tư mới biết rằng họ đã bị lừa, thực sự là họ mất lòng tin vào HĐQT.
– Diễn biến của Habeco cũng vậy, tới thời điểm cuối năm và cho đến nay, không có dấu hiệu gì về việc niêm yết.
* Sabeco và Habeco không niêm yết dựa trên cơ sở pháp lý gì ?
– Điểm 9 Điều 1 tại Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án và chuyển Tổng công ty Bia – Rượu – Nuớc giải khát Sài Gòn thành Tổng CTCP ghi rõ : “ Sabeco thực hiện cổ phần hóa đồng thời niêm yết ngay trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh “. Trong Quyết định này, không hề có nội dung nào nói rằng Sabeco bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như không hề qui định rằng việc niêm yết chỉ tiến hành khi hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài .
– Điểm 9 Điều 1 tại Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án và chuyển Habeco thành Tổng Công ty cổ phần chỉ rõ : “ Habeco thực hiện cổ phần hóa đồng thời niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán “. Trong Quyết định này có nội dung bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ 10%, sau đó tỷ lệ này được cho phép nâng lên 16%/vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần nhà nước chiếm 81,7%.
– Vietcombank và Vietincombank thực hiện IPO trong điều kiện tương tự như Sabeco và Habeco ( bán được ít cổ phần và tỷ lệ cổ phần nhà nước chiếm gần 90%) nhưng đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, tức là cổ phần hóa xong thực hiện niêm yết ngay, đặc biệt với trường hợp Vietinbank tiến trình cổ phần hóa và niêm yết thực hiện rất nhanh chóng ( là doanh nghiệp đạt kỷ lục về tốc độ cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán ). Và chỉ mới sau thời gian ngắn niêm yết , 2 ngân hàng này đã có những bước chuyển biến lớn về quản trị doanh nghiệp, mặc dù chưa đến thời điểm thuận lợi để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
* Những vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước :
1/ Đề xuất với UBCKNN :
– Cần tiến hành thanh tra những vi phạm về công bố thông tin của HĐQT tại Sabeco và Habeco : Không thực hiện niêm yết sau cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cam kết niêm yết tại Đại hội cổ đông nhưng không thực hiện ; Những vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, đồng thời làm giảm lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia đấu giá những doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Bộ Công Thương ;
– Cần tiến hành xử phạt hành chính đối với Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Sabeco và Habeco về những vi phạm trên .
2/ Đề xuất với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương :
– Thanh tra việc cán bộ tham mưu của Bộ Công thương và HĐQT của Sabeco & Habeco không thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng chính phủ là thực hiện cổ phần hóa đồng thời niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán ?
– Nên tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Công thương chỉ đạo nhanh việc niêm yết của Sabeco và Habeco để củng cố niềm tin của các cổ đông, đồng thời mở ra con đường phát triển doanh nghiệp bền vững cho các doanh nghiệp này .
3/ Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công thương :
– Biết rằng Bộ trưởng bề bộn công việc, không thể thu xếp thời gian để giám sát những việc nhỏ như này, vì vậy VAFI mới có thư gửi Bộ trưởng phản ánh ;
– Trong vấn đề nêu trên , Bộ trưởng nên xem lại công tác tham mưu ở khía cạnh : Trung thực với cấp trên ; Cấp tham mưu có những sáng kiến gì để tăng cường sự công khai minh bạch của doanh nghiệp mà Bộ đang quản lý, tham mưu có sáng kiến gì để bảo toàn và gia tăng tài sản , lợi nhuận tại doanh nghiệp ?
– Sabeco và Habeco đang ở trong tình trạng trì trệ về công tác quản trị doanh nghiệp, chưa tương xứng với truyền thống, thế mạnh và tiềm năng của nó. Trong 4 năm trở lại đây, 2 doanh nghiệp lớn này chậm phát triển . 4 năm trở về trước, Vinamilk còn kém Sabeco , Habeco về qui mô vốn, doanh thu, lợi nhuận , thế mạnh của ngành, nhưng hiện nay Vinamilk đã vượt xa các doanh nghiệp này . Vấn đề đặt ra là phải cải tổ mạnh mẽ Sabeco và Habeco . Cải tổ bằng cách nào ? Không thể chấp nhận sự dễ dãi trong tiêu chuẩn lựa chọn người trực tiếp quản lý cổ phần nhà nước . Chúng ta phải đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cán bộ hơn nữa ;
– Rất nhiều doanh nghiệp ở hoàn cảnh kinh doanh khó khăn hơn nhiều so với Sabeco và Habeco nhưng họ đã hăng hái niêm yết , niêm yết không phải là lấy thành tích mà là con đường nhanh nhất để phát triển doanh nghiệp. Tại sao chúng ta lại chấp nhận những cán bộ sợ niêm yết ? Vấn đề cần làm rõ là tại sao họ lại sợ niêm yết, sợ công khai minh bạch ?
– Bộ trưởng chỉ cần ra 1 chỉ thị ngắn gọn “ Những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco phải xúc tiến việc niêm yết, nếu không hãy tự nguyện từ chức “, chỉ bằng quyết định đơn giản này, VAFI tin rằng chỉ sau 4 tháng , 2 doanh nghiệp này sẽ hoàn tất việc niêm yết .
– VAFI và cộng đồng các nhà đầu tư không thể chấp nhận những cán bộ quản lý sợ niêm yết mà không có lý do chính đáng .
Về những vấn đề nêu trên, VAFI với tư cách là những công dân, những cử tri xin đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm trả lời cho rõ bằng văn bản với tư cách Đại biểu Quốc Hội .