Đề nghị cấm việc mua khống chứng khoán dưới hình thức T + 3

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam(VAFI ) kiến nghị UBCKNN 1 giải pháp hết sức quan trọng và cấp thiết để nhanh chóng bình ổn TTCK là : Chỉ thị cho các công ty chứng khoán không được thực hiện dịch vụ mua khống chứng khoán “ dưới hình thức T+3 hay T + 2 “ :

I/ Vì sao phải cấm ?

1/ Phân tích sự hình thành và phát triển các hình thức cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán :

– Hình thức cầm cố chứng khoán niêm yết để cho nhà đầu tư vay tiền xuất hiện khi TTCKVN ra đời và hoạt động được khoảng 6 tháng. Trong giai đoạn đầu khi TT có xu hướng đi lên thì một số nhà đầu tư đã thắng lớn nhờ dịch vụ này, từ đó các nhà đầu tư đều đòi hỏi các công ty chứng khoán phải đáp ứng dịch vụ này, nếu không thì họ chuyển sang công ty chứng khoán khác và từ đó dịch vụ cầm cố nhanh chóng phát triển ở hầu hết các công ty chứng khoán.

– Ở giai đoạn đầu của TTCK, công ty chứng khoán cũng thu được nhiều phí từ dịch vụ này nhờ phí quản lý tài sản và ăn chênh lệch lãi xuất, chiếm dụng vốn….Cùng với sự tăng giá của chứng khoán niêm yết thì số tiền cho vay cũng tăng lên, kèm với việc cạnh tranh khách hàng để nâng tỷ lệ cho vay trên giá thị trường tới 50%.

– Khi chỉ số VN INDEX đạt 570 điểm, TTCK được coi là quá nóng , cơ quan quản lý thị trường lúng túng không có những giải pháp khả thi dẫn tới sự can thiệp hành chính thô bạo, từ đó dẫn tới việc nhà đầu tư liên tục mất niềm tin mà không có những giải pháp hữu hiện để khôi phục thị trường. Càng ngày chỉ số chứng khoán càng rơi tự do, ngoài yếu tố mất niềm tin ban đầu là việc ngân hàng tăng cường xiết nợ, xuất hiện những lượng cung lớn từ việc bán chứng khoán cầm cố và làm cho nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

– Trong 3 năm đầu hoạt động khủng hoảng của TTCKVN, đã có nhiều bài học được rút kinh nghiệm và được thể chế hoá bằng chế độ chính sách để phát triển thị trường, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại mà nhìn lại thì chúng ta chưa nhận thức sâu sắc rằng có 1 nguyên nhân cơ bản làm thị trường tuột dốc là việc cho vay cầm cố chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đã tham gia TTCK từ những ngày đầu đều thấm thía bài học về đi vay và trong đợt khủng hoảng lần này họ bị thiệt hạị không nhiều nếu so với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường khoảng 4 năm trở lại đây.

– Sang năm 2004, TTCK bắt đầu khởi sắc từ từ và dịch vụ cho vay từ cầm cố chứng khoán từ từ được khôi phục và phát triển.

– Sang năm 2005 dịch vụ “ uỷ thác đầu tư chứng khoán kèm hỗ trợ tín dụng cho nhà đầu tư “ bắt đầu ra đời và phát triển. Công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tiền để mua cổ phần từ các doanh nghiệp cổ phần hoá. Dịch vụ này nhanh chóng lan rộng tại nhiều công ty chứng khoán và công ty tài chính và việc cho nhà đầu tư vay tiền mua cổ phần đã trở thành phong trào , lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm tham gia . Dịch vụ này có đất phát triển cho đến hết năm 2007 và đến nay vẫn còn tồn tại.

– Từ năm 2005 đến nay, dịch vụ “ repo cổ phiếu “ cũng phát triển mạnh và trở thành phong trào, dịch vụ này nhắm tới những cổ phiếu OTC, đây thực chất cũng là hình thức cho vay tiền từ việc cầm cố chứng khoán dưới hình thức công ty chứng khoán tạm thời đứng tên sở hữu trong thời gian nhà đầu tư vay tiền.

– Từ cuối năm 2006 cho đến nay, lại xuất hiện 1 hình thức cho vay mới là hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư ( BCC ). đây thực chất cũng là hình thức cho vay để mua chứng khoán nhưng với số tiền vay lớn hơn nhiều ( 50% – 70% số vốn hiện có ) . Hình thức này cũng nhanh chóng phát triển tại các công ty chứng khoán.

– Cũng từ cuối năm 2006 đến nay, 1 hình thức cho vay mới là mua khống chứng khoán trong giai đoạn T + 3. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ tác hại của sự kết hợp 2 hình thức BCC và mua khống chứng khoán T +3.

2/ Phân tích tác động của việc cho vay tiền từ cầm cố chứng khoán :

– Hậu quả của việc cho nhà đầu tư vay tiền từ cầm cố chứng khoán tại giai đoạn 1 ( 2001 – 2003 ) như phân tích ở trên thì đã rõ ;

– Giai đoạn 2 từ 2004 – Quí 1/ 2007 :

+ Tại giai đoạn 2 nhìn chung khuyênh hướng thị trường liên tục đi lên, mặc dù có 1 vài giai đoạn ảm đạm trong ngắn hạn.

+ Ở giai đoạn này nhiều nhà đầu tư đi tiên phong trong việc cầm cố cổ phiếu dưới các hình thức kể trên đã thắng lớn nhờ tiền ngân hàng, nhất là trong giai đoạn mua được cổ phiếu giá rẻ ( so với mặt bằng hiện nay ), có những loại cổ phiếu lời gấp 30 chục lần nhờ đi vay ngân hàng như cổ phiếu Vĩnh sơn sông hinh, cổ phiếu điện Phả lại. Từ sự thành công này đã khích lệ 1 trào lưu đi vay tiền ngân hàng mua cổ phần dưới nhiều hình thức.

+ Phong trào này đã lôi cuốn rất nhiều nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm tham gia, hậu quả là khi TTCK liên tục sụt giảm thì nhiều nhà đầu tư đã bị thua lỗ .

– Các công ty chứng khoán đua nhau cạnh tranh giành giật khách hàng, đua nhau chào nhiều dịch vụ cho vay tiền dưới nhiều hình thức mà không hề khuyến cáo các nhà đầu tư ( nhất là những nhà đầu tư mới và nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm ) rằng việc vay tiền mua chứng khoán là hết sức rủi ro, cực kỳ mạo hiểm. Có lẽ các công ty chứng khoán chỉ luôn nghĩ tới làm cách nào để thu được nhiều phí mà không nghĩ tới sự an toàn của nhà đầu tư cũng như sự an toàn của TTCK, phải nói rằng “ định chế công ty chứng khoán là 1 định chế đầy phức tạp và mâu thuẫn, đầy xung đột giữa lợi ích của nhà đầu tư và của công ty “, vì vậy nhà quản lý thị trường không nên chịu tác động từ các công ty chứng khoán trong công tác hoạch định chính sách liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư.

– Sự tụt dốc liên tục của TTCK trong giai đoạn hiện nay cũng có nhiều điểm giốn giai đoạn 1 : Nhà đầu tư liên tục bị mất niềm tin – phong trào bán tháo cổ phiếu – cung cổ phiếu tăng đột ngột từ cổ phiếu cầm cố và cũng từ việc bán tháo cổ phiếu của công ty chứng khoán khi biết thị trường đi xuống . Như vậy các công ty chứng khoán từ việc mời chào  khách hàng vay vốn dưới nhiều hình thức đến chỗ khi TTCK tuột dốc thì chẳng những thi nhau bán cổ phiếu cầm cố để xiết nợ mà còn thực hiện thêm 1 buớc là bán tháo cổ phiếu của mình, vô hình trung đẩy nhà đầu tư rơi xuống vực thẳm . Có lẽ cũng khó trách cứ những người quản lý công ty chứng khoán vì họ không tự bảo nhau được, cũng như pháp luật hiện hành chưa ngăn chặn những hoạt động “ có ảnh hưởng đến an toàn của thị trường”

3/ Phân tích tác hại của hình thức mua khống chứng khoán trong khoảng thời gian T + 3  :

– Nội dung của hình thức này :

+ Giả sử nhà đầu tư có 10.000 cổ phần của cổ phiếu A đang niêm yết, trị giá thị trường tại  thời điểm vay là 500 triệu đồng .

+ Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu A hoặc cổ phiếu khác theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán ( BCC ) thì được cấp hạn mức vay là 250 triệu đồng để mua tiếp 5.000 cổ phiếu A. Để công ty chứng khoán được an toàn thì toàn bộ 15.000 cổ phần của cổ phiếu A được CTCK cầm cố ( cầm cố số hiện có và số sẽ về ). Như vậy là với hình thức BCC thì nhà đầu tư được vay 50% trị giá tài sản hiện có, còn nếu theo hình thức cầm cố 10.000 cổ phiếu A thì nhà đầu tư chỉ được vay tối đa 150 triệu, như vậy vay với hình thức BCC gấp 66% so với hình thức cầm cố . Trong hợp đồng BCC thường qui định khi giá thị trường giảm 20% thì nhà đầu tư phải nộp số tiền giảm giá hoặc CYCK có quyền bán chứng khoán để thu hồi vốn vay.

+ Khi thực hiện BCC thì nhà đầu tư không còn tiền trong tài khoản hoặc chỉ còn rất ít để thanh toàn những thiếu hụt trong trường hợp mua khống chứng khoán T + 3 bị thua lỗ. Ở tình trạng không còn tiền này, nhà đầu tư tiếp tục được CTCK cấp hạn mức tín dụng là 500 triệu đồng ( bằng 100% tài sản ban đầu là 10.000 cổ phiếu A, giả định là giá không thay đổi ) để chơi cổ phiếu và trong thời hạn 3 ngày hoặc 2 ngày phải trả tiền lại cho CTCK ( khoảng thời gian 2 – 3 ngày không tính lãi vay. Như vậy trên thực tế là nhà đầu tư không có tiền để mua chứng khoán ( vì vậy gọi là hình thức mua khống chứng khoán T + 3 ) nhưng vẫn được mua và vì không có tiền để trả nên đến ngày T+1, T +2, T+3 họ bắt buộc phải bán chứng khoán trên cơ sở có số chứng khoán cũ cùng loại đã mua . Bắt buộc phải bán chứng khoán dù có lỗ hay lời ít ( trong ví dụ này là phải bán đi 15.000 cổ phiếu A cầm cố – CTCK sẽ thu hồi 50%). Khi đến ngày T+ phải bán chứng khoán và những chu kỳ sau lại tiếp tục  .

+ Như vậy từ tài sản ban đầu trị giá 500 triệu ( hoặc tiền mặt 500 triệu ) qua các hình thức BCC và mua khống chứng khoán thì nhà đầu tư được vay 750 triệu, có những CTCK cho vay gấp 2 lần tài sản ban đầu. Nợ càng nhiều thì càng tăng áp lực cho nhà đầu tư và từ đó kinh doanh càng ngắn hạn – sinh ra thuật ngữ “ lướt sóng “, nhưng khi thị trường liên tục đi xuống trong giai đoạn hiện nay thì càng lướt sóng càng chết và có nhiều nhà đầu tư gần cụt vốn tự có ban đầu.

– Khi thực hiện mua khống chứng khoán, nhà đầu cơ thường chọn cổ phiếu mang tính thanh khoản, vì vậy có thể lý giải tại sao nhiều cổ phiếu tốt không thể ngóc đầu dậy dù có tình trạng tài chính tốt hơn nhiều so với những cổ phiếu không bị đầu cơ.

– Khi tình hình TTCK không ổn định, mất cân đối cung cầu thì hình thức mua khống cực kỳ tác hại đến thị trường. Luợng cầu thực ( vốn tự có ) thiếu hụt thì hình thức mua khống lại càng làm mất cân đối cung cầu. Nhà đầu cơ theo hình thức càng lướt sóng càng lỗ, mua giá lần sau thấp hơn lần trước rổi lại tiếp tục chu kỳ bán giá thấp hơn.

– TTCK của ta chưa có hình thức bán khống cho nên việc thực hiện mua khống còn được ví như bị lệch vai .

– Nếu như không có hình thức mua khống thì những giao dịch cực kỳ ngắn hạn sẽ giảm đi nhiều, nhà đầu tư không bị áp lực trả nợ ngân hàng trong ngắn hạn.

– Nếu như mọi nhà đầu tư ( nhất là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, không mang tư tưởng lướt sóng ) không mang nợ nần trong kinh doanh chứng khoán ở thời kỳ thị trường không ổn định thì TTCK không đến nỗi tuột dốc thê thảm như vậy. Cuộc khủng hoảng tín dụng của Mỹ chỉ làm cho TTCK sụt giảm khoảng 20%, trong khi ta sụt giảm 50%. Từ đây các nhà quản lý thị trường phải đặt vấn đề làm cách nào để thị trường phát triển bền vững trong mọi tình huống ? Cách tốt nhất sẽ là có 1 lộ trình giảm dần tín dụng đầu tư chứng khoán đến khi không thực hiện cho vay đầu tư chứng khoán. Chỉ mở ra hình thức mua khống bán khống, thực hiện các sản phẩm phái sinh khi các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài thực sự đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứ không phải như hiện nay tâm lý bầy đàn dẫn dắt thị trường .

II/ Đề xuất  của VAFI :

– Cần 1 lộ trình giảm dần dư nợ cho vay tiền chứng khoán, giảm dần việc cho vay trong khoảng thời gian ngắn, cũng như hạn mức tín dụng giảm xuống bằng hình thức khống chế tỷ lệ cho vay theo giá thị trường.

– Trong thời gian tới đây, hạn mức tín dụng của ngân hàng trong việc kinh doanh chứng khoán giảm xuống, đề nghị UBCK khuyến nghị các công ty chứng khoán cần chọn lọc khách hàng cho vay.

– UBCKN cần sớm có công văn gửi cho công ty chứng khoán yêu cầu không được thực hiện hình thức cho mua khống chứng khoán dưới mọi hình thức, cho CTCK khoảng thời gian khoảng 3 tuần để thực hiện việc này. Chỉ thị này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBCKNN :

+ Theo Luật thì mua chứng khoán phải có tiền hoặc có tài sản đảm bảo . Chứng khoán chưa về thì chưa trở thành tài sản đảm bảo.

+ Vì sự an toàn và ổn định của TTCK,vì lợi ích của các bên tham gia TT và cũng vì lợi ích của nhà đầu tư.

– Cấm hình thức mua khống chứng khoán có tác động xấu tới TT hay không ?  

+ Các thành viên VAFI đã thảo luận rất kỹ điểm này và nhận thấy không hề có tác động tiêu cực. Hiện nay khi áp dụng giải pháp thu hẹp biên độ tại 2 sàn thì hình thức mua khống T + 3 đang bị ngừng hoạt động, đây là tiền đề rất tốt để UBCKNN cấm các công ty chứng khoán triển khai dịch vụ mua khống chứng khoán, sau khi thực hiện lệnh cấm xong thì chúng ta mới có cơ sở để xem xét tăng dần biên độ giao dịch

+ Mua khống chứng khoán hoàn toàn khác biệt với những hợp đồng cầm cố chứng khoán có tài sản đảm bảo và có thời hạn. Nếu đột ngột dừng những hợp đồng này thì mới có ảnh hưởng đến thị trường.

+ Chấm dứt hình thức mua khống chứng khoán có thể làm cho qui mô giao dịch trong ngày giảm ( trong ngắn hạn ) nhưng sẽ ngăn chặn được những nguồn cung nguy hiểm, giảm rất nhiều áp lực cho thị trường.

+ Sớm thực hiện việc chấm dứt hình thức mua khống trong tình hình hiện nay sẽ tạo điều kiện giải chấp dễ dàng những hợp đồng cầm cố quá hạn, từ đó thị trường đi vào ổn định.

III/ Đề xuất cụ thể về việc ban hành văn bản pháp lý:

1/ UBCKNN đôn đốc các công ty chứng khoán sớm chuẩn bị thực hiện việc để khách hàng mở tài khoản tiền mặt tại ngân hàng thương mại, chứ không để tiền gửi tại công ty chứng khoán nhằm :

– Ngăn chặn việc CTCK chiếm dụng vốn của khách hàng và có thể có những hành vi nguy hiểm như chiếm dụng vốn của nhà đầu tư và không thể trả được do CTCK có thể ở tình trạng giải thể phá sản ;

– Hình thức mua khống T + 3 sẽ tự động bị triệt tiêu do không còn tình trạng chiếm dụng vốn của nhà đầu tư này cho nhà đầu tư khác mua khống.

2/ Vì vấn đề an toàn cho TTCK, UBCKNN có thẩm quyền yêu cầu các công ty chứng khoán ngừng ngay dịch vụ uỷ thác đầu tư đi kèm với cho vay tín dụng :  

– Lệnh cấm này chỉ thực hiện với các đợt IPO hay đấu giá cổ phần sẽ diễn ra trong tương lai nên không hề có ảnh hưởng gì tới thị trường mà ngược lại có tác động tốt nhằm giảm nguồn tìn dụng cung cấp cho đầu tư chứng khoán.

– Đối với những hợp đồng uỷ thác đầu tư kèm theo việc cho vay tín dụng đã ký kết giữa công ty chứng khoán với nhà đầu tư thì tiếp tục kế thừa và để nhà đầu tư thu xếp tiền thanh lý hợp đồng,

3/ Vì vấn đề an toàn cho TTCK là trên hết, UBCKNN hoàn toàn có thẩm quyền ( theo Luật Chứng khoán ) yêu cầu hạn mức cho vay trên cơ sở cầm cố chứng khoán như sau :

– Chỉ thực hiện cho những hợp đồng mới, với nhứng hợp đồng cũ thì giữ nguyên ;

– Trên cơ sở tài sản cầm cố là chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết ( không tính số chứng khoán sẽ về tài khoản ), hạn mức cho vay tối đa bằng 30% giá trị tài sản cầm cố tại thời điểm vay.

– Nếu tất cả công ty chứng khoán đều nghiêm túc thực hiện việc này thì tất cả những hình thức cho vay dưới những tên nghiệp vụ như hợp đồng repo , hợp đồng BCC, mua khống T + 3  đều chấm dứt.

– Có thể qui định một cách chặt chẽ như sau “ việc cho nhà đầu tư vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào như cầm cố chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng repo….thì hạn mức cho vay không quá 30% tài sản là chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết. Chứng khoán đã mua nhưng chưa về tài khoản thì không được coi là tài sản cầm cố “.

4/ Vì vấn đề an toàn cho TTCK, UBCKNN hoàn toàn có thẩm quyền cấm các CTCK triển khai dịch vụ mua khống T + 3 :

– Mua khống tức là trong tài khoản của nhà đầu tư :

+ Không có tiền hoặc không có đủ tiền để thực hiện các giao dịch mua chứng khoán theo kế hoạch của nhà đầu tư :

+ Đồng thời toàn bộ số chứng khoán hiện có của nhà đầu tư đã bị cầm cố hết hoặc số chứng khoán hiện có nhỏ hơn nhiều lần  số tiền CTCK cho nhà đầu tư mua theo hình thức T + 3

– Khi biên độ dao dịch thu hẹp như hiện nay thì dịch vụ mua khống T + 3 đang bị đình trệ, đây là cơ hội rất tốt để UBCKNN thực hiện lệnh cấm này.

Trong tình hình hiện nay, chúng tôi tin tưởng rằng UBCKNN có thể ra ngay công văn cho các công ty chứng khoán thực hiện các giải pháp tại điểm 2, 3,4 mục III mà không hề có tác động tiêu cực gì mà ngược lại sẽ dần dần thu hẹp phong trào đi vay tiền chơi chứng khoán , đồng thời góp phần cho việc cơ cấu lại các khoản đầu tư trên 2 thị trường, giúp cho công tác giải chấp chứng khoán từ các ngân hàng được thành công. Khi chúng ta đã thực hiện được các giải pháp trên thì sẽ có nền tảng để xem xét việc tăng dần biên độ. Nếu chúng ta không thực thi các giải pháp trên mà mở biên độ thì nguy cơ tiềm ẩn cho TTCK vẫn còn rất lớn, nhất là khi phong trào “ lướt sóng” được khởi động lại.

 

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133