Làm cách nào để hạ nhanh mặt bằng lãi suất cho vay ? Và sẽ ở mức thấp nhất ( dưới 10%/năm ) để phù hợp với tiềm năng của nền kinh tế cũng như đảm bảo sự ổn định kinh tế vỹ mô ? Thời kỳ 2005 – 2007 đã chứng kiến lãi suất cho vay ở mức dưới 10%/năm ; Hạ nhanh lãi suất cho vay là mong mỏi của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp & của Chính phủ . Để giải quyết vấn đề , Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất với Chính phủ những giải pháp đột phá sau đây ( giải pháp của giải pháp ) :
I/Phân tích một số yếu tố vỹ mô cơ bản tác động mạnh đến chính sách giảm lãi suất:
( Tài liệu thuyết minh đính kèm )
II/ Ba phương án hạ lãi suất :
1/ Phương án 1 : Theo như cách thức Ngân hàng nhà nước đang triển khai :
– Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các NHTMCP khác ;
– Theo tín hiệu CPI và thị trường liên ngân hàng, NHNN thực hiện bơm tiền ở mức độ liều lượng và cuối cùng từng bước điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động theo từng giai đoạn ;
– Với phương án này, LS cho vay sẽ giảm rất chậm và dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14%- 18%, phổ biến sẽ ở mức từ 15% – 17%. Đây vẫn sẽ là mức lãi suất quá cao cho cộng đồng doanh nghiệp ;
– Nếu thực hiện giảm dần mặt bằng lãi suất huy động xuống mức dưới 8%/năm trong các năm tới thì e rằng chưa được vì hiệu ứng tâm lý của người gửi tiền : do lãi suất tiền gửi VND thấp trong khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng còn cao, có thể có khả năng dòng tiền tiết kiệm VND sẽ chuyển dịch sang ngoại tệ và vàng và từ đó gây khó khăn trong huy động vốn của hệ thống ngân hàng và lại tác động tới lạm phát . Vì vậy cần phải tìm thêm các giải pháp hỗ trợ cho tiến trình giảm lãi suất cho vay .
2/ Phương án 2 :
– NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ từ 40%- 55% tổng lượng tiền gửi, đây là con số không nhỏ và có tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay ; Việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống NHTM, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ ;
– Khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm ( đây chỉ là bước khởi đầu ) nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại ;
– Đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm ; Sau đó theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay ;
– Với phương án này, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12%-16%, phổ biến sẽ ở mức 14%- 15% ; Với phương án này, lãi suất cho vay vẫn còn cao và không tương xứng với “ nội lực của đất nước “.
– Sử dụng phương án này không thể đạt được mục tiêu đưa lãi suất cho vay về dưới mức 10%/năm cho các năm 2013, 2014 do hiệu ứng tâm lý của người gửi tiền , vì vậy cần phải tìm thêm các giải pháp hỗ trợ mạnh ;
3/ Phương án 3 :
– Những điểm cơ bản của phương án 3 :
+ Công bố chủ trương áp thuế giá trị gia tăng , thuế tiêu thụ đặc biệt cho các giao dịch mua bán vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20% so với giá bán và sau đó Bộ Tài chính thực hiện ngay các thủ tục pháp lý để thực hiện chính sách thuế .Tuy nhiên khi người dân có nhu cầu bán vàng thì NHNN ( thông qua công ty SJC ) sẵn sàng mua theo giá quốc tế tại thời điểm bán mà không phải chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp của người dân và không để dân thiệt ;
+ Qui định lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng ở mức 0%/năm nhằm bảo vệ mạnh mẽ VND, VND chắc chắn tăng giá thêm 3% nếu NHNN chấp nhận ;
– Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng cũng cần sớm được ban hành vì nó tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối ;
– Điểm mấu chốt của Nghị định là sẽ ban hành chính sách thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng ; Tuy nhiên không cần chờ Nghị định ban hành, ngay từ bây giờ Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước nên ngồi lại với nhau để làm chính sách thuế. Việc làm chính sách thuế là cực kỳ đơn giản, chỉ cần công bố trước mức thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20% cho phù hợp với các Luật thuế hiện hành và thông lệ quốc tế ;
– Hiệu quả của Phương án 3 sẽ diễn ra như thế nào ?
+ Khi Chính phủ chấp thuận và công bố các giải pháp như PA 3, hàng vạn người đang nắm giữ vàng miếng sẽ nhanh chóng bán vàng vì họ hiểu rằng :
> Đồng nội tệ được bảo vệ cực kỳ mạnh mẽ và sẽ lên giá ;
> Bán vàng ở thời điểm này là rất có lợi vì giá vàng quốc tế đang cao và đang trong vùng đỉnh ;
> Nhanh chóng chuyển sang VND để còn kịp thời gian gửi tiết kiệm lãi suất cao ;
> Trong năm 2012, NHNN có khả năng mua được gần 5 tỷ đô la từ việc thu mua vàng, đây là con số gần tương đương với mức mua vàng trong năm 2011 ;
– Những người đang nắm giữ ngoại tệ cũng nhanh chóng bán ngoại tệ cũng theo logic như trên và cũng vì không còn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi USD ở mức 2%/năm nữa ;
– Sẽ có thêm nguồn cung tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng là tiền đề để giảm nhanh mặt bằng lãi suất huy động mà không sợ dân rút tiền vì :
+ Dòng tiền vào thị trường vàng đã gần như bị ngăn chặn bởi thuế cao, VAFI ước tính tiền vào vàng sẽ giảm đi 90%, chỉ còn lại khoảng 5% – 10% dòng tiền nhàn rỗi chảy vào vàng chủ yếu với nhu cầu trang sức thật sự ;
+ Dòng tiền vào ngoại tệ chợ đen cũng không còn hấp dẫn và đầy rủi ro vì lãi suất tiền gửi ở mức 0% cộng với nguy cơ mất vốn và bị phạt do kinh doanh trái phép ;
– Khi lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ cứu được hàng vạn doanh nghiệp đang trong tình trạng phải giải thể phá sản ;
– Lãi suất xuống nhanh sẽ kích thích thị trường chứng khoán phục hồi phát triển , nhà đầu tư trong nước & nước ngoài sẽ nhanh chóng quay lại TTCK và điều đó sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại & cộng đồng doanh nghiệp trong nước huy động được nhiều vốn tự có, giảm nợ vay, đồng thời nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại có thể giảm xuống còn một nửa ;
– Bằng những giải pháp của Phương án 3, VAFI tin rằng tình trạng vàng hóa, đô la hóa sẽ kết thúc cơ bản trong 2 năm tới, làm nền tảng để kiểm soát CPI tăng không quá 7%/năm, lãi suất cho vay nội tệ ở mức dưới 10%/năm, lãi suất cho vay ngoại tệ dưới 3%/năm ;
– Thực hiện PA3 sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN cũng như cấu trúc lại tình hình tài chính của doanh nghiệp VN ;
– Sau 3 năm thực hiện PA3, dự trữ ngoại hối sẽ dễ dàng đạt được con số 35 tỷ đô la ;
– Nhìn tổng thể PA3 không có tác động tiêu cực, nếu có chỉ là hạn chế kinh doanh với vài công ty kinh doanh vàng miếng, tuy nhiên ngành nghề kinh doanh này cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vì bản chất của ngành kinh doanh này là : kinh doanh sự bất ổn, làm trầm trọng bất ổn kinh tế vỹ mô , thậm chí gây ra sự bất ổn ;
Từ phân tích trên để thấy rằng việc giảm lãi suất không phải là việc khó, mọi giải pháp đã có sẵn, vấn đề là lựa chọn giải pháp và nhanh chóng hành động .
Trên đây là góp ý của VAFI, Kính mong Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng BTC, Thống đốc NHNN và các cơ quan hữu quan xem xét .