Thu ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi phải có những giải pháp mới để phát triển nguồn thu . Về vấn đề này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt nam ( VAFI ) thấy rằng không thiếu giải pháp để phát triển nguồn thu từ nhiều tiềm năng của nền kinh tế còn chưa được khai thác. Sau đây VAFI xin Đề xuất 5 Giải pháp tăng thu NSNN gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ & địa phương hữu quan và các Đại biểu Quốc Hội xem xét:
1/ Tập trung bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước hay công ty đã cổ phần hóa thuộc diện doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel, Bia Sài gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk…ngân sách nhà nước sẽ thu về khoảng 10 tỷ đô la;
– Nếu không bán cổ phần nhà nước và để như tình trạng hiện nay thì khối tài sản khổng lồ đó không được sử dụng hiệu quả trong khi nhà nước liên tục phải đi vay để đầu tư phát triển với chi phí tốn kém;
– Nguy cơ tài sản nhà nước mất giá và bị thiệt hại nặng nề do cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tồn tại nhiều bất cập và khó được giải quyết. Nếu như những doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả mà tới thời điểm nào đó rơi vào tình trạng hội đồng quản trị yếu kém thì tài sản nhà nước nhanh chóng bị mất giá; Chẳng hạn như với tập đoàn Vinacomin, được nhà nước giao quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, nhưng trong những năm qua do quản trị doanh nghiệp yếu kém, đầu tư dàn trải, vay nợ rất nhiều nên kinh doanh gặp nhiều khó khăn, khó vay vốn ngân hàng ?
2/ Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh nên đi tiên phong trong việc bán những bất động sản có giá trị lớn nằm ở các vị trí trung tâm để lấy tiền xây dựng các đường tàu điện nội đô , giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông hiện nay:
– Những bất động sản trên bao gồm các khu trung tâm thương mại, các khách sạn lớn đang được quản lý bởi doanh nghiệp nhà nước hay là phần vốn góp của thành phố trong các liên doanh nước ngoài, chẳng hạn như tổ hợp khách sạn văn phòng Daewoo, khách sạn Rex, khách sạn Caravelle, khách sạn Metropole Hà Nội…..
– Những bất động sản đắt giá như trên đang không mang lại một đồng ngân sách nào cho các Thành phố, nếu chúng làm ra lợi nhuận thì lại được phân phối về doanh nghiệp nhà nước và rồi có thể bị thiệt hại do doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, đi vay nợ nhiều ( đã có thực tế như vậy ).
– Những công trình trên không nên cổ phần hóa mà nên thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cho 1 nhà đầu tư để thu tiền về ngân sách thành phố. Nếu quyết liệt làm thì hai thành phố sẽ có nguồn vốn đủ để xây dựng trên 6 đường tàu điện nội đô, tới năm 2020 có thể giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra, còn với tình trạng thiếu vốn như hiện nay thì không biết đến bao giờ giao thông công cộng của 2 thành phố mới được giải quyết cơ bản ?
3/ Sử dụng giải pháp kỹ thuật để chuyển nhanh trong vòng 30 ngày những Tập đoàn kinh tế lớn, những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả thành công ty cổ phần với 3 cổ đông là nhà nước, công đoàn, đảng ủy. Mục đích của giải pháp này là thu cổ tức hàng năm từ những doanh nghiệp đang được hưởng những đặc quyền kinh doanh lớn:
– Nhà nước giao cho đại diện công đoàn, cấp ủy cơ sở sở hữu 1 cổ phần, phần vốn nhà nước giao cho Bộ quản lý ngành hay UBND quản lý như cơ chế hiện hành, như vậy 1 DNNN nhanh chóng trở thành công ty cổ phần và phải nộp cổ tức vốn nhà nước, thay vì không phải nộp theo cơ chế hiện nay;
– Những đơn vị chuyển đổi thuộc diện chưa có kế hoạch cổ phần hóa như VNPT, Petro Vietnam, SCIC, Viettel, EVN, Vinafone, các công ty Xổ số kiến thiết…Chỉ riêng những đơn vị này nếu thu cổ tức ở mức khiêm tốn thì hàng năm cũng nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 2 tỷ đô la;
4/ Đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy ….vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết . Để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang, (với thuế suất 20%) còn với hoạt động bán vàng cho ngân hàng nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt;
– Chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt đuợc tình trạng vàng hóa, đô la hóa;
– Giải pháp đấu thầu vàng miếng không giải quyết được tình trạng vàng hóa đất nước và chỉ có lợi cho vài công ty kinh doanh vàng, còn đại bộ phận người mua vàng đều không hưởng lợi và ngược lại là thua lỗ lớn , thực tế trong 3 năm qua đã chứng minh điều này;
– Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm ngàn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm , đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ đô la nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ đô la, lúc đó hình ảnh nền kinh tế VN sẽ khác hẳn so với hiện nay;
– Nếu như doanh nghiệp chỉ vay với lãi suất khoảng 5% – 6%/năm với VND và 2% với USD, VAFI tin rằng kinh tế VN sẽ nhanh chóng phục hồi & phát triển bền vững , ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ tăng nhanh,
5/ Nhà nước cần phải xác định thị trường chứng khoán là mặt trận kinh tế hàng đầu, là nơi bơm vốn cho toàn bộ nền kinh tế trong đó có nhiệm vụ bơm vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại chứ không phải là quan niệm chỉ hệ thống ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho nền kinh tế, từ đó cần xác định phải ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp chứng khoán trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế nòng cốt của đất nước. Nếu làm được như vậy thì thu ngân sách nhà nước có cơ sở để tăng nhiều và tăng liên tục so với hiện nay;
– Trong những ngày gần đây, giới tài chính, chứng khoán trong nước rất vui mừng với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ khi phát biểu với báo giới nước ngoài là “sẽ mở cửa thị trường tài chính Việt Nam ngang bằng các nước trong khu vực, sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng để thu hút vốn cho hệ thống ngân hàng trong nước”, hy vọng là hệ thống ngân hàng thương mại sẽ được tiếp thêm nhiều sức để xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị nhờ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài;
– Tuy nhiên giới đầu tư chứng khoán trong nước chưa nhận được thông điệp gì của Tân Bộ trưởng tài chính về lĩnh vực chứng khoán, bản thân Tân Bộ trưởng tài chính cũng chưa làm việc riêng với Ủy Ban chứng khoán nhà nước, có lẽ Tân Bộ trưởng Tài chính chưa hiểu sâu sắc vai trò của thị trường chứng khoán trong việc phát triển nguồn thu cho ngân sách nhà nước?
– Bộ trưởng Tài chính là tư lệnh của ngành công nghiệp chứng khoán, để +ngành chứng khoán liên tục phát triển bền vững thì đòi hỏi phải có sự quan tâm thuờng xuyên của Tư lệnh ngành.
– Đặt nền móng cho thị trường chứng khoán phát triển như ngày nay (từ lúc sơ khai) là nhờ đến công lao của nguyên Bộ trưởng tài chính Nguyễn Sinh Hùng. Ngay từ khi Ủy Ban chứng khoán nhà nước chưa chính thức chuyển về Bộ Tài chính, ông đã lo lắng và trăn trở là phải làm gì để phát triển nhanh TTCK, từ đó hàng tuần, hàng tháng trong các cuộc họp giao ban ông đều trực tiếp giao nhiệm vụ và đôn đốc thực hiện cho các đơn vị tham mưu để nhanh chóng xây dựng những chính sách khả thi cho TTCK, từ chính sách kế toán, chính sách thuế, chính sách cổ phần hóa để tạo hàng hóa cho TTCK, chính sách thu hút dòng vốn FII…. Tư lệnh ngành chứng khoán phải hành động như vậy thì mới hy vọng thị trường chứng khoán trở thành mặt trận kinh tế hàng đầu để làm cho đất nước được giàu mạnh gấp nhiều lần so với hiện nay .