Đề xuất các giải pháp cải thiện tiền đồng

Làm cách nào để cải thiện tình trạng thiếu tiền đồng khi nhà đầu tư nước ngoài cần thanh toán tiền mua cổ phần , đây là 1 vấn đề mới phát sinh trong thời gian gần đây, vì vậy Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI) xin đề xuất các giải pháp để cải thiện tiền đồng với mong muốn được góp ý kiến và để các cơ quan hữu quan xem xét :

Trong thời gian vừa qua có xảy ra tình trạng :

– Có những thời điểm khan hiếm tiền đồng làm trở ngại trong việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ;

– Với những giao dịch mua cổ phần với trị giá lớn từ 50 triệu USD trở lên thì việc bán tiền đô để mua tiền đồng gặp trở ngại về thời gian thu xếp, NĐTNN phải xoay xở ;

– Có tình trạng phải lo thu xếp VND trước , sau đó mới chủ động phương án mua cổ phần, như vậy có thể dẫn tới việc “ vốn bị ứ đọng .“

– Tình trạng khan hiếm tiền VND không phải lúc nào cũng xảy ra thường xuyên, nếu lượng mua cổ phiếu trên sàn của nhà đầu tư nước ngoài hàng ngày vào khoảng dưới 20 triệu USD thì các Ngân hàng lưu ký tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể thu xếp được.

–  Tuy nhiên Khi việc mua VND trở nên không sẵn sàng, không thuận tiên thì cũng làm giảm tính hấp dẫn của TTCKVN, từ đó ảnh hưởng đến việc huy động vốn vào TTCKVN.

Đề xuát 5  giải pháp  cải thiện tình trạng khan hiếm tiền đồng :

1/ Khi nhà đầu tư nước ngoài tham dự đấu giá thành công các đợt IPO từ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá thì  khoản tiền bán cổ phần nhà nước thu được sẽ được thanh toán bằng ngoại tệ theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày thanh toán và được chuyển về các Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

– Nếu thực hiện điều này thì những đợt IPO lớn , có thể dễ dàng thuận tiện trong việc thu hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD về ngân sách nhà nước mà không làm ảnh hưởng đến thị trường tiền đồng.

– Tuy nhiên để thực hiện quy định này thì phải sửa đổi Nghị định 109 khi quy định việc thanh toán tiền mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài phải bằng tiền đồng.

– Việc thanh toán 1 khối lượng lớn ngoại tệ chỉ xảy ra tại 1 số Tổng công ty nhà nước có qui mô vốn lớn thực hiện cổ phần hoá và số tiền này sẽ được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước, vì vậy nếu giải pháp này là khả thi thì Chính phủ cho phép SCIC tiếp nhận các khoản ngoại tệ lớn này và sau đó sẽ có nhiều thời gian để chuyển đổi sang VND theo những qui định của nhà nước mà không làm ảnh hưởng đột biến  đến cung tiền đồng đối với thị trường tiền tệ tại 1 thời điểm nào đó.

2/ Cho phép các công ty cổ phần, kể cả khối ngân hàng cổ phần khi tăng vốn điều lệ và có bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài & cổ đông nước ngoài hiện hữu thì được phép thu  bằng ngoại tệ mạnh, tức là cho phép doanh nghiệp có quyền lựa chọn tiền thanh toán là VND và USD.

– Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu hay không xuất khẩu đều đươc phép nắm giữ ngoại tệ ở mức không hạn chế mà không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ khi xuất hiện tình trạng tiền VND mất giá và thiếu USD, tình trạng này đã xảy ra đầu những năm 1990 và khi đó NHNN hạn chế bằng cách cấp phép mua ngoại tệ hay buộc doanh nghiệp phải kết hối sang VND;

– Nếu cho phép doanh nghiệp được thu tiền bán cổ phần bằng USD thì doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu….đồng thời không phải đi mua đô la nữa.

– Khi xảy ra tình trạng khan hiếm tiền đồng ở thời điểm huy động vốn thì những doanh nghiệp phát hành sẵn sàng thu bằng ngoại tệ mạnh và gửi ở ngân hàng, mà không phải chịu áp lực bán đô ngay trong các khâu thanh toán.

– Đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần :

+ Hiện  Ngân hàng nhà nước qui định các Ngân hàng thương mại không được nắm giữ qua ngày tổng ngoại tệ với trị giá không quá 30% vốn chủ sở hữu. Nếu ngân hàng cổ phần huy động vốn từ NĐTNN bằng ngoại tệ thì có thể gặp trở ngại ở quy định này;

+ Vì vậy xin đề xuất : Trong trường hợp NHCP huy động vốn cổ phần từ NĐTNN bằng ngoại tệ thì phải có kế hoạch điều chỉnh trạng thái ngoại hối trong vòng 1 tháng, 1 giải pháp khác là cần nâng trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại lên 1 mức mới hợp lý  nhằm giảm áp lực mua ngoại tệ từ ngân hàng nhà nước.

3/ Giao dịch thoả thuận mua bán cổ phần hay trái phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau tại thị trường niêm yết hay không niêm yết thì không cần thiết phải thanh toán bằng VND, mà cho phép thanh toán bằng ngoại tệ mạnh, tuy nhiên chi phí giao dịch thì phải thanh toán bằng tiền đồng.

4/ Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ không nên phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, thay vào đó là phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước :

– Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay thì chi phí thấp và lãi xuất thấp.

– Giải quyết tình trạng dư thừa ngoại tệ từ thị trường trong nước, đồng thời tạo đầu ra cho hệ thống ngân hàng thương mại và cũng làm cho thị trường trái phiếu phát triển.

5/ Xem xét giới hạn NĐTNN mua trái phiếu trong nước :

– Bắt đầu từ Quí 3/2006 khi Thông tư 72 của Bộ Tài chính ra đời ( qui định cụ thể về thuế kinh doanh trái phiếu và thủ tục rút vốn ) thì những dòng vốn đầu tư khổng lồ từ các nhà đầu tư quốc tế đổ vào thị trường VN và làm cho nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ thành công hơn trước rất nhiều : không bị ế và lãi xuất giảm trong tình trạng lạm phát gia tăng.

– Hiện chưa rõ số tiền nhà ĐTNN đổ vào thị trường trái phiếu là bao nhiêu vì NHNN không có tổng hợp nhưng theo ước tính thì nhiều quỹ trái phiếu toàn cầu đã đổ 1 lượng tiền khoảng trên 3 tỷ đô la . Trái phiếu VN trở nên hấp dẫn vì lãi xuất cao cộng với xu hướng tiền đồng tăng giá so với tiền đô la mỹ.

– Việc NĐTNN tham gia vào thị trường trái phiếu đã làm chi thị trường trái phiếu VN thay đổi cơ bản , tuy nhiên cũng góp phần tạo nên tình trạng khan hiếm tiền đồng và từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút vốn nước ngoài vào thị trường cổ phiếu.

– Xin đề xuất  giải pháp sau :

+ Trước hết Ngân hàng nhà nước, kết hợp với Bộ Tài chính và UBCKNN cần thống kê lượng vốn nước ngoài đã mua trái phiếu trong nước là bao nhiêu kể từ tháng 9/2006 đến thời điểm hiện tại , việc thống kê này hết sức có ý nghĩa để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến cung tiền đồng và từ đó có những giải pháp thích hợp.

+ Có thể xem xét kỹ tỷ lệ NĐTNN mua trái phiếu trong từng đợt phát hành . Xin đề xuất Nhà đầu tư nước ngoài được mua không quá 30%- 50% tổng giá trị của từng đợt phát hành. Giới hạn này không áp dụng đối với các quỹ đầu tư nước ngoài mà công ty quản lý quỹ đã có văn phòng đặt tại VN. Đây là 1 chủ trương nhằm định hướng và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến VN đầu tư lâu dài.

+ Giải pháp này được xem xét và có thể áp dụng sau nếu tình trạng tiền đồng vẫn khan hiếm sau khi hàng loạt giải pháp đã ra đời.

          Nhận định:

– Cần  nhìn nhận tình trạng khan hiếm tiền đồng là biểu hiện tốt của nền kinh tế khi hấp thụ được nhiều vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài . Vốn FDI và FII sẽ ngày càng gia tăng hơn nhiều so vơi giai đoạn hiện nay vì kinh tế nước ta sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong 1 khoảng thời gian dài cộng với  qui mô TTCK ngày càng tăng lên nhiều lần so với hiện nay , vì vậy cần phải có những giải pháp thích hợp hấp thụ những nguồn vốn này.

– Khả năng ngân hàng nhà nước mua ngoại tệ sẽ là hạn chế ( với chính sách hiện nay ) vì :

+ Chủ trương không cho VND tăng giá nhiều để khuyến khích xuất khẩu ;

+ Nếu mua ngoại tệ nhiều có thể  xảy ra tình trạng bao cấp giá mua ngoại tệ ;

+ Rõ ràng là bể chứa ngoại tệ của ngân hàng nhà nước là có hạn , cần phải đi tìm những bể chứa khác.

– Khả năng hấp thụ của hệ thống ngân hàng thương mại cũng bị hạn chế :

+ Ngân hàng thương mại chỉ mua ngoại tệ phù hợp với nhu cầu bán ngoại tệ ;

+ Bị khống chế ở trạng thái ngoại hối 30% ( Theo qui định hiện hành thì ngan hàng không được nắm giữ quá 30% ngoại tệ so với vốn chủ sở hữu )

+ Khả năng hấp thụ của khối ngân hàng thương mại có tăng lên do việc tăng vốn điều lệ nhưng vẫn bị giới hạn khả năng hấp thu ngoại tệ.

– Đi tìm những bể chứa ngoại tệ khác :

+ Đó là các doanh nghiệp cần huy động vốn thì cho phép huy động bằng ngoại tệ ;

+ Có những ý kiến lo ngại tình trạng đô la hoá nền kinh tế nhưng cần phải phân tích cụ thể ra sao ?

+ Khi cho phép doanh nghiệp được huy động vốn bằng ngoại tệ thì doanh nghiệp có thể rất dễ dàng chấp nhận thanh toán ngoại tệ với 1 tỷ giá liên ngân hàng ( tỷ giá này có thể gây thiệt 1 chút so vói thực tế nhưng doanh nghiệp có được rất nhiều lợi ích lớn hơn từ việc huy động được vốn)

+ Bể chứa ngoại tệ của hệ thống doanh nghiệp sản xuất kinh doanh doanh khác biệt nhiều so với bể chứa ngoại tệ của ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại :

. Nếu qui định cấm doanh nghiệp không được kinh doanh ngoại tệ thì bể chứa này sẽ rất ổn định ;

. Doanh nghiệp không chịu áp lực lớn trong việc chuyển sang VND ;

. Doanh nghiệp có thể gửi ngoại tệ tại ngân hàng trong khoảng thời gian dài ;

. Doanh nghiệp dùng tiền ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị…….

– Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ nên chúng ta nên tổ chức hội thảo , trong đó cần tham vấn ý kiến từ các ngân hàng thương mại trong nước và ngoài nước, từ ngân hàng thế giới và IMF thì sẽ rất tốt.

 

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133