Đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống Bệnh viện công lập

Tại sao phải cải tổ hệ thống bệnh viện công lập ( HTBVCL ) ? Cải tổ HTBVCL theo hướng nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ của hệ thống Bệnh viện công lập không ngừng tăng lên, để làm sao tòan thể người dân ở nông thôn được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện với chất lượng ngang bằng dịch vụ tại các bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy…. ? Cải tổ theo hướng nào để toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập đảm bảo khám chữa bệnh cho 100% người dân có bảo hiểm y tế nhà nước và chỉ với giá dịch vụ thấp nhất ( so với bệnh viện ngoài hệ thống công lập ) và tuân theo giá dịch vụ do nhà nước qui định ?

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) với nhiều kinh nghiệm  thành tích trong tư vấn hoạch định chính sách kinh tế tài chính  xin trình bày hệ thống giải pháp chính sách để cải tổ hệ thống bệnh viện công lập nhằm đáp ứng các mục tiêu đề cập ở trên .

1/ Đánh giá những hạn chế tồn tại cơ bản trong hệ thống BVCL :

* Nhiều năm qua Đảng & Chính phủ có nhiều quyết sách quan trọng trong lĩnh vực y tế:

– Tăng cường nguồn ngân sách khổng lồ đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống bệnh viện công lập;

– Ban hành nhiều chính sách để xã hội hóa trong lĩnh vực y tế;

– Khuyến khích HTBVCL từng bước thực hiện cơ chế tự chủ tài chính;

– Tăng viện phí và các dịch vụ khám chữa bệnh cho tiệm cận với cơ chế thị trường, từng bước có nhiều cơ chế giải pháp cải thiện thu nhập cho người lao động;  Lộ trình tăng viện phí từ 2018 trở đi sẽ đảm bảo tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp dịch vụ khám chữa bệnh – Đây là bước đi quan trọng  là tiền đề cho sự thành công của công cuộc cải tổ hệ thống BVCL ;

– Đẩy mạnh và mở rộng cơ chế bảo hiểm y tế cho toàn dân dưới nhiều hình thức theo xu hướng hội nhập;

– Tổ chức nhiều đoàn chuyên gia gồm nhiều giáo sư bác sỹ giỏi từ các bệnh viện lớn về địa phương để “cầm tay chỉ việc” nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực cho y tế địa phương và để giảm tải cho hệ thống các bệnh viện trung ương; Hình thành hệ thống các bệnh viện vệ tinh;

– Chính phủ đã ban hành cơ chế cho phép cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có một số bệnh viện nhưng chỉ đang ở hình thức thí điểm trong lĩnh vực bệnh viện công lập;

* Những chủ trương chính sách như trên đã làm thay đổi đáng kể cơ sở vật chất của hệ thống bệnh viện công, nhiều máy móc thiết bị tiên tiến được trang bị cho các bệnh viện, trình độ khám chữa bệnh được tăng lên… Đang đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của nhân dân…

* Tuy nhiên còn tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực trong hệ thống bệnh viện công lập từ nhiều năm nay mà chưa tìm ra phương thuốc cứu chữa:

– Suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân. Điều đáng nói là chất lượng xây dựng công trình, và có thể bao hàm chất lượng máy móc thiết bị là kém.  Điều này ảnh hưởng rất lớn tới giá viện phí hay đòi hỏi rất lớn và lãng phí tới sự bao cấp vốn lớn của nhà nước;

– Giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp,  thuốc vào bệnh viện thì phải qua nhiều tầng lớp trung gian . Giá thuốc cao, suất đầu tư cho máy móc thiết bị cao sẽ làm cho giá viện phí tăng lên hay chất lượng phục vụ sẽ giảm theo ;

– Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như  tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến, rồi việc phải mang theo người nhà đi chăm sóc bệnh nhân.

– Chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hàng đầu  như Bạch Mai, Việt Đức… cũng đang có nhiều vấn đề bởi cơ chế thu nhập hiện hành, bởi tiêu cực trong việc tuyển dụng đề bạt…Bởi cơ chế quản lý bệnh viện chưa chuyên nghiệp.

– Đi khám chữa bệnh bây giờ mất rất nhiều thời gian và chi phí. Phải có kiến thức để biết chọn bệnh viện, chọn bác sỹ, còn nếu không cẩn trọng thì dễ dàng bị mất tiền mà không chữa được bệnh. Nhiều người phải mất thời gian đi khám nhiều nơi mới xác định bệnh của mình một cách chắc chắn.

– Tình trạng luôn quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí minh đi kèm với tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến lớn nói lên điều gì ? Có 1 khoảng cách rất lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa thành thị và nông thôn hay là có 1 khoảng cách rất lớn về năng lực trình độ của bác sỹ ở thành thị và nông thôn ? Giải pháp nào để xóa bỏ tình trạng này ? Chưa thấy Bộ Y tế đưa ra 1 giải pháp hữu hiệu nào ? Đây đang là căn bệnh ung thư khó chữa ?

– Phát triền Bảo hiểm y tế cho toàn dân là 1 quyết sách đúng và phù hợp với xu hướng hội nhập nhưng đang có tình trạng quỹ bảo hiểm y tế bị lạm dụng dưới nhiều hình thức thô thiển và tinh vi . Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, 2018 sẽ bội chi vì việc bị lạm dụng, giải pháp nào để giải quyết tình trạng này ?

– Nợ công nhà nước đang cao, Chính phủ có nhiều giải pháp để giảm chi tiêu thâm hụt ngân sách. Ngân sách nhà nước không thể mãi bao cấp một cách toàn diện và chưa hiệu quả cho nền y tế nước nhà mà chỉ nên theo hướng bao cấp, trợ giá cho người nghèo, vậy cần giải pháp gì để thực hiện chủ trương này ?

2/  Những hạn chế tiêu cực như phân tích ở trên đang như những căn bệnh  khó chữa , hiện chưa có phương thuốc chữa hữu hiệu và sẽ còn tồn tại rất lâu nếu như chúng ta không quyết liệt đi tìm giải phảp cứu chữa . Những căn bệnh khó chữa ở trên xuất phát từ những nguyên nhân gì :

– Hệ thống bệnh viện nhà nước đang chiếm chỉ đạo ( khoảng  90% ) , đang được vận hành theo cơ chế quan liêu, bao cấp không chuyên nghiệp, cho nên sự không chuyên nghiệp trong dịch vụ khám chữa bệnh, tình trạng tiêu cực tham nhũng  trong xây dựng cơ sở vật chất cho bệnh viện, trong việc mua thuốc tồn tại và phát triển là đương nhiên. Nếu chúng ta có giải quyết được 100 vụ “ VN phamma”  thì lại có hàng trăm “ VN phamma” xuất hiện nhưng có thể hoạt động dưới hình thức khéo léo tinh vi hơn .

– Có lẽ nhiều nhà hoạch định chính sách và nhiều người nghĩ rằng duy trì 1 hệ thống bệnh viện nhà nước mang tính chủ đạo trong ngành y tế là 1 công cụ hữu hiệu để nhà nước thực hiện tốt chính sách phúc lợi cho toàn dân và nhất là cho người nghèo nhưng đi sâu phân tích hoạt động của hệ thống bệnh viện công thì chưa phải như vậy:

+ Nhiều hoạt động đã bị cá nhân hóa ( hay bị các nhóm lợi ích chi phối ) , chẳng hạn như đấu thầu mua thuốc, mua sắm thiết bị bị đội giá cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh;

+ Có tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc, khám bệnh chỉ định cho người bệnh mua bên ngoài bệnh viện;

+ Có tình trạng không  thu tiền viện phí khi khám bệnh với người quen….

+ Tình trạng tuyển dụng người không đủ năng lực, tình trạng mua quan bán chức  phát triển đang làm nản lòng những giáo sư bác sỹ có năng lực  phẩm chất.  Tình trạng này tất yếu dẫn tới chất lượng dịch vụ xuống cấp và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh;

–  Bộ Y tế chưa có cơ chế chính sách để đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế quản trị bệnh viện công lập. Hiện nay hầu như toàn bộ hệ thống bệnh viện công lâp hoạt động theo cơ chế đơn vị hành chính sự nghiêp có thu, bị chia thành nhiều cấp quản lý từ Bộ y tế, Sở y tế,…. cơ chế quản lý vận hành là không chuyên nghiệp và đang mang nặng tính hành chính, quan liêu bao cấp.

 

* Những vấn đề VAFI đề cập, phân tích ở trên có lẽ ai cũng biết, từ Chính phủ cho đến người dân và cho tới thời điểm này chưa có phương thuốc cứu chữa. Tương lai gần và xa cũng vậy, tại sao ? Bời vì hiện nay các nhà hoạch định chính sách tại Bộ Y tế đều là bác sỹ, dược sỹ, họ chưa am hiểu về cơ chế quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính cho nên chưa tìm được mô hình quản trị bệnh viện công lập thích hợp ;

3/  Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) với nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn hoạch định chính sách cổ phần hóa DNNN, tư vấn  quản trị doanh nghiệp,  sau một thời gian nghiên cứu cơ chế hoạt động các bệnh viện công lập, cơ chế hoạt động  bệnh viện tư nhân của Việt Nam và thế giới ; Nghiên cứu về sự hình thành phát triển các Tập đoàn bệnh viện lớn trên thế giới xin đề xuất Chính phủ,  Bộ Y tế hệ thống  giải pháp  thực hiện 1 cuộc Cách mạng trong ngành y tế. Cuộc Cách mạng này sẽ làm thay đổi sâu sắc chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện công lập, của việc nâng cao chất lượng các nhà cung cấp dịch vụ y tế như cung cấp thuốc, thiết bị y tế, của việc thay đổi cơ chế quản trị bệnh viện từ cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp sang cơ chế minh bạch, tự chủ và chuyên nghiệp.

VAFI trình bày hệ thống các giải pháp cải tổ HTBVCL

          Giai đoạn 1: Nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ; Toàn bộ hệ thống BVCL  phải công khai  tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có hội đồng quản trị từ 3 đến 5 thành viên ( tùy qui mô bệnh viện ) và có ban kiểm soát. Với hình thức doanh nghiệp công ích, các bệnh viện này có nghĩa vụ như sau :

– Phải công khai báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động từng quí, từng năm như các DNNN khác ;

– Phải công khai đầy đủ thông tin những lần tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế ;

– Công khai tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ( nếu có )  ;

– Ban lãnh đạo các bệnh viện này sẽ có quyền và nghĩa vụ quản trị bệnh viện như doanh nghiệp công ích, điều đó có nghĩa rằng cần phải phân cấp quyền và nghĩa vụ cho ban lãnh đạo các bệnh viện thay vì sự chỉ đạo trực tiếp theo tính sự vụ từ Bộ Y tế và Sở Y tế ;

– Tuy nhiên để cho các bệnh viện hoạt động hiệu quả và an toàn, tránh tình trạng bệnh viện bị thua lỗ, giải thể phá sản thì phải giới hạn hoạt động đi vay của bệnh viện, cần khống chế chỉ cho phép BV được vay không quá 50% vốn của chủ sở hữu.

– Giai đoạn 1 này chỉ để các bệnh viện làm quen với cơ chế hạch toán đầy đủ và chi tiết , đẩy mạnh phong trào tự chủ tài chính, giảm dần tình trạng quan liêu bao cấp trong điều hành bệnh viện, công khai tài chính để giảm bớt tình trạng tiêu cực lớn. Đây chỉ là bước đệm, bước chuẩn bị để thực hiện các bước tiếp theo ;

          Giai đoạn 2: Cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và  đầu ngành như BV Bạch Mai, Việt Đức, BV K, BV phụ sản TW, BV Nhi đồng, BV chợ Rẫy…Và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp này để làm  sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho 1 tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện .Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối ( trên 65% vốn điều lệ ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức…đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến.

* Để cổ phần hóa thành công các bệnh viện thì chính sách cổ phần hóa các BV phải có đặc thù, không giống như chính sách cổ phần hóa các DNNN. Tạo dựng chính sách đặc thù để đảm bảo hệ thống bệnh viện công lập vẫn là hệ thống y tế của nhà nước, tức là vẫn đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, cho người nghèo và cho các nhiệm vụ chính trị cấp bách. Chính sách đặc thù này không thể làm thay đổi bản chất ưu việt của y tế nhà nước mà chỉ có tốt lên rất nhiều trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe toàn dân :

– Phải đảm bảo chính sách an sinh xã hội của nhà nước, giá các dịch vụ  khám chữa bệnh theo cơ chế chính sách của nhà nước, các BV không được tự ý điều chỉnh  giá dịch vụ hay từ chối khám chưa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế nhà nước đã được phân cấp quản lý . Cổ phần hóa rồi nhưng về mặt giá cả dịch vụ vẫn phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích;

– Để kiểm soát tuyệt đối các hoạt động của bệnh viện, để đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước thì cổ phần chi phối của nhà nước phải nắm trên 65%.

– Cần phải xác định cho các nhà đầu tư biết, đầu tư vào bệnh viện không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận, hệ thống bệnh viện công lập sẽ hoạt động vì mục tiêu công ích như cơ chế doanh nghiệp công ích và nhà đầu tư chỉ hưởng lợi nhuận định mức như trong lĩnh vực điện, nước.

– Để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng sau cổ phần hóa , để thực hiện cơ chế đặc thù trong cổ phần hóa BVCL thì :

+ Không tính giá trị thương hiệu bệnh viện theo cơ chế thị trường, vì nếu tính thì sẽ làm giá trị bệnh viện lên rất cao và điều đó sẽ làm tăng chi phí khấu hao trực tiếp hay sẽ phải tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lên cao đồng thời làm mất đi cơ hội tăng thu nhập một cách chính đáng cho người lao động. Nếu thu nhập của đội ngũ y bác sỹ không theo cơ chế thị trường thì chắc chắn rằng tình trạng tiêu cực phong bì vẫn còn tồn tại dài lâu;

+ Không tính giá trị đất theo cơ chế thị trường, cơ chế thuê đất sẽ theo cơ chế của các bệnh viện công lập hiện nay ;

– Để đảm bảo minh bạch trong việc bán cổ phần thì tiến trình bán cổ phần phải thông qua thị trường chứng khoán. Giá khởi điểm được xác định theo giá sổ sách .

– Nếu chúng ta định giá bệnh viện công lập theo cơ chế Doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực ngoài bệnh viện thì tiến trình cổ phần hóa bệnh viện công lập sẽ thất bại ;

          * Phân tích hiệu quả của việc cổ phần hóa các BV theo cơ chế mà VAFI đề cập :

– Về cơ bản giá dịch vụ khám chữa bệnh là không tăng do cổ phần hóa mà vẫn theo giá qui định của nhà nước tại các bệnh viện công lập. Điều này sẽ đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước chỉ có tốt hơn, đồng thời sẽ giảm được các loại chi phí không chính thức cho người dân ;

– Các chi phí đầu vào như giá thuốc, suất đầu tư cơ sở vật chất sẽ giảm mạnh, chất lượng dịch vụ tăng làm tăng nguồn thu cho bệnh viện. Các nhân tố như giảm chi phí, tăng thu sẽ dư sức để thực hiện cơ chế tiền lương tiền thưởng theo cơ chế thị trường cho đội ngũ y bác sỹ, tình trạng chi phí không chính thức sẽ chấm dứt;

– Hiện nay giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các Bệnh viện công lâp đã gần tiệm cận với thị trường, thậm chí 1 số dịch vụ còn cao hơn so với bệnh viện tư nhân. Điều này nói lên rằng chúng ta hoàn toàn có thể cổ phần hóa các bệnh viện mạnh  mà không cần ngân sách nhà nước bao cấp.

– Nếu như không hiểu sâu sắc về cổ phần hóa bệnh viện thì việc này có thể gây tranh cãi nhưng chúng ta không thể chấp nhận tình trạng hiện nay, tốt nhất là nhà nước nên tiến hành thí điểm tại 1 Bệnh viện, để rồi sau khi thành công sẽ nhân rộng ra. Và việc cổ phần hóa này không cần phải thông qua giai đoạn 1. Với cơ chế chính sách hiện nay, 1 đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn có thể chuyển thành 1 công ty cổ phần, chỉ có khác biệt là phải qui định chính sách đặc thù cho bệnh viện khi cổ phần hóa .

          Giai đoạn 3: Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, các bệnh viện này sẽ làm nòng cốt để hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước  hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ .

– Sau cổ phần hóa khoảng 3 năm, cơ chế quản trị các bệnh viện này sẽ được thay đổi sâu sắc, khi đó tự bản thân các doanh nghiệp này có nhu cầu rất lớn về phát triển qui mô doanh nghiệp, họ sẽ đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế cho hợp nhất, sáp nhập nhiều bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện và như vậy toàn bộ các bệnh viện yếu tại các tuyến địa phương sẽ được nhanh chóng nâng cấp.

– Tiến trình hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện vào các bệnh viện lớn tại các đô thị lớn như Hà Nội , TP Hồ Chí Minh  sẽ được thực hiện từng bước vững chắc đi theo tốc độ cải thiện quản trị doanh nghiệp của các bệnh viện lớn.

– Chúng ta không làm ổ ạt, không làm suy yếu khả năng tài chính của công ty mẹ mà phải làm chắc chắc. Khi công ty mẹ đã đáp ứng các chuẩn mực quản trị của 1 tập đoàn thì nhu cầu mở rộng qui mô hoạt động của bệnh viện sẽ tăng lên rất nhanh ;

– Tiến trình hợp nhất sáp nhập trong toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập chỉ kéo dài trong 10 năm và sau đó tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn là chấm dứt.

– 1 Tập đoàn bệnh viện có thể bao gồm 50 đơn vị thành viên là các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, câu hỏi đặt ra là Bệnh viện mẹ lấy nguồn vốn ở đâu để mua các bệnh viện trong khi vẫn phải bảo đảm cổ phần đa số của nhà nước (65% ) ?

+ Huy động vốn từ thị trường chứng khoán ;

+ Huy động từ các nhà đầu tư chiến lược, là các bệnh viện nước ngoài có tên tuổi để vừa đáp ứng nhu cầu về vốn vừa thu hút kỹ năng quản trị bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ;

+ Tiến hành hợp nhất sáp nhập các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện vào bệnh viện lớn. Giá trị tài sản của các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện sẽ được tính toán và qui đổi sang cổ phiếu của nhà nước.

* Cuộc cách mạng trong lĩnh vực dịch vụ y tế nếu được tiến hành như VAFI đề xuất sẽ giải quyết được hết những hạn chế tiêu cực hiện nay, cuộc cách mạng này có những ý nghĩa quan trọng như sau:

– Chuyển được cơ chế hoạt động của doanh nghiệp từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hình thức hình thành các Tập đoàn mạnh về y tế mà nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tuyệt đối ;

– Giảm mạnh các khoản chi tiêu tham nhũng và lãng phí , tăng các nguồn thu, tạo cơ sở cho y bác sỹ , người lao động được hưởng chế độ thu nhập theo cơ chế thị trường, tạo nguồn lợi nhuận để tích lũy đầu tư phát triển bệnh viện, giảm hoặc không còn tình trạng bao cấp ngân sách nhà nước, đây là điều chắc chắn.

– Hiện nay rất nhiều bệnh viện tư nhân chất lượng dịch vụ khá xin nhận đối tượng bảo hiểm nhà nước, rồi giá cả dịch vụ khám chữa bệnh của khu vực tư và công gần bằng nhau , điều đó có thể khẳng định rằng rất dễ dàng cổ phần hóa các bệnh viện công lập mà không đòi hỏi tăng viện phí hay tăng nguồn ngân sách bao cấp nhà nước ;

– Cơ chế quản lý nhân sự từ cơ chế hành chính quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế quản trị chuyên nghiệp, chẳng hạn nhân sự tại các bệnh viện tỉnh hay địa phương sẽ được đào tạo lại một cách bài bản tại bệnh viện mẹ, nhân sự giỏi sẽ được điều động luân chuyển xuống bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện… từ đó năng dần chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở ngang bằng tuyến trung ương. Trong tương lai người dân nông thôn sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng cao ngay tại địa phương mà hiện nay họ chưa được hưởng hoặc nếu được hưởng thì phải chịu chi phí rất cao so vói thu nhập của họ.

          * Cuộc cách mạng này sẽ bắt đầu từ đâu :

– Hiện nay có  nhiều chủ trương chính sách của nhà nước về đổi mới các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu như kêu gọi tự chủ tài chính, hay chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang loại hình doanh nghiệp hay cho phép cổ phần hóa đơn vị hành chính sự nghiệp có thu ;

– Quy chế về hoạt động doanh nghiệp công ích đã có đầy đủ, các bệnh viện sau khi chuyển đổi thì đương nhiên phải tiền hành kiểm toán, công khai minh bạch tài chính…

– Kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần làm 1 Đề án đổi mới trong hệ thống bệnh viện công lập. Đề án này được các bên tham gia soạn thảo gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp TW, Bộ Kế hoạch Đầu tư, sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau khi chấp thuận, Chính phủ cần có 1 Nghị định để thực hiện đề án trên.

– Kinh nghiệm quốc tế ( sẽ trình bày riêng ở 1 văn bản khác )

Trên đây là các giải pháp cải tổ HTBVCL trình Chính phủ và Bộ Y tế, VAFI sẽ có nhiều phân tích để làm rõ Đề án cải tổ này.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133