Trái tim thị trường chứng khoán VN ( HOSE ) đang thương tổn trong 3 tháng qua, hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra hàng ngày tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán , có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán…đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán VN với giới đầu tư quốc tế . Điều này thể hiện năng lực quản trị điều hành HOSE rất yếu kém. Đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch hiện hành mà không làm chủ được công nghệ vận hành.
Sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị sập sàn chứng khoán nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu;
Sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Gần 10 năm trời mà không hoàn thành 1 dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm .
Không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ, mà nhiều hoạt động của HOSE cũng rất yếu kém, chẳng hạn như khâu giám sát thị trường : Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tỉnh trạng lừa đảo thao túng chứng khoán ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo. Cổ phiếu RÁC được chọn vào bộ chỉ số VN 30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm, ban lãnh đạo HOSE có thể biện minh rằng họ chọn vì cổ phiếu rác đó thanh khoản tốt và đủ tiêu chí chọn lọc nhưng họ “ không biết rằng’’ tính thanh khoản đó là giả tạo, bị điều khiển bởi công ty chứng khoán của đội thao túng giá để dụ dỗ hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ vào ôm bom và từ đó các kẻ thao túng có cơ hội bán giấy lấy tiền thật với lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng.
Tình trạng yếu kém như phân tích trên là do công tác bổ nhiệm nhân sự 1 số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành HOSE và Hội đồng quản trị không đạt yêu cầu . Tại sao lại không đạt yêu cầu hay chưa chọn được nhân sự tốt ? Vì những người có thẩm quyền bổ nhiệm không am hiểu chứng khoán, không am hiểu về quản trị doanh nghiệp ( họ không làm ở khu vực doanh nghiệp và họ không phải là nhà quản trị giỏi ) . Tham mưu giúp việc cũng không giỏi và quá trình bổ nhiệm không bao giờ được tham vấn bởi giới đầu tư chứng khoán hay các công ty chứng khoán.
Để Trái tim thị trường chứng khoán VN không còn thương tổn, để HOSE và Sở giao dịch chứng khoán VN thật sự đổi mới và nâng cấp ngang bằng với các thị trường chứng khoán hiện đại minh bạch hiệu quả, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất các giải pháp sau :
1/ Thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giời làm Tổng Giám đốc , Phó TGĐ phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán VN. Những người này cũng phải có khả năng kiêm nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt tại HOSE.
Việc tuyển chọn người giỏi , và người nước ngoài vào các chức danh trên là thông lệ phổ biến trên thế giới. Sở giao dịch chứng khoán Hongkong, Singapore …có nhiều giai đoạn lịch sử đều thuê người nước ngoài quản lý.
Thuê người nước ngoài giỏi quản lý Sở gdck với chi phí không nhiều so với doanh thu hoạt động của HOSE và đem lại lợi ích rất lớn cho thị trường chứng khoán VN . TTCKVN không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục được.
VAFI, các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng giúp Bộ Tài chính tìm kiếm và lựa chọn nhân sự nếu Bộ Tài chính yêu cầu .
2/ Không bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT, Ban điều hành của các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán như trước kia và hiện nay .
– Cần phân biệt rằng quản lý hành chính nhà nước hoàn toàn khác xa với quản trị doanh nghiệp. Nhìn vào lịch sử phát triển của các doanh nghiệp mạnh không độc quyền thì các vị trí như chủ tịch HĐQT, TGĐ đều đi lên từ các nhân viên giỏi, kinh qua các cấp bậc từ thấp đến cao và họ đều giỏi ở tất cả các vị trị còn quan chức nhà nước chưa từng làm doanh nghiệp làm sao hiểu sâu sắc về đời sống doanh nghiệp ?
– Trong lĩnh vực tư nhân, chủ tịch HĐQT chính là linh hồn của doanh nghiệp, còn với công chức nhà nước được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch thì không thể là linh hồn của doanh nghiệp .
– Người quản lý giỏi trong lĩnh vực tư nhân được chào mời săn đón bởi nhiều tập đoàn trong nước và nước ngoài còn công chức có chức vụ cao mong muốn ra làm Chủ tịch, Phó chủ tịch doanh nghiệp nhà nước thì có được khu vực tư nhân săn đón mời chào không ? Rất hiếm và nếu có chỉ là những trường hợp đặc biệt và khi doanh nghiệp tư nhân có bộ máy điều hành tốt.
– Lựa chọn người vào vị trí quan trọng trong HĐQT, Ban điều hành DNNN phải là những người giỏi nhất trong doanh nghiệp nhưng cũng phải hoàn thành tốt công việc được giao, còn nếu chưa đủ tầm thì phải đi thuê ngoài
3/ Nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán VN và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực theo hướng :
– Lựa chọn 1 Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có danh tiếng đang ở TTCK phát triển nhất làm cổ đông chiến lược . Cổ đông nay sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo nhân sự ;
– HĐQT phải có đại diện của nhà nước, của đối tác chiến lược và đại diện của giới đầu tư và công ty chứng khoán ;
– Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, SSC .
– Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. Hy vọng rằng Bộ Tài chính sẽ sớm tiến hành việc này để TTCKVN thực sự được nâng hạng.