Đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã là một chủ trương lớn của Đảng & Nhà nước. Qua 10 năm đổi mới, chúng ta đã chuyển đổi thành công một bộ phận DNNN sang cơ chế công ty cổ phần , tạo tiền đề cho TTCK ra đời phát triển cũng như làm động lực cho nền kinh tế phát triển .
Tuy nhiên đối với khối DNNN chưa cổ phần hóa hoặc thuộc diện không cổ phần hóa thì thực sự chưa có những chính sách hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều chính sách mới ra đời như việc xây dựng mô hình công ty mẹ – công ty con, xây dựng mô hình Tổng công ty nhà nước, rồi đến mô hình Tập đoàn nhà nước….nhưng chưa làm thay đổi chất lượng hoạt động của DNNN.
Sự kiện “Vinashin” làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận ( từ các nhà quản lý ) về làm cách nào để nâng cao phương thức quản lý DNNN :
– Có ý kiến cho rằng phải tăng cường thường xuyên công tác thanh tra kiểm tra hoạt động của DNNN: VAFI thấy rằng hoạt động này chỉ hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực mà không tác động đến việc thay đổi phương thức quản lý DN .
– Có ý kiến đề nghị cần phải thành lập 1 Bộ để chuyên quản khối DNNN thuộc trung ương và địa phương : Chúng ta hãy nhìn vào hiệu quả hoạt động của SCIC : Không giúp gì cho doanh nghiệp phát triển, SCIC chỉ là 1 cổ đông lớn thụ động chậm chạp và không thể đảm đương vai trò là 1 nhà đầu tư chiến lược trong các công ty cổ phần như SCIC đã từng công bố .
– Tăng cường vai trò giám sát quản lý của các đơn vị chủ quản như các Bộ, UBND tỉnh : Biện pháp này khó khả thi vì Bộ, UBND tỉnh chỉ là đơn vị quản lý hành chính, không phải là nhà đầu tư chiến lược, không có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp .
Vậy có cách nào để quản lý DNNN một cách tốt nhất ? Chúng ta phải nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới để cuối cùng là đừng để hệ thống chính sách quản lý của ta có quá nhiều khác biệt so với thế giới. Chừng nào còn sự khác biệt thì vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong khối DNNN.
Với cách trình bày như trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin gửi tới các cơ quan quản lý DNNN, các nhà hoạch định chính sách Bản nghiên cứu về sự khác biệt của DNNN của nước ta so với DNNN trên thế giới. Từ nghiên cứu này , VAFI xin có những đề xuất như sau :
1/ Không nên duy trì doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích :
– Các loại hình DNNN công ích như duy tu đường xá cầu cống, thủy lợi….cần được cổ phần hóa để tạo cơ chế hoạt động cạnh tranh hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động đồng thời giảm thiểu chi phí của nhà nước ;
– Kinh nghiệm thế giới là các doanh nghiệp công ích phải thực hiện đấu thầu dịch vụ từ cơ quan nhà nước ;
2/ Tất cả DNNN phải thực hiện chế độ công bố thông tin về tình hình tài chính và tình hình hoạt động như 1 công ty niêm yết :
– Có thể công việc kiểm toán, tiến độ công bố thông tin là chậm hơn so với công ty niêm yết ;
– Nhưng phải công bố thông tin một cách đầy đủ, thường xuyên và công khai như công ty niêm yết để tăng cường hoạt động giám sát DNNN ;
3/ Những DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa trong các năm vừa qua mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu của tiến trình cải tổ, cần phải tiếp tục tiến trình cải tổ theo hướng :
– Bán bớt hoặc bán toàn bộ cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược hoặc cho công chúng ( tùy theo tình hình thực tế ) để tăng cường quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng tài chính nội tại của doanh nghiệp ;
– Phải thực hiện niêm yết chứng khoán ;
4/ Không nên hình thành thêm các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước bằng biện pháp hành chính :
– Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới và ở nước ta đã chỉ ra rằng con đường hình thành doanh nghiệp qui mô vốn lớn hoạt động hiệu quả phải là con đường cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán ;
– Việc hình thành các Tập đoàn từ phép cộng hành chính không giải quyết được các vấn đề lớn về nâng cao quản trị doanh nghiệp và huy động vốn ;
– Cần có cơ chế cụ thể hơn nữa để cho phép những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mua cổ phần đa số từ những DNNN chuẩn bị cổ phần hóa – Đây là cách thức tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN kinh doanh không hiệu quả ;
5/ Nhanh chóng chuyển đại bộ phận DNNN sang mô hình hoạt động công ty cổ phần :
– Tiến trình bán đáng kể cổ phần nhà nước, thu hút đối tác chiến lược có thể phải kéo dài nhiều năm vì còn phụ thuộc vào sức khỏe của thị trường chứng khoán ;
– Tuy nhiên việc cùng một thời điểm chuyển đại bộ phận DNNN sang mô hình CTCP có cổ phần đa số của nhà nước ( kể cả việc chấp nhận nhà nước nắm giữ 95%/VĐL lúc ban đầu ) không có gì khó khăn cả . Nếu thực hiện đồng thời thì tiến trình này chỉ mất 3 năm ;
– Việc chuyển đổi đồng loạt theo cách thức như trên sẽ làm cho gần như toàn bộ DNNN hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều, đó sẽ là tiền đề để dễ dàng thực hiện tiến trình cải tổ doanh nghiệp.
6/ Cần hạn chế tối đa bảo lãnh của Chính phủ đối với việc vay vốn của DNNN và DNTN :
– Tình hình hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nước ta đã khác trước rất nhiều, đã có rất nhiều điều kiện và cơ hội để huy động vốn dưới nhiều hình thức ; Ngay cả trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì không khó khăn gì trong việc huy động vốn ;
– Các hình thức bảo lãnh vay vốn như hiện nay đã làm cho Bộ Tài chính trở thành 1 Ngân hàng không chuyên nghiệp, mà đã không chuyên nghiệp thì làm sao bảo toàn chắc chắn được đồng vốn bảo lãnh cho vay ?
– Nhà nước chỉ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp trong những trường hợp thật đặc biệt, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh, an sinh xã hội ;
7/ Đổi mới cơ chế hoạt động của Ngân hàng Phát triển VN :
– Nên hạn chế tín dụng ưu đãi phát triển theo ngành nghề và khu vực địa lý ;
– Tăng cường thẩm định các dự án cho vay theo hướng phân chia rủi ro, trách nhiệm cho hệ thống các ngân hàng thương mại :
+ Dự án vay vốn phải thực sự hiệu quả thì mới xét duyệt,
+ Phải được các ngân hàng thương mại đồng ý cho vay vốn ;
+ Ngân hàng Phát triển tái thẩm định, và nếu dự án hội đủ tiêu chí thì thay mặt nhà nước cấp bù khoản tiền chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp đi vay. Ngân hàng Phát triển sẽ không cho doanh nghiệp vay vốn