Đề xuất một số giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ

Căn cứ tình hình hoạt động của thị trường tiền tệ, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin đóng góp một số giải pháp góp phần bình ổn thị trường:

1/ Đề nghị giảm lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn trên 1 tháng đối với các tổ chức kinh tế từ mức 14%/năm xuống 10%/năm:

* Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, hiện tiền gửi VND của các tổ chức chiếm khoảng 40% trong cơ cấu tiền gửi VND, đây là khoản tiền không nhỏ và hết sức có ý nghĩa trong việc kiểm soát lãi suất cho vay trong điều kiện tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá 20% của toàn hệ thống, giải pháp này có ý nghĩa cụ thể:

– Giảm đáng kể lãi suất huy động đầu vào, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đang quá cao (đa phần từ 20% – 25%/ năm);

– Tạo điều kiện để giảm các loại lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng;

– Tạo cơ sở để NHNN ban hành mức trần lãi suất cho vay;

– Góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu;

* Giải pháp này ít có mặt tiêu cực:

– Trong thời điểm hiện nay, nếu đặt vấn đề giảm lãi suất tiền gửi VND với đối tượng cá nhân là chưa khả thi vì dòng vốn này có thể sẽ bị phân bổ vào các kênh như đầu tư vàng, ngoại tệ,

–  Tuy nhiên đối với tổ chức thì không đáng ngại vì tiền gửi của các tổ chức trong giai đoạn hiện nay phần lớn là dòng tiền ngắn hạn, hơn nữa mức lãi suất 10%/năm cũng là mức lãi suất hấp dẫn;

2/ NHNN nên khống chế trần lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng ở mức không quá 16%/năm:

– Nếu như chỉ khống chế lãi suất huy động có kỳ hạn không quá 14%/năm hoặc (nếu NHNN chấp thuận) khống chế lãi suất huy động VND với tổ chức là 10%/năm thì “có vẻ như” chỉ có lợi cho các tổ chức tín dụng lớn mà không giải quyết những khó khăn về huy động vốn cho khối ngân hàng nhỏ và vừa, nhìn rộng ra thì hệ thống doanh nghiệp vẫn phải chịu huy động vốn với lãi suất trên 20%/năm, điều này sẽ là bất lợi đối với toàn hệ thống ngân hàng ;

– Khống chế lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ làm cho việc huy động vốn của khối ngân hàng nhỏ bớt căng thẳng, đi vào ổn định và từ đó làm cơ sở để hạ lãi suất tín dụng đầu ra cho toàn bộ hệ thống;

– Nền kinh tế của ta vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, trong khủng hoảng thì phải đi tìm ngay sự ổn định, đó là sự ổn định của toàn bộ hệ thống tín dụng, nói như vậy không phải là cần chính sách ưu ái cho một số ngân hàng yếu kém, những đối tượng này không khó khăn gì trong việc chẩn đoán bệnh nếu như các thanh tra ngân hàng làm việc chí công vô tư và những đối tượng này cần nhanh chóng có phương án tái cơ cấu ;

3/ Áp dụng lãi suất huy động O%/ năm đối với tiền gửi ngoại tệ và với vàng:

* Giải pháp này cần sớm được ban hành nhằm:

– Bảo vệ và nâng cao vị thế VND; Là giải pháp cụ thể để chống vàng hóa và đôla hóa;

– Tạo sức hấp dẫn của mức lãi suất 10% – 14%/năm, tăng cường thu hút VND vào hệ thống ngân hàng thương mại;

– Góp phần bình ổn tỷ giá;

– Rất dễ kiểm soát việc thực thi chính sách, nếu có tổ chức tín dụng nào tìm cách lách luật;

* Về cơ bản, chính sách này không có tác động tiêu cực đáng kể:

– Còn nhớ hồi tháng 3/2011, khi chuẩn bị ban hành qui định khống chế tiền gửi USD ở mức không quá 3%/năm, Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu còn e ngại lượng kiều hối sẽ giảm hoặc có ý kiến cho rằng lượng USD sẽ bị rút và cất ở nhà, tuy nhiên thực tế không phải như vậy, chính sách này đã góp phần cơ bản để NHNN mua được 6 tỷ USD chỉ trong vòng 4 tháng;

– Bảo quản ngoại tệ ở nhà khó khăn hơn nhiều so với bảo quản vàng nên sẽ có ít đối tượng mạo hiểm cất giữ ở nhà;

– Một tác động tiêu cực của chính sách này là kích thích doanh nghiệp tăng cường vay USD, tuy nhiên tác động tiêu cực này sẽ hoàn toàn bị kiểm soát khi:

+ NHNN cần nhanh chóng ra qui định giới hạn đối tượng được vay ngoại tệ, chỉ cho phép doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh xuất khẩu được vay ngoại tệ trong phạm vi hoạt động xuất khẩu;

+ Tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với huy động ngoại tệ

4/ NHNN nên khống chế trần lãi suất cho vay ở mức 19%: 

– Nếu thực hiện 4 giải pháp này, lãi suất cho vay có thể về mức từ 17%- 19%/năm, đây là mức dễ thở hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn là mức lãi suất quá cao, với mức này, sẽ ít có doanh nghiệp thực hiện các Dự án đầu tư mới ;

– Thực hiện đồng bộ 4 giải pháp này không phải là hành động nới lỏng tín dụng, cung tiền sẽ không tăng so với thời điểm hiện nay và lạm phát dịu đi vì khắc phục được tình trạng sản xuất đình đốn và cầm chừng ;

– Cần qui định này để ngăn chặn tình trạng nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng thương mại, kể cả đối với các ngân hàng lớn;

 

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133