Để tăng cường huy động vốn vào thị trường chứng khoán & vào hệ thống ngân hàng thương mại , đồng thời tạo thêm sự hấp dẫn về hàng hoá cho thị trường chứng khoán nước ta trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất 1 giải pháp kích cầu – Đó là việc nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của NĐTNN từ mức 30%/vốn điều lệ theo qui định hiện hành lên 35% hoặc 37% :
1/ Phân tích những hạn chế đối với qui định NĐTNN sở hữu không quá 30%/ vốn điều lệ :
Nghị định 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ qui định về nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của Ngân hàng thương mại VN đã đi vào cuộc sống thực tiễn, là 1 văn bản có tính pháp lý cao , chứa đựng những vấn đề về quản lý vốn đầu tư nước ngoài theo hướng hội nhập, đồng thời tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (nhất là các Ngân hàng nước ngoài có tên tuổi ) quan tâm đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng . Tuy nhiên, trên thực tế còn những mặt hạn chế sau :
– Các quỹ đầu tư nước ngoài, cá nhân đầu tư nước ngoài rất khó có điều kiện và cơ hội để đầu tư vào các Ngân hàng cổ phần, vì sao ?
+ Hầu như tất cả các Ngân hàng cổ phần đều mong muốn dành ưu tiến tỷ lệ room 30% cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, như vậy chỉ có vài tổ chức nước ngoài có cơ hội đầu tư vào 1 Ngân hàng.
+ Các Ngân hàng cổ phần VN đều mong muốn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhằm hỗ trợ ngân hàng đổi mới công nghệ quản lý từ nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, đến nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán…..
+ Tất cả các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài ( không phải là tổ chức tín dụng ngân hàng hay là nhà đầu tư chiến lược ) khi đặt kế hoạch đầu tư vào VN đều mong muốn trong Danh mục đầu tư của mình có các cổ phiếu ngân hàng, dù rằng nắm giữ tỷ lệ thấp ( dưới 0,3%/vốn điều lệ cho mỗi tổ chức hoặc ở mức thấp hơn nhiều, thông thường khoảng 10 – 30 triệu USD cho 1 ngân hàng đối với 1 tổ chức ) . Với những khoản đầu tư này thì khó có thể đầu tư vào các ngân hàng chưa niêm yết vì theo qui định hiện hành trước khi đầu tư vào Ngân hàng chưa niêm yết thì NHCP phải làm nhiều thủ tục xin phép Ngân hàng nhà nước, còn muốn đầu tư vào Ngân hàng niêm yết thì ít có cơ hội vì các Ngân hàng niêm yết đã hết Room ( như trường hợp của ngân hàng ACB, SACOMBANK ).
– Với Danh mục đầu tư ít có cổ phiếu ngân hàng thì các công ty quản lý quỹ gặp khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế ở những khía cạnh :
+ Môi trường đầu tư chứng khoán của nước ta chưa được hấp dẫn nhiều như các TTCK có chính sách tự do hoá thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện ;
+ Qui mô các quỹ đầu tư đầu tư vào VN thường nhỏ bé hơn nhiều so với các nước khác do TTCK của ta còn nhỏ bé . Nếu như đa phần nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thuận tiện trong việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thì đồng nghĩa với việc qui mô thị trường vốn của chúng ta tăng lên đáng kể bởi các doanh nghiệp ngân hàng đều là những doanh nghiệp lớn ( so với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ) và còn có nhiều tiềm năng phát triển .
+ Nếu như các quỹ đầu tư nước ngoài có cơ hội thuận tiên trong việc đầu tư vào các ngân hàng cổ phần thì việc thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế từ phía các công ty quản lý quỹ nước ngoài sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
2/ Sự cần thiết của việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong lĩnh vực ngân hàng :
– Việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không chỉ làm tăng tỷ lệ huy động vốn của NĐTNN vào lĩnh vực ngân hàng mà còn tăng qui mô các quỹ nước ngoài vào TTCKVN và làm cho thị trường vốn nước ta trở nên hấp dẫn hơn .
– Muốn tăng nhanh qui mô TTCKVN và để đuổi kịp các nước trong khu vực thì cần tăng qui mô thị trường gấp 20 lần so với hiện nay. Đây là 1 khả năng có thể thực hiện được trong vòng 5 năm vì căn cứ vào số lượng các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả còn chưa niêm yết, tuy nhiên muốn tăng cung thì phải kích cầu mà sức cầu trong nước thì còn rất hạn chế . Khi mà sức cầu trong nước còn nhiều hạn chế thì khó có thể làm cho TTCK nước ta phát triển nhanh và bền vững được.
– Việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong lĩnh vực ngân hàng thường đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư tổ chức trong 1 ngân hàng, làm cải thiện đáng kể tính tổ chức và tính ổn định trong cơ cấu cổ đông :
+ Quyết định 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ qui định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCKVN đã cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong doanh nghiệp VN, đây là 1 trong số rất ít giải pháp đòn bẩy làm thay đổi cơ bản bộ mặt của TTCKVN, quyết định này đã làm gia tăng khoảng 50 lần số lượng các tổ chức đầu tư trong nước cùng với khả năng tài chính của các tổ chức trong nước. Quyết định 238 cũng làm thay đổi đáng kể cơ cấu cổ đông tổ chức trong 1 công ty cổ phần : Từ chỗ chỉ hầu như là cổ đông cá nhân , cổ đông nhà nước , cổ đông nước ngoài thì nay cơ cấu cổ đông tổ chức tại các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thường chiếm trên 70%/ vốn điều lệ.
+ Đối với doanh nghiệp ngân hàng , khi qui mô vốn điều lệ càng tăng thì tỷ lệ nắm giữ của từng tổ chức đều có xu hướng giảm ( trừ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài), vì vậy rất cần thiết phải tăng tỷ lệ nắm giữ của NĐTNN lên để tạo điều kiện cho nhiều NĐTNN tham gia đồng thời kích thích sự ra đời và phát triển của các tổ chức đầu tư trong nước.
– Khi tỷ lệ sở hữu của các tổ chức trong nước và nước ngoài tăng nên thì quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời những tổ chức này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các chương trình huy động vốn của ngân hàng, nhất là sẽ cải thiện đáng kể phương thức phát hành hiện nay và gia tăng phương thức phát hành riêng lẻ để tạo thặng dư vốn nhiều cho doanh nghiệp ngân hàng.
3/ Tăng tỷ lệ lên bao nhiêu % là hợp lý trong giai đoạn hiện nay ?
– Việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong lĩnh vực ngân hàng được 1 số nhà quản lý cho là nhạy cảm, nhưng nếu phân tích kỹ bản chất của vấn đề cộng với chính sách quản lý nhà nước thích hợp trong từng thời kỳ thì sẽ không là vấn đề nhạy cảm, mà là nhu cầu thực sự của sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thương mại và của TTCK .
– VAFI đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN từ 30% lên 35% hoặc 37% vì những căn cứ sau :
+ Như những phân tích ở Điểm 1 và Điểm 2 nói trên ;
+ Việc tăng thêm tỷ lệ từ 5% hoặc 7% là không nhiều so với tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư trong nước ;
+ Việc tăng thêm room này chỉ dành cơ hội cho đông đảo các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài ( không phải là nhà đầu tư chiến lược ), như vậy việc tăng thêm room này sẽ dành cho các đối tượng đầu tư mới.
+ Việc tăng thêm room để cho các ngân hàng có điều kiện tham gia niêm yết tại nước ngoài ;
+ Ngân hàng thuộc loại doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, tương lai của các ngân hàng hàng đầu VN sẽ phải có số vốn tự có trên 10 tỷ đô la thì mới được cho là hội nhập được với ngân hàng các nước trong khu vực, vì vậy con số 1% / vốn điều lệ là rất lớn, chẳng hạn như 1%/vốn điều lệ 15.000 tỷ của Vietcombank cũng trị giá khoảng 100 triệu USD.
– Việc tăng thêm tỷ lệ từ 5% -7% trong bối cảnh TTCK hiện nay là có ý nghĩa lớn cho TTCKVN, ngoài ý nghĩa kích cầu còn làm tăng thêm sức mạnh cho nhà đầu tư trong nước.