Để góp phần xây dựng chính sách ổn định tiền tệ, chống tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất giải pháp như sau : Ngân hàng nhà nước nên có qui định áp đặt mức trần tiền gửi ngoại tệ ở mức không quá 1%/năm cho mọi đối tượng dân cư, tổ chức tại hệ thống tổ chức tín dụng .
1/ Vì sao VAFI đề xuất qui định này ?
– Trong thời gian gần đây, giá vàng và giá đô la trên thị trường tự do liên tục biến động tăng, sự biến động này là bất thường, chủ yếu do yếu tố tâm lý, chứ không phải do chính sách tỷ giá không hợp lý hoặc do kinh tế trong nước bị khủng hoảng :
+ Nền kinh tế nước ta đã thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tác động, tuy rằng có 1 bộ phận nhỏ doanh nghiệp vẫn còn bị ảnh hưởng và chịu hậu quả ;
+ Nội lực kinh tế của chúng ta là rất mạnh, thể hiện rõ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khu vực kinh tế dân doanh, khu vực kinh tế nước ngoài và khu vực kinh tế sở hữu giữa nhà nước với tư nhân….
+ Các chỉ tiêu kinh tế vỹ mô cơ bản đều rất tốt như xuất khẩu liên tục tăng, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng GDP, việc làm trong xã hội tăng lên, tình trạng thất nghiệp giảm….
+ Còn tình trạng thâm hụt thương mai và nhập siêu nhưng cán cân thanh toán chưa bị thâm hụt ( theo ý kiến của Ngân hàng thế giới và ADB ). Theo VAFI, nếu như không có tâm lý đầu tư, đầu cơ tích trữ đô la từ khu vực dân cư thì cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn đảm bảo, tuy rằng có thể có tình trạng không cân đối theo từng thời điểm trong năm, tức là có lúc thiếu đô la, có lúc thừa đô la, bằng chứng là trong quí 1, quí 2/2010 ngân hàng nhà nước đã mua vào hàng tỷ đô la .
+ Hệ thống doanh nghiệp trong nước đang chịu lãi xuất huy động cao. Cao ở đây là so với thế giới nhưng đa phần vẫn ổn định và phát triển , thể hiện là nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn ;
– Tại sao lại có tâm lý thích mua và găm giữ USD ?
+ Có lẽ do người dân có tâm lý lo ngại về sự biến động tỷ giá, về tình trạng nhập siêu, về đường hướng chính sách ổn định tỷ giá sẽ ra sao trong trường hợp thị trường bị đầu cơ và về thiếu thông tin, về tâm lý đầu tư phong trào…. ?
+ Tuy nhiên có 1 thực tế là lãi xuất tiền gửi ngoại tệ quá cao : Khoảng trên dưới 5%/năm đối với USD tùy theo từng ngân hàng . Mức lãi xuất tiền gửi này là cao so với thế giới ( khoảng trên 0%/năm ) và cao so với lãi xuất tiền gửi VND khoảng 12%/năm.
+ Mức lãi xuất tiền gửi ngoại tệ cao sẽ tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư và doanh nghiệp và từ đó làm căng thẳng nguồn cung ngoại tệ cho khu vực sản xuất kinh doanh.
2/ Hiệu quả của việc áp đặt mức trần tiền gửi ngoại tệ là 1%/năm cho khu vực dân cư :
– Ngân hàng nhà nước đã có qui định áp đặt mức trần tiền gửi ngoại tệ với các tổ chức là 1%/năm, đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn nhưng chưa đủ để xóa đi tâm lý đầu tư, đầu cơ tích trữ ngoại tệ từ khu vực dân cư .
– Một số nhà đầu tư nước ngoài có ý kiến là cần áp dụng chính sách không cho hưởng lãi từ việc gửi ngoại tệ hoặc đánh thuế lũy tiến đối với tiền gửi ngoại tệ nhằm tạo khoảng cách xa giữa lãi xuất tiền gửi VND và ngoại tệ để từ đó kích thích dân cư chuyển tiền gửi sang VND, từ đó giảm lượng cầu ngoại tệ và đưa dòng ngoại tệ vào khu vực sản xuất kinh doanh.
– Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, thì lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% – 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ .
– Nếu chúng ta áp dụng chính sách tiền gửi ngoại tệ ở mức không quá 1%/năm thì :
+ Người gửi tiền sẽ có sự so sánh về mức lãi xuất cộng với tỷ lệ lạm phát và người ta sẽ thấy rằng gửi VND là có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ ;
+ Người gửi tiền sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND ;
+ Người đầu cơ sẽ không mua và không găm giữ USD nữa, sẽ bán nhanh USD để chuyển sang gửi VND, như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang VND và từ đó tỷ giá sẽ giảm như mức mà ngân hàng nhà nước công bố ;
+ Làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi xuất huy động VND và góp phần giảm lạm phát ;
3/ Nếu áp dụng chính sách khống chế tiền gửi ngoại tệ ở mức 1%/năm thì sẽ có tác động gì khác ?
– Một số chuyên gia về chính sách tiền tệ cho rằng làm như vậy là hạn chế quyền của người dân :
+ Nghiên cứu các văn bản về chính sách tiền tệ thì không thấy có qui định như vậy;
+ Chống đô la hóa trong nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, chủ trương này đã thể hiện trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật, cho nên đưa ra qui định khống chế tiền gửi ngoại tệ là hoàn toàn có cơ sở pháp luật;
– Một số chuyên gia chính sách tiền tệ cho rằng nếu NHNN đưa ra chính sách khống chế tiền gửi ngoại tệ thì người dân sẽ rút tiền ngoại tệ ra khỏi hệ thống NHTM và sau đó để làm gì ?
+ VAFI đã làm cuộc thăm dò và thấy rằng người gửi ngoại tệ khó chuyển sang mua vàng vì vàng trong nước và thế giới đã quá cao. Kinh tế thế giới nhất định phục hồi và phát triển, khi đó giá vàng sẽ hạ và việc đầu tư vào vàng là hết sức rủi ro, không sinh lời ;
+ Đại bộ phận người gửi ngoại tệ sẽ không cất giữ tiền ở nhà vì không yên tâm và rất nguy hiểm ( do trộm cắp….). Các nước phát triển trên thế giới an ninh hơn ta rất nhiều nhưng đại bộ phận người dân vẫn cất giữ tiền trong ngân hàng mặc dù lãi xuất tiền gửi chỉ hơn 0%/năm ;
+ Liệu người gửi ngoại tệ có chuyển sang mua đất hay không ?
> Khả năng này là có nhưng không nhiều, vì giá đất ở các đô thị hiện nay là quá cao, hơn nữa nhiều người gửi ngoại tệ đã có danh mục tài sản là đất đai nhà cửa ;
> Nếu người gửi ngoại tệ chuyển 1 phần vốn sang đầu tư bất động sản trong giai đoạn hiện nay thì cũng tốt hơn là găm giữ USD vì thị trường bất động sản đang trầm lắng, hơn nữa chuyển USD sang bất động sản thì cũng là đưa vốn vào sản xuất kinh doanh.
+ Liệu người gửi ngoại tệ có chuyển sang đầu tư chứng khoán hay không : Khả năng này là có ( đối với những người có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán ) vì TTCK hiện nay đang hấp dẫn về đầu tư giá trị .
+ Ngoài những mục tiêu trên thì người gửi ngoại tệ vẫn có thể tiếp tục gửi tiền trong ngân hàng, chấp nhận mức lãi xuất tiền gửi thấp và đây là cơ hội cho các ngân hàng hạ lãi xuất huy động các loại tiền gửi khi có điều kiện thuận lợi ;
* Từ phân tích trên để thấy rằng việc đưa ra mức trần tiền gửi ngoại tệ là 1%/năm đối với khu vực dân cư là hoàn toàn khả thi và không có những tác động tiêu cực.
4/ Cần xây dựng chính sách ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ :
– Trong những năm qua một số học giả cho rằng cần duy trì VND yếu để tăng thêm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tạo đà xuất khẩu . Thực tế, lý luận này không đúng :
+ Đồng nội tệ yếu làm tăng nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp ( các khoản vay ngoại tệ ), tạo tâm lý đầu tư, đầu cơ găm giữ ngoại tệ và gia tăng lạm phát cộng với lãi xuất huy động cao ;
+ Tất nhiên là đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập phát triển, vẫn còn tình trạng thâm hụt thương mại, lạm phát nên khó duy trì tỷ giá cố định trong khoảng thời gian dài, nhưng chúng ta có thể duy trì tỷ giá tương đối cố định trong từng thời kỳ ;
+ Các nhà đầu tư nước ngoài ( trực tiếp, gián tiếp ), các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư chứng khoán đều mong muốn 1 chính sách ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ cho dù lãi xuất huy động VND có cao hơn là chính sách VND yếu hoặc không ổn định cộng với mức lạm phát cao, khó đoán định.
– Giải pháp dài hạn cho chính sách ổn định tỷ giá là tăng giá điện để gia tăng đầu tư trong nước và nước ngoài, gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh việc khai thác những nguồn tài nguyên mới, khuyến khích sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu, chú trọng phát triển thị trường chứng khoán coi đó là động lực để phát triển nền kinh tế….
– Một giải pháp dài hạn nữa là Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các Bộ như Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường…. xây dựng hệ thống giải pháp quản lý dòng tiền trong dân cư, như kinh nghiệm các nước phát triển và các nước trong khu vực là cần tạo chế tài để hướng dòng tiền trong dân cư chỉ tập trung vào thị trường chứng khoán và gửi đồng nội tệ tiết kiệm trong ngân hàng thay vì còn chạy lung tung như vào thị trường bất động sản, vào vàng và ngoại tệ như hiện nay.
– Giải pháp ngắn hạn để ổn định tỷ giá là khống chế lãi xuất tiền gửi ngoại tệ và các biện pháp chống đô la hóa. Khi đã thực hiện các giải pháp này rồi mà vẫn xảy ra tình trạng căng thẳng nhu cầu thanh toán ngoại tệ thì nên linh hoạt tăng lãi xuất cơ bản trong 1 thời kỳ ngắn . Việc tăng lãi xuất cơ bản sẽ giảm bớt nhu cầu nhập khẩu và giảm áp lực lạm phát.
– Trong năm 2011, nên đặt vấn đề giảm bớt bội chi ngân sách, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, có thể chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng GDP để hệ thống doanh nghiệp VN có thời gian củng cố quản trị doanh nghiệp và đầu tư theo chiều sâu