Để góp phần xây dựng Dự Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Chứng khoán đạt hiệu quả cao, hạn chế những khoảng trống vắng về khuôn khổ pháp lý cho một thị trường chứng khoán phát triển bền vững, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất đưa nội dung thành lập 1 định chế tài chính Bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán bị giải thể, phá sản hoặc gặp khó khăn lớn về tài chính mà không có khả năng bảo toàn một phần vốn và tài sản của nhà đầu tư :
1/ Vì sao phải thành lập Công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư :
Hiện nay trên TTCKVN ( Thị trường chứng khoán Việt Nam ) có hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động, hệ thống các CTCK có những tồn tại sau:
– Có quá nhiều CTCK ra đời, hoạt động, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn nhân lực quản trị cấp cao, chất lượng hoạt động của đa phần các công ty là chưa đạt yêu cầu.
– Cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh, cạnh tranh bằng mọi giá trong việc thu hút khách hàng đầu tư, rủi ro nhất là cạnh tranh về dịch vụ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cho vay rất cao, dịch vụ này không những ảnh hưởng tới sự phát triển bến vững của TTCK mà còn liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro về vốn và chứng khoán của CTCK đồng thời ảnh hưởng đến sự an toàn về tiền và chứng khoán của nhà đầu tư
– Công tác quản lý nhà nước của SSC tại các CTCK đang còn nhiều hạn chế và bất cập, nhất là khả năng quản lý việc sử dụng dịch vụ đòn bẩy tài chính tại các CTCK.
– Các công ty chứng khoán có thể lâm vào tình trạng giải thể, phá sản và có thể làm mất vốn và tài sản của nhà đầu tư trong các tình huống sau:
+ Quản trị doanh nghiệp kém, vay nợ nhiều hoặc chiếm dụng vốn của nhà đầu tư dùng cho mục đích kinh doanh, khi khả năng tài chính kém, cộng với khả năng chiếm dụng vốn và tài sản NĐT xảy ra, khó có khả năng chi trả thì có thể dẫn tới 1 số NĐT bị mất vốn.
+ Ban quản trị doanh nghiệp yếu kém, không quản lý được các nhân viên dưới quyền, có thể xảy ra tình huống 1 nhóm nhân viên câu kết với nhau, chiếm dụng nhiều tài sản và tiền của NĐT để kinh doanh chứng khoán, xong bị thua lỗ lớn trong khoảng thời gian dài, khoảng thua lỗ đó lớn hơn tài sản của CTCK, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho NĐT ?….
+ Những rủi ro về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niên yết, hay do môi trường kinh doanh trong nước biến động hay do tác động của kinh tế thế giới… làm cho TTCK biến động giảm mạnh, giá chứng khoán liên tục sụt giảm, TTCK mất thanh khoản nhưng CTCK có thể không thu hồi được nợ từ đòn bảy tài chính…
Đối với hệ thống ngân hàng trong nước và trên thế giới , khi xảy ra tính huống 1 ngân hàng thương mại nào đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc bị giải thể phá sản thì tiền gửi của các tổ chức và cá nhân sẽ ra sao :
– Tiền gửi của các tổ chức và cá nhân đều được bảo đảm
– Bảo đảm là do cơ chế chính sách của nhà nước thông qua hỗ trợ vốn của chính phủ cộng với sự bảo đảm từ tổ chức bảo đảm tiền gửi.
– Vậy đối với lĩnh vực chứng khoán thế nào? Cần đi tìm cơ chế để đảm bảo tiền và chứng khoán của nhà đầu tư được đảm bảo trong tình huống có công ty chứng khoán bị giải thể, phá sản và lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính mà không có khả năng đền bù thiệt hại cho NĐT.
2/ Thông lệ thế giới về việc thành lập và hoạt động của Công ty Bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư :
– Đây là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có khuôn khổ pháp lý hoạt động riêng và có nhiều điểm ( về tôn chỉ, mục đích, cơ chế tài chính, cơ chế đền bù ) tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống các ngân hàng thuơng mại ;
– Vai trò của nhà nước chủ yếu là thiết lập khuôn khổ pháp lý, xúc tiến việc thành lập và giám sát quá trình hoạt động ;
– Các thành viên của công ty Bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư chính là các công ty chứng khoán, phải có nghĩa vụ pháp lý đóng góp vốn và phí hàng năm cho công ty để hình thành Quỹ đền bù cho nhà đầu tư trong các tình huống công ty chứng khoán bị giải thể , phá sản hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán đồng thời làm mất vốn của nhà đầu tư.
– Thị trường chứng khoán của nhiều nước phát triển trên thế giới đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện rất nhiều so với nước ta, hệ thống công ty chứng khoán của họ có tiềm lực tài chính mạnh nhưng vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, bởi vì đó là công cụ tài chính để bảo vệ vốn và tài sản của nhà đầu tư, làm cho nhà đầu tư an tâm mở tài khoản tiền gửi và tài khỏan chứng khoán tại các công ty chứng khoán.
3/ Ý nghĩa của việc ra đời và hoạt động của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư :
– TTCK nước ta còn non trẻ, hệ thống các công ty chứng khoán còn non kém, quản trị doanh nghiệp của nhiều công ty chứng khoán còn chưa đạt yêu cầu, bên cạnh đó có 1 số ban lãnh đạo chẳng những non kém về trình độ mà còn cả về mặt đạo đức hành nghề. Thực tế mới hé lộ một vài trường hợp tiêu cực tham nhũng. Nhưng nếu ban lãnh đạo tiêu cực tham nhũng cộng với trình độ quản trị yếu kém là 1 điều rất nguy hiểm cho nhà đầu tư, vì có thể xảy ra tình trạng tham nhũng tràn lan trong 1 công ty chứng khoán nào đó, làm ảnh hưởng đến sự an toàn tiền gửi và chứng khoán của nhà đầu tư ;
– Nhà đầu tư cá nhân nước ta chiếm đa phần tổng giá trị giao dịch mua bán chứng khoán hàng ngày, kiến thức của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế, khó có khả năng nhận biết về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán, cũng như khó có khả năng phân biệt công ty chứng khoán tốt, xấu ;
– Thành lập 1 định chế tài chính bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, từ việc hình thành Quỹ đền bù sẽ tạo an tâm cho các nhà đầu tư chứng khoán, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn xảy ra đối với các nhà đầu tư cá nhân sẽ góp phần phát triển bền vững TTCK;
– Rủi ro về việc mất vốn và tài sản của nhà đầu tư chứng khoán do công ty chứng khoán gây ra thấp hơn nhiều trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên kinh nghiệm quốc tế cho thấy đã từng xảy ra những vụ giải thể , phá sản hay mất khả năng thanh toán của một số công ty chứng khoán dẫn đến việc làm thiệt hại tới tài sản của nhà đầu tư, vì vậy việc thành lập 1 định chế tài chính bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là sự cần thiết khách quan. Chúng ta phải xúc tiến xây dựng, việc đầu tiên là phải tạo lập khuôn khổ pháp lý và hy vọng rằng trong khoảng 5 năm nữa, công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ ra đời.
– Kèm theo văn bản này, VAFI gửi tóm tắt về mô hình hoạt động của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư tại một số nước để các Quí cơ quan nghiên cứu ;