Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) tiếp tục đi sâu nghiên cứu Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán thì nhận thấy Chính sách thuế cho nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng và có thể Ban soạn thảo chưa xem xét giải quyết những tồn tại của chính sách hiện hành, cụ thể như sau :
1/ Tại Điểm 2b Điều 4 của Dự thảo qui định “ Các tổ chức khác, bao gồm các quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được thành lập theo pháp luật nuớc ngoài…thực hiện nộp thuế thu nhập theo phương thức khoán : Đối với chuyển nhượng chứng khoán, thì số thuế phải nộp được xác định bằng 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra tại thời điểm chuyển nhượng…..”, từ đây, có những vấn đề cần làm rõ :
– Thế nào là chuyển nhượng chứng khoán ? Sự khác nhau giữa chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn là như thế nào ?
– Phạm vi áp dụng : Qui định về chuyển nhượng chứng khoán cho tất cả các công ty cổ phần hay chỉ cho công ty cổ phần đại chúng ?
– Văn bản 12501/BTC-CST ngày 20/9/2010 của Bộ Tài chính có còn hiệu lực không sau khi Thông tư mới về chính sách thuế được ban hành ? Nếu còn hiệu lực thì điều đó có nghĩa rằng những tồn tại của công văn 12501 vẫn chưa được giải quyết và phải được hủy bỏ sau khi Thông tư mới về thuế chứng khoán được ra đời ;
– Điểm tồn tại lớn nhất của văn bản 12501 là qui định :
+ Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào công ty đại chúng thì chịu thuế chuyển nhượng là 0,1% trên giá trị bán chứng khoán nhưng khi đầu tư vào công ty không đại chúng thì chịu mức thuế khoán là 25% trên chênh lệch giữa giá trị mua và giá trị bán ; ( Chi phí được phép tính không đáng kể ). Cùng là hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng lại áp dụng 2 phương pháp tính thuế khoán khác nhau và có khoảng cách rất lớn về nghĩa vụ nộp thuế ;
+ Nhà đầu tư cá nhân trong nước khi đầu tư vào công ty đại chúng thì chịu mức thuế khoán là 0,1% nhưng khi đầu tư vào công ty không đại chúng thì chịu mức thuế khoán là 20% trên chênh lệch giữa giá trị mua và giá trị bán ; Những bất cập cũng tương tự như trên ;
2/Về bất cập của văn bản 12501, VAFI đã có văn bản số 711/HHĐTTC ngày 17/11/2011 gửi Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị xem xét giải quyết và Thứ trưởng đang còn nợ 1 câu trả lời đối với 1 vấn đề rất quan trọng trong công tác thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa , và lần này, VAFI tiếp tục phân tích kỹ những tồn tại của công văn 12501 ở những góc độ khác :
– Khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu A và sau đó bán cổ phiếu A ( cổ phiếu A thuộc cổ phiếu chưa đại chúng ) thì theo 12501 số thuế phải nộp được tính theo công thức :
+ Thuế phải nộp = ( giá trị chứng khoán khi mua – giá trị chứng khoán khi bán – chi phí liên quan ) x 25% ;
+ Chi phí liên quan mà cơ quan thuế thực tế chấp nhận chỉ là chi phí pháp lý ( thuê luật sư soạn thảo hợp đồng mua bán – đây là khoản chi phí hết sức nhỏ bé ) ;
+ Khoản chi phí phản ánh chênh lệch tỷ giá không được xem xét vì cơ quan thuế cho rằng không có cơ sở pháp lý. Ví dụ khoản đầu tư mua cổ phiếu A cách đây 7 năm với tỷ giá 16.000 VND/USD, khi bán với tỷ giá 21.000 VND/USD, nếu đưa khoản chênh lệch tỷ giá này vào thì thương vụ mua bán cổ phiếu A ít có lãi hơn hoặc có khi lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế ;
+ Các khoản chi phí cho việc thuê tư vấn, nghiên cứu khảo sát doanh nghiệp, chi phí đi lại, chi phí tiền lương cho nhân viên hay chi phí quản lý quỹ không được phân bổ để đưa vào công thức tính. Nếu Bộ Tài chính có thiện chí xem xét đưa vào chi phí thì cũng không thể được vì không thể xác định chi phí phân bổ khi nhà đầu tư nước ngoài không đăng ký kê khai thuế thường xuyên tại Việt Nam ;
+ Các quỹ đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào VN , thông thuờng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp ở nhiều thời điểm khác nhau và khi bán chứng khoán cũng tại nhiều thời điểm khác nhau, có cổ phiếu có lãi, có cổ phiếu thua lỗ nhưng với bối cảnh TTCKVN thì đa phần các thương vụ đều thua lỗ nhưng khi bán cổ phiếu có lãi thì toàn bộ những khoản đầu tư thua lỗ không thể được trích lập dự phòng để đưa vào chi phí như các tổ chức đầu tư trong nước ;
– Nếu hạch toán theo phương pháp 25%như tổ chức trong nước ( được kê khai hạch toán đầy đủ tất cả chi phí ) thì :
+ Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khi kinh doanh thua lỗ nhẽ ra không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng họ vẫn phải nộp thuế khoán rất cao với một số thương vụ có lãi ;
+ Nếu Quỹ đầu tư nào kinh doanh hiệu quả và có lãi thì họ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức từ 50%- 80%, chứ không phải là 25%;
– Từ phân tích trên để thấy rằng cách tính thuế 25% như công văn 12501 không phải là tính theo thu nhập chịu thuế mà bản chất là thuế khoán theo chênh lệch giá trị bán trừ giá trị mua và đây là phương pháp bất hợp lý, vô cùng cao so với phương pháp tính thuế khoán theo giá bán thực tế với thuế xuất 0,1%.
3/ Phân tích những hệ quả của văn bản 12501 :
– Tại tiết 2.2 Điểm 2 Mục III của Thông tư 100/2004/TT-BTC ngày 20/10/2004
( Thông tư đầu tiên về thuế trong lĩnh vực chứng khoán ) qui định “ Đối với nhà đầu tư nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngòai khi đầu tư vào chứng khoán ( không phân biệt chứng khoán niêm yết hay chưa niêm yết ) thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức thuế khoán, số thuế phải nộp được xác định bằng 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra của từng giao dịch chuyển nhượng “
– Các nhà đầu tư nước ngoài, công ty quản lý quỹ nước ngoài căn cứ vào qui định trên để nói với các nhà đầu tư nước ngoài ( đối tượng cần kêu gọi vốn ) về chính sách thuế đó khi gọi vốn thành lập quỹ, nhưng sau quá trình đầu tư lâu dài, đến thời hạn đóng quỹ thì họ lại phải đóng rất nhiều thuế cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu, hệ quả là đã lỗ thì càng lỗ thêm do có thêm thuế hoặc nếu có lợi nhuận thì cũng bị giảm đi nhiều do chính sách đã thay đổi ; Điều này làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài bực bội , chán nản và bỏ đi hay từ bỏ ý định lập Quỹ để đầu tư vào cổ phiếu OTC ;
– Đầu tư vào cổ phiếu công ty không đại chúng thường thuộc đối tượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình hay là doanh nghiệp nhỏ và vừa – Đây là lĩnh vực đầu tư hết sức mạo hiểm, mạo hiểm hơn nhiều so với đầu tư vào công ty đại chúng và đa phần các nhà đầu tư nước ngoài đều thất bại khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này. Đa phần nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu công ty đại chúng vì ít chịu rủi ro hơn ;
– Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ thương mại thường khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vì ít có tài sản thế chấp, tuy nhiên đã có hàng trăm doanh nghiệp loại này tiếp cận được nguồn vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm nước ngoài và họ đã có cơ hội tồn tại và phát triển, có 1 số doanh nghiệp đã phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn ;
– Nếu những tồn tại của văn bản 12501 không được giải quyết, sẽ chẳng còn quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài nào được thành lập để đầu tư vào Việt Nam và phần thiệt lớn nhất sẽ là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
4/ VAFI nhận thấy rằng Chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán được bắt đầu từ năm 2004 cho đến nay đang gặp phải nhiều thiếu xót hạn chế :
– Nhẽ ra phải coi ngành công nghiệp chứng khoán là ngành mũi nhọn để được hưởng những ưu đãi về thuế tương đương với những ngành mũi nhọn khác như công nghệ thông tin, công nghệ cao, ngành xuất khẩu ….thì lại ngược lại ;
– Chính sách thuế đang từ tạm chấp nhận được ( thể hiện Thông tư 100, thông tư 72 ) chuyển thành sai và bất hợp lý ( như công văn 12501 và Dự thảo Thông tư…)
– Những dòng vốn mạo hiểm và đầy rủi ro đầu tư vào thị trường chứng khoán thì bị thuế cao, bị ngăn chặn bởi nhiều sắc thuế và hệ quả là thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như không huy động được vốn, hệ thống nhà đầu tư tổ chức trong nước ngày càng suy yếu ( Trong đợt góp ý này, VAFI chưa đề cập tới cơ chế thuế bất cập cho tổ chức đầu tư trong nước vì nếu có phản ánh thì không giải quyết được vấn đề gì vì vướng Luật ) ;
– Những dòng vốn có hại cho nền kinh tế , chẳng hạn như đầu cơ kinh doanh vàng miếng thì được miễn thuế giao dịch và hậu quả là đã tạo ra nhiều cơn sốt vàng trong những năm qua ảnh hưởng tới sự ổn định tỷ giá và làm trầm trọng tình trạng lạm phát, nhập siêu cao …; Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã ra đời có giao cho Bộ Tài chính nhiệm vụ xây dựng chính sách thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động kinh doanh vàng nhưng chưa thấy Bộ triển khai ?
– Thị trường bất động sản đang đóng băng , kèm theo nhiều tỷ đô la bị chôn cùng nợ xấu ngân hàng tăng lên, cùng với hệ quả là giá nhà đất quá cao và hàng triệu người khó có khả năng mua nhà, vì sao vậy ? Một trong những nguyên nhân quan trọng là chậm ban hành Luật thuế tài sản như các nước đã làm ;