Góp ý công tác quản trị doanh nghiệp

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin gửi lời chào trân trọng tới Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc TRC ; Thay mặt cho một số Hội viên VAFI đã , đang và sẽ là cổ đông TRC, VAFI xin có một số ý kiến về công tác quản trị doanh nghiệp :

1/ Nên áp dụng chiến lược kinh doanh phòng thủ, ăn chắc mặc bền :

– HĐQT cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả kinh doanh đối với các dự án đã và đang triển khai để có đối sách hợp lý :

+ VAFI nhận thấy những dự án như sản xuất chế biến gỗ, sản xuất phuy thùng, kinh doanh xăng dầu, tham gia đầu tư khu công nghiệp hiệu quả đầu tư thấp so với đồng vốn bỏ ra và có thể nhân sự tại các dự án do TRC trực tiếp điều hành được hưởng mặt bằng thu nhập cao từ mảng kinh doanh cao su, vì thế cách tốt nhất là không nên tham gia kinh doanh ở các dự án ngoài ngành, những dự án mà mình không có thế mạnh ;

+ Hiện có 1 số doanh nghiệp niêm yết thuộc Tập đoàn cao su VN, tuy có lợi nhuận cao trong lĩnh vực trồng chế biến cao su nhưng đầu tư rất dàn trải, hệ quả là những khoản đầu tư đó bị thua lỗ, bị mất vốn, rồi lợi nhuận của cổ đông và của nhà nước làm ra bao nhiêu phải đem nướng vào các dự án đó – Đây là bài học cần rút kinh nghiệm ;

– Đầu tư vào các dự án mới trồng và khai thác cao su thì nên dừng lại ( không có thêm dự án nữa ) vì :

+ Trong mấy năm nay, ngành cao su được mùa đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trong nước và các nước trong khu vực và trên thế giới thi nhau đầu tư vào cây cao su, nguồn cung chắc chắn tăng lên từng năm và có thể cao su mất giá như thời kỳ 15 năm trước đây ;

+ Lịch sử đã ghi nhận rằng giá cao su biến động theo từng chu kỳ, nếu không tỉnh táo thì nguồn vốn của cổ đông sẽ ra đi vì những dự án mới thua lỗ, không sinh lời ;

– Từ những phân tích trên, VAFI khuyến nghị HĐQT TRC nên dừng việc tìm kiếm và triển khai các dự án đầu tư mới, thay vào đó nên tập trung nhân lực và thời gian cho tất cả các dự án đang triển khai, đang khai thác để bảo vệ thành quả trong hơn 5 năm qua (thời kỳ TRC chuyển thành CTCP).

2/ Cổ phiếu TRC có tính thanh khoản kém và nhà đầu tư chưa hài lòng với HĐQT :    

– Sau hơn 5 năm cổ phần hóa, cổ tức tiền mặt của TRC mới chỉ ở mức 20%- 30%/năm, trong khi nhiều DNNN cổ phần hóa khác thanh toán cổ tức ở mức 100%/vốn điều lệ ( sau vài lần tăng vốn điều lệ lên gấp 3- 5 lần và duy trì cổ tức mới ở mức 15%- 35% ) ;

– Với mức cổ tức hiện hành thì không tương xứng với giá vốn đầu tư cổ phiếu theo giá thị trường ở nhiều thời điểm khác nhau và theo thực lực tài chính của TRC :

+ Nhiều nhà đầu tư dài hạn đã mua cổ phiếu TRC từ 50.000 – 80.000 đ/ cp nhưng hàng năm chỉ nhận cổ tức tiền mặt ở mức 6% – 4%/năm, mức cổ tức quá nhỏ so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ;

+ Trong năm 2010, 2011 mặc dù lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ ở mức 110%, 170%/năm nhưng mức cổ tức được chia chỉ 30% ? Với tình hình hiện tại của TRC thì có thể chia cổ tức năm nay ở mức 100% mà không ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư các dự án mới ;

– HĐQT còn vô tình chưa quan tâm đến quyền lợi cổ đông, có thể còn coi họ như là người khách đến công ty 1 năm 1 lần ( trích lời nhận xét của 1 cổ đông ) :

+ Theo Hội viên phản ánh thì cuối năm 2011, Ban lãnh đạo TRC có khoe với báo giới và cấp trên rằng năm nay giá cao su được giá nên người lao động và ban lãnh đạo có được thu nhập tăng thêm 50% so với năm 2010 ;

+ Cao su được giá, lợi nhuận TRC lên đến 170%, thu nhập người lao động và HĐQT tăng lên nhưng mọi cổ đông TRC bị thua lỗ mất vốn và không được hưởng thêm lợi ích gì từ những thành quả trên ;

+ Nhẽ ra HĐQT phải sớm thực hiện việc thanh toán cổ tức cho cổ đông ở mức theo kế hoạch ( 30%) trong đầu Quí 3 và cuối Quí 4 mới phù hợp với đạo lý, đồng thời bàn thảo về mức cổ tức chia tăng lên từ  nguồn lợi nhuận sau thuế tăng thêm 60% so với kế hoạch. Điều  này rất có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nhà đầu tư thiếu tiền để đầu tư khi TTCK lao dốc mạnh

3/ Tóm lược các khuyến nghị :

– Không triển khai thêm các dự án đầu tư mới nữa mà tập trung nhân lực vào các dự án đã và đang triển khai ;

– TRC đã tới giai đoạn để cổ đông và nhà nước được hưởng thành quả từ việc tăng mức cổ tức được chia hàng năm, không nên để nhiều lợi nhuận giữ lại vì không cần thiết và tránh việc đầu tư lung tung ;

– Nguồn tiền gửi hiện có tại TRC cộng với lợi nhuận năm 2012 dư sức để thực hiện các dự án của TRC, vì vậy đề nghị HĐQT xem xét tăng mức chia để có lợi cho cổ đông nhà nước và tư nhân :

+ Nên trên nguyên tắc là lợi nhuận nhiều thì chia nhiều, vì vậy cổ tức năm 2011 nên ở mức từ 60%- 90% ;

+ Đây cũng là hình thức hồi lại vốn đầu tư cho nhà nước, làm cho nhà nước có lợi và cũng chứng tỏ năng lực quản trị doanh nghiệp ;

– Để cổ phiếu TRC tăng tính thanh khoản và thể hiện tầm vóc của doanh nghiệp thì đề nghị HĐQT có chủ trương tăng vốn điều lệ mới nên mức 50% ( 450 tỷ ) ;

– Để tạo không khí vui vẻ trước sự kiện ĐHCĐ sắp tới, HĐQT nên thực hiện thanh toán ngay mức cổ tức 15% như kế hoạch năm trước đã duyệt ;

Rất mong HĐQT xem xét ghi nhận những góp ý kiến trên và thể hiện chiến lược kinh doanh mới , chiến lược quan hệ cổ đông mới trong báo cáo thường niên và tại ĐHCĐ sắp tới   ./.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133