Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin gửi lời chào trân trọng tới Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc LSS; Thay mặt cho một số Hội viên VAFI đã, đang và sẽ là cổ đông LSS, VAFI xin có một số ý kiến về công tác quản trị công ty :
I/ Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hầu như các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp đều có nhận xét rằng Đường Lam Sơn đang có thế mạnh về sản xuất và kinh doanh đường, cộng với những thuận lợi khách quan mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi. Căn cứ vào tình hình kinh doanh của LSS, cộng với TTCK suy giảm, cổ phiếu LSS tỏ rõ sức hấp dẫn, tuy nhiên những nhà đầu tư đang là cổ đông hoặc đang nghiên cứu để trở thành cổ đông vẫn còn những băn khoăn e ngại :
– Chiến lược kinh doanh của LSS đã bớt dàn trải, thể hiện việc giảm bớt đầu tư chứng khoán, thoái vốn hoặc không kinh doanh ở những ngành nghề không có lợi thế như sản xuất bánh kẹo, sản xuất sữa…nhưng vẫn còn dàn trải thể hiện ở việc duy trì và phát triển đầu tư vào các dự án du lịch, bất động sản, tham gia đầu tư giáo dục, sản xuất rượu … với tổng vốn đầu tư không nhỏ, có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính , tới tỷ suất lợi nhuận và việc phân chia cổ tức .
– Công tác quan hệ cổ đông chưa được chuyên nghiệp, thể hiện ở nội dung cung cấp thông tin chưa thường xuyên và đầy đủ theo nhu cầu của nhà đầu tư (thể hiện trên trang Web), chưa có thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài;
– Chính do hai yếu tố cơ bản nói trên mà cổ phiếu LSS kém thanh khoản và thị giá cổ phiếu thường thấp hơn so với nhiều loại cổ phiếu khác (xét tương đương các chỉ tiêu kinh tế tài chính và lợi nhuận ).
II/ VAFI xin góp ý cụ thể như sau:
1/ Không nên đầu tư vào các dự án du lịch (trực tiếp và gián tiếp):
– Hiện có khoảng 800 công ty niêm yết, song chỉ có vài công ty niêm yết có ngành kinh doanh khách sạn, du lịch là ngành nghề chính, kết quả kinh doanh trong nhiều năm không mấy ấn tượng :
+ CTCP Khách sạn Sài Gòn được cổ phần hóa cách đây khoảng 15 năm, vốn điều lệ khoảng 18 tỷ đồng nằm tại Quận 1 thành phố HCM, không nợ nần, hiện giá trị thị trường của khu đất khách sạn khoảng vài trăm tỷ, tuy nhiên từ rất nhiều năm lãi hàng năm chỉ khoảng vài tỷ đồng ;
+ CTCP VINPERLAND được đầu tư với số vốn khổng lồ từ hàng chục năm trước từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, hiện VPL được coi là doanh nghiệp kinh doanh du lịch hàng đầu ở nước ta, tuy nhiên kết quả kinh doanh rất khiêm tốn so với số vốn đầu tư đã bỏ ra và chỉ mấy năm gần đây mới có lãi;
+ Các khách sạn năm sao nổi tiếng ở Sài gòn, Hà Nội, bề thế nguy nga hoành tráng đóng tại các vị trí trung tâm đắc địa, tuy nhiên nói về chủ đầu tư thì đầy rủi ro và luôn kinh doanh thua lỗ, mỗi 1 dự án khách sạn đều luôn được đổi chủ đầu tư vì kinh doanh không hiệu quả, giá vốn đắt;
+ Khu du lịch Sầm Sơn không được thuận lợi như các khu du lịch 4 mùa ở phía nam (chỉ có 1 mùa), công tác quản lý về nhà nước du lịch là quá kém , theo kiểu du lịch tự phát và du lịch nhân dân, nên những khu du lịch làm bài bản chỉ có 1 khu resort nhưng kết quả không cao . Nếu HĐQT chịu khó khảo sát về tình hình kinh doanh tại các khách sạn ở Sầm Sơn thì hầu hết đều thua lỗ hoặc không hiệu quả, tất nhiên đối với nhiều nhà đầu tư tư nhân ở địa phương thì người ta vẫn tiến hành kinh doanh vì họ coi đó là nghề kiếm sống duy nhất, đồng thời họ dễ dàng trốn thuế.
+ Nếu tính hiệu quả hoạt động khách sạn Lam Sơn của LSS, chắc là lỗ hoặc lãi thấp so với vốn đầu tư ban đầu thấp, nhưng sau này nếu đầu tư gần trăm tỷ vào khách sạn Lam Sơn, e rằng nguồn đầu tư này sẽ bị chôn không sinh lời và thua lỗ, đồng thời sau khi đầu tư, muốn bán dự án cũng khó bán được vì không tìm được người mua.
– Từ những phân tích trên để thấy rằng kinh doanh du lịch là cực kỳ rủi ro, chỉ thua lỗ là nhiều, từ hoạt động thua lỗ lại ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty ; Kinh doanh du lịch hiện nay lại càng khó khăn khi giá vốn xây dựng, giá đất càng cao ;
– Đối với LSS, không nên theo đuổi ngành nghề kinh doanh du lịch vì LSS không có kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch, hơn nữa ngành nghề du lịch là ngành xương xẩu từ trước tới nay, chúng ta nên tiết kiệm vốn đầu tư, hạn chế vay mượn ngân hàng để tìm những cơ hội đầu tư tốt hơn phù hợp với lợi thế của LSS.
2/ Không nên đầu tư vào giáo dục ( Nói về Dự án Trường Cao đẳng Lam Kinh ) :
– Hiện nay, cả nước đã có vài trăm trường Đại học, Cao đẳng, đã quá nhiều trường đại học, tuy nhiên chẳng có Trường Đại học, Cao đẳng nào đạt yêu cầu cả, vì vậy hàng năm có hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh đi du học tự túc ra nước ngòai . Hệ thống chất lượng quản lý các trường hiện nay là rất thấp, thấp về chất lượng đầu tư, thấp về chất lượng đội ngũ giảng dạy và thấp về cơ chế giáo dục;
– Hầu như các sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng đều không muốn ở lại Trường để giảng dạy, họ muốn vào khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp làm việc có thu nhập cao hơn nhiều so với làm việc tại các trường. Với thực tế này thì lấy đầu ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các Trường Đại học và Cao đẳng, đã thế lại có hàng trăm trường Đại học, cao đẳng thì lấy đâu ra người giỏi để giảng dạy ?
– Truờng Cao đẳng Lam Kinh lại đóng ở Thanh Hóa, ở vị thế yếu về việc tuyển sinh nguồn nhân lực chất lượng cao?
– Trong bối cảnh như trên thì kinh doanh giáo dục gặp muôn vàn khó khăn, nếu LSS tiếp tục dự án này, e rằng không hiệu quả, mà lại mất công sức quá nhiều cho dự án, sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ thời gian cho những việc lớn hơn ?
– Từ phân tích trên, khuyến nghị HĐQT nên thoái vốn khỏi dự án giáo dục này, không nên bỏ vốn đầu tư vào trường để tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phần. Nếu khó chuyển nhượng cổ phần thì nên làm thủ tục giải thể.
3/ Không nên kinh doanh bất động sản:
– Trong bối cảnh hiện nay, ngành kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trầm trọng, sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp bất động sản đi vào con đường giải thể, phá sản;
– Kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn do giá đất ở nước ta quá cao, kể cả các vùng nông thôn hẻo lánh, điều quan trọng là giá đất cao hơn rất nhiều so với thu nhập của đại bộ phận nhân dân đang ở tình trạng thu nhập thấp;
– Những phân tích trên cho thấy, thị trường bất động sản sẽ đi sang một hướng khác là đòi hỏi một ngành nghề kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp và thị trường thuộc về ngừoi mua;
– Căn cứ vào tình hình quản trị công ty, cộng với tình hình khách quan, VAFI khuyến nghị LSS tránh xa lĩnh vực bất động sản;
4/ Không nên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rượu:
– Lĩnh vực này rất có đặc thù và cạnh tranh mạnh, ít có doanh nghiệp thành công ở lĩnh vực này, hiện có vài công ty niêm yết ở lĩnh vực này nhưng kết quả kinh doanh rất èo uột, chẳng hạn như công ty rượụ vang Thăng long;
– Chúng ta không nên đi vào lĩnh vực khó, không phù hợp với lợi thế của LSS;
III/ Nên Chỉnh sửa lại mục tiêu chiến lược của Tập đoàn :
– Nên xác định mục tiêu: “Đưa LSS trở thành Tập đoàn số 1 của VN về sản xuất mía đường”. Chúng ta không nên đưa ra những ngành mà LSS không có thế mạnh và kinh nghiệm để thành mục tiêu của Tập đoàn (ngành du lịch, thương mại, bất động sản), hơn nữa những ngành này trong trung hạn và dài hạn tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.
– Thực ra, nguyện vọng của các nhà đầu tư chứng khoán là rất đơn giản:
+ LSS phải ở vị thế hàng đầu trong ngành mía đường, tất cả cho sản xuất mía đường;
+ Lợi nhuận cao, cổ tức cao;
– Với những ngành sản xuất mới gắn với nông nghiệp nông thôn như sản xuất nhiên liệu sinh học, trồng sắn…. cần có khảo sát đánh giá và nếu khả thi thì thực hiện từng bước;
– Đối với ngành nghề sản xuất giấy và nguyên liệu giấy: Cần khảo sát, phân tích đánh giá cẩn trọng vì hiện nay, nước ta chưa có doanh nghiệp mạnh (mạnh về thu lợi nhuận) về lĩnh vực này.
IV/ Tăng cường Cải thiện công tác quan hệ với nhà đầu tư :
– Nên hình thành 1 bộ phận chuyên trách chuyên chăm lo công tác cung cấp thông tin cho nhà đầu tư;
– Hiện LSS có 1 nhóm Kiểm soát viên ( trong Ban Kiểm soát ) hoạt động chuyên trách, nên giao cho Ban này nhiệm vụ cung cấp thông tin một cách đầy đủ và thường xuyên cho nhà đầu tư ( chủ yếu qua phương tiện Website ) ;
– Để biết được nội dung cung cấp thông tin thì nên tham khảo kinh nghiệm từ các công ty đã làm tốt công tác công chúng như Vinamilk, FPT, HPG …
– Trang Web nên có cả tiếng Anh, làm cách nào để cung cấp thông tin tiếng Anh thường xuyên cho nhà đầu tư ?
+ Như kinh nghiệm của nhiều công ty là cần ký hợp đồng thuê 1 công ty dịch thuật;
+ Đối với các báo cáo tài chính, yêu cầu công ty Kiểm toán làm 2 bản (tiếng Việt và Tiếng Anh);
* Luôn luôn chăm lo quyền lợi cho cổ đông:
– Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhưng công ty lại vẫn kinh doanh thuận lợi, lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước, người trồng mía có lợi, rổi người lao động trong công ty và Ban quản lý vẫn đảm bảo thu nhập cao, tuy nhiên chỉ có người đầu tư chứng khoán và cổ đông công ty còn bị thua thiệt do chứng khoán giảm giá mạnh, HĐQT nên có biện pháp động viên cổ đông;
– Căn cứ vào tình hình kinh doanh của LSS , HĐQT nên quyết định chính sách cổ tức cho năm nay ở mức trên 30% và nên quyết định phân chia đợt 1 sớm ở mức 15%- 20% nhằm kịp thời động viên khuyến khích nhà đầu tư đồng thời tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu LSS .
V/ Tóm tắt khuyến nghị :
1/ Nên tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, nguồn trí tuệ của LSS vào những mảng kinh doanh cốt lõi mà LSS có thế mạnh và kinh nghiệm như sản xuất kinh doanh đường, cồn và các sản phẩm nông nghiệp khác ( từng bước triển khai ) ;
2/ Tập trung nguồn tài chính vào các mảng kinh doanh cốt lõi, nhanh chóng thoái vốn tại các dự án không phải là thế mạnh của doanh nghiệp, giảm tối đa nợ nần để tăng cường khả năng tài chính doanh nghiệp nhằm luôn chủ động đối phó với những tình huống xấu nhất của kinh tế vỹ mô trong nước và quốc tế;
3/ Cải thiện công tác quan hệ với nhà đầu tư và chăm lo quyền lợi cho nhà đầu tư. Nếu HĐQT luôn dùy trì chính sách cổ tức cao từ 30% – 50%/VĐL ( khả năng công ty đáp ứng được ) thì không có lý gì nhà đầu tư rời bỏ LSS và cổ phiếu LSS sẽ trở nên thanh khoản cao .
Từ đúc kết kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của nhiều công ty, từ việc nghiên cứu đầu tư nhiều ngành nghề kinh doanh, VAFI có ý kiến đóng góp như trên. VAFI tin rằng những góp ý trên rất dễ chỉnh sửa để làm cho LSS thực sự là cổ phiếu thanh khoản, thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia;