Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến Bản Dự thảo Sửa đổi, bổ sung Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết như sau :
1/ VAFI góp ý vào hai vấn đề lớn trong Dự thảo :
1.1/ Thực hiện bỏ phiếu từ xa ;
1.2. Tính pháp lý và tính hợp lý của việc cho phép Hội đồng quản trị công ty niêm yết mời tổ chức lưu ký chứng khoán đại diện cho cổ đông tham dự và bỏ phiếu thay cho các cổ đông nói trên trong trường hợp các cổ đông không tham dự ĐHCĐ, không thực hiện bỏ phiếu từ xa cũng như không thực hiện việc ủy quyền cho việc tham dự ĐHCĐ ;
2/ Phân tích kỹ cơ chế thực hiện bỏ phiếu từ xa :
– Bỏ phiếu từ xa là như thế nào ? Dự thảo Thông tư đã không nói rõ khái niệm này;
– Nếu không nói rõ, người ta có thể hiểu bỏ phiếu từ xa theo các hình thức :
+ Bỏ phiếu qua bưu điện ;
+ Bỏ phiếu bằng phương thức giao dịch điện tử ;
+ Bỏ phiếu bằng việc thiết lập một hoặc vài điểm ( để tập trung cổ đông đến ) để đồng thời tham gia họp trực tuyến ;
– Tuơng ứng với mỗi phương thức bỏ phiếu từ xa là những qui chế bỏ phiếu hoàn toàn khác nhau . Trong Bản Dự thảo chưa đề cập đến qui chế bỏ phiếu từ xa ;
– Theo VAFI, để dễ đơn giản thực hiện thì trước mắt nên áp dụng phương thức bỏ phiếu điện tử, đi kèm với phương thức này, điều kiện tiên quyết là cơ quan soạn thảo chính sách cần phải đưa ra những qui định cụ thể hoặc có thể soạn thảo qui chế bỏ phiếu bằng phương thức giao dịch điện tử ;
* Sau đây VAFI xin góp ý một số qui định cần có cho cơ chế bỏ phiếu bằng phương thức giao dịch điện tử :
+ Toàn bộ nội dung về bỏ phiếu điện tử phải là 1 phần của Thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông. Nên ấn định thời hạn tối thiểu gửi Thông báo ( so với thời điểm diễn ra ĐHCĐ ) ;
+ Tất cả những vấn đề cần biểu quyết tại ĐHCĐ thì phải sẵn sàng và được gửi hoặc đăng tải trên trang Web tại thời điểm HĐQT ra thông báo triệu tập họp ĐHCĐ ;
+ Trước ngày tổ chức ĐHCĐ, HĐQT phải công bố trên trang Web những thông tin liên quan đến việc bỏ phiếu bằng phương thức giao dịch điện tử :
> Danh sách chi tiết cổ đông đăng ký tham dự bỏ phiếu điện tử , tương ứng bao nhiêu cổ phần và tương ứng với tỷ lệ vốn điều lệ ;
> Danh sách chi tiết cổ đông thực hiện bỏ phiếu điện tử, tỷ lệ tương ứng với vốn điều lệ ;
> Danh sách những cổ đông thực hiện bỏ phiếu điện tử, nhưng đổi ý khi có điều kiện tham dự trực tiếp ;
+ Cần nói rõ rằng tổng số cổ đông tham dự bỏ phiếu điện tử sẽ góp phần làm tăng khả năng ĐHCĐ có đủ điều kiện tiến hành hay không ? Số phiếu của họ góp phần tạo các quyết định đúng đắn cho ĐHCĐ ;
+ Có những vấn đề như sau cần phải tính tới :
> Tại Đại hội cổ đông, có những vấn đề biểu quyết cần thay đổi hoặc cần bổ sung thêm nội dung biểu quyết (được HĐQT đồng ý hoặc đa số Đại hội đồng ý ) ;
> Thì nội dung biểu quyết này sẽ không có sự tham gia của những lá phiếu điện tử . Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, tránh chuyện lạm dụng thì quyết định thông qua tại ĐHCĐ cần phải đạt tỷ lệ tối thiểu từ 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông có mặt trực tiếp tại Đại hội ;
2/ Phân tích về Tính pháp lý và tính hợp lý của việc cho phép Hội đồng quản trị công ty niêm yết có quyền mời tổ chức lưu ký chứng khoán đại diện cho cổ đông tham dự và bỏ phiếu thay cho các cổ đông nói trên trong trường hợp các cổ đông không tham dự ĐHCĐ, không thực hiện bỏ phiếu từ xa cũng như không thực hiện việc ủy quyền cho việc
Tham dự ĐHCĐ :
– Theo Luật hiện hành thì tổ chức lưu ký chứng khoán là các công ty chứng khoán, các ngân hàng có chức năng lưu ký chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán ;
– Nếu theo như Dự thảo Thông tư, HĐQT công ty niêm yết sẽ mời các công ty chứng khoán thực hiện ủy quyền tham dự ĐHCĐ, đó sẽ là những công ty chứng khoán quen thuộc đã từng làm tư vấn cho Công ty niêm yết . Trên thực tế không tổ chức nào làm việc không công , trừ việc làm từ thiện chính đáng, tuy nhiên việc mời CTCK thực hiện ủy quyền tham dự ĐHCĐ không phải là 1 công việc từ thiện vì nó liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều nhóm cổ đông khác nhau . Trong nhiều vấn đề các cổ đông thường có ý kiến khác nhau, thậm chí xung đột quyền lợi.
– Các công ty chứng khoán bao giờ cũng coi các công ty niêm yết là khách hàng thượng đế mà đã là “ thượng đế “ thì phải chiều theo ý khách, tức là chiều theo ý của HĐQT hiện hành ;
– Khi cơ chế bỏ phiếu điện tử được thực hiện, sẽ có nhiều cổ đông có điều kiện tham dự ĐHCĐ, tuy nhiên VAFI dự đoán rằng cũng sẽ có nhiều cổ đông không đi họp, không ủy quyền cũng như không bỏ phiếu điện tử vì :
+ Có những cổ đông không sử dụng internet như đối tượng công nhân, người già, người thay đổi địa chỉ email….
+ Những nhà đầu tư bám sàn chứng khoán thường không quan tâm đến bỏ phiếu điện tử vì Danh mục đầu tư của họ luôn luôn thay đổi ;
+ Những đối tượng không tham gia bỏ phiếu điện tử sẽ nắm 1 tỷ lệ cổ phần / vốn điều lệ là tương đối lớn, có thể dao động từ 5% – 55%/vốn điều lệ . Công ty càng lớn, kinh doanh không hiệu quả thì tỷ lệ không tham gia bỏ phiếu điện tử càng lớn ;
– Việc cho phép HĐQT có quyền mời công ty chứng khoán tham gia bỏ phiếu tức là đã tạo 1 lợi thế rất lớn cho HĐQT :
+ HĐQT có thêm 1 lượng cổ phiếu lớn , có thể áp đảo trong việc thông qua các quyết định tại ĐHCĐ có lợi cho các thành viên HĐQT;
+ Sẽ là không công bằng cho các cổ đông khác không phải là thành viên HĐQT. Lá phiếu của họ có thể trở nên vô nghĩa nếu thực hiện cơ chế này. Nếu không có cơ chế mời tổ chức lưu ký tham gia, lá phiếu của cổ đông khác có thể áp đảo, có thể phủ quyết mọi quyêt định sai trái, có thể làm thay đổi cơ cầu thành phần HĐQT ;
– Chúng ta hãy thử hình dung rằng với những HĐQT yếu kém, tham nhũng , hoạt động không hiệu quả cần phải thay đổi nhưng khó có thể thay đổi được nhờ họ đã có 1 “ ô bảo trợ “ hữu hiệu là cơ chế mời tổ chức lưu ký “ ruột “ bỏ phiếu bảo vệ cho mình . Nếu 1 công ty chứng khoán nào không sẵn lòng hợp tác thì họ sẽ dễ dàmg mời những công ty khác vì họ bỏ tiền ra thuê ( thông qua các hợp đồng tư vấn tương lai ).
– Một thành viên Ban soạn thảo thông tư lý luận rằng khi cổ đông không tham dự đại hội, không ủy quyền, không bỏ phiếu điện tử tức là họ đã vứt bỏ quyền của mình đi rồi :
+ Điều này chưa hẳn đã đúng, bởi vì nếu hỏi họ rằng họ có trao quyền đại diện của mình cho “ HĐQT hoặc công ty chứng khoán “ hay không thì chưa chắc họ đã đồng ý ;
+ Tất cả những lá phiếu từ bỏ việc tham dự ĐHCĐ với bất kỳ lý do gì mà được trao quyền đại diện cho “ tổ chức lưu ký chứng khoán “ là trái Luật Doanh nghiệp. Không thể có chuyện lấy những lá phiếu này trao cho HĐQT mà lại không trao quyền đại diện cho các cổ đông khác ? Kể cả việc phân bổ những lá phiếu này theo tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các cổ đông tham dự Đại hội là cũng không được phép .
– Dự thảo thông tư có ý tốt là muốn giải quyết những bất cập khó khăn trong tổ chức Đại hội cổ đông nhưng đừng đi vào “ bế tắc và phi quản trị doanh nghiệp “. Cách tốt nhất để tạo điều kiện cho các công ty niêm yết thuận lợi tiến hành ĐHCĐ là cần sửa đổi điều kiện họp ĐHCĐ : Cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% hoặc 40% thay vì 65% / vốn điều lệ như qui định hiện hành.