Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin góp ý Dự thảo Thông tư quy định về lộ trình và điều kiện cho thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài như sau :
1/ VAFI đang có những băn khoăn và lo ngại như sau :
– Việc cho phép thương nhân, nhà đầu tư được tham gia mua bán hàng hóa qua Sàn Giao dịch hàng hóa nước ngoài có đem lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp, cho nền kinh tế và nhà đầu tư hay không ? Thực tế đã chứng tỏ những hoạt động không phép về kinh doanh vàng, kinh doanh cà phê…của những năm trước đã không mang lại lợi ích cho kinh tế vỹ mô, đã ảnh hưởng đến chính sách quản lý ngoại hối và hầu hết toàn bộ nhà đầu tư tham gia bị thua lỗ, phá sản ;
– Kinh doanh hàng hóa qua sàn giao dịch nước ngoài là hoạt động đầy rủi ro và có lẽ hầu như chưa phục vụ cho mục đích chính của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu những loại hàng hóa liên quan đến chính các doanh nghiệp đó;
– Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp VN có nhu cầu thực sự chính đáng được tham gia giao dịch hàng hóa qua Sàn giao dịch nước ngoài và những nhu cầu ấy thỏa mãn là thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển ? VAFI chưa nhận rõ nhu cầu này đối với các doanh nghiệp trong nước với bối cảnh nền kinh tế hiện nay;
2/ Nhìn lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong hoạt động phi pháp về kinh doanh hàng hóa qua Sàn giao dịch nước ngoài
2.1/ Kinh doanh cà phê “ảo” tại Buôn Mê Thuật cách đây khoảng 15 năm:
– Việc kinh doanh chứng chỉ cà phê thông qua vài tổ chức môi giới có kết nối với Sàn Giao dịch nước ngoài đã lôi kéo nhiều doanh nghiệp và cá nhân tham gia tại Tây Nguyên;
– Việc kinh doanh này được khuyến khích bởi việc sử dụng đòn bẩy tài chính (vay mượn gấp nhiều lần trên số vốn tự có), kết quả là có rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, phá sản kéo theo sự mất vốn tín dụng của các tổ chức và người dân cho vay. Trong cuộc chơi này hầu như không ai có lợi và đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội và gia đình của những đối tượng liên quan.
– Tại sao họ lại thua lỗ ? Bởi vì kinh doanh hàng hóa qua Sàn Giao dịch thế giới, (kể cả sàn giao dịch trong nước) như 1 hoạt động cờ bạc đầy may rủi. Nếu chỉ đơn thuần mua bán qua Sàn thì hầu như thua lỗ, kể cả với các tổ chức chuyên kinh doanh hàng hóa cũng không thể dự báo chính xác về giá cả hàng hóa qua từng thời điểm, từng thời kỳ ….
2.2. Cơn bão về việc hoạt động tự phát của nhiều sàn vàng đã tàn phá kinh tế của rất nhiều gia đình :
– Nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng, công ty Tài chính đã tự phát lập ra sàn vàng và kinh doanh 3 năm từ ( 2007- 2010 ) trên cơ sở các tổ chức này đóng vai trò là nhà môi giới và là thành viên của Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, có mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài ;
– Hoạt động kinh doanh vàng phi vật chất đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia với tỷ lệ magin chỉ khoảng 7% ( với số vốn tự có bỏ ra 70 triệu đồng thì đã có số vốn kinh doanh là 1 tỷ đồng ), kết quả là có đến 99% nhà đầu tư tham gia bị thua lỗ thảm bại, có nhiều người chỉ sau 1 đêm là mất trắng vì giá vàng thế giới biến động mạnh ), việc kinh doanh này đã tạo ra 1 dòng vốn chết khổng lồ và làm bất ổn chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá và sự bất ổn của lạm phát và cuối cùng Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu chấm dứt việc hoạt động của các sàn vàng vì nó chẳng đem lại lợi ích cho nền kinh tế ?
3/ Nên chọn lựa kỹ đối tượng được tham gia giao dịch hàng hóa tại Sàn GDNN:
– Các tổ chức và cá nhân không kinh doanh các loại hàng hóa liên quan (kinh doanh vật chất) thì không được phép tham gia vì họ chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính và hoạt động này hết sức rủi ro cho nền kinh tế và xã hội:
+ Đây thực chất là những hoạt động đánh bạc đầy rủi ro;
+ Những hoạt động thua lỗ này chẳng những đất nước mất đi nguồn vốn không nhỏ mà còn ảnh hưởng đến chính sách ổn định tỷ giá;
– Mặc dù tại Điều 8 Bản Dự thảo có qui định Thương nhân VN kinh doanh loại hàng hóa nào mà muốn giao dịch qua Sàn hàng hóa nước ngoài thì phải xin giấy phép từ Bộ Công thương. Qui định này sẽ không bảo đảm việc lách luật bằng cách doanh nghiệp có giấy phép sẽ thực hiện nghiệp vụ nhiều loại hình ủy thác đầu tư từ nhiều nhà đầu tư cá nhân.
– Trong điều kiện của kinh tế nước ta hiện nay, VAFI chưa thấy có Doanh nghiệp nào có nhu cầu muốn tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, xuất nhập khẩu loại hàng hóa vật chất. Nếu có doanh nghiệp thích kinh doanh như vậy thì chắc hẳn toàn thể cổ đông có hiểu biết đều hết sức lo ngại cho vốn và tài sản của họ? Bài học mới đây về kinh doanh vàng là minh chứng rõ nhất .
4/ Góp ý cụ thể về lộ trình xây dựng chính sách :
– Không nên vội vã xây dựng và ban hành Thông tư này. Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới và tìm ra được khía cạnh tích cực của họạt động mua bán hàng hóa qua Sàn giao dịch thế giới để có cơ sở hoạch định chính sách. Trong tiến trình này nên phối hợp chặt chẽ với ngân hàng nhà nước;
– Ban soạn thảo nên tìm kiếm phát hiện có doanh nghiệp trong nước nào có nhu cầu tham gia giao dịch hàng hóa qua Sàn giao dịch để phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa vật chất của họ. Nếu thiết thực nên thực hiện chính sách thí điểm, từ đó mới ban hành Thông tư chính thức .