Góp ý với SCIC về mục tiêu hoạt động

Thời báo kinh tế Việt Nam ra số 203 – Thứ Ba ngày 25/8/2009 có bài viết “ SCIC đề xuất đầu tư thêm hai dự án lớn tại Tp. HCM “, nội dung chủ yếu của bài báo cho biết SCIC vừa đề xuất với UBNDTPHCM đầu tư thêm 2 dự án lớn là tuyến đường Bắc Nam Thành phố và khu đô thị cảng Hiệp Phước, trước đó UBNDTP đã chấp thuận cho SCIC về chủ trương đầu tư đầu tư Khu trung tâm tài chính, triễn lãm quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích khoảng 40 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến 3 tỷ USD, về vấn đề này Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến đóng góp như sau :

1/ Về Dự án Khu trung tâm tài chính , triễn lãm quốc tế tại KĐTM Thủ Thiêm :

– VAFI nhất trí rằng Thành phố cần phải có 1 khu Trung tâm tài chính và triễn lãm quốc tế hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, nó phải là biểu tượng cho sức mạnh của thành phố và quốc gia và phải là 1 công trình kiến trúc của cả nước , thể hiện được niềm tự hào của người dân thành phố .

– SCIC không nên tham gia vào dự án này với tư cách là chủ đầu tư vì các lý do sau đây :

+ SCIC chỉ là 1 tổ chức tài chính mới được thành lập, hầu hết các cán bộ quản lý tại SCIC là công chức nhà nước lâu năm, chưa có kinh nghiệm của 1 nhà quản trị doanh nghiệp. Hoạt động của SCIC hiện nay như 1 cơ quan hành chính nhà nước và đang trong tiến trình công ty hoá , có khác chăng so với các UBND tỉnh, Bộ quản lý ngành trong việc quản lý cổ phần nhà nước ở chỗ là thủ tục hành chính được tiến hành nhanh hơn trong quan hệ giữa SCIC với các đơn vị thành viên .

+ SCIC không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chưa nói tới những đòi hỏi về trình độ & công nghệ cao trong việc xây dựng, quản lý và khai thác những công trình kiến trúc mang tầm vóc thế kỷ ;

+ Trong ngành xây dựng bất động sản của nước ta, với các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, có tiềm lực tài chính cũng khó có thể đảm đương được vai trò là chủ đầu tư của 1 công trình kiến trúc hiện đại mang tính chất chuyên ngành đặc thù và có tầm vóc thế kỷ.

+ Xét về tính thương mại của Dự án hay hiệu quả đầu tư, nếu thành phố chọn được 1 tổ hợp liên doanh gồm các nhà đầu tư có danh tiếng trong nước và nước ngoài làm chủ đầu tư thì việc huy động vốn , khai thác dự án hoàn toàn dễ dàng mà không cần phải sử dụng tới 1 đồng vốn của nhà nước.

+ Nguồn vốn của nhà nước tại SCIC không nên được sử dụng vào các dự án thương mại, kể cả đầu tư thêm vốn vào cổ phần nhà nước tại các ngành nghề mà nhà nuớc không đòi hỏi nắm giữ cổ phần chi phối ;

+ SCIC cần phải xác định lại những nhiệm vụ chiến lược của mình với nguyên tắc là chỉ làm những gì mà khu vực doanh nghiệp  không làm được hoặc không muốn làm  để làm cho việc đầu tư vốn mang hiệu quả xã hội cao nhất.

+ Với nguồn vốn hiện tại và trong tương lai của SCIC là hàng tỷ đô la thu được từ bán cổ phần nhà nước, có thể nói là khá lớn  so với khu vực doanh nghiệp  nhưng lại là nhỏ bé so với nhu cầu của công cuộc xoá đói giảm nghèo hay là thúc đẩy những dự án giao thông huyết mạch để làm cho hàng triệu người đỡ khó khăn trong đi lại, chính vì vậy nguồn vốn của SCIC cần được tính toán chắt chiu để tạo những đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

– Để xây dựng Khu Trung tâm tài chính Thủ thiêm trở thành 1 công trình kiến trúc hiện đại có tầm vóc thế kỷ , VAFI xin đề xuất  giải pháp sau :

+ UBNDTP nên lựa chọn 2 công ty tư vấn nổi tiếng của nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế các Trung tâm tài chính quốc tế  để thuê thiết kế ban đầu, đưa ra các tiêu chuẩn điều kiện đấu thầu, kể cả những tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư .

+ Cần lựa chọn những liên danh đầu tư có tên tuổi và tiềm lực tài chính để làm chủ đầu tư dự án, liên doanh này sẽ được thành lập  công ty cổ phần mới gồm các đối tác có tên tuổi trong nước và nước ngoài.

2/ Về khu đô thị Cảng Hiệp Phước :

– Như phân tích ở phần 1, SCIC không nên tham gia dự án này ;

– UBNDTP cũng nên lựa chọn những liên doanh gồm các nhà đầu tư có uy tín trong nước và quốc tế để làm chủ đầu tư dự án ;

– Thành phố đã có khu đô  thị mới Phú Mỹ Hưng ngang tầm với các nước trong khu vực, nhưng tại sao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không có nhiều khu đô thị như Cipucha & Phú Mỹ Hưng ? Đầu tư những khu đô thị này không cần nhiều vốn như đầu tư vào những khu đô thị do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư ( theo tình hình hiện nay ), vấn đề là chúng ta vẫn cần phải nhập khẩu công nghệ kiến trúc và quản lý nước ngoài trong 1 giai đoạn dài để vừa tạo ra nhiều khu đô thị đẹp lại vừa nâng tầm kiến trúc và quản lý của doanh nghiệp xây dựng bất động sản trong nước .

3/ Về Dự án đường Bắc Nam :

– SCIC không phải là 1 doanh nghiệp xây dựng, không có kinh nghiệm về xây dựng đường xá . Nếu SCIC làm chủ đầu tư dự án này thì phải mất rất nhiều thời gian để triển khai và thực hiện so với các chủ đầu tư có kinh nghiệm khác .

– 1 công ty đầu tư tài chính lớn như SCIC, đảm nhận quản lý vốn tại hàng trăm doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập trong quản lý vốn nhà nước  thì mục tiêu trở thành 1 nhà đầu tư trực tiếp là khó khả thi và hiệu quả. Thông lệ trên thế giới là ít có tập đoàn tài chính nào thực hiện thành công vai trò của 1 nhà đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

– Vốn của công trình này không phải là quá lớn, thành phố nên sử dụng tiền thu được từ bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp địa phương để đầu tư, thay vì dành tiền này cho DNNN của thành phố.

4/ Một số góp ý về xác định lại những nhiệm vụ chiến lược của SCIC :  

– SCIC phải trở thành 1 định chế tài chính đắc lực của nhà nước, thay vì đi kinh doanh vốn nhà nước , cần làm những gì mà khu vực doanh nghiệp không làm được để tạo hiệu quả kinh tế xã hội, đồng thời tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

– SCIC nên thay mặt nhà nước cung cấp những nguồn vốn tín dụng dưới chuẩn để hỗ trợ cho sự phát triển tại khu vực doanh nghiệp nhỏ và những hộ kinh doanh cá thể, nhất là tại các vùng nông thôn :

+ Khu vực này đang thiếu vốn và gặp nhiều khó khăn về vay vốn do hệ thống ngân hàng thương mại ngần ngại cho vay do e ngại rủi ro về mất vốn hoặc chi phí vay vốn cao.

+ Hiện nay Ngân hàng Phát triển VN đang thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ là bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng nguồn vốn này không giải ngân được nhiều do điều kiện cho vay còn cao cộng với nguồn vốn bảo lãnh hạn hẹp từ ngân sách nhà nước.

+ Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước nên xem xét hạ các tiêu chuẩn bảo lãnh tín dụng để đẩy mạnh tín dụng cho khu vực này ;

+ Hàng năm, SCIC có thể cung cấp khoảng từ 1000 tỷ  đồng – 2000 tỷ đồng cho Ngân hàng Phát triển VN để gia tăng bảo lãnh tín dụng. Số tiền này không phải là nhiều đối với SCIC vì nó chỉ bằng 1 khoản trả cổ tức cho cổ phần nhà nước tại Vietcombank và Vietincombank.

+ Tăng cường tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể có thể giải quyết việc làm cho hàng triệu người, đây là hiệu quả xã hội rất cao so với chi phí mất vốn do áp dụng điều kiện cho vay dưới chuẩn.

– SCIC nên phối hợp cùng Bộ Giao thông, UBNDTP Hà Nội và Hồ Chí Minh để thực hiện việc cung cấp vốn cho các dự án xây dựng hệ thống tàu điện  công cộng :

+ Vốn cho các dự án trên là rất lớn ,

+ Tuy nhiên nguồn thu từ việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá là số vốn không nhỏ, nguồn vốn này cần tham gia vào các dự án lớn để nhanh chóng giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng tăng lên .

– SCIC nên đề nghị nhà nước sử dụng vốn để đầu tư vào lĩnh vực y tế giáo dục tại các vùng nông thôn :

+ Có thể sử dụng 1 phần nhỏ tiền thu được từ việc bán cổ phần nhà nước, hay tiền thu được từ lợi tức cổ phần nhà nước  để xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp những trường học, bệnh viện ;

+ Tạo những mặt bằng lớn tại các thành phố lớn để cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài  thuê mặt bằng với chi phí thấp để xây dựng bệnh viện, trường học.

– Nguồn tiền hiện nay tại SCIC đang dồi dào, có thể đây là lý do để SCIC đề xuất 3 dự án như trên . Để sử dụng hiệu quả và sử dụng ngay nguồn vốn này thì SCIC nên đề xuất với Bộ Tài chính chuyển cho Kho Bạc nhà nước mượn ( không lãi xuất ), như vậy sẽ giảm bớt nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ.

– Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt đông thì SCIC nên  thực hiện chế độ công bố thông tinh về tình hình hoạt động và tình hình tài chính như 1 doanh nghiệp niêm yết :

+ SCIC là công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết. Về nguyên tắc, công tác quản trị doanh nghiệp của công ty mẹ phải bằng hoặc hơn các đơn vị thành viên .

+ SCIC đã có nhiều đơn vị thành viên tham gia niêm yết, nên việc thực hiện chế độ công bố thông tin thường xuyên là không khó khăn gì .

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133