Kiên quyết thực hiện việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi công ty chứng khoán

Liên quan tới Công văn số 1888/UBCK-QLKD ngày 17/9/2008 của Uỷ Ban Chứng khoán nhà nước gửi cho các công ty chứng khoán về việc thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi nhà đầu tư tại các ngân hàng thương mại, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau :

1/ Bình luận về công văn 1888 của SSC :

– Tại Điểm 2 của công văn này có nội dung “ Tài khoản tiền gửi thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng được công ty chứng khoán mở tại ngân hàng phải tách bạch với tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán và là tài khoản chuyên dùng, chỉ được sử dụng để thanh toán giao dịch chứng khoán cho khách hàng”…. Khi đưa ra qui định này thì SSC viện dẫn là căn cứ theo Điểm b khoản 1 Điều 32 quyết định số 27/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 “ Khách hàng của công ty chứng khoán phải mở tài khoản tiền tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn…” Từ đây có thể khẳng định công văn 1888 của SSC là trái với Quyết định số 27 của Bộ Tài chính cũng như hoàn toàn trái với Điều 71 của Luật Chứng khoán.

– Theo hướng dẫn tại công văn 1888 thì tất cả tiền gửi của nhà đầu tư tại 1 công ty chứng khoán vẫn phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán, nói cách khác là công ty chứng khoán mở 1 tài khoản Tổng với ngân hàng thương mại cho tất cả các nhà đầu tư, với cách thức này thì việc nộp  tiền hay rút tiền phải thực hiện qua ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đóng vai trò là kế toán tiền gửi và có quyền sử dụng số tiền này, tuy nhiên ngân hàng thuơng mại không thể có trách nhiệm về bảo toàn vốn của nhà đầu tư khi CTCK làm sai những qui định của pháp luật.

– Nội dung hướng dẫn tại công văn 1888 là không có gì mới so với cách làm hiện nay của nhiều công ty chứng khoán trực thuộc NHTM :

+ Nhà đầu tư thực hiện việc nộp tiền, rút  tiền qua bước đầu tiên là qua kế toán công ty chứng khoán, sau đó qua ngân hàng thực hiện nộp tiền, rút tiền .

+ Trong thời gian qua và kể cả hiện nay, với cách làm này tiền của nhà đầu tư vẫn bị công ty chứng khoán chiếm dụng và sử dụng sai các qui định của pháp luật như cho vay theo nghiệp vụ repo, giao dịch ký quỹ, mua khống T + 2, thậm chí sử dụng tiền của nhà đầu tư để thực hiện những phi vụ kinh doanh nóng, điều đáng buồn là tất cả những sự việc trên không được các cơ quan thanh tra, giám sát của SSC phát hiện mặc dù hàng ngàn nhà đầu tư đều biết một cách dễ dàng công khai.

+ Việc một số công ty chứng khoán chiếm dụng và sử dụng tiền của nhà đầu tư sai pháp luật trên thực tế đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho TTCK :

> Tạo nhiều giao dịch luớt sóng nợ cực kỳ ngắn hạn và cực kỳ nguy hiểm cho TTCK ;

> Cám dỗ lòng tham của nhiều nhà đầu tư và hậu quả là nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ do những giao dịch vay ngắn hạn khi TTCK không ổn định;

> Có tình trạng có một vài CTCK chiếm dụng tiền của NĐT để mua tranh với các NĐT khi TTCK có xu hướng đi lên, hậu quả là NĐT bị mất cơ hội.

– Theo qui định của Luật Chứng khoán và Quyết định 27 thì NĐT phải mở 1 tài khoản độc lập tại NHTM – Đây mới là điều kiện tiên quyết để hoàn toàn tách bạch tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK và chỉ như vậy thì mới hoàn toàn chấm dứt việc CTCK chiếm dụng và sử dụng tiền của NĐT sai pháp luật.

– Công văn 1888 là không có gì mới, không tuân thủ pháp luật hiện hành, là cải lương theo sự lobby của 1 số công ty chứng khoán .

2/ Lãnh đạo SSC và lãnh đạo các công ty chứng khoán nếu tiếp tục ủng hộ công văn 1888 hãy công khai bảo vệ quan điểm của mình :

– Tạm không xét về tính pháp lý của công văn 1888, mà hãy xét về mặt lý luận. VAFI sẽ ủng hộ công văn 1888 với 1 trong 2 điều kiện dưới đây được thoả mãn :

+ Chủ tịch SSC cam kết công khai rằng khi để cho các công ty chứng khoán thực hiện theo công văn 1888 thì sẽ không còn xảy ra tình trạng các CTCK chiếm dụng và sử dụng tiền của NĐT sai pháp luật ;

+ Từng Tổng giám đốc CTCK ủng hộ công văn 1888 cam kết công khai rằng sẽ không chiếm dụng và sử dụng sai pháp luật tiền gửi của các NĐT, nếu thực hiện sai qui định thì sẵn sàng chịu kỷ luật là bị tước chứng chỉ hành nghề.

– VAFI đưa ra 2 tình huống trên và có thể khẳng định rằng 2 điều kiện này sẽ không bao giờ được các đối tượng trên cam kết, điều đó chứng tỏ rằng nếu thực hiện công văn 1888 thì sẽ không bao giờ giải quyết được những tiêu cực từ việc sử dụng tiền gửi của NĐT trong bối cảnh hệ thống thanh tra, giám sát thị trường của SSC là ít có tác dụng với TTCK.

3/ Kiến nghị cụ thể của VAFI:

– Công văn 1888 là sai pháp luật, là vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính, là không có giá trị pháp lý, đề nghị Bộ Tài chính thu hồi công văn 1888 đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của những cán bộ soạn thảo công văn 1888.

– Phải kiên quyết thực hiện sớm việc NĐT mở tài khoản trực tiếp tại NHTM  nhằm chấm dứt những chuyện tiêu cực như đã nêu ở trên để tạo lập lòng tin cho NĐT đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi chính đáng của các NĐT.

– Kiến nghị của VAFI không hề làm mất quyền lợi của 1 số CTCK mà ngược lại nhằm chấm dứt tình trạng làm ăn chụp giựt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTCK với nhau, nhằm tạo 1 môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các công ty chứng khoán

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133