Trong những ngày qua, Chính phủ có Tờ trình với UBTV Quốc Hội về việc miễn giảm, giãn thuế cho một số đối tượng chịu thuế đang bị ảnh hưởng của khó khăn kinh tế với mục tiêu khoan sức dân để kích thích phục hồi và phát triển kinh tế . Trong gói giải pháp này có Đề xuất với Quốc Hội việc cho phép miễn thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức cho nhà đầu tư cá nhân. Gói giải pháp của Chính phủ được UBTV Quốc Hội nhất trí đưa ra bàn luận và biểu quyết tại kỳ họp Quốc Hội tới đây. Về vấn đề tạm thời miễn thuế cổ tức và thuế chuyển nhượng chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau :
1/ Đề xuất của Chính phủ V/v tạm thời miễn thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức cho nhà đầu tư cá nhân từ 1/8/2011 đến hết năm 2012 với những lý do như sau :
– Thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn trong 1 thời kỳ dài, chỉ số VN INDEX đã sụt giảm gần 20% so với thời điểm cuối năm 2010 ; ( Theo VAFI thì chỉ số Vn Index chưa phản ánh hết khó khăn của TTCK. Trên thực tế đa phân các cổ phiếu kinh doanh hiệu quả đã sụt giảm từ 30 %- 60% giá trị từ đầu năm đến nay ;
– Đa phần các nhà đầu tư chứng khoán đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ ( trên 90% ), do cách tính thuế khoán đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán cho nên dù kinh doanh thua lỗ thì nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế , đây là 1 bất hợp lý của Luật thuế thu nhập cá nhân, hy vọng sẽ sửa đổi vào năm 2012 ;
– Miễn thuế cổ tức để tạo công bằng với việc không đánh thuế lợi tức tiền gửi ngân hàng ;
– Tiền thuế thu được từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và thuế cổ tức là rất nhỏ, khoảng hơn 1000 tỷ đồng ;
2/ Đề xuất trên được đa phần các thành viên UBTV QH nhất trí, tuy nhiên cũng còn những ý kiến khác nhau :
– Có ý kiến cho rằng đã kinh doanh chứng khoán thì phải chịu thuế, nếu thua lỗ nhiều thì có thể xem xét giảm thuế ;
– Không thể so sánh việc không thu thuế cổ tức với việc không thu thuế lợi tức từ tiền gửi ngân hàng vì các đối tượng khác nhau. Người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là những người lao động, người về hưu, số tiền gửi ít ;
– Đối tượng kinh doanh chứng khoán là những người giàu, vì vậy không xét miễn thuế cho người giàu ….( thực tế không hẳn như vậy, nhà đầu tư cá nhân rất đa dạng, từ người lao động, nhân viên văn phòng, nhà đầu tư bám sàn …Hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ ít vốn đến nhà đầu tư nhiều vốn…. )
3/ Quan điểm của VAFI về vấn đề này :
– Nếu thật sự am hiểu về bản chất và vai trò quan trọng của TTCK đối với nền kinh tế thì Đề xuất của Bộ Tài chính là hoàn toàn đúng đắn ; Đây là một trong những giải pháp cần làm để ổn định TTCK nhằm làm cho TTCK phát huy được những vai trò quan trọng vốn dĩ của nó ;
– Đề xuất của Bộ Tài chính là khá muộn, tuy nhiên muộn còn hơn không, để tạo nền tảng cải tổ toàn diện và sâu rộng TTCK trong thời gian sắp tới ;
– Nhẽ ra ngay từ khi ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, đã thể hiện tinh thần là chưa thu thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức như thời gian trước đó đã vận dụng ;
* Tại sao lại đặt vấn đề không thu thuế cổ tức và thuế chuyển nhượng chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong một khoảng thời gian dài :
– Kinh nghiệm thế giới : Nghiên cứu một số nét cơ bản của thị trường tài chính Thái Lan :
+ Ngân hàng TW Thái Lan đang áp dụng lãi suất cơ bản ở mức 3,25%/năm, nhỏ gần 5 lần so với nước ta ;
+ Qui mô của TTCK Thái lan, giá trị giao dịch hàng ngày gấp vài chục lần so với nước ta, giá các loại cổ phiếu Bluchip ( cổ phiếu lớn kinh doanh hiệu quả ) có giá trị gấp từ 2 – 4 lần so với VN ;
+ Thuế tiền gửi tiết kiệm ở mức 10%/năm đối với thu nhập lãi vay, thuế cổ tức là 10%;
+ Thế nhưng Thái Lan đã không thu thuế chuyển nhượng chứng khoán : Sắc thuế này đã bị dừng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á bùng nổ từ năm 1997 cho tới nay .
– Tại sao lãi suất huy động và cho vay của Thái Lan lại cực thấp : Có rất nhiều nhân tố như Thái lan là nền kinh tế xuất siêu, có chính sách kiểm soát lạm pháp tốt và quan trọng là có hệ thống chính sách hữu hiệu để hướng gần như toàn bộ dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, từ đó làm cho thị trường tài chính phát triển :
+ Không có tình trạng “ vàng hóa “ phổ biến như ở nước ta, mua bán kinh doanh vàng là phải chịu thuế ;
+ Áp dụng thuế tài sản và thuế chuyển nhượng ở mức cao cho những đối tượng dân cư kinh doanh bất động sản, người dân cảm thấy rất khó khăn thậm chí là thua lỗ nặng khi kinh doanh nhà đất ;
+ Không áp dụng thuế chuyển nhượng chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân, mục tiêu là tạo ưu đãi để khuyến khích người dân đổ vốn vào TTCK, ở bất kỳ TTCK nào trên thế giới, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân rất quan trọng, là nhân tố để duy trì tính thanh khoản cho thị trường ;
– Tại sao lãi suất huy động và cho vay ở VN luôn luôn cao và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới :
+ Đang là nước nhập siêu, chính sách quản lý lạm phát còn chưa được hoàn thiện, lạm phát luôn xảy ra ;
+ Phong trào “ vàng hóa”, “ đô la hóa “, bất động sản hóa “ diễn ra phổ biến từ người có thu nhập thấp đến người có thu nhập cao mà tới nay chưa có nhiều giải pháp ngăn chặn và hạn chế ;
+ Tỷ lệ dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng bị chia sẻ bởi nhiều kênh đầu tư : Như ở các nước trong khu vực thì gần như 100% tiền nhàn rỗi gửi tại ngân hàng và TTCK , trong khi ở nước ta mới có khoảng 30% tiền nhàn rỗi được gửi ở ngân hàng, cung tiền thấp cộng với cầu tín dụng cao là nguyên nhân cơ bản làm cho lãi suất huy động và cho vay của nước ta luôn luôn cao so với các nước trong khu vực ;
– Để hướng gần như toàn bộ dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng và 1 phần chảy vào TTCK thì nhà nước phải có nhiều chính sách :
+ Hạn chế việc kinh doanh vàng miếng, chẳng hạn cho phép người dân vẫn sở hữu vàng nhưng không được phép mua, nếu cần bán thì bán cho ngân hàng nhà nước theo giá quốc tế ;
+ Từng bước thiết lập thuế nhà đất điều tiết đất đang sở hữu đất để hạn chế việc kinh doanh bất động sản : Chính sách này nên làm từ từ và chỉ thực hiện khi thị trường bất động sản đã thanh khoản và ấm lên ;
+ Tiếp tục công cuộc chống đô la hóa ;
+ Thúc đẩy TTCK phát triển, trong đó có các giải pháp miễn thuế kinh doanh chứng khoán cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân . TTCK ổn định và phát triển, doanh nghiệp sẽ huy động vốn được dễ dàng từ đó sẽ giảm nhẹ gánh nặng cung cấp tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại.
* Về thuế cổ tức :
– Nguyên tắc thiết kế thuế cổ tức :
+ Kinh doanh chứng khoán là loại hình kinh doanh rủi ro nhất, rủi ro hơn nhiều so với việc gửi tiền ở ngân hàng. Ở nước nào cũng vậy và ở ta cũng vậy, người dân gửi tiền ngân hàng thường không bao giờ bị mất tiền do chính sách bảo hiểm của nhà nước cho dù ngân hàng có bị giải thể, phá sản. Còn với kinh doanh chứng khoán, khi doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, bị giải thể phá sản thì nhà đầu tư sẽ không nhận được cổ tức, sẽ bị mất vốn hoặc thua lỗ thêm ;
+ Thuế suất với tiền gửi ngân hàng thường cao hơn hoặc bằng so với thuế suất thuế cổ tức ;
– Khi xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân, sắc thuế đánh vào tiền gửi tiết kiệm đã bị hủy bỏ với lý do để khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Thực tế chứng tỏ quan điểm này hoàn toàn đúng đắn ;
– Thế nhưng thuế cổ tức vẫn được thực thi, trong khi nguồn vốn đổ vào TTCK là vô cùng ít ỏi so với tổng lượng tiền gửi của dân, đây là 1 bất cập, chưa nói tới thực tế hiện nay là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn nhiều so với mức cổ tức mà nhà đầu tư nhận được ;
– Qua phân tích trên, VAFI nhấn mạnh rằng, không nên áp dụng thuế cổ tức và chỉ đánh thuế cổ tức khi điều kiện kinh tế cho phép , khi đã áp dụng thuế lợi tức đánh vào lợi tức tiền gửi tiết kiệm.