Phát triển tín dụng bất động sản cho hoạt động xây nhà ở xã hội theo hợp đồng với nhà nước

Trước tiên, VAFI xin chúc mừng những thành công của Vietinbank trong những năm gần đây, đặc biệt là sau thời kỳ cổ phần hóa và mong muốn Vietinbank dưới sự lãnh đạo của ông sẽ luôn là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam.

Phát triển Quỹ nhà ở xã hội là chủ trương lớn của nhà nước, tuy nhiên trong những năm qua số dự án nhà ở xã hội được triển khai còn hết sức khiêm tốn do chúng ta chưa có đủ những cơ chế ưu đãi về thuế và tín dụng, điều này hoàn toàn trái ngược với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, tuy nhiên thị trường về nhà ở xã hội của nước ta là vô cùng lớn với hàng chục triệu người có nhu cầu được sở hữu 1 căn nhà nhỏ bé.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất với Chính phủ hàng loạt các giải pháp về ưu đãi thuế và tín dụng để phát triển Quỹ nhà ở xã hội và đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu có ý kiến đưa vào Đề án chi tiết về Phát triển Quỹ nhà ở xã hội;

Trong các giải pháp mà VAFI đề xuất, có đề nghị nhà nước giao nhiệm vụ cho 1 ngân hàng thương mại cổ phần của nhà nước có uy tín thực hiện việc cung cấp tín dụng ưu đãi cho các công ty bất động sản và người mua nhà thực hiện chương trình nhà ở xã hội như kinh nghiệm của nhiều nuớc đã làm.

Gần đây, Bộ Xây dựng có tiếp thu ý tưởng của VAFI nhưng lại đề nghị Chính phủ cần thành lập 1 ngân hàng mới chuyên cung cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản trong đó có chương trình xây dựng quỹ nhà ở xã hội .

Kinh nghiệm thế giới về việc duy trì Ngân hàng Phát triển nhà ở xã hội:

– Thường là  ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết và có cổ phần chi phối của nhà nước; Có nhiều nghiệp vụ kinh doanh, trong đó cung cấp tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội là chức năng cơ bản;

– Việc cung cấp tín dụng ưu đãi cho các đối tượng xây nhà và mua nhà  không phải là hoạt động bao cấp hay hoạt động từ thiện của ngân hàng mà cũng là nghiệp vụ kinh doanh và chỉ thực hiện tín dụng ưu đãi theo cơ chế tài chính của nhà nước, tất nhiên là ngân hàng phải chịu rủi ro về các quyết định cung cấp tín dụng của mình;

– Để có nguồn tín dụng ưu đãi, nhà nước có chế tài chính cho ngân hàng :

+ Bộ Tài chính bảo lãnh các đợt phát hành trái phiếu của Ngân hàng nhà, lãi suất huy động sẽ thấp, với tình hình thị trường trái phiếu hiện nay, trái phiếu phát hành khoảng 11%/năm, thấp hơn thị trường khoảng 5%/năm ;

+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động cung cấp tín dụng ưu đãi để lãi suất cho vay ở mức thấp. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động khoảng 1,5%/năm ;

+ Nhiều quốc gia ( chẳng hạn như Thái Lan ) có chính sách hỗ trợ lãi suất đi vay cho người thu nhập thấp trong một số năm, cho khối công chức nhà nước, cơ chế cấp bù lãi suất này được Bộ Tài chính thực hiện qua Ngân hàng Nhà .

+ Nếu Chính phủ chỉ định cho Ngân hàng cho đối tượng đặc biệt nào đó được vay vốn ngân hàng thì Chính phủ phải bảo lãnh khoản vay đó ;

– Tất cả các nước đang phát triển và phát triển đều có từ 1 đến 2 ngân hàng thực hiện chức năng cung cấp tín dụng ưu đãi để phát triển quỹ nhà ở xã hội ;

Áp dụng kinh nghiệm thế giới cho hoàn cảnh nước ta như thế nào cho phù hợp ?  

– Ngân hàng Phát triển VN là ngân hàng chính sách của nhà nước, được miễn các loại thuế cho mọi hoạt động, khi VDB phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh nhưng hoạt động của VDB quá nhiều lĩnh vực bao cấp, cơ chế quản trị không được linh hoạt như 1 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết nên VDB chưa triển khai được cung cấp tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực này, tuy nhiên Vietinbank đã triển khai được nghiệp vụ này;

– Chúng ta đã có 2 ngân hàng là MHB và HDB có tên gọi là phát triển nhà , có cổ phần chi phối của nhà nước nhưng vẫn đang hoạt động như 1 ngân hàng thương mại thông thường. Qui mô vốn và kinh nghiệm quản trị còn nhiều hạn chế nên khó triển khai hoạt động cung cấp tín dụng ưu đãi theo cơ chế của nhà nước;

– Việc thành lập 1 ngân hàng mới chuyên về lĩnh vực bất động sản, trong đó có tín dụng ưu đãi cho người thu nhập thấp là không thích hợp:

+ Chúng ta đang có quá nhiều ngân hàng, đồng thời nguồn vốn của nhà nước dành cho việc lập ngân hàng mới là khó khăn và lãng phí;

+ Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của nước ta còn rất cao trong nhiều năm nữa nếu so với các nước trên thế giới nên sẽ hạn chế tín dụng ưu đãi cho người mua nhà để bảo đảm an toàn cho ngân hàng và cho người mua nhà;

+ Hoạt động cung cấp tín dụng ưu đãi sẽ chủ yếu phục vụ cho công ty bất động sản, còn với người mua nhà có lẽ chỉ giới hạn ở mức cho vay không quá 30% giá trị của căn nhà và như vậy chưa cần thiết phải có 1 ngân hàng chuyên cho vay ở lĩnh vực này ;

– Sẽ là thích hợp nếu Chính phủ giao nhiệm vụ cho Vietinbank, BIDV thực hiện chức năng cung cấp tín dụng ưu đãi cho chương trình phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế tài chính như ngân hàng phát triển đang thực hiện:

+ Ngân hàng thương mại nhà nước chỉ cần lập 1 Ban chuyên biệt để triển khai nghiệp vụ này;

+ Khi nhu cầu tín dụng nhà ở xã hội tăng lên thì các ngân hàng có thể thành lập 1 công ty tài chính của riêng mình để tổ chức thực hiện cho chuyên nghiệp .

Trên đây là suy nghĩ của VAFI về cơ chế và cách thức tổ chức hoạt động cung cấp tín dụng ưu đãi cho Chương trình xây dựng nhà ở xã hội và mong muốn Vietinbank (cũng là Hội viên VAFI) chia xẻ ý tưởng này. Nếu Vietinbank thấy có thể tham gia vào lĩnh vực này thì chúng ta cùng bàn bạc và Đề xuất cơ chế với nhà nước.

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133