Chủ đề trên được đề cập từ lâu và mới đây lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu phát triển trong trung hạn & dài hạn và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên thì cần phải có hệ thống giải pháp gì ? Người viết bài này chưa thấy giải pháp, đặc biệt chưa nêu kinh nghiệm quốc tế từ các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Hongkong, …..
Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của thành phố còn chưa hiểu rõ về khái niệm đầy đủ 1 Trung tâm tài chính quốc tế cho nên mới liều viết về chiến lược phát triển của thành phố và mục tiêu này sẽ không bao giờ đạt được .
Các Trung tâm tài chính quốc tế lớn như Hongkong, Singapore, London….bao giờ cũng có vị trí địa lý thuận lợi về hàng hải, hàng không cho các nước trong khu vực và thế giới và dễ trở thành trung tâm thương mại quốc tế đồng thời luôn gắn liền với thị trường tài chính quốc tế .
Một trung tâm tài chính quốc tế có các đặc điểm :
– Cũng là trung tâm thương mại quốc tế , nơi có thị trường giao dịch hàng hóa phát triển và gắn liền với trung tâm tài chính ;
– Các tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới mở chi nhánh hoạt động tại đây để vừa kinh doanh tại nước đó và đồng thời là địa bàn hoạt động cho khu vực các nước lân cận :
+ Các tập đoàn tài chính lớn bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, công ty dịch vụ tài chính, công ty bảo hiểm ;
+ Ở Việt Nam hiện nay chưa có các tập đoàn tài chính nói trên mở chi nhánh để phục vụ cho các nước trong khu vực ;
+ Các Ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới chưa mở chi nhánh hoạt động tại VN do thị trường chứng khoán VN còn quá nhỏ bé;
+ Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tầm cỡ lớn nhất thế giới cũng chưa thành lập công ty con hoạt động tại VN.
– Đi theo các tập đoàn tài chính, thì các tập đoàn kinh doanh thương mại, tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới cũng chọn nơi đó làm trụ sở cho hoạt động tại khu vực.
Để thu hút các tập đoàn kinh tế tài chính lớn trên thế giới đến đóng đô tại Singapore thì Chính phủ phải có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư :
– Khuyến khích các tập đoàn kinh tế tài chính lớn thành lập doanh nghiệp tại nước sở tại theo Luật địa phương nhưng coi họ là nhà đầu tư trong nước. Với thị trường chứng khoán Singapore có qui mô lớn nhất Châu Á nhưng tỷ lệ giao dịch trong nước chiếm khoảng 50%, điều đó chứng tỏ rất nhiều tập đoàn kinh tế tài chính nước ngoài mở công ty tại Singapore ;
– Có chính sách thuế các loại rất thấp và lại có thêm ưu đãi thuế với các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài ;
– Người lao động và người thân của họ tại các tập đoàn này được cấp visa dài hạn và được hưởng chính sách học phí, nhà ở như người dân bản địa : Được mua nhà giá rẻ của chính phủ, con cái học hành thuận lợi như người bản địa ;
– Thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực thông thoáng và không có tiêu cực bôi trơn ;
– Chính sách tiền tệ ổn định, đồng tiền ổn định và là ngoại tệ mạnh, lãi suất cho vay thấp nhất thế giới. Được tự do chuyển đổi ngoại tệ ;
– Các hệ thống phụ trợ như trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế phải hiện đại văn minh và dịch vụ tốt để sẵn sàng phục vụ cho nhà đầu tư nước ngoài ;
– Nơi có trung tâm tài chính khu vực cũng phải có nền văn hóa phát triển cao cộng với nguồn nhân lực giỏi và giỏi tiếng Anh.
Từ một số tiêu chí cơ bản của 1 Trung tâm tài chính quốc tế thì rõ ràng bản thân thành phố với sự hỗ trợ của Chính phủ không thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành 1 trung tâm tài chính khu vực, mà để thực hiện mục tiêu này phải là Chính phủ thực hiện nhưng cũng vô cùng khó khăn . Nếu không hoạch định 1 hệ thống giải pháp khả thi để dần dần thực hiện thì 50 năm nữa cũng khó có thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) không mong muốn Thành phố triển khai thực hiện các mục tiêu đầy khó khăn đó mà chỉ mong lãnh đạo thành phố triển khai các mục tiêu cấp bách cụ thể , chẳng hạn :
1/ Mở chiến dịch cổ phần hóa và thoái vốn ( tổng tấn công ) vào tất cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước của thành phố để tạo 1 nguồn thu ban đầu khoảng 6 tỷ đô la, đủ xây dựng khoảng 2 tuyến đường sắt đô thị ; từ trước tới nay TP luôn là đơn vị chậm trễ về cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn nhà nước.
Thành phố đã xin được cơ chế cho phép để lại tiền bán cổ phần nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng tiền có ít….
2/ Phải có kế hoạch xây dựng trên 10 tuyến đường sắt đô thị trong 10 năm tới bằng các hình thức xã hội hóa, có thể dưới hình đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, từ việc hoàn chỉnh hệ thống đường sắt , phát triển mạnh hệ thống vận tải xe bus điện và tiến tới thành phố không còn tồn tại xe máy – Đây mới là hạnh phúc rất lớn lao cùa người dân thành phố.
Dưới góc độ nhà đầu tư tài chính, chúng tôi thấy TPHCM có nhiều cơ hội kiếm tiền để làm cơ sở hạ tầng, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là phải chọn nhân sự giỏi và để hạn chế khâu yếu về nhân sự thì cần thu hút các tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, có thương hiệu đầu tư vào thành phố với thủ tục thông thoáng.