Theo yêu cầu của Hội viên và các nhà đầu tư đang là cổ đông của công ty cổ phần Gas Petrolimex, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI) có khiếu nại về Phương án phát hành cổ phiếu bất hợp lý và sai luật của CTCP Gas Petrolimex như sau:
1/ Tóm tắt về phương án phát hành :
– HĐQT Gas Petrolimex đã ra Nghị quyết 088/PGC-HĐQT ngày 27/12/2005 về phương án phát hành tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá là 50 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ nhằm mục đích huy động vốn và giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước (87% /vốn điều lệ) xuốn còn 65%/VĐL để đủ tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK, phương án này được lấy ý kiến cổ đông để biểu quyết thông qua con đường bưu điện, thời hạn chót để trả lời là ngày 6/1/2005.
– Sẽ phát hành 14,3 tỷ đồng cổ phiếu theo mệnh giá cho người lao động theo giá cực kỳ ưu đãi là 14.000 đồng/ cổ phần, thấp hơn giá thị trường từ 30% – 40% . Phát hành ưu đãi theo tiêu chí : Thời gian công tác, số lượng cổ phiếu hiện đang sở hữu, mức độ đóng góp của từng cá nhân;
– Cổ đông nhà nước & cổ đông ngoài doanh nghiệp không được hưởng quyền mua ưu tiên cổ phần.
2/ Bình luận về phương án phát hành :
– Phương án phát hành cho người lao động rất bất hợp lý, có dấu hiệu hay bị nghi ngờ là lợi dụng danh nghĩa của người lao động để trục lợi cho 1 số cá nhân :
+ Gas Petrolimex hoàn thành cổ phần hoá vào cuối năm 2003 theo Nghị định 64, được nhà nuớc cho người lao động mua ưu đãi cổ phần giảm giá 30% so với mệnh giá, với tổng trị giá cổ phần giảm giá gần 7 tỷ đồng/ tổng số 700 CBCNV. Với những lao động dài hạn có thâm niên khoảng 20 năm thì được mua 200 cổ phần ưu đãi. Người lao động trong doanh nghiệp đã mua khoảng trên 10 tỷ đồng cổ phiếu, chiếm trên 10% /VĐL, tuy nhiên trong thời gian gần đây do TTCK phát triển nên người lao động đã bán ra ngoài khoảng 1 nửa với giá từ 17.000 – 300.000 đồng/cổ phần. Cổ đông ngoài Tổng công ty Petrolimex hiện nắm giữ khoảng 7%/ VĐL và chủ yếu mua giá cao từ 220.000 – 300.000 đồng/ cổ phần.
+ Chỉ mới sau 2 năm cổ phần hoá mà người lao động là cổ đông lại tiếp tục được mua ưu đãi giảm giá như cơ chế ưu đãi của nhà nước nhưng với tổng giá trị ưu đãi ít nhất gấp 5 lần so với tiêu chuẩn nhà nước. Đa phần người lao động đã bán hết cổ phiếu, kể cả cổ phiếu ưu đãi, như vậy số cổ đông là CBCNV còn lại có thể được mua bình quân 100 triệu ( mệnh giá ) của cổ phiếu ưu đãi, trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều cho một số nguời.
+ Giả định phương án phân bổ 14,3 tỷ đồng theo như danh sách người lao động được mua ưu đãi theo Nghị định 64, bình quân 1 người được mua 20 triệu đồng thì tiêu chuẩn được mua ưu đãi là gấp 10 lần so với tiêu chuẩn của nhà nước vì 1 năm công tác chỉ được mua 1 triệu đồng.
– Phương án phân bổ cổ phiếu không tạo động lực phát triển doanh nghiệp vì :
+ Nếu chỉ căn cứ theo cổ đông là người lao động, theo thâm niên công tác để được hưởng ưu đãi thì sẽ tạo chính sách ưu đãi cho những người lười, người không có năng lực hay không có sáng tạo, sẽ không phải là giải pháp tốt về công tác quản lý nhân lực.
+ Đây là 1 phương án bất hợp lý, bất công cho chính những người lao động trong doanh nghiệp;
+ Nếu tìm giải pháp tốt nhất làm động lực phát triển doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại thì cần giảm tối đa tỷ lệ cổ phần của Tổng công ty xuống còn 30%/VĐL nhằm thu hút cổ đông chiến lược, cổ đông bên ngoài, giảm tối đa sự can thiệp hành chính của cổ đông nhà nước và phát huy được quyền dân chủ của cổ đông công ty.
– Phương án phân bổ cổ phiếu đã tạo nên sự phẫn nộ đối với khối cổ đông ngoài Tổng công ty vì :
+ Họ đã phải mua cổ phiếu theo giá rất cao nhưng họ không có quyền biểu quyết đối với những vấn đề quan trọng của công ty vì cổ phần của Tổng công ty đang nắm giứ 87% / VĐL.
+ Tại sao họ không được quyền mua ưu tiên cổ phiếu như người lao động trong doanh nghiệp ?
+ Việc phát hành 14,3 tỷ cổ phiếu ưu đãi làm giảm giá trị cổ phiếu mà họ đang nắm giữ, trong khi lại có lợi rất nhiều cho 1 số cá nhân trong doanh nghiệp. Cổ đông bên ngoài đã bất công về phương án phát hành, chính vì phương án phát hành bất hợp lý đã làm cho giá thị trường cổ phiếu giảm mạnh từ 300.000 xuống còn 200.000 đ/cp.
+ Điều quan tâm nhất của cổ đông bên ngoài là dẹp bỏ sự bất công, tạo sự công bằng chứ không còn là vấn đề quyền lợi nữa .
3/ Phương án phát hành cổ phiếu là trái pháp luật :
– Trái với Khoản C, Điều 53 Luật Doanh nghiệp là đã tước đi quyền mua ưu tiên cổ phiếu của cổ đông bên ngoài, trong khi lại ưu tiên cho cổ đông bên trong doanh nghiệp. Việc ưu tiên này lấy danh nghĩa là để tạo động lực phát triển doanh nghiệp.
– Trái với Điều 61 Luật Doanh nghiệp ;
– Trái với qui chế quản lý vốn nhà nước. Gas Petronimex hiện đang được coi là doanh nghiệp nhà nước bị chi phối tuyệt đối.
– Trái với Luật Dân sự ;
4/ Mong muốn của các cổ đông bên ngoài doanh nghiệp
– Đồng ý phương án tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng, huỷ bỏ phương án phát hành 14,3 tỷ đồng ưu đãi cho người lao động trong công ty. Cổ đông bên trong và ngoài doanh nghiệp không mua giá ưu tiên mà theo giá thị trường, nhà nước không tham gia mua nữa nhằm cấu trúc lại cổ phần nhà nước.
– VAFI nhận thấy cần huỷ bỏ phương án phát hành 14,3 tỷ đồng, đề xuất của cổ đông bên ngoài là rất hợp lý.
5/ Kiến nghị của VAFI :
– Cổ đông nhà nước ( Petrolimex) mà cụ thể là HĐQT Tổng công ty cần chỉ đạo người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Gas Petrolimex huỷ bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, nhanh chóng đưa công ty lên niêm yết tại TTCK theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
– VAFI cam kết rằng kiến nghị của mình là hợp lý và đúng pháp luật. Trong trường hợp kiến nghị của VAFI & các nhà đầu tư bị từ chối, VAFI sẽ có văn bản gửi rộng rãi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, sẽ tổ chức họp báo và có thể sẽ thay mặt các nhà đầu tư để kiện Tổng Công ty Petrolimex ra Toà .