Để mùa ĐHCĐ sắp đến thực sự là Đại hội của những người chủ sở hữu doanh nghiệp, thực sự sôi nổi , tích cực và đi vào chiều sâu & có hiệu quả cao , Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau :
1/ Về công tác chuẩn bị ĐHCĐ :
– HĐQT các công ty cổ phần cần nghiên cứu kỹ quy trình tổ chức ĐHCĐ được huớng dẫn tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản dưới Luật để đảm bảo ĐHCĐ được tổ chức thật sự dân chủ & đúng Luật .
– Xin lưu ý các vấn đề như sau :
+ Thực tế những năm qua đã xảy ra tình trạng qui định tiêu chuẩn về số lượng cổ phần mà cổ đông nắm giữ ở 1 mức nào đó mới được tham dự ĐHCĐ, qui định này hoàn toàn sai luật và thể hiện sự phân biệt đối xử với các nhà đầu tư. Theo Luật DN thì mọi cổ đông dù chỉ sở hữu 1 cổ phần cũng có quyền tham dự ĐHCĐ ;
+ Tài liệu cho ĐHCĐ phải được chuẩn bị đầy đủ , chi tiết theo đúng qui định của pháp luật, không để tình trạng tài liệu họp sơ sài, công bố chậm chạp…
+ Về thời gian họp :
> Để các nhà đầu tư có nhiều thời gian phát biểu ý kiến xây dựng cho HĐQT và Ban quản trị doanh nghiệp, thì thời gian họp nên bắt đầu vào buổi sáng & có tính đến phương án sẵn sàng họp vào buổi chiều nếu như có nhiều cổ đông tham gia phát biểu ý kiến ;
> Không nên tổ chức họp ĐHCĐ vào buổi chiếu, vì như vậy sẽ làm hạn chế những ý kiến đóng góp ;
> VAFI đánh giá cao những HĐQT tiến hành họp ĐHCĐ vào buổi sáng ;
+ Điều 107 Luật Doanh nghiệp qui định cổ đông có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét , huỷ bỏ quyết định của ĐHCĐ trong các trường hợp : Trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHCĐ không thực hiện đúng theo qui định của Luật Doanh nghiệp & Điều lệ công ty ; Trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm phát luật hoặc Điều lệ công ty.
2/ Các nhà đầu tư cần tham gia tích cực vào các ĐHCĐ :
– Điều 102 qui định điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ( 65%/ vốn điều lệ ) :
+ Việc các nhà đầu tư và nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực tham dự ĐHCĐ sẽ góp phần làm cho ĐHCĐ có đủ điều kiện để tiến hành đại hội.
+ Thực tế những năm qua đã có nhiều ĐHCĐ không hội đủ lần đầu tổng số cổ đông đại diện cho 65%/ vốn điều lệ, phải tiến hành lần họp thứ hai mất nhiều thời gian và chi phí tốn kém ; Thực tế này thường xảy ra tại những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần nhà nước thấp, có ít tổ chức tham gia và cổ đông nhỏ lẻ thì phân tán ở nhiều vùng miền….
+ Các nhà đầu tư cá nhân nên tích cực tham gia ĐHCĐ để thể hiện trách nhiệm cộng đồng , đồng thời hỗ trợ các cổ đông ở xa …
– Tham dự ĐHCĐ còn mang lại nhiều quyền lợi cho các nhà đầu tư :
+ Nhà đầu tư sẽ có nhiều thông tin cụ thể, thông tin chân thực về tình hình kinh doanh và tình hình quản trị doanh nghiệp từ phía các nhà điều hành doanh nghiệp, từ phía các nhà đầu tư…..
+ Nhà đầu tư có nhiều điều kiện để chất vấn HĐQT & Ban điều hành doanh nghiệp, qua đó có thể đánh giá được trình độ quản trị của từng doanh nghiệp cụ thể.
+ VAFI cho rằng quản trị doanh nghiệp tốt là yếu tố quyết định và để đầu tư thành công thì cần quan tâm đến việc đầu tư giá trị,
– Các nhà đầu tư cần tích cực phát biểu ý kiến tại ĐHCĐ :
+ Tham dự tích cực ĐHCĐ là cần thiết nhưng chưa đủ, để có 1 môi trường đầu tư chứng khoán tốt, góp phần cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp thì từng nhà đầu tư cần có ý thức tích cực phát biểu ý kiến, tích cực đưa ra những ý kiến phản biện hay là ý kiến chất vấn để làm cho ĐHCĐ thực sự là 1 ĐH có trí tuệ ;
+ Tích cực phát biểu ý kiến chẳng những đưa ra được những ý kiến hay mà còn phòng ngừa được những kiểu lãnh đạo độc đoán, gia trưởng và duy ý trí. Thông thường những nguời lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT hay TGĐ ít nhận được những ý kiến gay gắt từ phía người lao động, cho nên đó là điều kiện cho lối lãnh đạo chủ quan duy ý chí phát triển…….
– Việc tích cực phát biểu ý kiến góp ý cho HĐQT & Ban điều hành doanh nghiệp hay cho ĐHCĐ không có giới hạn với bất kỳ loại doanh nghiệp nào, kể cả những doanh nghiệp luôn luôn kinh doanh hiệu quả, bởi vì HĐQT & Ban Điều hành luôn cần những ý kiến phản biện khách quan.
3/ Đối với các thành viên HĐQT, Ban Điều hành doanh nghiệp :
– Cần phải thực sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các nhà đầu tư ;
– Cần phải hiểu nhà đầu tư cần gì ở Ban quản trị doanh nghiệp ?
– Cần phải làm gì để gia tăng niềm tin từ các nhà đầu tư ? Nếu doanh nghiệp nào luôn luôn giữ được lòng tin đối với các nhà đầu tư thì doanh nghiệp đó sẽ liên tục phát triển ;
– Các nhà quản trị doanh nghiệp nên chọn năm 2009 là năm củng cố doanh nghiệp :
+ Cần phải đánh giá toàn diện những mặt hoạt động từ trước tới nay để thay đổi lại chiến luợc phát triển doanh nghiệp ;
+ Mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh thua lỗ hoặc không mang lại hiệu quả cao, để tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi ;
+ Tăng cuờng hoàn thiện công tác quản lý nhân sự ;
+ Việc đầu tư vào các dự án mới nên tiến hành 1 cách thận trọng, thận trọng hơn trước rất nhiều .
4/ Sự tham gia của các đại diện cổ phần nhà nước tại ĐHCĐ :
– Đại diện cổ phần nhà nước như Tổng công ty nhà nước, SCIC….phải có mặt tại ĐHCĐ, chứ không thể phó thác cho người đại diện trực tiếp làm tại doanh nghiệp. Các đại diện sở hữu nhà nước phải nắm bắt được trình độ của người đại diện trực tiếp để từ đó làm tốt hơn công tác đề cử, bãi miễn người quản lý trực tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
– Các cơ quan đại diện cổ phần nhà nước phải có trách nhiệm trả lời chất vấn của các nhà đầu tư về các vấn đề như :
+ Đại diện cổ phần nhà nước làm sai Luật mà không chịu sửa, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư ;
+ Tại sao không thay thế những người quản lý trực tiếp cổ phần chi phối của nhà nước tại các doanh nghiệp yếu kém ? Trách nhiệm quản lý vốn và tài sản nhà nước đến đâu ?