Đầu năm 2015 ông Vũ Quang Hải khi đó mới 28 tuổi được lãnh đạo Bộ Công thương quyết định điều động về Tập đoàn Bia Sabeco ở vị thế Hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng Giám đốc và tiến tới có thể bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Sabeco .
Khi nghe thấy tin này, thoạt đầu CBCNV Sabeco và giới đầu tư nghĩ rằng nếu đúng như sự giới thiệu của Bộ Công thương về VQH là “ việc bổ nhiệm này nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực & kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo Sabeco” thì mọi người đều nghĩ rằng VQH là thần đồng về quản trị doanh nghiệp vì được đề bạt vào Ban lãnh đạo của 1 Tập đoàn kinh tế lớn ở tuổi đời còn rất trẻ . Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công thương, giới đầu tư và cổ đông Sabeco nghĩ rằng Sabeco sẽ nhanh chóng cải thiện quản trị doanh nghiệp, nhanh chóng niêm yết để làm gia tăng lợi nhuận và giá trị tài sản cho nhà nước và cho cổ đông . Song sự thật không phải như vậy :
– Vào năm 2011 khi mới 25 tuổi, chẳng có thành tích kinh doanh gì, chẳng có tài năng gì nhưng Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư tài chính Dầu khí ( PVFI ) có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng và Tập đoàn dầu khí nắm giữ trên 51%/ vốn điều lệ. Mục đích của việc thành lập PVFI nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động ngành dầu khí qua kênh đầu tư tài chính và PVFI đã thu hút được hơn 4700 cổ đông là người lao động trong ngành dầu khí tham gia mua cổ phần ;
– Dư luận thắc mắc là tại sao Vũ Quang Hải còn quá trẻ, không có kinh nghiệm trong ngành tài chính lại được giao 1 trọng trách lớn như vậy ? 1 doanh nghiệp có số vốn 300 tỷ đồng không hề là doanh nghiệp nhỏ . Người ta giải thích rằng vì VQH là con trai của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tuy nhiên việc bổ nhiệm này hoàn toàn trái với các qui định hiện hành của nhà nước , hoàn toàn phi lý nếu xét về công tác quản trị doanh nghiệp và sẽ đe dọa đến rủi ro về đồng vốn cổ phần của nhà nước và mọi cổ đông .
– PVFI đã ra sao dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Vũ Quang Hải . Năm 2011 PVFI lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 PVFI lỗ 67 tỷ đồng . Qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Thực tế hậu quả còn lớn hơn nhiều vì sau 2 năm cầm lái con tàu PVFI, thuyền trưởng VQH đã cao chạy xa bay về Cục Xúc tiến thương mại trú ẩn nhưng PVFI đã gần như tê liệt hoạt động và đã ở tình trạng phá sản. PVFI là công ty đại chúng phải có nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch nhưng từ thời VQH nắm quyền cho đến nay, mọi thông tin về PVFI đều bị bưng bít hoàn toàn ;
– Chỉ khoảng 1 năm nằm mai phục tại Cục xúc tiến thương mại với chức danh Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, người hùng PVFI lại xuất hiện tại Sabeco với lý lịch mới như là “ thần đồng về quản trị doanh nghiệp” ,
Qua những vấn đề nêu trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI ) xin hỏi ông Vũ Huy Hoàng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương những vấn đề sau:
1/ Việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm TGĐ PVFI là đúng hay sai ? Có đúng qui định của nhà nước hay không ? Ai sẽ chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4700 cổ đông đang là người lao động trong ngành dầu khí ?
VAFI đề xuất VQH và những người ra quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cổ đông PVFI, trong đó VQH chịu vai trò bồi thường chính . VAFI nghĩ rằng ông VQH đã dám làm thì phải dám chịu trách nhiệm đồng thời phải có thư xin lỗi toàn thể 4700 cổ đông chứ không thể ra đi âm thầm được ;
2/ Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm VQH lên chức danh Phó Vụ trưởng :
– VAFI nhận thấy rằng có rất nhiều công chức giỏi tại Bộ Công thương hay các Bộ ngành địa phương khác rất phấn đấu, rất cống hiến nhưng 10 năm cũng không thể với được chức Phó Vụ trưởng ;
– Còn VQH chỉ mới làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách lại đang chịu án kỷ luật tại PVFI ( theo qui định hiện hành TGĐ làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức ) thì lại được đề bạt . Đây là quyết định hoàn toàn sai qui định của nhà nước .
3/ Cơ sở pháp lý nào, cơ sở khoa học nào để bổ nhiệm VQH làm thành viên HĐQT và PTGĐ của Tập đoàn Sabeco ?
– Sabeco đang là Tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước với vốn chủ sở hữu trên 12000 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần vốn của PVFI
– VQH là TGĐ thất bại tại PVFI, tại sao lại thăng chức vượt vượt rất nhiều cấp cho VQH , điều này có lợi cho nhà nước hay không ?
4/ Rất nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa dưới thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã được chuyển giao nhanh chóng cổ phần nhà nước về cho Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC, song đến thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại làm ngược lại, có đúng qui định của pháp luật hay không ?
– Các doanh nghiệp như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Tân Tiến….đã được chuyển giao về cho SCIC và phát triển tốt, làm lợi cho nhà nước rất nhiều, mặc dù SCIC không phải là mô hình quản lý hữu hiệu song cũng còn hơn rất nhiều so với việc quản lý vốn của các Bộ ngành địa phương ;
– Các doanh nghiệp như Habeco, Sabeco…. Sau gần 8 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao vốn về cho SCIC mặc dù SCIC đã nhiều lần đòi và hiện nay SCIC đang tích cực đòi nhưng rồi liệu Tân Bộ trưởng Bộ Công thương, Tân đại biểu quốc hội Trần Tuấn Anh có tích cực chuyển giao Habeco, Sabeco về cho SCIC quản lý hay không hay lại như người tiền nhiệm ?
– Nếu như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về cho SCIC theo đúng qui định của nhà nước thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột của mình, thư ký riêng của mình vào các vị trí quyền lực nhất tại Sabeco ? Đó là 1 trong những lý do vì sao nguyên Bộ trưởng BCT Vũ Huy Hoàng chậm bàn giao vốn về cho SCIC, ngăn cản việc niêm yết của Sabeco….
5/ Ông Vũ Huy Hoàng ngồi tại vị tại Bộ Công thương được 10 năm, trong giai đoạn này, chất lượng bổ nhiệm cán bộ là yếu kém và đó cũng là 1 trong các nguyên nhân làm cho nhiều Tập đoàn, Tổng công ty kinh doanh không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, đã xuất hiện 1 số Vinashin mới trong BCT . Những Vinashin này có đặc điểm không thua lỗ nhiều như Vinashin cũ nhưng mức độ thiệt hại tai nhiều đơn vị cũng lên con số hàng chục ngàn tỷ tuy nhiên một số lãnh đạo Vianshin mới này có mặt táo tợn hơn lãnh đạo Vinashin cũ là gây thất thoát thua lỗ cho nhà nước nhưng không bị khiển trách kiểm điểm mà lại còn được lãnh đạo Bộ tạo điều kiện cho thăng chức, điển hình là vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đang bị công luận lên án ;
6/ Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là người được giao quản lý các đơn vị như Habeco, Sabeco …. nhưng không thực hiện việc bàn giao các đơn vị này về SCIC theo qui định của nhà nước, không chỉ đạo các đơn vị này phải thực hiện minh bạch thông tin qua việc niêm yết chứng khoán để thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, Thứ trưởng còn là người ký quyết định bổ nhiệm ông VQH về làm lãnh đạo Sabeco. VAFI xin hỏi những hành động trên có đúng qui định của nhà nước hay không ? Ký quyết định bổ nhiệm VQH là vì lợi ích của đất nước hay vì lợi ích của bản thân ? Hơn 1 tháng nay VAFI nêu những vấn đề này nhưng chỉ nhận được sự im lặng và lẩn tránh của BCT. VAFI đề nghị Thứ Trưởng HTKT hãy lên tiếng, hãy bảo vệ cho quyết định của mình hoặc nhận sai lầm và nhanh chóng sửa chữa khuyết điểm .
7/ Sau cùng VAFI đề nghị cựu Bộ trưởng hãy nhanh chóng hành động, hãy khuyên bảo con mình tự nguyện thôi vai trò là đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco, đó không phải là chỗ của VQH, vị trí thành viên HĐQT, vị trí Phó TGĐ 1 tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước phải là những người có nhiều thành tích về quản trị doanh nghiệp, đã kinh qua nhiều vị trí được thử thách, được thể hiện năng lực và thành tích và phải là những doanh nhân biết làm gia tăng tài sản và lợi nhuận cho nhà nước. Hiện nay Sabeco không thiếu những người như vậy, năng lực của họ gấp hàng trăm lần năng lực của VQH . Nếu như không tự nguyện rút lui thì bản thân BCT cũng không đỡ nổi vì việc bổ nhiệm đó hoàn toàn trái với các qui định hiện hành của nhà nước về quản lý kinh doanh vốn nhà nước .