Tiếp tục Góp ý công tác quản trị doanh nghiệp

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin gửi lời chào trân trọng tới Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc VRG & TRC ; Thay mặt cho một số Hội viên VAFI đã , đang và sẽ là cổ đông TRC, VAFI tiếp tục có một số ý kiến về công tác quản trị doanh nghiệp trước thời điểm Đại hội cổ đông  TRC diễn ra ngày 17/4/2012 như sau :

1/ Chính sách Tiền lương, tiền thưởng tại TRC đang thể hiện sự tùy tiện, sự lạm dụng cổ phần đa số của nhà nước và làm thất thoát vốn của cổ đông nhà nước và cổ đông tư nhân :

– Theo báo cáo hoạt động SXKD năm 2011 và phương hướng năm 2012 của HĐQT TRC tại Đại hội cổ đông sắp tới, có những vấn đề bất hợp lý như sau :

+ Giá thành mủ khai thác thực hiện 2011 là 51.804.064 đ/t tăng cao hơn so với năm 2010 là 30,4% ( 39.733.895 đ/t) và cao hơn mức kế hoạch trình tại ĐHCĐ là 16,2% ( 44.573.000 đ/t) ;

+ Giá thành tăng nhanh và tăng cao chủ yếu là do thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng nhanh và tăng cao đạt mức 14.410.000 đ/t, tăng 61% so với kế hoạch ( 8.951.000 ) và tăng 27,8% so với thực hiện năm 2010 ( 11.273.000 đ/t ) ;

– Tại sao nói chính sách tiền lương, tiền thưởng là bất hợp lý ?

+ Năm 2011 do giá cao su thế giới tăng cao nên ngành cao su trên toàn thế giới được hưởng lợi, trong đó có VN, lợi nhuận của các công ty cao su tăng đột biến nhờ khách quan chứ không phải thành tích đột biến về quản trị doanh nghiệp tại TRC. Sự tăng giá này làm cho thu nhập thực tế của người lao động tại ngành cao su tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng nhanh tiền lương, tiền thưởng tại TRC là bất hợp lý ;

+ So sánh với CTCP Cao su Đồng Phú ( DPR ), năng suất vườn cây cao hơn TRC và là đơn vị cao nhất toàn ngành nhưng giá thành thực hiện khai thác mủ cao su năm 2011 chỉ gần 44,9 triệu đồng/tấn, thu nhập thực tế bình quân người lao động trong năm 2011 là 10,4 triệu đồng/tháng/người ; Thu nhập bình quân tại TRC cao hơn DPR gần 40% ?

+ Tổng số lao động bình quân của TRC trong năm 2011 là 2.725 người, nếu lấy thu nhập bình quân tại DPR là 10,4 triệu đồng/người/ tháng thì thu nhập của TRC cao hơn 4 triệu đồng và có quỹ lương vượt DPR là 130 tỷ đồng ? Có thể khẳng định rằng con số 130 tỷ đồng là bất hợp lý ;

– Thu nhập thực tế của TRC cao hơn nhiều so với các ngành khác :

+ Lương  kỹ sư tại nhiều ngành kinh tế ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh chỉ dao động ở mức từ 7 triệu đ – 12 triệu đồng ( đây là mức thu nhập tương đối khá ) ;

+ Còn nếu so với công nhân thành thị thì thu nhập kém hơn nhiều ;

+ Gần đây công luận, cơ quan quản lý nhà nước xôn xao về mức thu nhập cao của ngành điện ( thu nhập b/q 7 triệu đồng/ tháng /người ) ?

– Không có cơ sở pháp lý nào cho phép HĐQT TRC được phép tùy tiện tăng cao quỹ lương :

+ ĐHCĐ năm 2011 đã phê duyệt phương án kinh doanh theo các chỉ tiêu cơ bản như giá thành khai thác, mức lương bình quân, mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi 40 tỷ đồng…Không đề cập tới việc tăng quỹ tiền lương, tiền thưởng khi lợi nhuận vượt kế hoạch.

+ Nhẽ ra để kín kẽ thì HĐQT phải lên kế hoạch tăng quỹ lương, quỹ tiền thưởng trong các tình huống lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để xin phép ĐHCĐ, tuy nhiên mức tăng không thể bất hợp lý như đã phân tích ở trên ;

+ HĐQT đã qua mặt ĐHCĐ ( vi phạm pháp luật )  khi tự ý trích trước và trích tăng hơn 36 tỷ đồng cho Quỹ phúc lợi khen thưởng . ĐHCĐ năm 2011 mới duyệt kế hoạch chi 40 tỷ đồng cho Quỹ PLKT nhưng thực tế HĐQT đã trích 76 tỷ đồng và có thể trên thực tế đã chi 33 tỷ đồng cho người lao động ?

 

2/ HĐQT TRC đã không quan tâm tới quyền lợi của cổ đông :

– Sau hơn 5 năm cổ phần hóa, cổ tức tiền mặt của TRC mới chỉ ở mức 20%- 30%/năm, trong khi nhiều DNNN cổ phần hóa khác thanh toán cổ tức ở mức 100%/vốn điều lệ ( sau vài lần tăng vốn điều lệ lên gấp 3- 5 lần và duy trì cổ tức mới ở mức 15%- 35% ) ;

– Với mức cổ tức hiện hành thì không tương xứng với giá vốn đầu tư cổ phiếu theo giá thị trường ở nhiều thời điểm khác nhau và theo thực lực tài chính của TRC :

+ Nhiều nhà đầu tư dài hạn đã mua cổ phiếu TRC từ 50.000 – 100.000 đ/ cp nhưng hàng năm chỉ nhận cổ tức tiền mặt ở mức 6% – 3%/năm, mức cổ tức quá nhỏ so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ;

+ Trong năm 2010, 2011 mặc dù lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ ở mức 110%, 170%/năm nhưng mức cổ tức được chia chỉ 30% ? Với tình hình hiện tại của TRC thì có thể chia cổ tức năm nay ở mức trên 50% mà không ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư các dự án mới

+ Cao su được giá, lợi nhuận TRC lên đến 174%, thu nhập người lao động và HĐQT tăng lên nhưng mọi cổ đông TRC bị thua lỗ mất vốn do tình hình TTCK  và không được hưởng thêm lợi ích gì từ những thành quả trên ;

+ Nhẽ ra HĐQT phải sớm thực hiện việc thanh toán cổ tức cho cổ đông ở mức theo kế hoạch ( 30%) trong đầu Quí 3 và cuối Quí 4 mới phù hợp với đạo lý, đồng thời bàn thảo về mức cổ tức chia tăng lên từ  nguồn lợi nhuận sau thuế tăng thêm 60% so với kế hoạch. Điều  này rất có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nhà đầu tư thiếu tiền để đầu tư khi TTCK lao dốc mạnh

– HĐQT TRC đã quyết định trích Quỹ KTPL năm 2011 là 76 tỷ đồng, đây là mức quá vô lý

+ Theo Luật thuế hiện hành thì mọi vấn đề tăng đơn giá tiền lương trong năm đều đuợc phép đưa vào chi phí, vậy tại sao lại dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để chia thưởng ? Phải chăng là cách lách qui định nhà nước để làm tăng thu nhập thực tế ? Việc dùng LNST chia thưởng cho người lao động sẽ làm nghĩa vụ đóng thuế của TRC tăng thêm ;

+ Đơn giá tiền lương thực tế đã rất cao và cao hơn DPR 30%, vậy tại sao lại khấu trừ lợi nhuận sau thuế quá nhiều để chi tiêu ?

+ Mức trích 76 tỷ đồng bằng với mức chia cổ tức 26%/VĐL ?

+ Như trên đã phân tích, HĐQT TRC đã chi 130 tỷ đồng cho 1 quỹ lương cao đặc biệt, mức này hơn mức chia cổ tức trên 40%/VĐL bằng tiền mặt ( Vốn điều lệ TRC là 300 tỷ đồng ). Nhẽ ra khoản này các cổ đông ( bao gồm cổ đông nhà nước được hưởng ) ?

– Tại sao các thành viên HĐQT và Ban Giám đốc TRC hầu như không có cổ phần ?

+ Phải chăng họ có nhiều lợi ích khác hấp dẫn hơn lợi tức cổ phần ?

+ Tình yêu doanh nghiệp, lòng tự hào, tinh thần sỹ diện để ở đâu ?

3/ Một số kiến nghị cụ thể với HĐQT VRG & TRC :

– Phải xây dựng cơ chế tiền lương, tiền thưởng và giá thành hợp lý như CTCP Cao su Đồng Phú đang làm :

+ Giá thành khai thác mủ ở mức 43 triệu đ/t cho năm 2012 của DPR, chứ không phải là 47 triệu đ/t của TRC cho năm 2012 ;

+ Thu nhập bình quân dao động ở mức 8,5 triệu đ/người /tháng hoặc có thể thấp hơn nếu gặp bất lợi về giá bán ( Quí 1/2012 công ty cổ phần Cao su Phước Hòa thực hiện đơn giá lương bình quân là hơn 5 triệu đồng/người/tháng ) . Phải giới hạn đơn giá tiền lương cao nhất không để xảy ra như năm 2011 .

+ Việc trích lập Quỹ KTPL là hạn chế và không được vượt quá 5% lợi nhuận sau thuế ;

– Phải điều chỉnh mức trích lập Quỹ KTPL năm 2011, không được vượt quá con số kế hoạch là 40 tỷ đồng vì đã tăng rất nhiều lương cho người lao động rồi ;

– Tăng mức chia cổ tức cho cổ đông từ mức 30% lên tối thiểu 45% ;

– Tập đoàn CNCSVN phải có cơ chế buộc người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mua cổ phần ở mức độ hợp lý để :

+ Họ có cách suy nghĩ như mọi cổ đông ;

+ Gắn trách nhiệm cá nhân với quyền lợi nhà nước ;

+ Được trao nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước là vinh dự và tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm, và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp ;

– Ngày 8/3/2012, VAFI đã có văn bản 718/HHĐTTC gửi Ban lãnh đạo TRC góp ý về công tác quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên :

+ Các nội dung của văn bản đó đã không được tiếp thu ;

+ VAFI có chức năng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, VAFI đã có nhiều ý kiến về công tác quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cho nhiều doanh nghiệp và đa phần được tiếp thu nghiêm túc.

+ Trong một vài trường hợp không được tiếp thu nghiêm túc, VAFI đã có những văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, gửi công luận để đấu tranh và đều đạt được mục đích, có trường hợp đã bãi miễn 1 số chức danh HĐQT cố tình vi phạm pháp luật và không coi trọng lợi ích của nhà nước và cổ đông, vì vậy bằng văn bản này, hy vọng sẽ được tiếp thu nghiêm túc ;

– Cuối cùng HĐQT VGR, TRC phải hết sức coi trọng quyền lợi cổ đông thì cổ phiếu mới mang tính thanh khoản, có như vậy tiến trình cổ phần hóa tại VGR mới đạt được thành công :

+ Trong 4 năm vừa qua, tập đoàn EVN đã không tôn trọng cổ đông bên ngoài, kết quả là EVN đã không bán được cổ phần tại các DNNN cổ phần hóa  ;

+ Tập đoàn VGR cũng phải rút kinh nghiệm, nếu không nhà đầu tư sẽ không hưởng ứng các dự án cổ phần hóa của ngành cao su hoặc ngân sách nhà nước sẽ thất thu khi giá bán cổ phần sẽ cực thấp,  không  như trước đây VGR đã từng IPO các đơn vị thành viên

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133