VAFI công bố HOSE vi phạm chế độ Công bố thông tin cho nhà đầu tư

Trong những ngày gần đây Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM ( HOSE ) đã cố tình vi phạm chế độ công bố thông tin cho nhà đầu tư, cụ thể không cung cấp toàn bộ thông tin chi tiết về tình hình giao dịch mua  bán chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trong từng phiên giao dịch, đồng thời trong nhiều năm liền HOSE không bao giờ công bố thông tin về tình hình tài chính, các loại báo cáo tài chính của Sở để nhân dân và nhà đầu tư có điều kiện tham gia quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là những nội dung chính mà Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam phân tích, phản ánh tình trạng quản trị yếu kém tại Hose để các cơ quan quản lý biết được và có giải pháp điều chỉnh nhân sự  làm cho HOSE hoạt động thực sự hiệu quả và minh bạch góp phần phát triển thị trường chứng khoán VN :

1/ VAFI công bố HOSE vi phạm pháp luật về công bố thông tin

– Chiều ngày 5/2/2015, trước sự tức giận của đông đảo nhà đầu tư về việc HOSE  đột ngột ngừng cung cấp thông tin về toàn bộ giao dịch chi tiết đối với tất cả các mã chứng khoán mà NĐTNN giao dịch thì HOSE có phản hồi rằng họ đang thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin tuân thủ đúng qui định tại khoản 2.7 c Điều 32 Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 5/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK, theo đó HOSE phải cung cấp  thông tin “ giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài ( nếu có )” , với cơ sở pháp lý này họ chỉ cung cấp: Tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch của NĐTNN trên toàn thị trường hoặc cung cấp giá trị giao dịch của từng mã chứng khoán mà nhà đầu tư quan tâm .

– Lập luận như trên của HOSE là không thể bào chữa cho việc HOSE đã trắng trợn vi phạm pháp luật bởi vì :

+ Pháp luật  qui định rằng HOSE phải công bố toàn bộ thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài nếu có phát sinh giao dịch; Điều đó có nghĩa là Hose có thông tin giao dịch nào thì phải công bố hết tất cả ;

+ Chiểu theo qui định của pháp luật thì HOSE đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư ;

+ Nếu theo qui định mới của Hose thì để biết được nhà đầu tư nước ngoài mua bán ở những cổ phiếu nào thì phải dò hơn 300 mã chứng khoán với hàng ngàn  thao tác máy tính và không ai có thể làm được việc này trong từng ngày giao dịch. Đây thực chất là chiêu ép buộc nhà đầu tư phải mua tin từ HOSE với giá bán cắt cổ hoặc tạo cơ chế xin cho để trục lợi cá nhân. Bưng bít thông tin và kinh doanh thông tin nội gián đã và đang xảy ra phổ biến ở HOSE.

2/ Việc cắt nghĩa vụ công bố thông tin giao dịch của NĐTNN nhằm mục đích gì ?

– Để có được những thông tin vừa bị cắt đó, mọi nhà đầu tư và các tổ chức liên quan phải bỏ ra 4 triệu đồng/ tháng, tổng cộng mỗi năm mất 48 triệu đồng/người , đây là 1 qui định hết sức vô lý: vừa vi phạm pháp luật, vừa bất công cho nhà đầu tư và  cản trở sự phát triển TTCK đồng thời làm xói món lòng tin của NĐT ;

– Chúng ta hãy thử hình dung rằng có hàng vạn nhà đầu tư cá nhân yêu thích đầu tư chứng khoán và dành nhiều công sức thời gian rảnh để nghiên cứu chứng khoán nhưng tiền của họ chỉ có hạn và giao dịch của họ không thường xuyên . Để có được những thông tin thống kê đầy đủ về tình hình giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài với nhiều mã chứng khoán diễn ra trong nhiều ngày thì hàng năm họ phải bỏ ra 48 triệu đồng, 1 con số lớn gấp hàng chục lần chi phí môi giới, điều đó có hợp lý hay không ? và nếu họ không thực hiện giao dịch thì họ vẫn mất 1 khoản tiền lớn. Các vị tiến sỹ chủ tịch của SSC, HOSE hãy giải thích cho nhà đầu tư hiểu thế nào là thị trường công khai, công bằng và minh bạch cho mọi đối tượng đầu tư ? Và làm thế nào để cho hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ có điều kiện tiếp cận thông tin thống kê liên tục và dài hạn nhằm tạo cho họ đầu tư thành công?

– Hạn chế công bố thông tin, chậm công bố thông tin, dành độc quyền lấy thông tin trước và kinh doanh thông tin nội gián là truyền thống của HOSE trong nhiều năm qua:

+ Chúng ta hãy nhớ lại những năm đầu của thị trường chứng khoán, HOSE đã từng cấm, đe nẹt các công ty niêm yết về việc tiếp xúc báo chí để công bố thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp niêm yết muốn công bố thông tin thì phải gửi thông tin tới sở và sau vài ngày hay hàng tuần thì thông tin đó mới được Sở công bố, khoảng thời gian dài đó đủ để kinh doanh thông tin nội gián; Qui định vô lý đó phải mất rất nhiều thời gian đấu tranh mới bị bãi bỏ ;

+ Hay như những qui định sơ sài về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thông tin về nguồn cầu đấu giá cổ phần, danh sách nhà đầu tư được trục lợi. VAFI và báo giới phải đấu tranh rất nhiều thì  thông tin về doanh nghiệp đấu giá mới được cải thiện đáng kể, rồi thông tin về cầu cổ phiếu cũng được công bố công khai, tuy nhiên hiện nay thông tin về danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu giá không được công bố với viện dẫn tế nhị nhưng thông tin danh sách này vẫn được dễ dàng bán ra ngoài ;

+ Hay như qui định về công bố báo cáo tài chính hàng quí của tất cả doanh nghiệp niêm yết là doanh nghiệp không được công bố trước HOSE, doanh nghiệp phải gửi báo cáo tài chính đến HOSE, sau vài ngày “ngâm cứu” thì HOSE mới công bố, sự chậm trễ đó là mảnh đất vàng để kinh doanh thông tin nội gián. VAFI và báo giới phải đấu tranh rất nhiều lần và trong khoảng thời gian dài thì qui định bất hợp lý đó mới được bãi bỏ và thay thế bằng qui định cho phép doanh nghiệp được công bố đồng thời, tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp niêm yết phản ánh rằng họ sợ HOSE ghét nên họ vẫn gửi báo cáo tài chính trước vài ngày sau mới đăng tin trên trang Web .

– Hiện nay còn 1 kiểu bưng bít thông tin nữa của HOSE đã tồn tại từ rất lâu là trong phiên giao dịch chứng khoán, chỉ cho hiển thị giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài, còn giao dịch bán thì không trong khi đó tại HNX thì cho hiển thị cả giao dịch mua và bán :

+ Qui định như vậy không phải với mục đích ưu ái cho NĐTNN nhưng với NĐTNN lớn họ có lợi thế về thông tin hơn và thật bất công cho nhà đầu tư trong nước khi giao dịch của họ có phần tù mù ;

+ Từ kiểu bưng bít thông tin này thì cán bộ tại HOSE có lợi trong kinh doanh thông tin nội gián .

+ Chủ tịch SSC và Chủ tịch HOSE đã ra thông điệp là cần phải nâng hạng TTCK, muốn thực sự nâng hạng TTCK thì phải quét sạch các ổ giao dịch nội gián đi bằng nguyên tắc cung cấp thông tin phải bảo đảm công khai, công bằng , minh bạch cho mọi đối tượng nhà đầu tư ;

3/ Hành động cố tình cắt thông tin cung cấp còn vi phạm chế độ tài chính hiện hành :

– Hiện nay các sản phẩm độc quyền do nhà nước cung cấp đều chịu quản lý về giá và phí của Bộ Tài chính ;

– Các nguồn thu hiện nay của HOSE chủ yếu đến từ phí giao dịch của nhà đầu tư (công ty chứng khoán thu hộ nộp cho HOSE), phí niêm yết, phí thành viên….Các khoản thu của HOSE đều theo tỷ lệ trích được thế chế thành các loại phí do Bộ Tài chính qui định trong từng thời kỳ ;

– Hiện nay đa phần công ty chứng khoán và nhà đầu tư tổ chức  không mua tin từ HOSE vì không có gì đặc biệt, tuy nhiên hành động cắt thông tin cung cấp sẽ buộc nhiều tổ chức phải mua và nếu vậy thì thực chất phí giao dịch của nhà đầu tư tăng lên vượt khung cho phép của Bộ Tài chính, còn về phía HOSE sẽ ăn gian được 1 khoản thu khá mà nhẽ ra là không phải của họ mà là của nhà đầu tư.

– Trong nhiều năm qua, đi cùng với sự phát triển TTCK thì doanh thu của HOSE cũng tăng gấp vài chục lần, HOSE được độc quyền kinh doanh siêu lợi nhuận và trong mọi tình huống của TTCK ( lên, xuống, nhà đầu tư gặp thua lỗ… ) thì HOSE vẫn thu đều lợi nhuận, vẫn là tổ chức sướng nhất trên thị trường, tuy nhiên vấn đề đặt ra là tại sao Bộ Tài chính không giảm giá dịch vụ của HOSE .

– HOSE và SSC phải biết rằng nhà nước đã ưu ái cấp đất đẹp nhất Sài gòn và Hà nội cho HOSE, HNX với giá trị hàng trăm tỷ đồng. SSC, HNX, HOSE đã bao giờ nghĩ rằng đã tới thời điểm để tự nguyện trả dần những khoản đầu tư ban đầu của ngân sách nhà nước hay không :  Nếu cho nhà đầu tư tư nhân lập sàn chứng khoán, thì nhà đầu tư tư nhân chẳng những không xin đất của nhà nước mà còn sẵn sàng bỏ hàng trăm tỷ đồng để lấy giấp phép kinh doanh độc quyền .

4/ HOSE không công khai minh bạch tình hình tài chính    

– Các nhà đầu tư và nhà báo hãy tìm hiểu báo cáo thường niên của HOSE, 1 kiểu báo cáo cực kỳ đặc biệt không giống ai và chỉ có ở HOSE: Đó là không có 1 chữ thông tin tài chính nào, không có báo cáo tài chính. Vấn đề đặt ra là tại sao HOSE che giấu tình hình tài chính ? VAFI đã nhiều lần lịch sự nhắc nhở rằng sống ở 1 thế giới minh bạch thì SSC, HOSE không được che giấu báo cáo tài chính nhưng họ không nghe , họ sợ cái gì ?

– Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết sách là các doanh nghiệp nhà nước phải công khai tình hình tài chính nhưng họ không sợ và không thực hiện ;

– Toàn thể TTCK không lạ gì Chủ tịch và Tổng Giám đốc HOSE là người đứng ra tổ chức những cuộc thi báo cáo thường niên nhằm cổ vũ phong trào minh bạch cho TTCK, họ nói rất hay về sự minh bạch , về kỹ thuật quan hệ với nhà đầu tư trên cơ sở họ có điều kiện đi khắp năm châu bốn biển để học hỏi kinh nghiệm thế giới về sự minh bạch và truyền đạt lại cho các doanh nghiệp niêm yết nhưng bàn thân họ thì không minh bạch ? Chủ tịch và TGĐ HOSE hãy tự soi gương mình xem có giống mọi người không và có cảm thấy xấu hổ không và VAFI đánh giá rất cao nếu Chủ tịch và TGĐ HOSE tự nguyện từ chức để chuộc lại danh dự .

– Khi SSC, HOSE đi xin đất đẹp,  họ nói rằng phải chọn đất đẹp nhất vì trụ sở TTCK là bộ mặt quốc gia, là biểu tượng của nền tài chính quốc gia , điều đó đúng. Tuy nhiên việc chọn đại diện của biểu tượng phải là những người có năng lực, yêu thích minh bạch và phải nỗ lực noi gương minh bạch vì họ sống trong thế giới đòi hỏi minh bạch và họ có nhiệm vụ kiểm soát sự minh bạch cho toàn TTCK, còn với những người không thích sự minh bạch thì làm sao kiểm soát được sự minh bạch ?

5/ Đề nghị cụ thể của VAFI :     

– Những bất hợp lý mà VAFI phân tích ở trên phải khắc phục ngay lập tức để khôi phục lòng tin cho các nhà đầu tư ;

– Yêu cầu Chủ tịch và Tổng Giám đốc HOSE phải thực hiện chế độ công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết, nếu không thực hiện thì Bộ Tài chính cách chức ngay lập tức – Đây phải coi là bước đầu tiên của việc nâng hạng thị trường như Tiến sỹ Vũ Bằng đã cam kết, còn nếu không thực hiện thì lời nói nâng hạng chỉ là lời nói không có giá trị ;

– Nên thành lập 1 Đoàn thanh tra toàn diện tình hình tài chính tại HOSE, thành phần đoàn thanh tra gồm  đại diện UBCKNN, đại diện các Hiệp hội đầu tư tài chính, chứng khoán, câu lạc bộ niêm yết, quản lý qũy , sở dĩ phải mời đại diện các hiệp hội vì họ đại diện cho các bên tham gia thị trường đóng góp tài chính cho HOSE và họ có quyền yêu cầu  kiểm tra việc cung cấp dịch vụ có chất lượng với giá cả hợp lý. Việc mời các Hiệp hội vào đoàn thanh tra còn đảm bảo tình khách quan độc lập của cuộc thanh tra :

– Nên thanh tra các vấn đề sau :

+ Kiểm tra suất đầu tư của các dự án xem có hợp lý hay không ?

+ Kiểm tra tình hình chi tiêu tài chính, xem xét có khoản chi nào không hợp lý không ;

+ Kiểm tra về quỹ lương, về năng suất lao động và biên chế xem có hợp lý không ;

+ Qua đợt thanh tra này nhằm làm cơ sở kiến nghị gia tăng thuế TNDN cho nhà nước hoặc kiến nghị giảm các loại phí hiện hành mà HOSE đang thu

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133