Hiểu thế nào cho đúng về sự minh bạch thông tin cho nhà đầu tư là điều không đơn giản đối với HĐQT & Ban Điều hành các công ty niêm yết . Chấp hành đúng các qui định của pháp luật về công khai minh bạch thông tin là sự cần thiết nhưng chưa đủ và chưa thể đáp ứng nhu cầu cần nắm bắt thông tin chi tiết về tình hình hoạt động & tình hình tài chính doanh nghiệp . Vậy làm cách nào để chinh phục được niềm tin từ các nhà đầu tư ? Câu trả lời là cần có 1 bộ máy chuyên nghiệp, hoạt động một cách bài bản nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của nhà đầu tư . Chính vì thực tế khách quan này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin góp ý về cách thức tổ chức tính minh bạch một cách chuyên nghiệp :
1/ Đánh giá tổng quan về công tác quan hệ với nhà đầu tư tại các CTNY :
– VAFI đã tiến hành khảo sát tại nhiều doanh nghiệp niêm yết và nhận thấy rằng đa phần các doanh nghiệp chưa thành lập Ban Quan hệ cổ đông, công tác quan hệ cổ đông thường là kiêm nhiệm , lấy cán bộ từ phòng kế toán tài chính, phòng tổ chức, phòng hành chính và người chịu trách nhiệm công bố thông tin thường kiêm nhiệm đang thực hiện các chức danh chủ chốt ;
– Đa phần lãnh đạo doanh nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng của việc thành lập Ban Quan hệ cổ đông , chưa hiểu Ban này cần phải làm những việc cụ thể gì để tổ chức tốt việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư ;
– Vẫn còn 1 bộ phận doanh nghiệp chưa xây dựng Website, có lẽ Ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa thấy được ý nghĩa của phuơng tiện truyền thông chính thống này, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chúng tôi làm hết trách nhiệm và mang lại nhiều lợi nhuận cho cổ đông, đáp ứng được các yêu cầu công bố thông tin theo qui định của pháp luật là đã làm tròn trách nhiệm ? Tuy nhiên họ không thấy được rằng cổ đông hay nhà đầu tư không thể hiểu được một cách đầy đủ tình hình hoạt động của doanh nghiệp vì đơn giản họ là “ người ngoài doanh nghiệp “.
– Trong mấy năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng trang Web có mục thông tin cho nhà đầu tư, đã có nhiều cải thiện trong công bố thông tin so với trước kia nhưng nhìn chung vẫn còn sơ sài nếu so với kinh nghiệm quốc tế .
– Công tác tiếp đón nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu doanh nghiệp còn vụng về , nhiều doanh nghiệp không sắp xếp được người có trách nhiệm để tiếp đón các nhà đầu tư trong 1 khoảng thời gian nào đó .
– Việc tổ chức đại hội cổ đông còn thể hiện nhiều non kém về trình độ cũng như không tuân thủ đầy đủ các qui định pháp luật về cách thức tổ chức 1 đại hội cổ đông ;
– Nhà đầu tư nước ngoài thì khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ tài liệu hay từ Website của doanh nghiệp vì đơn giản là không có hoặc ít có tiếng Anh .
– Công tác quan hệ với nhà đầu tư không chuyên nghiệp đã gây những hậu quả gì ?
+ Cổ phiếu kém tính thanh khoản hơn so với những doanh nghiệp tổ chức tốt khâu quan hệ với nhà đầu tư ;
+ Việc huy động vốn là khó khăn hoặc không đạt được giá hợp lý ;
+ Hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức ;
+ Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hay hạn chế trong việc tổ chức chương trình cổ phiếu ưu đãi cho người lao động . Nếu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cộng với việc làm tốt công tác với nhà đầu tư thì sẽ tạo tình thanh khoản cao cho cổ phiếu , từ đó doanh nghiệp có thể dễ dàng trong chính sách thu hút và giữ chân nhân tài , đồng thời chi phí lương , thưởng cho người lao động chủ chốt sẽ giảm đi nhiều.
– Từ những phân tích trên để thấy sự cần thiết phải xây dựng và kiện toàn Ban Quan hệ cổ đông .
– Tuy nhiên chỉ việc thành lập Ban quan hệ cổ đông là chưa đủ, mà còn phải hoạch định được những nhiệm vụ cụ thể của Ban, đi cùng với bố trí nhân sự hợp lý thì mới làm tốt công tác với nhà đầu tư .
2/ Chức năng cụ thể của Ban Quan hệ cổ đông :
2.1/ Điều hành trang Web một cách bài bản :
– Thường xuyên cung cấp tình hình hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp ;
– Xây dựng tập hợp thông tin doanh nghiệp từ 5 năm – 10 năm để đối với nhà đầu tư mới hay cũ khi tìm hiểu doanh nghiệp có thể định hình được lịch sử phát triển của doanh nghiệp qua các thời kỳ ;
– Thông tin trên trang Web phải thể hiện sự bình đẳng trong việc cung cấp thông tin, có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng về tiếp cận thông tin như nhà đầu tư trong nước ;
– Việc cung cấp báo cáo tài chính doanh nghiệp hay những thông tin quan trọng theo Luật định phải tránh được thông tin nội gián, tức là thời điểm gửi báo cáo tài chính… cho Sở giao dịch chứng khoán cũng là thời điểm doanh nghiệp phải công bố ngay trên trang Web ;
– Để xây dựng những nội dung trong phần quan hệ với nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể tham khảo phần quan hệ với nhà đầu tư trên trang Web của công ty Moodys – 1 công ty hàng đầu về đánh giá xếp hạng tín nhiệm, đồng thời là công ty chuyên đánh giá về quản trị doanh nghiệp và cũng là công ty niêm yết . Những doanh nghiệp trong nước như FPT, VINAMILT….cũng đã xây dựng nội dung bài bản , tuy nhiên cần hoàn thiện thêm theo tiêu chuẩn Moodys.
2.2/ Tổ chức việc tiếp đón các nhà đầu tư :
– Nhân sự của Ban phải rất am hiểu về các mảng hoạt động kinh doanh, cũng như về tình hình tài chính doanh nghiệp để sẵn sàng trả lời một cách đầy đủ các câu hỏi của nhà đầu tư đưa ra ;
– Ban Quan hệ cổ đông phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các bộ phận tài chính kế toán để nắm bắt thông tin làm cơ sở giải đáp những thắc mắc từ các nhà đầu tư ;
– Sẵn sàng trả lời những thắc mắc hay yêu cầu từ các thư hay email của nhà đầu tư một cách thoả đáng và kịp thời ;
– Xây dựng 1 lịch trình cố định hàng năm, ví dụ 3 tháng / lần vào thời điểm cụ thể được công bố trước để Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư .
– Thu xếp thời gian hợp lý cho Chủ tịch HĐQT hoặc TGĐ gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng theo những đề nghị thiết tha từ phía các nhà đầu tư . Những nhà đầu tư có kế hoặch mua 1 tỷ lệ cổ phần lớn trong doanh nghiệp ( khoảng 5%/vốn điều lệ ) thường rất thận trọng và tìm hiểu kỹ lưỡng về doanh nghiệp, điều đó là đương nhiên và trước khi ra quyết định đầu tư , họ mong muốn được gặp trực tiếp chủ tịch HĐQT hay TGĐ để “ phỏng vấn và thẩm định “, vì vậy các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề này. Nhiều nhà đầu tư đã nói với đại diện VAFI rằng họ khó khăn trong việc gặp lãnh đạo doanh nghiệp và điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cũng như số vốn đầu tư dành cho doanh nghiệp đó.
2.3/ Tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức Đại hội cổ đông :
– Hiện nay nhiều Đại hội cổ đông diễn ra nhàm chán , nội dung nghèo nàn, thiếu thời gian cần thiết để giao lưu với nhà đầu tư, hoặc có khi chỉ là sự độc diễn từ phía lãnh đạo doanh nghiệp ;
– Đại hội cổ đông phải thực sự là 1 hội nghị của những người chủ sở hữu doanh nghiệp, vì vậy nội dung tổ chức phải được xây dựng bài bản .
– Qui trình tổ chức Đại hội phải tuân thủ đúng các qui định của pháp luật : Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp do không am hiểu đầy đủ về Luật doanh nghiệp nên các bước thủ tục tổ chức Đại hội thường không đúng các qui định của pháp luật làm cho cổ đông không hài lòng, thậm chí kiện cáo….
– Nói về nội dung tổ chức ĐHCĐ thì còn nhiều vấn đề . VAFI sẽ có 1 số văn bản góp ý chi tiết cho mùa ĐHCĐ năm sau.
2.4/ Lo các thủ tục về phát hành chứng khoán :
– Chịu trách nhiệm về những vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục phát hành chứng khoán tăng vốn điều lệ, trả cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu ;
– Tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn các đơn vị tư vấn phù hợp ;
– Xúc tiến việc tìm kiếm, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư tiềm năng…..
– Thăm dò dư luận về các đợt phát hành để tham mưu cho lãnh đạo lựa chọn những phuơng thức hợp lý trong từng thời kỳ .
2.5/ Tìm hiểu dư luận nhà đầu tư, công ty chứng khoán, phương tiện truyền thông…có nhận xét và đánh giá về cổ phiếu của doanh nghiệp mình :
– Đánh giá các phản ánh , bình luận có hợp lý khách quan hay không ?
+ Nếu không khách quan, không hợp lý thậm chí bị xuyên tạc… thì cần có những thông tin phản hồi, tốt nhất là đăng trên Website của doanh nghiệp ;
+ Nếu là những nhận xét đúng thì cần tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp những giải pháp khắc phục .
– Cần phải tìm hiểu kỹ càng những nguyên nhân làm cho cổ phiếu của doanh nghiệp mình kém thanh khoản :
+ Hiện có 1 bộ phận doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng cổ phiếu kém thanh khoản , vậy do nguyên nhân gì ?
+ Nếu Ban quan hệ cổ đông chưa lý giải đầy đủ thì nên tham khảo những cổ đông của mình hoặc công ty tư vấn có uy tín….Hoặc có thể tổ chức gặp mặt những cổ đông lớn để tham khảo ý kiến.
2.6/ Phản biện trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp các vấn đề hay gây thắc mắc đối với cổ đông bên ngoài :
– Những vấn đề sau hay gây thắc mắc cho cổ đông bên ngoài vì động chạm đến quyền lợi của họ :
+ Phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt ;
+ Phương án trả tiền thưởng và thù lao cho HĐQT và BKS ;
+ Phương án lập Quỹ tiền thưởng và cổ phiếu ưu đãi cho người lao động ;
+ Phương án bán cổ phần cho đối tác chiến lược và các phương án phát hành riêng lẻ …..
– Những vấn đề trên không chỉ dựa trên những phương án hợp lý mà còn phải giải thích đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. Nếu phương án hợp lý nhưng thiếu cách giải thích thì có thể gây mất niềm tin cho nhà đầu tư .
– Cán bộ Ban quan hệ cổ đông cần phải tham khảo kinh nghiệm từ các đơn vị khác, cần nắm bắt được các thắc mắc của nhà đầu tư để phản ánh kịp thời cho lãnh đạo.
3/ Bố trí nhân sự cho Ban Quan hệ cổ đông :
– Cán bộ BQHCĐ phải có kiến thức về tài chính, kế toán.
– Những kiến thức về Luật Doanh nghiệp , Luật chứng khoán phải được thường xuyên bồi dưỡng. Không nhất thiết phải có cử nhân về Luật trong BQHCĐ, cán bộ trong Ban có thể tự học được về những vấn đề này.
– Chức danh Trưởng BQHCĐ ngang tầm với Trưởng phòng hoặc Phó phòng trong doanh nghiệp ( tuỳ thuộc vào qui mô doanh nghiệp ).
– Tuy nhiên nhân sự trong BQHCĐ phải là những người có trình độ. Nếu non kém về năng lực thì không thể tổ chức đuợc những công việc đã nêu ở trên ;
– Công ty lớn như FPT, VNM, STB….thì cần khoảng 4 người, trong đó có tôí thiểu 1 nhân viên biết tiếng Anh giỏi
– Công ty có qui mô nhỏ và vừa thì cần khoảng 2 người .