Hiệp hội Các Nhà Đầu tư Tài chính VN ( VAFI ) là nêu lên thực trạng SUẤT ĐẦU TƯ CAO đang tồn tại tại 1 bộ phận doanh nghiệp nhà nước và DN có cổ phần chi phối của nhà nước, kiến nghị giải pháp xóa bỏ tận gốc tình trạng suất đầu tư cao tại các doanh nghiệp này để bằng suất đầu tư so với khối doanh nghiệp tư nhân có trình độ quản trị tốt nhằm phòng chống tham nhũng triệt để , gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư tài chính , từ đó đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước & niêm yết chứng khoán .
VAFI lựa chọn công ty cổ phần cảng Qui Nhơn ( CQN ) , đơn vị còn tồn tại nhiều vấn đề quản trị doanh nghiệp, niêm yết chứng khoán và đang bị các cổ đông nghi nghờ về suất đầu tư cao để phản ánh và mong muốn CQN sẽ là đơn vị đầu tiên phải cam kết suất đầu tư bằng với khu vực doanh nghiệp tư nhân.
I/ Một số vấn đề cần phản ánh và phải giải quyết tại CTCP Cảng Qui Nhơn :
1/ HĐQT CQN đã thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019, báo cáo không trung thực (căn cứ các số liệu báo cáo tài chính chi tiết đã được kiểm toán ) :
– Năm 2019 Kinh tế nước ta phát triển rất tốt trên phạm vi toàn quốc , thuận lợi này làm gia tăng lượng hàng hóa luân chuyển trên toàn quốc. Đối với CQN lại càng được hưởng lợi do Cảng Qui Nhơn còn đang ở vị thế độc quyền khu vực , hàng qua CQN tăng gần 1 triệu tấn làm doanh thu tăng đều cả năm lên gần 100 tỷ , tổng doanh thu đạt 803 tỷ tăng 10% so với năm 2018.
– Theo BCTC 2019 của CQN , lợi nhuận trước thuế đạt 128,5 tỷ tăng 7% so với 2018. Nhưng thực tế không phải như vậy mà giảm 3 tỷ so với năm 2018 ( đạt 120 tỷ ). Tại sao lại như vậy ? Năm 2019 khấu hao cơ bản 51.9 tỷ đồng, năm 2018 khấu hao cơ bản 62,6 tỷ đồng, như vậy khấu hao của 2019 đã giảm 10,7 tỷ và chưa hiểu lý do giảm khấu hao ? nhưng nếu mức khấu hao 2019 như 2018 thì LNTT 2019 chỉ là 117,8 tỷ .
– Trong 6 tháng đầu năm 2019, quyền quản trị doanh nghiệp thuộc về công ty Hợp thành và sau đó được chuyển giao cho Vinalines ngày 29/6/2019 ( trước đó Vinalines đã có thời gian chuẩn bị tiếp quản DN khoảng 1 năm ). 6 tháng đầu năm 2019 Hợp thành báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 56 tỷ. Nếu tính khấu hao theo mức cũ 2018 thì điều hành của CT Hợp thành vẫn tăng trưởng lợi nhuận so với 2018. Còn 6 tháng cuối năm dưới sự điều hành của người Vinalines cử xuống thì lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 47 tỷ ( kém 9 tỷ so với Hợp Thành) nhưng lợi nhuận do Vinalines điều hành vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước .
– Một vấn đề đặt ra là lượng hàng hóa năm 2019 tăng thêm gần 1 triệu tấn, doanh thu tăng gần 100 tỷ, tăng 10% so với 2018 nhưng lợi nhuận lại giảm so với 2018 ở thời kỳ Vinalines quản lý trong khi yếu tố giá cước và nhiều yếu tố cơ bản khác không thay đổi. Một điều đáng lưu ý là thông thường hàng hóa 6 tháng cuối năm bao giờ cũng nhiều hơn 6 tháng đầu năm nhưng lợi nhuận giảm mà lại giảm mạnh trong thời kỳ Vinalines điều hành CQN.
– Công ty Hợp Thành còn mù mờ về khai thác cảng, lại chưa phải là nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp nhưng có 1 vấn đề là họ quản lý được chi tiêu và khi chuyển giao sang Vinaline thì có vẻ như nhiều khoản chi tiêu không hợp lý tăng lên và hiện nay cổ đông rất lo lằng là nếu không được cảnh báo, giám sát tốt thì CQN sẽ trở lại thời kỳ trước Hợp Thành : gửi giá, hoa hồng hoa khói, suất đầu tư cao, tiêu cực tham nhũng phổ biến ở nhiều cấp…..Quyền lợi của cổ đông nhà nước và tư nhân sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng .
– Tại Đại hội cổ đông CQN ngày 26/6/2020, cổ đông có đặt câu hỏi này và đề nghị TGĐ trả lời nhưng không nhận được câu trả lời đúng vấn đề chất vấn mà chỉ nói vòng vo là công ty đã thực hiện đúng các qui định về tài chính của nhà nước.
2/ Nghị quyết ĐHCĐ ngày 29/6/2019 có nội dung đưa CQN lên sàn chứng khoán ( Nghị quyết này do chính người của Vinalines soạn thảo và quyết định ) nhưng cho tới nay CQN không thực hiện bất kỳ công việc gì cho tiến trình niêm yết chứng khoán :
– Đáng chú ý là bộ máy giúp việc đã thông thạo thủ tục niêm yết, đã tiến hành thủ tục cho CQN niêm yết từ mấy năm trước đó nhưng khi việc niêm yết gần hoàn tất thì bị tạm dừng do CQN bị thanh tra về thoái vốn nhà nước, cho nên khi kết quả thanh tra thoái vốn giải quyết xong thì công việc tiếp tục niêm yết là rất đơn giản, không phải mất công sức và thời gian nhưng HĐQT mới của Vinalines không hề thực hiện.
– Tại ĐHCĐ ngày 26/6/2020, các báo cáo của HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát không hề đề cập tới 1 nhiệm vụ cơ bản cho cổ đông không hoàn thành, không hề giải thích hay xin lỗi cổ đông về việc không hoàn thành nhiêm vụ và cổ đông rất bất bình và lo lắng liệu rằng HĐQT có thực hiện cam kết đưa cảng QN lên sàn chứng khoán trong năm 2020 hay không ?
– Việc không thực hiện niêm yết của HĐQT làm mất long tin của nhà đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa, niêm yết thoái vốn của Vinalines và các đơn vị thành viên, thiệt hại vật chất đáng kể cho chính Vinalines và các nhà đầu tư .
– Đề nghị UB Quản lý vốn nhà nước vào cuộc & thi hành kỷ luật ở mức Khiển trách các thành viên HĐQT đại diện vốn nhà nước của Vinalines theo Điểm 1 Điều 28 Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2017 về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
– Đề nghị UBCKNN vào cuộc phạt hành chính HĐQT càng Qui Nhơn về hành vi trốn niêm yết, không xúc tiến việc niêm yết trong năm 2019.
3/ Cổ đông tư nhân CQN đang vô cùng lo lắng tài sản của họ có thể bị ăn chặn, bị thất thoát nhiều khi HĐQT mới chuẩn bị thực hiện “ Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Bến số 1 Cảng Qui Nhơn “ :
– Cải tạo nâng cấp Bến 1 ( dài 350 m ) nhằm đưa tàu trọng tải lớn 30.000 DWT vào khai thác theo hướng vươn cầu tầu thêm 35 m với chiều dài 480 m nhưng tổng đầu tư được dự toán lên tới con số khủng khiếp hơn 497 tỷ VND . ( Chỉ cải tạo nâng cấp cầu bến và nạo vét vùng nước trước bến mà chưa có đầu tư máy móc thiết bị và trong tình trạng cơ sở hạ tầng của cảng đã có đầy đủ mà có con số dự toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi do CTCP tư vấn xây dựng công trình hàng hải ( CMB ) – 1 công ty con mà Vinalines chiếm 49% vốn điều lệ ).
– Công ty cổ phần Container VN (Viconship ) xây dựng cảng mới ( Cảng VIP Greenport ) tại Hải Phòng có qui mô 15 ha, chiều dài cầu tầu 400 m thì phần xây dựng hạ tầng gồm san lấp tiếp mặt bằng, làm cầu tầu 400 X 24, làm bãi, làm kho, đường điện, cấp nước, văn phòng… chỉ hết 392 tỷ ( cách đây 4 năm );
– Khi cổ đông hỏi CMB , nhà thầu tư vấn thiết kế cho dự án này về cơ sở đưa ra con số 497 tỷ thì họ nói rằng dựa vào các biểu giá của nhà nước chứ không dựa vào thực tế.
– Báo cáo nghiên cứu khả thi của CMB đưa ra tổng mức đầu tư và các chi phí cho dự án để toàn thể đại hội cổ đông xem xét tại Đại hội bất thường tháng 2/2020 không đáng tin cậy, có thể chỉ là bình phong cho các nhóm lợi ích :
+ Bất kỳ ai mua nhà, xây nhà, mua sắm tài sản… trước khi quyết định làm thì người ta phải biết tương đối suất đầu tư thực tế là gì để quyết định đầu tư ;
+ Báo cáo của CMB chỉ dựa vào đơn giá cũ trong các thông báo giá của cơ quan nhà nước mà không đưa ra các con số thực tế .
+ Khi cổ đông hỏi Phó TGĐ CMB về giá thép trong dự toán thì họ đưa ra con số 18.000.000 đ/t trong khi giá thép hiện nay đang ở con số khoảng 11.000.000 đ/t ? Chi phí chỉ cải tạo cầu tầu và 1 phần nạo vét trước bến ở qui mô 480×35 vượt quá xa tổng chi phí xây dựng hạ tầng cho 1 cảng biến mới.
+ Từ tháng 1/2020 cổ đông CQN đã gửi thư , đã gặp trực tiếp Chủ tịch HĐQT CQN, phó TGĐ CMB để yêu cầu :
* Phải cập nhập số liệu giá cả thực tế vào báo cáo nghiên cứu khả thi ;
* Phải lấy số liệu thực tế về suất đầu tư đã thực hiện xây dựng cầu tầu, xây dựng cảng mới tại các công ty tư nhân có trình độ quản trị tốt như Gemadept, Viconship,Hòa Phát Dung Quất, Cảng biển Nghi Sơn… để cổ đông xem xét và giám sát việc triển khai xây dựng giá thầu thực tế sau này nhưng cho tới nay đề nghị này không được chấp nhận, mặc dù CQN đã trả cho CMB phí tư vấn cao ngất ngưởng , gấp đôi so với giá thị trường ( chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này chi tiết hơn ở các văn bản sau ).
– Tại sao HĐQT CQN không muốn đề cập các con số thực tế, các số liệu về suất đầu tư thấp để cổ đông xem xét ? HDQT CQN có hết lòng làm việc vì lợi ích của nhân dân hay không ? Nên nhở rằng Vinalines đang đại diện 75% / VĐL tại CQN không phải của doanh nghiệp nào đó mà đó là tài sản của nhân dân, khi các thông tin về dự án chuẩn bị đầu tư không rõ ràng, không thực tế thì ai cũng có quyền nghi nghờ . Thực tế những năm trước đây và bây giờ quản lý vốn nhà nước ,( tài sản của nhân dân ) không được tốt. Đội tầu biển quốc gia mất hàng tỷ USD đầu tư đang trên con đường phá sản, chẳng những mất hết vốn nhà nước mà vốn của ngân hàng cho vay cũng mất, hiện nay không ngân hàng nào dám cho các đơn vị Vinalines vay mua tầu mới vì vốn cho vay của họ không thể thu hồi.
– Vinalines đang còn rất nhiều tồn tại, cổ phần hóa gần 2 năm rồi mà không tiền hành ĐHCĐ….Cho nên nhà đầu tư rất nghi nghờ .
II/ VAFI gửi kiến nghị đến cho các cơ quan nhà nước với mục đích gì ?
1/ Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính ở vai trò quản lý nhà nước về đấu thầu, về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại khu vực DNNN, DN có vốn nhà nước tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ VAFI để kịp thời ra các qui định sủa đổi bổ sung về đấu thầu hiện nay với mục tiêu xóa bỏ tận gốc tình trạng suất đầu tư cao tại khu vực DNNN ; Quan trọng là phải ban hành được những giải pháp hữu hiệu ;
2/ UB Quản lý vốn nhà nước phải nghiêm khắc chỉ đạo thi hành kỷ luật những người đại diện vốn nhà nước cố tình không minh bạch thông tin, cố tình bưng bíp thông tin để mưu đồ lợi ích cá nhân, cố tình trốn tránh niêm yết để cản trở tiến trình minh bạch thông tin chi tiết và rộng rãi , phải giám sát chặt chẽ dự án ( 500 tỷ ) chuẩn bị tiến hành, chỉ đạo Vinalines đưa ra các giải pháp công khai minh bạch để suất đầu tư tại CQN bằng với khu vực tư nhân .
3/ UBCKNN phải nghiêm khắc phạt hành chính những dn cố tình trốn tránh việc niêm yết ; Tiếp thu các giải pháp kiến nghị của VAFI, kịp thời bổ sung mục công bố thông tin bắt buộc chuyên về mua sắm đấu thầu tại các công ty đại chúng để nhà đầu tư, cổ đông giám sát và đánh giá được trình độ quản trị của từng doanh nghiệp được thuận tiện .
4/ Các cơ quan thanh tra như Kiểm Toán Nhà Nước, Thanh Tra Chính phủ, Thanh tra Bộ tài chính trong chương trình hàng năm của mình theo qui định cần bổ sung nội dung thanh tra việc thoái vốn nhà nước, việc cổ phần hóa, việc niêm yết chứng khoán và kiểm tra suất đầu tư tại khu vực DNNN khi có dấu hiệu nghi ngờ xuất đầu tư cao;
Trong các văn bản sau, VAFI sẽ đề suất các giải pháp cụ thể để ngăn ngừa tham nhũng nhằm xóa bỏ tận gốc tình trạng suất đầu tư cao trong khu vực DNNN nhằm giảm thất thoát hàng tỷ đô la mỗi năm cho nhà nước và cho cổ đông.