Bộ Công thương đã có văn bản trả lời số 3444/BCT-TC ngày 17/4/2009 liên quan đến nội dung niêm yết cổ phiếu của SABECO & HABECO, về văn bản này , Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau :
1/ Văn bản trả lời của Quí Bộ là không hợp lý, không thể hiện tinh thần đổi mới doanh nghiệp sau cổ phần hoá của Sabeco & Habeco .
– Quí Bộ có đưa ra căn cứ tại Khoản d, Điều 8 Nghị định 14/NĐ-CP ngày 19/1/2007 qui định “ khi niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thì doanh nghiệp cần tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết “ để nói rằng với Sabeco ( nhà nước nắm giữ 89,5% ) và Habeco ( nhà nước nắm giữ 81,7%) không đủ điều kiện niêm yết là chưa hợp lý :
+ Trường hợp Vietcombank nhà nước nắm giữ gần 88%/vốn điều lệ nhưng đã được Bộ Tài chính chấp thuận niêm yết với tỷ lệ 9,2%/vốn điều lệ , việc này đã được đông đảo các nhà đầu tư và phương tiện truyền thông biết đến và đưa tin rất nhiều lần trong cả năm 2008 cho tới nay. Liệu vấn đề này có được các thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện vốn nhà nước và cán bộ tài chính tại BCT biết hay không ? Nếu biết thì có liên hệ với UBCKNN để hỏi thông tin hay không ?
+ Về trường hợp chấp thuận niêm yết Vietcombank, theo giải thích của lãnh đạo UBCKNN, hiện SSC đang soạn thảo văn bản hướng dẫn điều kiện niêm yết những doanh nghiệp lớn cổ phần hoá, tuy nhiên vẫn giải quyết cho từng trường hợp tiếp theo như Sabeco & Habeco .
– Lý do thứ hai mà Quí Bộ đưa ra để từ chối niêm yết là do giá giao dịch tai thị trường OTC của Sabeco & Habeco quá thấp, thậm chí thấp hơn cả giá bán ưu đãi cho người lao động, rồi viện dẫn tình hình thị truờng chứng khoán chưa thuận lợi , nếu thực hiện niêm yết 2 doanh nghiệp này thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của người lao động, của cổ đông nhà nước và cổ đông khác . Lý do này không thể chấp nhận được :
+ Cho đến thời điểm hiện tại, khi các công ty niêm yết đã hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính Quí 1/2009 thì các cổ đông của Sabeco & Habeco không hề nhận được báo cáo tài chính của năm 2007, 2008. Sự mù tịt về thông tin, sự xâm phạm về quyền lợi chính đáng của cổ đông đòi hỏi có những báo cáo tài chính của 1 công ty đại chúng hoàn toàn không được đáp ứng . Sabeco và Habeco đã hoàn thành cổ phần hoá được 18 tháng, tuy nhiên từ đó đến nay cổ đông không hề biết được thông tin tài chính về những doanh nghiệp này. Cán bộ quản lý vốn nhà nước tại Bộ Công thương hãy đặt địa vị mình là cổ đông, đã bỏ những khoản tiền bằng sức lực và trí tuệ của mình thì liệu có thể chấp nhận tình trạng này không ? Sự không minh bạch là câu trả lời cho tình trạng giao dịch cổ phiếu kém tính thanh khoản và không có lợi về giá bán .
+ Sabeco & Habeco thực hiện IPO ở thời kỳ thị trường chứng khoán trở nên quá bong bóng nên giá phát hành rất cao và dĩ nhiên là người lao động không hưởng lợi từ việc mua ưu đãi . Để Sabeco & Habeco đạt được giá cao như trước , thậm chí cao hơn trước thì công tác quản trị những doanh nghiệp này phải được thay đổi triệt để, lợi nhuận làm ra phải cao hơn nhiều so với thời kỳ trước cổ phần hoá . Không thể có chuyện chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp , công tác quản lý vốn nhà nước yếu kém rồi không minh bạch thông tin…thì sẽ đạt được giá bán phần vốn nhà nước ở mức cao.
+ Kinh tế nước ta đã bắt đầu tiến trình hồi phục từ Quí 2/2008, TTCK đã ổn định và đi vào con đường hồi phục – Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu, nhất là vào thời điểm Quí 3, Qúi 4/2009.
+ Quyết định niêm yết cổ phiếu vào ngày hôm nay không có nghĩa là tháng sau, quí sau doanh nghiệp sẽ hoàn tất mọi thủ tục niêm yết mà là cả 1 quá trình kéo dài khoảng 6 tháng, vì vậy không thể chần chừ được nữa , lãnh đạo Bộ Công thương cần chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Habeco & Sabeco tiến hành các thủ tục niêm yết ngay .
+ Chúng ta cần ý thức rằng niêm yết là cách thức tốt để quản trị cho tốt không chỉ tài sản của cổ đông mà còn của nhân dân; Niêm yết là con đường để thực hiện phương thức quản trị tiên tiến, đồng thời bù đắp sự yếu kém về công tác quản lý cổ phần nhà nước.
2/ Đề xuất của VAFI về công tác quản lý cổ phần nhà nước tại Bộ Công thương :
Bộ Công thương không nên quản lý cổ phần đa số nhà nước tại Sabeco & Habeco, cũng như sau này tại các Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ tiến hành cổ phần hoá , vì các lý do sau đây :
– Công tác quản lý cổ phần đa số nhà nước của cán bộ Bộ Công thương còn nhiều yếu kém, không chuyên nghiệp và không đạt yêu cầu nếu như so với công tác quản trị tài chính trong lĩnh vực tư nhân.
– Ngoài trách nhiệm của người trực tiếp quản lý cổ phần nhà nước tại Sabeco & Habeco thì ai là người đại diện cho Bộ Công thương trong việc chỉ đạo kiểm tra giám sát nguời trực tiếp quản lý cổ phần nhà nước ? Vụ tổ chức của Bộ Công thương thì lo nhân sự quản lý vốn, Vụ Tài chính thì lo công tác giám sát tài chính, Vụ Công nghiệp nhẹ thì lo chỉ đạo chuyên môn, vậy ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng ? Nếu là Thứ trưởng hay Bộ trưởng thì có vẻ không ổn vì lãnh đạo Bộ có biết bao công việc phải làm, thời gian đâu lo chuyện vi mô ?
– Hàng loạt chính sách quan trọng của ngành công thương cũng như của đất nước cần phải hoạch định để sớm đi vào cuộc sống như :
+ Chính sách an ninh năng lượng trong nước; Chẳng hạn có nên tiếp tục xuất khẩu than hay không ? Nếu tiếp tục thì với sản lượng hạn chế bao nhiêu để bảo đảm duy trì nguồn năng lượng trong tương lai ?
+ Chính sách khuyến khích sản xuất hàng trong nước để thay thế hàng nhập khẩu nhằm không chỉ phát triển kinh tế trong nước mà còn đảm bảo cải thiện cán cân thâm hụt thương mại và ngoại hối ;
+ Chính sách tự vệ cho hàng hoá và doanh nghiệp trong nước. Trong mấy năm gần đây , chúng ta thường nghe nói hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện, không đủ “ tiêu chuẩn kỹ thuật “ để vào 1 thị trường nào đó, tuy nhiên chúng ta chưa nghe nói hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị kiện hay bị bán phá giá hay không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tóm lại là chúng ta chưa có chính sách hay giải pháp để tự vệ, để bảo vệ hàng sản xuất trong nước ;
+ Ban hành chính sách xây dựng văn hoá thương mại để hạn chế giảm thiểu tình trạng hàng giả , hàng nhái hay giảm thiểu văn hoá làm ăn chụp giựt nhằm thúc đẩy du lịch và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng….
+ Đi vào hoạch định chính sách của từng ngành công nghiệp thì thấy còn nhiều nổi cộm và gai góc, chẳng hạn như ngành thép ? Ngành chế biến sữa ra sao để đảm bảo khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa và đi tới hạn chế nguyên liệu sữa nhập khẩu nhằm giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn….
+ VAFI mới chỉ nêu vài chính sách gai góc cần giải quyết, tiến trình hoạch định chính sách không phải là đơn giản mà luôn là công việc thường xuyên, cần làm , cần đổi mới mà nếu chúng ta không cố gắng thì 10 -15 nữa vẫn còn là vấn đề tồn tại.
+ Từ những phân tích trên VAFI muốn nhấn mạnh rằng Bộ Quản lý ngành nên tập trung nguồn nhân lực và quỹ thời gian vào công tác hoạch định chính sách, không nên ôm đồm công việc quản lý doanh nghiệp bởi vì sẽ không giải quyết được vấn đề một cách có hiệu quả .
Nên chuyển giao việc quản lý cổ phần đa số của Habeco & Sabeco về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước :
– Mô hình SCIC hiện nay còn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều tồn tại, tuy nhiên khác với Bộ Quản lý ngành và địa phương, tổ chức SCIC chỉ chuyên lo công tác quản lý vốn nhà nước , có địa chỉ cụ thể về trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu ;
– Bộ quản lý ngành hay UBND tỉnh không thể hàng ngày lo công việc của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có cổ phần chi phối nhà nước bị thua lỗ, giải thể , phá sản hay bị mất mát tài sản do tiêu cực tham nhũng thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân ?