Ngày 10/11/2017, UBCKNN ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC V/v xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC : Phạt tiền 65 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính : Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra 57 .000.000 cổ phần FLC từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017 nhưng không báo cáo UBCKNN, HSX.
Khi quyết định trên được công bố, giới đầu tư chứng khoán bất bình vì quyết định xử phạt không đúng với hành vi vi phạm của ông Quyết và quá nhẹ, đồng thời 1 số tờ báo lên tiếng thắc mắc về QĐ xử phạt này nhưng đã không nhận được ý kiến phản hồi từ UBCKNN ( UBCKNN im lặng trong việc này ).
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) có ý kiến về vi phạm của ông Quyết như sau :
1/ Ngày 23/10/2017 Chủ tịch FLC có văn bản gửi UBCKNN, HSX và công ty FLC công bố tức thì việc mua 37 triệu cổ phần FLC để nâng tỷ lệ sở hữu FLC từ 24, 32% lên 30,12% /tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Tập đoàn FLC. Nội dung mua này cũng được in thành văn kiện đưa ra biểu quyết tại Đại hội cổ đông bất thường của FLC cũng diễn ra ngày 23/10/2017 nhằm mục đích mua 37 triệu cổ phần để không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai. Thông báo mua của ông Quyết nêu rõ thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 20/11/2017 đến ngày 19/12/2017.
2/ Tuy nhiên theo xác nhận từ UBCKNN, ông Quyết đã tranh thủ thời cơ, bất ngờ bán chui một lượng lớn cổ phiếu là 57 triệu cổ phần, tương đương 9%/vốn điều lệ FLC, giao dịch này chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 20/10/2017 đến 24/10/2017. Hành động bán chui này được thị trường cho rằng đã lừa gạt nhà đầu tư, làm cho hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ và làm cho TTCK bất bình, phẫn nộ, vì sao ?
– Khi ông TVQ công bố MUA 37 triệu cổ phần FLC, đây là lượng mua cổ phần rất lớn tương đương 6%/ vốn điều lệ FLC thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng FLC có nhiều tin tốt, sẽ có lực cầu lớn để đẩy giá cổ phiếu lên, vì vậy đã có rất nhiều nhà đầu tư lao vào “ thương vụ hot này”, trong 3 ngày 20, 23, 24/10/2017 đã có 1 lượng vốn lớn đổ vào mua cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch trong các ngày này tăng lên khoảng 3-4 lần so với các ngày bình thường ;
– Tuy nhiên khi ông TVQ họp Đại hội cổ đông ngày 23/10/2017 để trình ĐHCĐ thông qua chủ trương cho ông mua cổ phiều FLC từ 24% lên 30% mà không phải làm thủ tục chào mua công khai thì quân của ông đã đẩy ra thị trường 1 lượng lớn cổ phiếu với chiêu thức rất điêu luyện và đã tống cho các nhà đầu tư ôm 57 triệu cổ phần để thu về khoảng 400 tỷ đồng , vượt 20 triệu cổ phần so với công bố mua 37 triệu.
– Nói là MUA ( có công bố thông tin đàng hoàng ) nhưng lại BÁN mạnh 1 lượng lớn cổ phần FLC trước khi mua mà không công bố thông tin thì có phải là lừa đảo các nhà đầu tư chứng khoán hay không ? Hành động này có tính toán, có tổ chức mà không thể nói là sơ xuất được vì để bán 1 lượng lớn cổ phần trong “thời cơ vàng” là cả 1 nghệ thuật làm giá và được thực hiện với hàng trăm lệnh bán.
3/ Ngày 12/11/2017 ông TVQ có văn bản gửi UBCKNN, HSX đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu FLC (sau thời điểm ra quyết định xử phạt hành chính vì hành vi bán chui vào ngày 10/11/2017 từ UBCKNN). Như vậy nếu ông TVQ mua hết số cổ phần qua 2 lần đăng ký sẽ là 57 triệu CP FLC. So với số lượng cổ phiếu bán chui 57 triệu thì trên thực tế ông TVQ không mua 1 cổ phần nào, không thực hiện kế hoạch ban đầu nói trước đại hội cổ đông và trước thị trường rằng ông sẽ MUA 37 triệu cổ phần.
4/ Hành vi vi phạm của ông TVQ không đơn giản chỉ là bán chui cổ phiếu mà phải là hành vi lừa đảo nhà đầu tư để bán chui cổ phiếu :
– Vi phạm của ông TVQ phạm vào Điểm 1 và 2 Điều 9 “ Qui định các hành vi bị cấm” của Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006 :
“1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và TTCK .
– Tại Điểm 3 Điều 70 Nghị định 58/ 2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Chứng khoán 2006, 2010 đã qui định cụ thể về các giao dịch bị cấm : “ Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót không công bố các thông tin cần thiết về một chứng khoán, gây hiểu nhầm nghiêm trọng sau đó mua hoặc bán chứng khoán đó để kiếm lợi ;”
5/ Hình thức xử phạt :
– Mức xử phạt 65 triệu đồng theo QĐ 1039/QĐ-XPVPHC ngày 10/11/2017 của UBCKNN là quyết định không thể chấp nhận được, nó mang nặng cơ chế xin cho hay duyên nợ, pháp luật thì bị bẻ cong;
– Các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại hình thức xử phạt sau khi định danh đúng bản chất của sai phạm theo Luật hiện hành ;
– Mức xử phạt thấp nhất nếu chiểu theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Nghị định 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 như sau :
+ Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP : “phạt tiền từ 1,2 tỷ VND đến 1,4 tỷ VND đối với hành vi gian lận hoặc tạo dựng, công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua bán chứng khoán” , đó là mức phạt cho tổ chức vi phạm còn với cá nhân chịu mức phạt bằng ½ tiền phạt của tổ chức ;
+ Điểm 5 Điều 29 Nghị định 108 còn qui định biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể “ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm khoản 2 Điều 29”.
6/ Cần xem xét trách nhiệm của người xử phạt :
– VAFI và giới đầu tư rất lo ngại rằng nếu quyết định xử phạt không nghiêm, thì pháp luật không được tôn trọng. Thực tế trong những năm gần đây tình trạng làm giá, thổi giá, hàng giả, hàng nhái tăng lên nhanh chóng đang đe dọa sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam ;
– Nếu những sai phạm như của ông TVQ mà chỉ phạt nhẹ như vậy thì càng nhiều kẻ đầu cơ sẽ công khai lừa đảo, làm giá chứng khoán để trục lợi từ các nhà đầu tư chân chính, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và sau đó họ chỉ bị mức phạt tượng trưng coi như không là gì so với lợi nhuận kiếm được và khi đó TTCK sẽ ra sao?
– Theo Luật Chứng khoán hiện hành, Chủ tịch UBCKNN là người phụ trách khối thanh tra TTCK, là người trực tiếp ký các Quyết định xử phạt lớn. Với trường hợp ông TVQ thì trách nhiệm xử lý thuộc về Chủ tịch UBCKNN ;
– Có cán bộ tham mưu nào qua mặt Chủ tịch UBCKNN hay không nhưng QĐ đã xử phạt ông TVQ phải có người chịu trách nhiệm ;
– VAFI không phải là người đi khiếu kiện hay tố cáo mà là tổ chức phát triển thị trường, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ pháp luật theo sự quản lý nhà nước của Bộ Nội Vụ và Bộ Tài chính. Qua phản ánh vụ việc trên, VAFI đề nghị UBCKNN, BTC cần có giải pháp để không tái diễn tình trạng xử phạt không nghiêm. Xử phạt phải nghiêm minh, công khai, công bằng và minh bạch thì mới đảm bảo nâng hạng thị trường được.