Trong văn bản 920/VAFI ngày 29/6/2020 gửi các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Các Nhà Đầu tư Tài chính VN ( VAFI ) phản ánh thực trạng SUẤT ĐẦU TƯ RẤT CAO đang tồn tại tại 1 bộ phận doanh nghiệp nhà nước & DN có cổ phần chi phối nhà nước . VAFI lấy ví dụ về dự toán suất đầu tư rất cao và không có cơ sở thực tế trong Báo cáo nghiên cứu khả thi “ Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bến số 1 Cảng Qui Nhơn “ do CTCP Ttư vấn xây dựng công trình hàng hải tiến hành (CMB ) . Văn bản lần này VAFI đề cập việc tạo lập suất đầu tư cao phi thực tế xuất phát từ đầu, đồng thời kiến nghị các giải pháp để xóa bỏ tình trạng này :
1/Báo cáo nghiên cứu khả thi do CTCP Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng hải (CMB ) lập tại phần lập tổng mức đầu tư dự án xây dựng nâng cấp Bến số 1 Cảng Qui Nhơn là phi thực tế, tạo dựng ban đầu suất đầu tư cao cho quá trình đấu thầu sau này :
– Cải tạo nâng cấp Bến 1 ( dài 350 m ) nhằm đưa tàu trọng tải lớn 30.000 DWT vào khai thác theo hướng vươn cầu tầu thêm 35 m với chiều dài 480 m nhưng tổng đầu tư được dự toán lên tới con số khủng khiếp hơn 497 tỷ VND . ( Chỉ cải tạo nâng cấp cầu bến và nạo vét vùng nước trước bến mà chưa có đầu tư máy móc thiết bị và trong tình trạng cơ sở hạ tầng của cảng đã có đầy đủ mà có con số dự toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi do CMB – 1 công ty con mà Vinalines chiếm 49% vốn điều lệ .
– Công ty cổ phần Container VN (Viconship ) xây dựng cảng mới ( Cảng VIP Greenport ) tại Hải Phòng có qui mô 15 ha, chiều dài cầu tầu 400 m thì phần xây dựng hạ tầng gồm san lấp tiếp mặt bằng, làm cầu tầu 400 X 24, làm bãi, làm kho, đường điện, cấp nước, văn phòng… chỉ hết 392 tỷ ( cách đây 4 năm );
– Khi cổ đông hỏi CMB về cơ sở đưa ra con số 497 tỷ thì họ nói rằng dựa vào các biểu giá của nhà nước chứ không dựa vào thực tế ?
– Báo cáo nghiên cứu khả thi của CMB đưa ra tổng mức đầu tư và các chi phí cho dự án để toàn thể đại hội cổ đông xem xét tại Đại hội bất thường tháng 2/2020 không đáng tin cậy, chỉ là bình phong cho các nhóm lợi ích ;
– Từ tháng 1/2020 cổ đông CQN đã gửi thư , đã gặp trực tiếp Chủ tịch HĐQT CQN, phó TGĐ CMB để yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung phần thuyết minh tính toán tổng vốn đầu tư như sau :
+ Phải cập nhập số liệu giá cả thực tế vào báo cáo nghiên cứu khả thi ;
+ Phải lấy số liệu thực tế về suất đầu tư đã thực hiện xây dựng cầu tầu, xây dựng cảng mới tại các công ty tư nhân có trình độ quản trị tốt như Gemadept, Viconship,Hòa Phát Dung Quất, Cảng biển Nghi Sơn… để cổ đông xem xét và giám sát việc triển khai xây dựng giá thầu thực tế sau này ;
+ Phải phân tích thị trường đấu thầu xây dựng hiện nay để cổ đông nắm bắt được suất đầu tư và tổng mức đầu tư thực tế làm cơ sở thẩm tra tính khả thi dự án đồng thời giám sát chặt chẽ xem dự án sau này triển khai có bị rút ruột không , tuy nhiên tất cả đề nghị chính đáng này nhằm bảo vệ tài sản nhà nước & cá nhân bị phớt lờ không được CMB và HĐQT Cảng QN thực hiện. Cổ đông và VAFI phân tích về thị trường đấu thầu, giá cả vật liệu như sau :
* Thị trường xây dựng trong nước nóng lên từ năm 2015 với rất nhiều dự án mới được triển khai xây dựng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở , du lịch , hạ tầng và khu công nghiệp, cầu tăng rất mạnh dẫn đến giá cả nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh, đơn giá xây dựng cũng tăng mạnh trong các năm 2015, 2016 và dịu đi năm 2017, giảm sút đi xuống năm 2018, 2019 và giảm mạnh năm 2020.
* Nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng như Hòa Bình, Conteccon, Vinaconex, Poma, Hoa sen, Thép tiến lên ….cũng phản ánh tình trạng như trên , lãi nhiều, biên lợi nhuận cao sau đó giảm sút doanh thu lợi nhuận, hòa vốn và thua lỗ.
* Trong lĩnh vực xây dựng cầu tầu, cảng biển cũng ở giai điệu như trên, đặc biệt trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp ngành thép tăng mạnh công suất, mở ra rất nhiều nhà máy mới dẫn đến nguồn cung vượt cầu rất nhiều, bên cạnh đó ngành thép đã tự chủ được nguồn sản xuất trong nước, thép dự ứng lực để làm cọc cũng sản xuất được, do đó giá thép xây dựng giảm mạnh tới 30% so với các năm trước đó ( từ 18 triệu VND/ VND xuống còn 11 triệu VND/tấn ) , giá xăng dấu cũng giảm mạnh từ 30%- 50%. Trong xây dựng hạ tầng cảng biển thì sắt thép, xăng dầu là những thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong suất đầu tư.
– Nếu CMB và HĐ QT cảng QN làm như những gì cổ đông yêu cầu thì sẽ không có ai thắc mắc nghi ngờ gì, tuy nhiên HĐQT Vinalines cần xem xét đánh giá năng lực HĐQT CQN ra sao, trước hết ở yếu tố minh bạch , Với khu vực tư nhân, người ta sẽ không mạo hiểm để thuê những người như vậy quản lý tài sản cho họ .
2/ CMB chế biến suất đầu tư cao phi thực tế để làm gì ?
– Khi suất đầu cao phi thực tế được tạo dựng thì bất kỳ ai cũng có quyền nghi ngờ về động cơ tạo dựng ? Không phải CMB không biết họ vô lý đâu nhưng có lẽ họ phải làm như vậy để chiều ai ? Điều chắc chắn không phải là cổ đông đích thực của Cảng QN ?
– Nếu không được cảnh báo , giám sát thì rất có thể số liệu trong B/c nghiên cứu khả thi gần sát với Bản thiết kế thi công ở bước sau và nó sẽ là cơ sở để đặt giá thầu chính thức. Đặt giá thầu cao ngất ngưởng tạo bàn thắng cho các nhóm lợi ích xâu xé rút ruột tài sản của nhân dân , của nhà nước và của cổ đông tư nhân;
– Giá dự toán cao cũng làm cơ sở để các loại chi phí tư vấn đầu tư, chi phí quản lý dự án cao ngất ngưởng : Hơn 20 tỷ cho các loại phí tư vấn này ( phí tư vấn quản lý do CMB lập và được HĐQT CQN chấp nhận – 15 tỷ là phí tư vấn và 5 tỷ là phí quản lý ) , có lẽ chiếm gần 10% so với suất đầu tư thực tế mà tư nhân thực hiện ;
– Trong cuộc gặp Chủ tịch HĐQT CQN tháng 1/2020 , cổ đông có đưa đề nghị ( khó bị từ chối ) là cổ đông giới thiệu đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, tuy nhiên các nhà thầu này vẫn phải hội đủ chất lượng tư vấn và yêu cầu giá cả do Ban điều hành CQN thẩm tra quyết định. Cổ đông có giới thiệu cho HĐQT nhưng cũng yêu cầu nhà thầu phải giảm 35% theo giá dự toán gói thầu do CMB xây dựng ( từ 180 triệu xuống 118 triệu VND ) và phải chấp nhận giảm tiếp trong quá trình xét tư cách nhà thầu . Nhà thầu thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi vui vẻ nhận lời .
– VAFI tìm hiểu trong giới thầu tư vấn thì biết rằng tổng chi phí tư vấn thực tế ( do khu vực DN tư nhân tiến hành ) không phải trên 15 tỷ như CMB tính toán mà thực tế chỉ bằng ½, thậm chí giảm hơn trong bối cảnh hiện nay.
– Những người tư vấn hành nghề có năng lực nói rằng họ vui vẻ với ½ đơn giá đó nếu như các cuộc đấu thầu được tổ chức thật sự công khai, công bằng và minh bạch, nhà thầu không phải đi đêm, chạy vạy xin dự án và khi thắng thầu với giá thấp đó thì họ không phải chi 1 xu cho Bên A, không phải lo lắng hợp thức hóa chứng từ để giải ngân 35% đó cho bất kỳ ai ở Bên A .
3/ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinalines phải làm gì với CMB ?
– CMB là công ty nhỏ có vốn điều lệ 40 tỷ, hiện Vinalines nắm quyền chi phối tuyệt đối 49%cổ phần, số cổ đông còn lại đều nhỏ lẻ nên Vinalines có toàn quyền định hướng để CMB phát triển trở thành 1 tổ chức tư vấn thật sự độc lập, chuyên nghiệp và trung thực ( chứ không phải như hiện nay ) ;
– BCNCKT do CMB lập không trung thực, dễ dàng làm thất thoát tài sản của cổ đông nhà nước và tư nhân cho nên CMB không đủ tư cách tư vấn, không đủ tư cách tiếp tục tham dự các gói thầu tiếp theo của dự án Cảng QN ;
– Trong giới thầu tư vấn có chuyện nếu CMB tham gia đấu thầu các dự án của các đơn vị thành viên Vinalines thì họ không tham gia vì nếu tham gia chỉ mất công sức và thời gian mà thôi, lý do vì CMB là đơn vị thành viên Vinalines, được ưu ái hết mức và với nhiều thủ thuật tinh vi trong bài thầu thì CMB bao giờ cũng thắng với giá rất cao cho nên để CMB tồn tại là 1 thành viên trong Vinalines là điều bất lợi trong công tác quản lý tài sản nhà nước.
– Với qui mô vốn điều lệ nhỏ lại đang niêm yết trên sàn UPCOM với mã cổ phiếu TVH, Vinalines có thể rất dễ dàng thoái toàn bộ cổ phần một cách nhanh chóng. Trong thời gian chưa thoái vốn xong thì không cho CMB tham gia chỉ định thầu hay tham dự đấu thầu tại các dự án của tất cả các đơn vị thành viên Vinalines.
– VAFI sẽ có 1 văn bản riêng gửi các Bộ Xây dựng, Bộ KHĐT nêu các giải pháp cụ thể để đưa các đơn vị tư vấn này và người hành nghề tư vấn hoạt động thật sự hiệu quả, trung thực và độc lập .
4/ Vinalines phải cải tổ “Ban Quản lý dự án chuyên ngành hàng hải “:
– Qui chế hiện nay của Vinalines là tất cà các dự án lớn bé tại các đơn vị thành viên đều phải ủy thác quản lý dự án cho “Ban Quản lý dự án chuyên ngành hàng hải thuộc Vinalines “và phải trả phí tư vấn quản lý rất đắt, có lẽ đây là điều hiếm thấy trong khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI;
– Dự án cải tạo , nâng cấp Bến 1 CQN do Ban quản lý này quản lý ngay từ đầu nhưng chất lượng ra sao ? Đưa tổng dự toán đầu tư rất cao phi thực tế và chi phí tư vấn ban đầu cho CMB ( khoảng gần 5 tỷ ) cũng cao gấp 2 so với thị trường.
– Ban này đồng ý với CMB về tổng dự toán cao để họ cũng được hưởng chi phí quản lý hơn 5 tỷ đồng ?
– Cảng QN cũng có Phòng Đầu tư đã tồn tại mấy chục năm nay , vậy tại sao phải thuê Ban QLDA . Với 1 dự án đầu tư hiện nay, DN được quyền thuê rất nhiều tổ chức tư vấn như tư vấn thiết kế, tư vấn thi công, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát… vậy cần gì phải thuê BQLDA trực thuộc Vinalines ngồi tận Hà Nội để quản lý ? Nếu Phòng đầu tư Cảng QN không đủ năng lực thì phải bổ sung nhân sự hoặc thuê 1 phần tư vấn chứ việc gì bắt buộc phải nuôi BQLDA.
– Vinalines sử dụng qui chế bắt buộc các đơn vị thành viên phải thuê Ban QLDA của Vinalines quản lý dự án là tạo cơ chế xung đột lợi ích, dễ hình thành 1 nhòm lợi ích thống nhất từ trên xuống dưới và khi đó họ có thể dễ dàng đưa các nhà thầu thân thiết của họ thắng thầu và tài sản của nhà nước & tư nhân bị rút ruột dễ dàng ;
– Phải cải tổ lại Ban quản lý này theo hướng không kinh doanh, không làm quản lý dự án cho các đơn vi thành viên mà chỉ làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Vinalines để thuận tiện công việc chuyên môn và công tác giám sát , còn nếu Ban này thích tư vấn thì cho họ đi tư vấn tại các dự án ngoài Vinalines và lúc đó xem khu vực tư nhân có ai thuê không ?
* Như vậy qua phân tích trên , thấy rằng CMB đã tạo dựng ra tổng mức đầu tư phi thực tế nhưng được HĐQT CQN thích và công nhận, được “ người làm thuê “ Ban quản lý dự án chuyên ngành hàng hải thích và công nhận, do đó chi phí tư vấn và quản lý đã lên con số hơn 20 tỷ VND, còn nếu quản chặt như các DN tư nhân thì chưa tới 7,5 tỷ đồng, rõ ràng những khoản chi phí ban đầu này đã gấp 3 lần so với khu vực tư nhân. Cổ đông Vinalines và tư nhân tại Cảng QN mất đi 1 khoản chi phí 13 tỷ đồng, tương ứng 50% lợi nhuận sau thuế của 1 qúy và tương ứng 3% cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
– Việc cần làm ngay bây giờ là CMB được hưởng phí tư vấn quá cao sẽ phải làm lại phần sự toán suất đầu tư và chi phí đầu tư theo yêu cầu cổ đông, không cho CMB đấu thầu tiếp tại các dự án của CQN đồng thời đình chỉ ngay hợp đồng tư vấn quản lý dự án giữa CQN và Ban QLDA trực thuộc Vinalinesv vì Ban này hoạt động không những không hiệu quả mà có thể bày vẽ cho các nhóm lợi ích sau này thắng thầu với giá trúng thầu rất cao.
Qua phân tích ở trên, VAFI phản ánh suất đầu tư cao phi thực tế được tạo dựng ban đầu từ đâu, những tổ chức nào làm bình phong tham gia tạo dựng. Thông lệ hiện nay cho thấy những tổ chức tư vấn quản lý được hưởng phí cao gấp 2- 3 lần so với khu vực tư nhân nhưng khoản thu cao đó không chỉ dành cho họ mà họ chỉ được hưởng khoảng 50%, và khoảng 35%được gửi tới Bên A, còn lại mất chí phí khoảng 10%-15% cho hợp thức hóa chứng từ và bồi dưỡng những người giao dịch trực tiếp.