Đề xuất các giải pháp Tái cơ cấu Vinashin

Chủ trương Tái cơ cấu Vinashin & những bước đi ban đầu trong lộ trình Tái cơ cấu  của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn , bằng kinh nghiệm thực tế của mình trong tiến trình cải tổ và đổi mới hệ thống doanh nghiệp nước nhà, cộng với việc nghiên cứu những kinh nghiệm thế giới, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất thêm 1 số giải pháp sau :

I/ Trước hết xin cần nhấn mạnh rằng Tái cơ cấu Vinashin là 1 tiến trình đầy khó khăn & thách thức nhưng chúng ta có thể xây dựng được 1 ngành đóng tàu & sửa chữa tàu có tính cạnh tranh cao và mang tính hội nhập, có thể phát huy được những lợi thế của đất nước là có bờ biển dài và nguồn nhân công mang tính cạnh tranh :

– Khó khăn lớn nhất của Vinashin là vay nợ nhiều, vốn tự có thấp ; Đến thời điểm 31/12/2009, Vinashin nợ khoảng 80.000 tỷ, chỉ riêng lãi vay phải trả hàng năm đã trên 10.000 tỷ đồng và Tập đoàn đã ở vị thế tổng nợ lớn hơn  tổng tài sản ;

– Nhiều tài sản của Vinashin có hiệu quả đầu tư thấp như mua tầu già, tầu cũ, giá vốn cao, hiệu quả sinh lời thấp ; hay nhiều tài sản không sinh lời như đầu tư đa ngành, đầu tư tài chính, đầu tư đất đai…trong khi đại bộ phận vốn đầu tư là vốn vay ;

-Tập đoàn Vinashin ít có thành viên mạnh, mạnh ở đây là về khả năng tài chính, khả năng quản trị doanh nghiệp để có thể góp phần đóng vai trò  trong quá trình tái cơ cấu  ;

– Hội đồng quản trị hiện nay của Tập đoàn chưa phải là HĐQT mạnh, bao gồm những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc và có kinh nghiệm trong ngành cũng như kinh nghiệm tái cơ cấu . Để tìm những nhà quản trị tài ba trong lĩnh vực đóng, sửa chữa tàu quả thực là hết sức khó khăn vì người tài trong ngành này hiếm và để xây dựng 1 HĐQT mạnh chắc đòi hỏi phải cần nhiều thời gian ;

– Ban chỉ đạo Tái cơ cấu Vinashin rất mạnh về mặt chính quyền, đây là 1 thuận lợi, tuy nhiên hiện Ban Chỉ đạo còn thiếu những chuyên gia giỏi về quản trị tài chính doanh nghiệp và giỏi về tái cơ cấu ;

– Tái cơ cấu Vinashin là giải quyết 1 bài toán khó, khó nhất từ trước tới nay và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này :

+ Trước sự kiện Vinashin, có lẽ là sự kiện “ Epco, Minh Phụng “ qui mô nhỏ hơn nhiều so với Vinashin nhưng lại là 1 sự kiện lớn ở thời điểm lịch sử lúc đó ; các ngân hàng chủ nợ ôm về các khoản nợ chủ yếu là bất động sản có giá rất đắt ở thời điểm lúc đó nhưng khoảng 10 năm sau, giá trị các khoản nợ này có thể đã được thu hồi ( nếu nói về mặt giá trị ) ;

+ Khác với Epco , Minh Phụng, tài sản của Vinashin thường được phân bổ xuống nhiều đơn vị thành viên cũ và mới, cơ cấu tài sản đầu tư đa dạng, trong đó bất động sản chỉ là 1 phần  ;

+ Tuy nhiên với quyết tâm cao của Chính phủ, cộng với việc áp dụng nhiều giải pháp tái cơ cấu, chúng ta vẫn có thể làm hồi sinh và phát triển ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu nước ta .

II/ Đề xuất 1 số giải pháp tái cơ cấu :

1/ Nhanh chóng bán, thanh lý những tài sản có hiệu quả đầu tư thấp, những tài sản không sinh lời trong tương lai gần nhằm thu hồi 1 phần vốn đầu tư đã bỏ ra cho dù các khoản đầu tư đó lỗ , nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động :

– Những khoản đầu tư không hiệu quả, chẳng hạn như Tàu Hoa Sen cần nhanh chóng bán , chấp nhận lỗ lớn còn hơn phải mất tiền để trông nom bảo quản con tàu, trong khi lãi vay hàng năm phải trả tương đối lớn ;

– Những khoản đầu tư tài chính hay những công ty con, công ty cháu  không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính cũng cần xúc tiến người mua để nhanh chóng thu hồi vốn ;

2/ Cần nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ :

– Yêu cầu các chủ nợ khoanh nợ, giãn nợ là 1 chủ trương đúng, tuy nhiên Tập đoàn Vinashin vay nợ quá nhiều, cộng với việc dòng tiền trong kinh doanh đóng tàu, sủa chữa tàu là không lớn, tỷ lệ khấu hao và sinh lời thấp, cần phải có thêm những giải pháp tốt hơn để thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ ;

– Để tránh áp lực vay nợ lớn, giải pháp tốt nhất là chuyển các khoản nợ thành vốn cổ phần, tức là các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông công ty tại các đơn vị thành viên của Vinashin. Đây là 1 kinh nghiệm tốt trên thế giới.

– Trong giai đoạn hiện nay, nếu thực hiện việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên Vinashin bằng cách bán đấu giá cổ phần cho công chúng hoặc cho các nhà đầu tư tài chính thì sẽ không thành công vì các đơn vị của Vinashin là không hấp dẫn ;

– Với các qui định hiện hành về khoán, bán , cho thuê doanh nghiệp nhà nước như hiện nay, chúng ta có thể chuyển đa phần các đơn vị thành viên Vinashin thành công ty cổ phần với các cổ đông ban đầu là các chủ nợ ;

– Tiến trình này nên ưu tiên thực hiện nhanh ( trong 3 tháng ) bằng cách thuê nhiều công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán và định giá doanh nghiệp đồng thời tại nhiều đơn vị thành viên của Vinashin .

– Để tiến trình này thu được thành công, thì chúng ta không nên quan niệm là Tập đoàn cần chiếm cổ phần chi phối, mà nên hướng tới mục tiêu là cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, chuyển đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp để các đơn vị thành viên có điều kiện phát triển tốt .

3/ Thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các đơn vị thành viên Vinashin :

– Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị thành viên Vinashin, củng cố bộ máy quản trị doanh nghiệp, tăng cường minh bạch tình hình tài chính và tăng cường công tác tiếp thị để thu hút nhà đầu tư chiến lược ;

– Nhà đầu tư chiến lược ở đây là nhà đầu tư trong cùng ngành nghề sửa tàu, đóng tàu, chủ yếu là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài . Vinashin đã thành công trong việc thu hút đối tác Huyndai để hình thành liên doanh đóng tàu Huyndai – Vinashin; Chúng ta nên thu hút những đối tác chiến lược như vậy ;

– Khi đến tiến trình này thì các chủ nợ có thể thu hồi một phần vốn nhờ việc bán cổ phần ;

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133