Để đẩy nhanh sự phát triển của thị trường chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI) xin đề xuất Chương trình tạo hàng hoá trọng điểm cho thị trường chứng khoán như sau :
– Thị trường chứng khoán (TTCK) đã ra đời và hoạt động được gần 6 năm, bước đầu đã đem lại những hiệu quả to lớn cho nền kinh tế :
+ Thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá ngày càng nhanh hơn và làm tăng tính thanh khoản của thị trường giao dịch cổ phiếu chính thức và phi chính thức;
+ Ngày càng tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong việc bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, ngân sách nhà nước hưởng lợi từ giá trị gia tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng;
+ Tạo điều kiện dễ dàng cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khối ngân hàng cổ phần huy động được hàng tỷ đô la từ việc tăng vốn cổ phần từ các thành phần kinh tế và công chúng.
– Tuy nhiên với thực trạng của TTCK như hiện nay còn nhiều hạn chế lớn so với vai trò vốn có của 1 TTCK :
+ Chưa thể kích thích trào lưu niêm yết, công khai minh bạch tài chính của đa phần các doanh nghiệp tiêu biểu, sẽ làm chậm tiến trình áp dụng phương thức quản trị tiên tiến mà thế giới đang áp dụng;
+ Đa phần các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hoá , kể cả tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, ít dựa vào phát huy nội lực để chứng khoán hoá, nếu như vậy thì tốc độ phát triển doanh nghiệp sẽ rất chậm và thiếu tính bền vững;
+ Chúng ta đang trăn trở về mô hình, giải pháp để hình thành phát triển những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, nhưng các bước thực hiện còn chưa gắn bó chặt chẽ với thị trường chứng khoán mà theo kinh nghiệm thế giới thì việc hình thành & phát triển các tập đoàn kinh tế phải dựa vào TTCK.
– Cho tới nay thì TTCK của ta vẫn là 1 thị trường nhỏ nhất thế giới và có sự cách biệt rất lớn :
+ So với các nước khu vực, qui mô TTCK của ta nhỏ hơn hàng ngàn lần ;
+ So với nhiều quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên như ta, hoặc là quốc gia nhỏ và đều ở tình trạng nền kinh tế kém phát triển hơn ta như Bangladesh, Srilanka, Kenya….thì qui mô TTCK của họ cũng lớn hơn trăm lần.
+ TTCK của ta chưa thu hút được các tập đoàn tài chính, chứng khoán và định chế tài chính có danh tiếng trên thế giới đến hoạt động.
+ Qui mô TTCKVN nhỏ nhưng rất tương phản với tiềm năng vốn có của thị trường đến hàng trăm lần.
– Hàng hoá tiềm năng cho TTCK là rất lớn, nhưng làm cách nào để tăng qui mô thị trường gấp 100 lần ( 100 tỷ đô la ) trong 10 năm tới ?
+ Trong 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phát triển TTCKnhư mở rộng diện DNNN cổ phần hoá, cho phép cổ phần hoá các Tổng công ty lớn…Tuy nhiên số doanh nghiệp lớn được cổ phần hoá chưa nhiều.
+ Một số doanh nghiệp lớn hấp dẫn cho TTCK như Vietcombank, Vinaphone, Mobiephone thì tiến hành cổ phần hoá chậm, không biết bao giờ mới xong và cũng không biết khi nào mới thực hiện niêm yết.
+ Cơ chế chính sách về tạo hàng cho thị trường đã có, tuy nhiên nếu tổ chức thực hiện việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn như hiện nay thì khó có thể tăng qui mô TTCK lên 10 tỷ đô la trong 5 năm tới. Vì vậy đòi hỏi cần có cơ chế tổ chức chỉ đạo đột phá, tập trung cho việc cổ phần hoá gắn với niêm yết của 1 số doanh nghiệp có qui mô vốn lớn.
– VAFI đề xuất dan
2. Đề xuất Chương trình tạo hàng hoá trọng điểm cho TTCK :
h sách 11 doanh nghiệp, tổng công ty ( DS đính kèm) có qui mô vốn lớn, có thương hiệu, kinh doanh hiệu quả, rất dễ cổ phần hoá gắn với việc niêm yết ngay là những hàng hoá trọng điểm để tạo sức bật cho TTCK trong 2 năm 2006, 2007.
– Trong số 11 doanh nghiệp lớn này, đã có 5 doanh nghiệp thuộc diện đã có quyết định cổ phần hoá là Vietcom Bank, BIDV, Vinaphone, Mobiephone, Bảo Việt ; 6 doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty Ruợu Bia nước giải khát Hà Nội , TCT Rượu Bia nước giải khát Sài Gòn, TCT May Việt Tiến, Cty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí, Cty Vận tải biển VN, Công ty Cao su Dầu Tiếng đều chưa có quyết định cổ phần hoá, tuy nhiên 6 DN này đều thuộc đối tượng cổ phần hoá theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
– Nếu hoàn thành cổ phần hoá gắn với niêm yết 11 doanh nghiệp này trong 2 năm 2006,2007 thì sẽ tăng giá trị TTCK lên khoảng 15 tỷ đô la, gấp 15 lần về qui mô thị trường hiện nay .
– Để hoàn thành được chương trình này, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, những kế hoạch được hoạch định chi tiết và có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các Bộ ngành, trong đó Bộ Tài chính & Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp TW đóng vai trò tham mưu chỉ đạo chương trình.
3. Lợi ích của Chương trình :
– Việc ưu tiên chỉ đạo cổ phần hoá gắn với niêm yết 11 doanh nghiệp, tổng công ty trên trong 2 năm 2006, 2007 sẽ tạo động lực phát triển cho chính các doanh nghiệp này, sẽ nhanh chóng có những doanh nghiệp lớn ngang tầm với các nước trong khu vực. Đây là những doanh nghiệp đầu ngành và mang tính đại diện cho các ngành kinh tế & đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển TTCK .
– Việc tăng cuờng hàng hoá chất lượng cho TTCK sẽ thúc đẩy công cuộc xã hội hoá đầu tư, kích thích sự ra đời và phát triển của nhiều nhà đầu tư có tổ chức và các định chế tài chính trung gian.
– Đưa 11 doanh nghiệp này lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ là 1 bước đột phá trong phát triển TTCK, là 1 sự bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển TTCK mang tính bền vững, giảm thiểu rủi ro cho công chúng đầu tư trong giai đoạn đầu của TTCKVN.
– Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc ưu tiên cổ phần hoá gắn với niêm yết 11 doanh nghiệp này trong 2 năm 2006, 2007, trong đó nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối ( 51% vốn điều lệ) sẽ tạo nhiều lợi ích kinh tế to lớn và chỉ có được mà không mất.
4.1. Đánh giá cách làm hiện nay:
– Giao cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN là Bộ ngành, UBND tỉnh, Tổng công ty thực hiện chỉ đạo cổ phần hoá. Đa phần các đại diện chủ sở hữu này chưa chú trọng tới việc phê duyệt đề án cổ phần hoá DNNN gắn với việc niêm yết, sau cổ phần hoá thì đa phần chưa sử dụng vai trò cổ phần chi phối của nhà nước để quyết định doanh nghiệp tham gia niêm yết.
– Tiến trình cổ phần hoá hiện nay còn gặp những cản trở bởi lợi ích cục bộ
+ Tâm lý “ chủ quản, chi phối” tại các DNNN, doanh nghiệp sau cổ phần hoá còn tồn tại ở các Bộ, UBND tỉnh và Tổng công ty. Lực cản từ Tổng công ty cũng rất lớn, những lực cản này đang làm chậm tiến trình đổi mới doanh nghiệp.
+ Cổ phần hoá chậm tại các doanh nghiệp và Tổng công ty lớn cũng có nguyên nhân từ kinh nghiệm chỉ đạo, thiếu sự phối hợp gắn kết thường xuyên giữa các cơ quan nhà nước.
+ Khó áp dụng chế tài cụ thể trong việc chỉ đạo thực hiện ở nhiều khâu tổ chức. Các đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước có thể đưa ra rất nhiều lý do để giải thích nhiều “khó khăn trong việc cổ phần hoá DNNN”, đối với việc đưa DN ra niêm yết thì lại càng có nhiều lý do…
– Tổ chức chỉ đạo thực hiện cổ phần hoá chậm và tuần tự theo qui trình mà không có sự chuẩn bị trước: Doanh nghiệp thực hiện xong việc nào, rồi cấp chủ quản mới cho phép thực hiện công việc tiếp theo, rồi chờ phê duyệt từng bước, rồi tuần tự thực hiện, rồi xin ý kiến vướng mắc, rồi chờ đợi phê duyệt…
– Nếu như cách làm hiện nay thì việc cổ phần hoá Vinaphone, Mobiephone…và đưa các doanh nghiệp này lên niêm yết TTCK sẽ phải mất 5 năm, thậm chí còn lâu hơn nếu không có sự đốc thúc của Chính phủ .
4.2. Cần có cơ chế tổ chức chỉ đạo ưu tiên đối với việc cổ phần hoá gắn với niêm yết các doanh nghiệp lớn:
– Chính phủ cần thành lập 1 tổ “đặc nhiệm” để tổ chức chỉ đạo, trong đó Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp TW đóng vai trò nòng cốt thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chương trình.
– Lên kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ cần làm trong tiến trình gắn cổ phần hoá với việc niêm yết, đặt ra lộ trình thực hiện các bước và tất cả công việc chuẩn bị cho tiến trình cần thực hiện ngay từ đầu, thực hiện đồng thời, không chờ đợi tuần tự. Chẳng hạn việc soạn thảo điều lệ, phương án nhân sự cho cổ phần nhà nước, phương án bán cổ phần, thủ tục hồ sơ niêm yết…..cần chuẩn bị thực hiện ngay từ lúc đầu cổ phần hoá, để làm sao khi cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thì cũng là thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hoá, là thời điểm bán cổ phần cho công chúng… và chỉ sau thời điểm có quyết định giá trị doanh nghiệp 2 tháng là tiến hành Đại hội cổ đông được, sau đó 3 tháng là đưa DN lên niêm yết.
– Với cách chỉ đạo như trên, VAFI tin rằng chỉ trong vòng 2 năm là có thể đưa được 11 doanh nghiệp này lên niêm yết trên TTCK.
Với mong muốn phát triển nhanh và bền vững thị trường chứng khoán, VAFI xin đề xuất Chương trình tạo hàng cho thị trường chứng khoán.