Đề xuất giải pháp đưa lãi suất tiền gửi VND xuống mức 1%/năm

Ở thời điểm hiện tại, nếu có ai hỏi Thống Đốc là có thể đưa được lãi suất tiền gửi nội tệ xuống mức không quá 3%/năm không ? Chắc chắn Thống Đốc trả lời rằng không thể thực hiện được mục tiêu đó trong tương lai gần vì dư địa giảm lãi suất tiền gửi VND còn rất ít. Nếu VAFI yêu cầu cần kế hoạch đưa lãi suất tiền gửi VND về  1%/năm trong thời hạn 5 – 7 năm nữa thì chắc  nhiều người ở NHNN nói rằng đó chỉ là  mục tiêu hoang tưởng mà thôi ?

Nếu đề nghị Bộ Trưởng Tài chính có giải pháp để hạ nhanh lãi suất VND thì “xem ra đề nghị đó có vẻ không đúng với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính”. Theo dõi các thông điệp của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như các hoạt động của Bộ này thì không thấy Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị tham mưu cần tìm giải pháp để hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Tuy nhiên với 1 nền tài chính hiện đại thì Bộ Tài chính có vai trò cực kỳ quan trọng trong  thúc đẩy giảm nhanh lãi suất đồng nội tệ, nếu Bộ tài chính thực sự năng động, chỉ mình BTC đơn phương đưa ra các giải pháp ( mà chưa có thêm các giải pháp từ Ngân hàng NN ) thì lãi suất VND có thể giảm xuống mức  2%/năm ;

Ai cũng biết rằng nếu lãi suất huy động VND ở mức thấp (1%/năm) thì có  nhiều ý nghĩa  với kinh tế VN, nhưng cứ như hiện nay (không có nhiều giải pháp cơ bản thúc đẩy hạ lãi suất) thì mục tiêu đưa lãi suất VND về mức 3% hay 2%/năm chỉ là xa vời và không bao giờ đạt được. Để đưa lãi suất VND về mức không quá 1%/năm như các nước trong khu vực thì NHNN, BTC phải cầu thị, phải học hỏi kinh nghiệm thế giới và  phải xây dựng 1 hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ . VAFI nhận thấy rằng nền kinh tế VN có thừa khả năng để đạt được mục tiêu đó.

Trước khi Đề xuất  hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ để hạ lãi suất VND về mức thấp, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin tổng kết về thành công của giải pháp khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 1%/năm:

I/ Nhắc lại văn bản 672/HHĐTTC ngày 4/11/2010 http://www.vafi.org.vn/2006/news.php?id=1679 của VAFI kiến nghị Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và đưa nhanh lãi suất ngoại tệ về mức không quá 1%/năm:   

– Tại 1 Hội thảo bàn về chính sách kinh tế vỹ mô vào tháng 7/2010 tại Đà Nẵng do Công ty quản lý quỹ Dragon Capital tổ chức, Hội thảo qui tụ nhiều nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ từ các Bộ ngành liên quan và các học giả nổi tiếng, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đương đầu với tình trạng lạm phát cao, lãi suất huy động VND và USD ở mức rất cao (trên 15% với VND và trên 6% với USD) ;

– Đại diện VAFI đưa ra kiến nghị nêu trên với các nhà hoạch định chính sách tại ngân hàng nhà nước nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá , chống đô la hóa và tạo động lực để đẩy nhanh hạ mặt bằng lãi suất huy động nhưng kiến nghị trên ít  được ủng hộ:

+ Đại diện NHNN cho rằng kiến nghị như vậy là xâm phạm quyền của người dân, là gây nguy cơ Việt kiều ồ ạt rút ngoại tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng;

+ Nhiều học giả nổi tiếng cũng có quan điểm trên và cho rằng khống chế tiền gửi ngoại tệ thấp còn có thể khuyến khích người dân đầu cơ ngoại tệ;

– Sau hội thảo VAFI rất thất vọng với những phản biện như trên và bỏ ý định sẽ kiến nghị lên Ngân hàng nhà nước nhưng sau một thời gian đã phân tích được những lý do nhiều người không thích giải pháp trên:

+ Có thể do nhận thức và e ngại không có cơ sở là sợ thị trường ngoại tệ xáo động;

+ Do lợi ích ngắn hạn rằng gửi ngoại tệ vừa được lãi suất cao tính bằng ngoại tệ lại bảo toàn được vốn, nếu tỷ giá biến động thì có lợi lớn về thu chênh lệch so với VND – Đây có lẽ là lực cản chính sách;

– Tới đầu tháng 11/2010 thị trường huy động tiền gửi biến động mạnh, ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp mà không thiết lập được trật tự kỷ cương trong công tác huy động vốn, lãi suất VND và USD tăng lên rất cao (có ngân hàng huy động tiền gửi USD lên tới 9%/năm), trước tình hình này VAFI đã có văn bản 672 gửi trực tiếp cho Thống đốc Nguyễn Văn Giàu và được tích cực tiếp thu vì có lẽ ở thời điểm căng thẳng đó không còn biện pháp mạnh để ổn định tỷ giá, tuy nhiên để ngân hàng nhà nước ban hành được chính sách khống chế tiền gửi ngoại tệ và bước đầu duy trì mức lãi suất tiền gửi không quá 3%/năm cũng không phải dễ dàng, cũng có nhiều ý kiến phản biện như trên trong nội bộ NHNN và có lẽ còn gây băn khoăn cho nguyên thống đốc Nguyễn Văn Giàu (trước khi ban hành chính sách với cảnh báo việt kiều sẽ rút ngoại tệ từ NHTM ) nhưng có lẽ không còn lựa chọn nào khác ở vào thời điểm đó.

– Từ kiến nghị 672 cho tới nay đã được 4 năm, lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã được khống chế ở mức dưới 0,75%/năm, hàng chục tỷ USD từ khu vực dân cư chuyển vào kho dự trữ ngoại hối quốc gia, lãi suất huy động VND được giảm nhanh tuy nhiên vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực. Thực ra ở thời điểm hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm để thúc đẩy thêm việc hạ lãi suất VND;

– Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng:

+ Việc ban hành chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong từng giai đoạn là rất quan trọng trong ổn định kinh tế vỹ mô và đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 1%/năm lại càng cần phải có 1 hệ thống giải pháp mới;

+ Kiến nghị của VAFI không phải là viển vông, rất thực tế và khả thi và đã có rất nhiều giải pháp quan trọng về kinh tế vỹ mô và thị trường tài chính  được tiếp thu và mong rằng Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp thu những giải pháp tiếp theo do VAFI đề xuất để đẩy nhanh việc hạ lãi suất tiền gửi nội tệ.

II/ VAFI đề xuất hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ với mục tiêu đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 1%/năm :

A/ Góp ý với Ngân hàng nhà nước                       

          1/ Thực sự đẩy mạnh cải tổ hệ thống ngân hàng thương mại trong nước bằng các giải pháp sau:

– Chỉ duy trì khoảng 15 ngân hàng TMCP nội địa bằng con đường kiên quyết cho giải thể, phá sản những ngân hàng cực kỳ yếu kém, không để những ngân hàng yếu kém phá vỡ kỷ cương trật tự trong công tác huy động vốn, công tác tín dụng…

– Khuyến khích vài ngân hàng nước ngoài ở vị thế ngân hàng toàn cầu mua nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, có lẽ đây là con đường dễ dàng mà ít gặp trở ngại đồng thời được đa số cổ đông trong ngân hàng yếu kém ủng hộ;

– Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên mức 49% (có chọn lọc những đối tác chiến lược)  nhằm:

+ Tạo thuận lợi xóa bỏ tình trạng cổ đông cá nhân hay nhóm cổ đông cá nhân thâu tóm lũng đoạn ngân hàng,

+ Tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại dễ dàng huy động vốn từ đó có điều kiện giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay;

– Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm giúp các ngân hàng dễ dàng huy động được vốn;

– Phải thay đổi cơ cấu cổ đông hiện nay trong hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng :

+ Tỷ lệ cổ phần của cổ đông chiến lược, cổ đông tổ chức nắm đa số;

+ Giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước trong các NHTMNN ;

– Chuyển cổ phần đa số của BIDV, VCB, VIETINBANK, MHB về SIIC quản lý  nhằm chấm dứt tình trạng NHNN vừa đá bóng vừa thổi còi và NHNN chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng mà thôi. VAFI chưa thấy có nước nào mà NHNN đứng ra là làm đại diện cho cổ đông nhà nước .

– Cần chấm dứt tình trạng những lãnh đạo NHNN (hàm vụ trưởng, vụ phó) chưa bao giờ làm ở  doanh nghiệp, không có thành tích trong quản lý doanh nghiệp nhưng lại được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thậm chí là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tại các tổ chức tài chính do NHNN quản lý. Chúng ta cần phải biết rằng Chức danh Chủ tịch hay Tổng giám đốc của tổ chức tài chính lớn hoạt động thực sự hiệu quả chính là linh hồn của doanh nghiệp, là người kiến tạo và trực tiếp tổ chức thực hiện chiến lược quản trị doanh nghiệp, chứ không phải như mấy vị quản lý nhà nước đi xuống doanh nghiệp mà không có kinh nghiệm, “không biết làm cỗ” nhưng lại được trao cho quyền lực rất lớn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp;

2/ Phải chứng minh cho giới đầu tư và người dân thấy rằng chính sách tỷ giá là ổn định trong ngắn hạn , trung hạn và dài hạn;

– Chính sách luôn luôn ổn định tỷ giá sẽ có lợi như sau :

+ Bảo đảm hạ nhanh lãi suất huy động ;

+ Thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển với lãi suất thấp huy động thấp , tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng thương mại huy động vốn dài hạn cho vay dài hạn chứ không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay. Về mặt này Thống đốc chưa làm được gì ?

+ Thúc đẩy đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường xá, điện, nước….

> Những dự án trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số dự án được đầu tư cách đây chục năm đều thất bại do lỗ nặng về biến động tỷ giá ;

> Chúng ta hãy nhìn sang Thái lan, 1 quốc gia luôn bất ổn về chính trị gắn với nhiều cuộc đảo chính quân sự nhưng trong khoảng 30 năm trở lại đây đồng Bath chỉ mất giá chưa tới 30% so với USD, cho nên rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã thu hút được nguồn vốn FDI, FII và hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang xin đầu tư hay liên doanh trong lĩnh vực bỏ vốn đầu tư khai thác kinh doanh đường sắt cao tốc.

– Lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của VN đang khát vốn, có lẽ phải cần hàng trăm tỷ đô la để phát triển nhưng tại sao nhà  đầu tư nước ngoài ít để ý đến lĩnh vực này ? Chúng ta phải xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài bằng những giải pháp cực kỳ thông minh, chỉ có vậy thì mới nhanh chóng cải thiện được tình trạng hạ tầng cơ sở còn yếu kém so với các nước trong khu vực;

– Khi chủ động nới tỷ giá, lãnh đạo NHNN có lý luận rằng làm như vậy để thúc đẩy xuất khẩu, VAFI không đồng tình với quan điểm này:

+ Vì đã tạo những cơn sốt đầu cơ ngắn hạn hay gây tâm lý lo lắng cho doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên nhập khẩu hay vay ngoại tệ;

+ Không thể làm lợi cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu vì sẽ làm chậm quá trình hạ lãi suất cho vay hay việc phá giá VND sẽ làm tăng lạm phát;

– VAFI mong Thống đốc ngân hàng bỏ thông điệp hàng năm “năm nay tỷ giá ổn định, nếu có thay đổi thì không quá 2%/năm…” Bằng thông điệp mới là “NHNN đảm bảo tỷ giá  không thay đổi và các điều kiện kinh tế vỹ mô trong nước bảo đảm việc đó”.

– Để thúc đẩy việc ổn định tỷ giá, VAFI đề nghị ngân hàng nhà nước cần thực thi chính sách giảm nhanh nhu cầu cho vay ngoại tệ, tích cực ban hành và thực hiện nhiều giải pháp chống vàng hóa và đô la hóa;

B/ Góp ý với Bộ Tài chính

1/ Phải kiểm soát được giá đất, phải bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và không để tái diễn những đợt sốt đất xảy ra trong tương lai bằng việc ban hành Luật thuế tài sản:

– Tại sao phải làm vậy ?

+ Ở thời điểm hiện tại hay tương lai, nếu thực hiện chính sách giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động nội tệ thì xuất hiện dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ trong dân cư sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản  gây ra sốt đất rồi kéo theo lạm phát tăng cao & sản xuất đình đốn đi kèm với việc VND mất giá và từ đó lãi suất lại tăng cao… chưa nói đến ảnh hưởng an sinh xã hội là hàng triệu người không có khả năng mua nhà….Rất nhiều hệ quả đi theo …

+ Nếu chúng ta có công cụ là Thuế Tài sản, chúng ta sẽ kiểm soát được giá đất, chúng ta điều khiển được dòng vốn nhàn rỗi trong dân cư và hướng dòng vốn khổng lồ này vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, từ đó mới có cơ sở vững chắc để hạ sâu lãi suất tiền gửi ;

– Bộ Tài chính có Cục quản lý giá, Cục quản lý công sản, Vụ Chính sách thuế nhưng tại sao các đơn vị này lại không tham mưu cho  lãnh đạo Bộ những chính sách như trên :

+ Kiểm soát giá đất phải là công việc ưu tiên hàng đầu của Cục Quản lý giá chứ không phải là giá xăng dầu vì giá đất ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội ?

+ Nghiên cứu xây dựng ban hành Luật Thuế tài sản trong giai đoạn hiện nay nên theo hướng là: không phải tăng nguồn thu ngân sách nhà nước như các nước đã thực hiện mà chỉ nên đảm bảo giá đất ổn định và không để xảy ra những cơn sốt đất tiếp theo và đảm bảo sẽ  không xảy ra sốt đất khi chúng ta từng bước thực hiện việc giảm mặt bằng lãi suất huy động ;

2/ Đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán theo hướng:

– Nhà đầu tư tổ chức (không phải cổ đông nhà nước) phải chiếm tỷ trọng đa số  trong cơ cấu cổ đông tại doanh nghiệp, trong cơ cấu giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán và trong cơ cấu huy động vốn. Muốn vậy phải có chính sách phát triển mạnh mẽ nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài;

– Cần nhanh chóng thực thi chính sách mở room cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu niêm yết như chúng ta đã làm trong việc thu hút vốn FDI hay FII vào cổ phiếu không phải công ty đại chúng;

– Cần chú trọng phát triển nhà đầu tư tổ chức trong nước:

+ Bộ trưởng tài chính có biết không? Hiện nay chỉ có vài quỹ nội với số vốn huy động vô cùng ít ỏi trong khi theo thông lệ thế giới thì lực lượng nhà đầu tư tổ chức trong nước phải chiếm tỷ trọng nòng cốt, tại sao lại như vậy ?

+ Xin Bộ trưởng tài chính chỉ đạo Tổng cục thuế tính thống kê xem số thuế thu được từ đầu tư chúng khoán với đối tượng nhà đầu tư tổ chức trong nước được bao nhiêu ?

– Khi nói về chính sách ưu đãi thuế TNDN, chúng ta hay nói tới ngành công nghệ cao hay ngành công nghệ thông tin  cần đặc biệt hưởng ưu đãi, tuy nhiên không 1 quốc gia phát triển nào lại công nhận ngành công nghệ cao hay công nghệ thông tin lại có vai trò quan trọng hơn ngành công nghiệp chứng khoán, tuy nhiên khi đề cập tới việc cần có chính sách ưu đãi cho ngành chứng khoán như ngành công nghệ cao thì trong con mắt các nhà hoạch định chính sách thì họ coi đầu tư chứng khoán là của người giàu, không có ưu đãi và kết quả là như hiện nay?

3/ Cần chú trọng phát triển thị trường trái phiếu trong nước theo hướng :

– Giảm nợ công hay giảm số vốn huy động của chính phủ qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ;

– Kích thích hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa  để phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp, muốn vậy phải :

+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong kinh doanh trái phiếu, biện pháp này nhằm giảm lãi suất huy động xuống khoảng 4%/năm ;

+ Lãi suất huy động phải thấp thì hệ thống ngân hàng hay doanh nghiệp mới quan tâm tới phát hành trái phiếu, còn nếu lãi suất huy động cao thì họ không phát hành và sẽ dẫn tới hệ quả là huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn và nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì khó mà thực hiện việc giảm sâu mặt bằng huy động vốn.

4/ Cần lộ trình giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công xuống mức tối đa và tiến tới cân bằng thu chi ngân sách trong 10 năm nữa:

– Không phải rằng cứ giảm nợ công là giảm đầu tư cho nền kinh tế. Hiện nay có rất nhiều lĩnh vực hay đối tượng không cần ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư ở mức thấp chẳng hạn như lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng …Nếu chúng ta có chính sách tốt thì có thể tăng mạnh đầu tư trong các lĩnh vực này bằng nguồn vốn tư nhân;

– Giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công sẽ giảm thất thoát vốn nhà nước đồng thời góp phần giảm cầu về vốn và làm cho tình trạng tài chính quốc gia tốt lên, có nhiều nguồn lực tài chính dự trữ để đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra do khách quan.

III/ Chúng ta có khả năng thực hiện giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động vốn hay không ?

– VAFI rất tâm đắc với chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách là “Chúng ta phải đổi mới và tiến lên ngang tầm với các nước trong khu vực”

– Rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện chính sách lãi suất thấp, chính sách lãi suất huy động bằng 0 thậm chí là âm (người gửi tiền vào ngân hàng không được hưởng lãi suất mà còn mất phí), vấn đề đặt ra là tại sao họ làm được? Hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ mà VAFI đề xuất ở trên  không phải do VAFI tự nghĩ ra mà là trên cơ sở mất rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm thế giới.

– Để đạt được chính sách lãi suất thấp thì bất kỳ quốc gia tiên tiến nào cũng phải thực hiện các giải pháp cơ bản nêu trên ;

– Hệ thống giải pháp mà VAFI đề xuất không chỉ với mục tiêu duy nhất là lãi suất thấp mà thực chất là đưa nước ta tiến vào giai đoạn đầu của 1 quốc gia phát triển, và thực hiện được rất nhiều mục tiêu kinh tế vỹ mô;

– Điều kiện kinh tế vỹ mô hiện nay cộng với trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể ban hành được hệ thống chính sách để thực hiện các giải pháp nêu trên. Vấn đề là nhận thức và quyết tâm của Thống Đốc và Bộ trưởng tài chính trong chương trình hành động sắp tới ra sao? Tuy nhiên người dân đòi hỏi năng lực của Thống Đốc và Bộ Trưởng tài chính phải thực hiện chính sách lãi suất cực thấp trong thời gian sắp tới.

Trên đây là tâm thư của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi Thống Đốc và Bộ Trưởng TC trước thềm năm mới và không chỉ là tâm thư, người ta thường nói: nói thì dễ nhưng làm thì khó, chính vì vậy trong mọi kiến nghị của VAFI bao giờ cũng chứa đựng các giải pháp thực hiện ;

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133