Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ tài chính đã quan tâm đến việc khôi phục sự ổn định và phát triển thị trường chứng khoán, đã có nhiều chỉ đạo tới Ủy Ban Chứng khoán nhà nước về việc phải đưa ra được Đề án tái cấu trúc TTCK đi kèm với các giải pháp thực hiện ; UBCKNN đã trình Bộ Tài chính Đề án tái cấu trúc TTCK đi kèm 1 số giải pháp nhằm khôi phục sự ổn định TTCK , tuy nhiên theo nhìn nhận của giới đầu tư và các bên tham gia thị trường, những giải pháp mà UBCKNN đưa ra còn hết sức ít ỏi, hết sức mơ hồ và nửa vời, thiếu tính khả thi để có thể thay đổi thực sự bộ mặt của TTCK, nói cách khác những giải pháp đó không thể “ tái cấu trúc TTCK được “. TTCK hiện nay có thể được ví như một đứa trẻ có khả năng lớn nhanh và khỏe mạnh nếu được chăm sóc tốt nhưng do chưa biết cách chăm sóc mà đang mắc nhiều bệnh tật, ốm yếu và đang bị tai nạn cần phải băng bó cấp cứu ; Để xử lý tình trạng này cần ngay các biện pháp cấp cứu băng bó vết thương, cho thuốc giảm đau, cho thuốc chữa bệnh rồi sau đó mới đến các biện pháp hồi phục sức khỏe, bồi dưỡng thức ăn tốt, tuy nhiên các giải pháp mà UBCKNN đưa ra không như vậy, hầu như chỉ nói suông là sẽ chữa bệnh, sẽ hồi phục sức khỏe nhưng ít có biện pháp hữu hiện . Trước thực trạng này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI ) xin Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ & Bộ trưởng Bộ Tài chính hệ thống giải pháp cơ bản để ổn định & phát triển thị trường chứng khoán :
I/ Những giải pháp cần làm ngay thuộc thẩm quyền của UBCKNN & Bộ tài chính
1/ Qui định thực hiện soát xét báo cáo tài chính theo từng Quí thông qua các đơn vị kiểm toán độc lập đối với tất cả công ty chứng khoán và tất cả công ty đang niêm yết trên sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khóan Hồ chí Minh :
– Mặc dù đã thực hiện soát xét kiểm toán giữa kỳ đối với công ty niêm yết, tuy nhiên một số công ty niêm yết, công ty chứng khoán vẫn cố tình lập “ báo cáo đẹp” vào quí 1, quí 3 dẫn tới sai lệch kết quả kinh doanh sau khi kiểm toán, thậm chí có sự sai lệch lớn về số liệu giữa công ty kiểm toán và công ty niêm yết ;
– Việc thực hiện soát xét báo cáo tài chính theo từng quí nhằm ngăn chặn tình trạng cố tình gian lận báo cáo tài chính phục vụ cho việc phát hành cổ phiếu hay tạo điều kiện để cho một số ban quản lý doanh nghiệp làm giá thoát hàng với giá ảo…Thực hiện soát xét từng quí sẽ làm cho các nhà đầu tư yên tâm hơn, nhất là đối với đa phần các nhà đầu tư cá nhân chưa am hiểu sâu về chế độ chính sách tài chính doanh nghiệp .
– VAFI chưa đề xuất kiểm toán từng quí với công ty niêm yết tại sàn Hà Nội vì để hệ thống công ty kiểm toán có thời gian chuẩn bị nhân sự, tránh tình trạng quá tải trong công tác kiểm toán và để bảo đảm chất lượng kiểm toán .
– VAFI cũng đề nghị cần kiểm toán từng quí với tất cả công ty chứng khoán ( kể cả công ty chưa niêm yết ) vì hiện nay có 1 bộ phận công ty chứng khoán có mức độ gian lận trong lập báo cáo tài chính lớn hơn rất nhiều so với các công ty công chúng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hoạt động của một bộ phận công ty chứng khoán không minh bạch đang đe dọa an toàn hệ thống cũng như đe dọa đến tài sản của nhà đầu tư…
2/ Hàng năm Bộ Tài chính cần có chuyên đề kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của công ty kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính tại công ty niêm yết :
– Giải pháp này nhằm ngăn ngừa sự cạnh tranh dễ dãi, sự thông đồng, sự tham nhũng giữa kiểm toán viên, công ty kiểm toán với doanh nghiệp niêm yết ;
– Giải pháp này cũng thúc đẩy chất lượng kiểm toán viên, thúc đẩy công ty kiểm toán chú trọng đến công tác đào tạo và tuyển dụng đồng thời tăng độ tin cậy trong chất lượng báo cáo tài chính đối với các nhà đầu tư ;
3/ Không để tình trạng 1 công ty kiểm toán được kiểm toán liên tục 1 doanh nghiệp quá 2 năm :
– Biện pháp này nhằm ngăn ngừa tình trạng tiếp thị không lành mạnh trong công tác kiểm toán, đồng thời cũng ngăn chặn tình trạng cả nể, thân quen trong công tác kiểm toán ;
– Biện pháp này cũng thúc đẩy việc các công ty kiểm toán kiểm tra lẫn nhau và cũng tránh tình trạng bù trừ kết quả kiểm toán qua từng thời kỳ theo thỏa thuận giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp ;
4/ Loại ngay một số doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn niêm yết ra khỏi các sàn giao dịch :
– Hiện có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá, rồi có tình trạng định giá tài sản quá cao….Những doanh nghiệp này không đủ vốn pháp định niêm yết hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán, các doanh nghiệp này được các nhà đầu tư bám sàn gọi là “ các con tầu ma”.
– Tuy nhiên điều đặc biệt nghiêm trọng là những cổ phiếu này hay được đầu cơ, thao túng giá cả và từ đó lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư tham gia . Tình trạng giao dịch này được gọi là “ kinh doanh đầu cơ xác chế hay kiểu truyền bom cho nhau “ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán ;
– Bộ Tài chính cần lập 1 đoàn thanh tra độc lập thanh tra những đối tượng này
( không có sự tham gia của UBCKNN và các sở giao dịch ) để biết được lý do tại sao không loại những đối tượng này ra khỏi các sàn giao dịch chứng khoán .
5/ Tiến hành ngay việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi tài khoản của công ty chứng khoán :
– Cách đây 3 năm, UBCKNN từng có kế hoạch đưa tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi công ty chứng khoán để nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp tại hệ thống ngân hàng thương mại nhằm bảo vệ tuyệt đối tiền của nhà đầu tư đồng thời ngăn chặn việc chiếm dụng sử dụng không an toàn tiền gửi của nhà đầu tư nhưng kế hoạch này không được thực hiện do sự “ vận động “ của nhiều công ty chứng khoán. VAFI cũng đã nhiều lần kiến nghị phải tách bạch tài khoản nhưng bị UBCKNN bác do lợi ích nhóm đã chi phối, tuy nhiên trên thực tế cũng đã có khoảng gần 10% công ty chứng khoán tự nguyện thực hiện việc tách bạch tài khoản ;
– Trong thời gian gần đây đã có tình trạng một số công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán trong một số giao dịch ( không thanh toán đủ tiền mua chứng khoán cho khách hàng ) và bị Trung tâm lưu ký chứng khoán nhắc nhở công khai. Điều đáng nói là nhiều trường hợp mất khả năng thanh toán nghiêm trọng (chỉ thiếu hơn 1 tỷ mà công ty chứng khoán không có khả năng thanh toán cho Trung tâm lưu ký ), trong khi vốn pháp định cho hoạt động môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng ?
– Trong mấy năm qua, đã xuất hiện tình trạng nhiều nhân viên công ty chứng khoán, thậm chí là chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty chứng khoán đã chiếm dụng vốn của nhà đầu tư, của ngân hàng thương mại ; Đã có ngân hàng mất hàng trăm tỷ đồng do Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán lừa đảo chiếm dụng rồi bỏ trốn ; Tình hình này đang đe dọa đến khả năng mất tiền của nhà đầu tư mà UBCKNN không có biện pháp ngăn chặn , vẫn “ vô tư bình thản “ coi như không có sự đe dọa nào đến tài sản của nhà đầu tư ;
– Trong những năm vừa qua, đã có hàng ngàn trường hợp nhân viên ngân hàng lấy cắp tiền của người gửi tiết kiệm , tình trạng này càng gia tăng về giá trị tiền ăn cắp, tiền lừa đảo, tuy nhiên người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng được an tâm tuyệt đối vì nhà nước có chính sách bảo đảm tiền gửi khi ngân hàng bị thua lỗ phá sản, còn trong lĩnh vực chứng khoán, chưa có chính sách để bảo đảm tuyệt đối tiền gửi của nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán bị giải thể, phá sản hay bị mất khả năng thanh toán ;
– Nếu để xảy ra tình trạng nhà đầu tư bị công ty chứng khoán hay nhân viên CTCK lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm đền bù tài sản cho nhà đầu tư ? Chủ tịch UBCKNN hay Bộ trưởng BTC và liệu rằng có đủ tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư ?
– Bộ trưởng Tài chính nên hỏi Chủ tịch UBCKNN và Thứ trưởng tài chính phụ trách lĩnh vực chứng khoán là các vị có bảo đảm tuyệt đối với Bộ trưởng về việc không để xảy ra tình huống này được không ? Sẽ không thể có 1 ai tham gia TTCK bảo đảm được điều này và khi không bảo đảm được thì cần phải ra qui định yêu cầu công ty chứng khoán không được giữ tiền của nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để giao dịch chứng khoán
– Về tính khả thi của giải pháp này, VAFI đã nghiên cứu khảo sát và thấy rằng hầu hết các công ty chứng khoán đáp ứng được qui định này một cách dễ dàng, một vài công ty không đáp ứng được điều kiện do họ không hội đủ số vốn pháp định và đương nhiên là cần bị loại bỏ chức năng môi giới chứng khoán .
– Các công ty chứng khoán cần nhận thức rằng từ bỏ lợi ích nhỏ từ việc tách bạch tài khoản là để có những lợi ích lớn hơn như loại bỏ được một số công ty chứng khoán yếu kém, đồng thời lấy lại lòng tin cho nhà đầu tư ( ở mức độ lớn hơn ) vào hệ thống công ty chứng khoán.
II/ Những giải pháp quan trọng mang tính trung hạn cần được nghiên cứu ban hành :
1/ Phải giảm số công ty chứng khoán từ 100 xuống còn 25 công ty :
– Hiện có hơn 100 CTCK, đa phần hoạt động bát nháo như 1 công ty cầm đồ ;
– Quá nhiều CTCK dẫn đến chất lượng công ty kém vì nguồn nhân lực quản lý bị phân tán và vì các CTCK cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bằng mọi giá để thu hút nhà đầu tư dẫn tới việc tỷ lệ cho vay cho đầu tư chứng khoán quá lớn ( có thời điểm cho nhà đầu tư vay gấp 5 lần vốn tự có ), cạnh tranh cho vay nhiều đã biến TTCK trở thành 1 sòng bạc, hậu quả tất yếu là đa phần các nhà đầu tư bám sàn thua lỗ, mất vốn, và cũng dẫn tới nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, mất vốn và ở tình trạng giải thể phá sản ;
– Những giải pháp mà UBCK đề xuất về việc tái cấu trúc CTCK là ít khả thi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nhiều công ty chứng khoán ở tình trạng “ chết dần, chết mòn “ ăn hết vốn của cổ đông, thậm chí là ăn cả vào vốn vay của ngân hàng và khách hàng…Hiện tại nhiều cổ đông CTCK muốn rút vốn nhưng không chuyển nhượng được vì không ai mua, kể cả với “giá bèo” ;
– Với thực trạng này , phải nhanh chóng giảm 75% số lượng CTCK nhằm tập trung, sắp xếp lại nguồn nhân lực, loại bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thúc đẩy các công ty chứng khoán giải thể, hợp nhất, sáp nhập, xóa bỏ tình trạng “ thích được làm chủ, được điều hành 1 mâm cỗ nhỏ “ hay “ thằng chột làm vua sứ mù “, đồng thời bảo vệ được đồng vốn của cổ đông, tạo sự an toàn, lành mạnh cho TTCK.
– Làm cách nào để còn khoảng 25 CTCK :
+ Thủ tướng Chính phủ nên có văn bản yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, CTCP có cổ phần chi phối nhà nước đang nắm cổ phần chi phối tại các công ty chứng khoán thực hiện ngay việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập hoặc thoái vốn tại các công ty chứng khoán đó hoặc chuyển thành công ty đầu tư chứng khoán ;
+ Yêu cầu CTCK phải tăng vốn pháp định theo lộ trình : Năm 2013 là 600 ỷ đồng ( từ 300 tỷ đồng ) , năm 2015 là 1200 tỷ đồng.
+ Bằng các giải pháp trên, sẽ dễ dàng tái cơ cấu hệ thống CTCK, đồng thời tăng sự hấp dẫn cho việc đầu tư từ các công ty chứng khoán nước ngoài và sẽ bảo vệ được tài sản của cổ đông .
2/ Cổ phần hóa & lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Sở Giao dịch chứng khoán, tiến tới sáp nhập Trung tâm Lưu ký chứng khoán vào Sở GDCK :
– Hiện UBCKNN mới đề xuất hợp nhất sàn HSX và HNX thành 1 Sở, sau hợp nhất, Sở này vẫn hoạt động theo mô hình DNNN – Đây chỉ là biện pháp tái cấu trúc cải lương, không thay đổi bản chất hoạt động của các Sở GDCK ;
– Công tác quản trị doanh nghiệp tại 2 Sở này là vô cùng yếu kém mặc dù được hưởng cơ chế độc quyền kinh doanh. Các nhà quản trị 2 Sở này hiện không biết đựoc con đường đi của mình ra sao, chiến lược kinh doanh thế nào, phát triển sản phẩm mới ra sao và làm cách nào để quản trị sàn giao dịch được tốt hơn ;
– Các chợ chứng khoán của ta hiện nay được ví như “ chợ trời “, vô cùng mất an ninh trật tự vì có nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng lởm lẫn lộn với hàng tốt, tồn tại nhiều kẻ lừa đảo, ăn cắp cướp giật, thậm chí còn thông đồng với một số nhân viên quản lý chợ ;
– Chỉ riêng làm phần mềm giao dịch tại HSX, không biết bao nhiêu lần phải sửa đổi, nâng cấp, thay mới tốn kém hàng trăm tỷ đồng nhưng có lẽ sẽ không phải là phần mềm cuối cùng.
– Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã hoạt động trên 10 năm nhưng nói về năng lực quản trị thì thua xa Sở giao dịch chứng khoán Lào mới chưa đầy 1 tuổi ? Tại sao lại như vậy ?
+ Sở GDCK Lào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần ngay từ đầu, họ lựa chọn đối tác chiến lược là Sở GDCK Hàn Quốc chiếm 50% cổ phần, vì thế mọi vấn đề về quản trị sàn giao dịch không gặp bỡ ngỡ và lúng túng, họ hiểu rõ con đường đi của họ ;
+ Mọi vấn đề về quản trị sàn, về nghiệp vụ kinh doanh, về ban hành qui tắc, qui định đều theo chuẩn quốc tế ; Mới ra đời nhưng thực hiện ngay thanh toán giao dịch T + 2 trong khi đã trải qua 11 năm hoạt động, các sở giao dịch của ta vẫn ở phương thức T + 4 ;
+ Các Sở giao dịch của ta hoạt động như 1 cơ quan hành chính sự nghiệp có thu với đối tác chiến lược là UBCKNN, nhiều khi đóng vai trò là nơi “ bếp núc “ cho 1 số quan chức tại UBCKNN.
– Các Sở giao dịch đang hoạt động dưới ánh mặt trời rực rỡ của sự minh bạch nhưng lại không tự minh bạch về tình hình tài chính, tình hình hoạt động. Trên trang Web của các Sở này đều không hề thấy 1 báo cáo tài chính nào thế nhưng Ban quản lý các chợ này luôn hô hào doanh nghiệp phải cổ phần hóa, phải niêm yết, phải minh bạch , phải nỗ lực đổi mới quản trị doanh nghiệp ?
– Từ phân tích trên, phải nhanh chóng cổ phần hóa các Sở GDCK, phải lựa chọn thu hút Sở GDCK nước ngoài có uy tín tên tuổi làm đối tác chiến lược để thay đổi tận gốc cách thức quản trị sàn giao dịch.
3/ Thành lập 1 sàn giao dịch chứng khoán mới làm cơ sở xây dựng “1 siêu thị văn minh hiện đại “ ngang tầm quốc tế nhưng vẫn được quản lý từ Sở giao dịch chứng khoán VN :
– UBCKNN đã trình Bộ Tài chính những qui định mới về nâng tiêu chuẩn niêm yết nhưng giải pháp này vẫn nửa vời và cải lương bởi vì tiêu chuẩn niêm yết mới là quá thấp và không có giải pháp để phân loại sắp xếp lại khối hàng hóa niêm yết hiện nay . Nhìn vào Dự thảo Đề án tái cấu trúc TTCK , ta có thể thấy rằng sau “ sau tái cấu trúc “ vẫn tồn tại các chợ trời “ mà không có sự ra đời của “ siêu thị chứng khóan văn minh hiện đại “.
– Khi nền kinh tế nước ta mở cửa, đã thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài mở các “ đại siêu thị “, hàng ngày thu hút được hàng ngàn người đến, số lượng người tiêu dùng đến siêu thị cao gấp trăm lần số người tiêu dùng vào các chợ trời. Trong lĩnh vực chứng khoán cũng vậy, nếu ta xây được siêu thị với tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế, sẽ thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia ;
– Để xây dựng 1 sàn giao dịch chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế, cần phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn cao cho các bên tham gia thị trường, VAFI đề xuất các tiêu chuẩn cơ bản :
+ Về công ty niêm yết, vốn điều lệ trên 200 tỷ đồng, tuổi đời của doanh nghiệp trên 10 năm, phải luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân trong năm năm là 30%, chỉ cho phép lỗ 1 năm ; Phát hành cổ phiếu ra công chúng bắt buộc phải có bảo lãnh ( tỷ lệ bảo lãnh từ 20% trở lên ) ; Khi không đạt các tiêu chuẩn trên thì phải niêm yết ở bảng giao dịch có tiêu chuẩn thấp hơn ;
+ Lựa chọn 25 công ty chứng khoán đầu bảng được tham gia các dịch vụ trong sàn ;
+ Lựa chọn 10 công ty kiểm toán hàng đầu được tham gia dịch vụ ;
+ Tất cả những nhân viên, cán bộ quản lý của Sở GDCK, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán tham gia vào các hoạt động của sàn phải được lựa chọn theo tiêu chuẩn ngành nghề và được phát thẻ hành nghề . Nếu vi phạm Luật, qui tắc của Sàn thì bị xử lý bằng các hình thức treo thẻ, thu giữ thẻ hành nghề có thời hạn và vĩnh viễn và các qui định khác của pháp luật ;
4/ Nhà nước cần xác định TTCK là mặt trận kinh tế hàng đầu và ngành đầu tư chứng khoán phải được coi là ngành kinh tế mũi nhọn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như ngành công nghệ cao :
– Đầu tư chứng khoán là ngành kinh doanh rủi ro nhất, khó khăn nhất trong các ngành nghề kinh tế nhưng lại vô cùng quan trọng , là động lực cho khối doanh nghiệp của tất cả các ngành kinh tế phát triển nhưng chưa được hưởng ưu đãi về thuế TNDN . Mức thuế 25% là quá cao so với đặc thù của ngành cũng như so với nhiều ngành kinh tế được hưởng ưu đãi ;
– Các văn bản về Luật đã xác định ngành công nghệ thông tin, ngành công nghệ cao, ngành xuất khẩu được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng chưa có ngành đầu tư chứng khoán ? Chẳng nhẽ ngành đầu tư chứng khoán lại không quan trọng bằng các ngành nói trên ?
– Hiện nay, lực lượng nhà đầu tư tổ chức vô cùng nhỏ bé, chưa đảm đương vai trò dẫn dắt thị trường như các nước vì chỉ chiếm 15% tỷ trọng giao dịch, trong khi theo thông lệ thế giới thì lực lượng nhà đầu tư tổ chức thường chiếm trên 70%. Trong các cuộc khủng hoảng vừa qua, lực lượng nhà đầu tư tổ chức bị của ta đã bị tổn thương suy yếu nhiều và đang có nguy cơ không huy động được nguồn vốn mới và có khả năng khó tồn tại phát triển .
– TTCK muốn phát triển một cách bền vững thì phải chú trọng lực lượng nhà đầu tư có tổ chức , vì vậy bên cạnh giải pháp hưởng thuế suất thấp về thuế TNDN ( khoảng 5%-10% ), còn phải cần nhiều giải pháp quan trọng khác để phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức ;
5/ Mở room cho nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành nghề không phải là ngành kinh doanh có điều kiện :
– Hiện Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư không qui định việc khống chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN trừ những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên văn bản dưới Luật còn hạn chế tỷ lệ sở hữu NĐTNN tại doanh nghiệp công chúng là không quá 49% ;
– Hiện nay các nhà đầu tư FDI ( 100% vốn nước ngoài ) đã được kinh doanh ở tất cả các ngành nghề không điều kiện, ngay cả lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như tài chính, bảo hiểm , ngân hàng, tư vấn luật ….đã có nhiều nhà đầu tư FDI ;
– Trong khối các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết, cũng đã được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở tỷ lệ không hạn chế. Trong mấy năm qua, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã chủ động bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức không hạn chế hoặc ở mức đa số ( nhiều hơn số thương vụ bán tại khối công ty niêm yết ) và trong tình hình hiện nay việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại khối doanh nghiệp chưa niêm yết dễ dàng hơn nhiều , được giá hơn nhiều so với công ty niêm yết ;
– Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu như tất cả TTCK phát triển và đang phát triển đều không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, trừ 1 vài lĩnh vực nhạy cảm nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng trong huy động vốn và trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ;
– Nếu chúng ta mở room cho NĐTNN ở mức không hạn chế sẽ tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng hơn trong huy động vốn và công nghệ., tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gia nhập các tập đoàn quốc tế nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh …
– Vấn đề mở room cho nhà ĐTNN có vẻ nhạy cảm nếu như không hiểu sâu về bản chất vấn đề, nhưng nếu tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm thế giới thì vấn đề trở nên đơn giản và không có gì là nhạy cảm cả ;
– Về vấn đề này, VAFI đề nghị Bộ trưởng Bộ TC chỉ đạo UBCKNN nghiên cứu đầy đủ kinh nghiệm thế giới trước khi tiến hành mở room có lẽ sẽ hay hơn là không có hành động gì vì nó “ nhạy cảm “ lắm ?
6/ Bỏ thủ tục xin mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó là thủ tục đăng ký qua mạng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán :
– Thủ tục cấp mã số giao dịch cho NĐTNN hiện hành hết sức rắc rối, nhiêu khê, phức tạp và tiêu cực mà không giải quyết được gì về vấn đề quản lý NĐTNN. Năm nào NĐTNN cũng than phiền về thủ tục này, vì để hoàn thành 1 bộ hồ sơ rắc rối với nhiều thủ tục ở nước ngoài và trong nước phải mất 6 tháng trời ;
– Có những thủ tục rắc rối, phức tạp và mất công không cần thiết như đề nghị sứ quán Việt Nam hợp thức lãnh sự. ở các nước trên thế giới, có hàng triệu doanh nghiệp thì làm sao sứ quán VN biết được doanh nghiệp ra sao mà yêu cầu chứng nhận doanh nghiệp không làm ăn phi pháp ? Thủ tục này có giải quyết được vấn đề gì không?
– Hay như thủ tục chứng nhận lý lịch tư pháp của người quản lý : Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, có ai làm việc 1 chỗ và ai sẽ là người chứng nhận lý lịch ?
– Thông lệ của hầu hết các quốc gia trên thế giới là không có thủ tục cấp mã số giao dịch cho NĐTNN, thay vào đó là NĐTNN ký hợp đồng mở tài khoản chứng khoán với công ty chứng khoán ở nước sở tại qua mạng ;
– Quản lý dòng vốn gián tiếp là ở theo dõi hoạt động giao dịch có đúng Luật hay không, hay về chính sách thuế, chính sách tỷ giá trong từng giai đoạn, nếu NĐTNN vi phạm Luật thì cơ quan quản lý luôn nắm đằng chuôi trong việc xử lý như yêu cầu Ngân hàng Lưu ký giữ 1 khoản tiền nếu NĐTNN cố tình không nộp phạt, thậm chí phong tỏa tài khoản để xử lý….
– Bộ Tài chính , UBCKNN cần yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tổng kết công tác cấp mã số cho NĐTNN, xem rằng việc cấp mã số như hiện nay có giải quyết được vấn đề gì cho công tác quản lý ? Nếu không thì phải nhanh chóng cải cách và theo VAFI thì để có mã số giao dịch, NĐTNN chỉ cần đăng ký theo Form những thông tin cơ bản về tổ chức , cá nhân mà không phải làm thủ tục chứng thực gì khác .
7/ Cho nhà đầu tư được vay số chứng khoán vừa mua nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường , thúc đẩy phong trào đầu tư giá trị :
– Luật Chứng khoán hiện hành đã có qui định cho vay chứng khoán nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn. Trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư, VAFI đã đề nghị qui định được ứng trước số chứng khoán đã mua để đảm bảo giao dịch T + 0.
– Giải pháp này rất an toàn cho nhà đầu tư, vì không phải vay nợ, đồng thời giúp công ty chứng khoán xây dựng quỹ hàng hóa có chất lượng, loại bỏ những cổ phiếu không phù hợp về giá trị ;
– Việc triển khai giải pháp này còn đơn giản hơn việc thực hiện giải pháp T + 2 ;
8/ Chuyển Đơn vị Thanh tra thuộc UBCKNN về Thanh tra Bộ Tài chính :
– Thanh tra UBCKNN đã trải qua hơn 11 năm hoạt động nhưng vai trò của nó còn vô cùng hạn chế về hiệu quả hoạt động, chỉ chủ động phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm nhỏ và lẻ tẻ . Những vụ án lớn đều do thông tin nội bộ cung cấp buộc phải xử lý hoặc do cơ quan an ninh phát hiện phá án, tại sao lại có tình trạng Thanh tra hoạt động kém hiệu quản như vậy ?
– UBCK là đơn vị trực tiếp cấp phép, cấp rất nhiều giấy phép trong đó có cả cấp giấy phép thừa ( trong quá trình thành lập và hoạt động của công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty quản lý quỹ ), đồng thời UBCKNN cũng là đơn vị được giao quản lý nhà nước với những đối tượng trên liên quan đến lĩnh vực chứng khoán ;
– Nhiều thủ tục cấp phép rắc rối phức tạp mang nặng cơ chế xin cho và tiêu cực tham nhũng nên thường nhiều quan chức UBCKNN có duyên nợ từ cơ chế xin cho này, cho nên e ngại công tác thanh tra trong thực thi pháp luật về chứng khoán là đúng ;
– Chủ tịch UBCKNN kiểm soát chặt chẽ từ kế hoạch thanh tra tổng thể đến thanh tra từng vụ việc rồi đến từng kết luận thanh tra mặc dù nhiều kết luận là do Chánh Thanh tra ký ?
– Với các bên tham gia TTCK, khối công ty chứng khoán thường hay vi phạm pháp luật nhiều nhất nhưng có lẽ nhà đầu tư chưa bao giờ thấy 1 quyết định nào xử phạt Tổng giám đốc công ty chứng khoán. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm pháp luật bị nhà đầu tư tố cáo yêu cầu Chủ tịch UBCKNN xử lý thì cuối cùng chỉ xử nhẹ hành chính doanh nghiệp và bắt doanh nghiệp nộp tiền, ( tức là bắt những người đi tố cáo nộp tiền ) ;
– Có sự xung đột lợi ích ở đây : Chủ tịch UBCKNN vừa là người cấp phép, vừa là người quản lý doanh nghiệp thì liệu có hăng hái trong công tác thanh tra hay không . Trên thực tế Chủ tịch UBCKNN rất sợ thanh tra, nhất là thanh tra công an, nhưng tại sao lại sợ ? UBCKNN có phải ở vị thế của doanh nghiệp bị thanh tra đâu ?
– Chuyển thanh tra UBCKNN về Thanh tra BTC sẽ đảm bảo tính độc lập, tính hiệu quả đầy đủ của Thanh tra và không bị xung đột lợi ích, từ đó vi phạm phát luật về chứng khoản sẽ giảm đi nhiều, còn nếu để nguyên như hiện nay thì Thanh tra UBCK chẳng khác “mèo cảnh “ là bao ?
– Việc chuyển Thanh tra không làm tước đi công cụ giám sát thanh tra của UBCKNN vì UB vẫn còn có Vụ Giám sát thị trường hay các Vụ tham mưu làm công cụ thanh tra cho UBCKNN .
– Việc chuyển Thanh tra UBCKNN về Bộ còn có thêm những lợi ích sau :
+ Thanh tra của UBCK chỉ thạo thanh tra về nghiệp vụ chứng khoán, không thông thạo chính sách tài chính doanh nghiệp và chế độ kế toán nên khó có khả năng phát hiện gian lận tài chính ;
+ Những khiếm khuyết đó sẽ được bổ sung bởi lực lượng thanh tra tài chính của Bộ, đồng thời giảm sự trùng lắp trong công tác thanh tra doanh nghiệp .
9/ Cần có chính sách để Xã hội hóa công tác thanh tra :
– Để thực thi pháp luật nghiêm minh, làm cho TTCK thực sự hoạt động công khai, công bằng minh bạch hiệu quả thì phải huy động sự giám sát của nhà đầu tư, của cổ đông và nhiều đối tượng khác – Đó là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới ;
– Huy động xã hội giám sát bằng chính sách thưởng : Những người phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật chứng khoán trình cơ quan có thẩm quyền ( Thanh tra BTC) sẽ được hưởng khoảng 80% số tiền phạt thu được từ các doanh nghiệp vi phạm .
– Nếu Bộ tài chính chấp nhận giải pháp thứ 8 và thứ 9 thì VAFI tin rằng số vụ vi phạm về pháp luật chứng khoán sẽ giảm đi 80%.
10/ Chuyển Vụ Phát triển thị trường trực thuộc UBCKNN về trực thuộc Bộ Tài chính với tên gọi mới là Vụ Chính sách Chứng khoán :
– Cách đây 5 – 6 năm phong trào thành lập công ty chứng khoán đua nhau phát triển, nhiều người không am hiểu về TTCK cũng như không có nhiều vốn cũng tìm mọi cách chạy giấy phép thành lập vì sức hấp dẫn của Giấy phép, nhiều trường hợp có giấy phép là người ta có thể bán cổ phiếu với giá thị trường gấp từ 4 – 8 lần mệnh giá ;
– Trước thời điểm phong trào nở rộ, nhiều quan chức UBCKNN trong đó có Chủ tịch UBCK bây giờ nói rằng đã đi tham quan khảo sát kinh nghiệm nhiều nước về duy trì số lượng công ty chứng khoán và họ phát biểu rằng “ không nên có nhiều CTCK , chỉ duy trì số lượng CTCK vừa đủ hợp với qui mô thị trường “ nhưng sau đó TTCKVN đã có hơn 100 CTCK ( nhiều gấp vài lần so với các nước trong khu vực );
– Nhưng vì sao biết được những bài học đau đớn từ kinh nghiệm thế giới rồi mà vẫn cấp nhiều giấy phép, quan chức UBCK lý giải rằng “ chúng tôi phải làm theo Nghị định, cứ hội đủ điều kiện là phải cấp phép “ nhưng đặt vấn đề ai làm ra Luật ? Chính UBCK là cơ quan tham mưu trực tiếp làm Nghị định nhưng sức cám dỗ của việc cấp phép làm cho họ không cưỡng được .
– Hay như vấn đề tăng tiêu chuẩn niêm yết, nhà đầu tư muốn tăng tiêu chuẩn niêm yết cao hơn so với đề xuất của UBCKNN và áp cả tiêu chuẩn duy trì niêm yết nhưng UBCK chỉ tăng chút ít tiêu chuẩn niêm yết lần đầu, vì sao vậy ? Phải chăng là còn duyên nợ với cơ chế xin cho với nhiều công ty niêm yết yếu kém ?
– Đưa ra những ví dụ trên để thấy rằng đã có sự xung đột lợi lớn : UBCKNN vừa là người soạn thảo chính sách, vừa là đơn vị cấp phép , lại vừa là đơn vị quản lý công ty niêm yết. Duyên nợ quá lớn trong công tác cấp phép và công tác quản lý doanh nghiệp làm họ e dè trong việc sửa đổi hay hoặch định chính sách ;
– Việc Thành lập Vụ Chính sách chứng khoán trực thuộc Bộ sẽ tạo được vai trò độc lập, khách quan trong hoạch định chính sách, tránh tình trạng kinh doanh hay lạm dụng chính sách .
11/ Cần kiện toàn bộ máy nhân sự tại UBCKNN :
– Trong thời gian qua, đã có quá nhiều tồn tại trên TTCK và đối với hoạt động của UBCKNN, từ công tác quản lý, công tác hoạch định chính sách, rối tham nhũng, vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến công khai và trầm trọng;
– Luật sửa đổi bổ sung Luật chứng khoán ra đời nhưng không giải quyết được những tồn tại của TTCK. Trong 5 năm qua, chỉ có vài giải pháp ra đời mang tính khả thi , phần còn lại không có hiệu quả cho sự phát triển thị trường ;
– Để công cuộc tái cấu trúc TTCK được thành công, có lẽ việc làm truớc tiên phải là kiện toàn bộ máy lãnh đạo tại UBCKNN. Không thể tồn tại tham mưu yếu kém mà lại có kết quả tái cấu trúc thành công được ;
– Đối với những doanh nghiệp yếu kém, muốn phục hồi phát triển, điều tiên quyết là phải thay đổi giám đốc điều hành và HĐQT, thậm chí nhiều Tổng giám đốc có trình độ khá hoặc giỏi thì cổ đông hay HĐQT vẫn quyết định thay thế vì họ tìm được người giỏi hơn, họ muốn doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, đó là câu chuyện bình thường, vì vậy BTC cần tìm nhân sự giỏi, giỏi về hoạch định chính sách để chéo lái cho con tầu chứng khoán VN tiến lên;