Đề xuất không thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ

Để góp phần vào chương trình chống lạm phát đạt hiệu quả cao, làm giảm mặt bằng lãi xuất huy động vốn trong thị trường tài chính, làm gia tăng khả năng đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các tổ chức tài chính trong nước, đồng thời cũng làm giảm bớt nợ nước ngoài trong  đầu tư trái phiếu chính phủ, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất 1 giải pháp để đạt được các mục tiêu nói trên – Đó là không tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong hoạt động đâu tư trái phiếu chính phủ .

1/ Vì sao VAFI lại đề xuất giải pháp như trên ?

– Luật thuế thu nhập hiện hành và Dự thảo Luật thuế TNDN ( sửa đổi ) đều qui định thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc chuyển nhượng trái phiếu chính phủ hay lợi tức trái phiếu đều ở mức 28% – 25%.

– Khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì mọi tổ chức đầu tư đều tính đến việc phải khấu trừ yếu tố thuế và chi phí. Nếu có thuế thì lãi xuất trái phiếu phải cao vì phải bao hàm yếu tố thuế, còn nếu không có thuế thì lãi xuất trái phiếu sẽ giảm. Như vậy bản chất của việc doanh nghiệp đóng thuế cho hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ không phải là tiền của doanh nghiệp hay thu nhập của doanh nghiệp mà chính là khoản tiền ngân sách nhà nước . Khoản tiền  này được trả lại cho ngân sách nhà nước sau khi doanh nghiệp nhận được lợi tức trái phiếu chính phủ. Từ sự phân tích này để thấy rằng nhà nước không hề được lợi từ việc thu thuế mà ngược lại .

– Thống kê thực tế cho thấy rằng khi nhà đầu tư mua công trái hay trái phiếu giáo dục ( được miễn thuế TNDN ) thì lãi xuất bao giờ cũng giảm hơn so với lãi xuất trái phiếu chính phủ ở kỳ hạn tương ứng từ 1,5% – 2%. VAFI nhận định rằng nếu không tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư TPCP thì lãi xuất huy động cũng sẽ giảm theo mức trên và điều này rất có lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ & chống lạm phát.

– Khi Chính phủ phát hành trái phiếu thông qua các định chế như Kho Bạc nhà nước, Ngân hàng phát triển VN, Ngân hàng nhà nước….thì ở mức độ ít nhiều cũng có sự cạnh tranh với việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, vì vậy trên nguyên tắc lãi xuất trái phiếu chính phủ phải ở mức lãi xuất chênh lệch lớn với mặt bằng huy động vốn của các ngân hàng thương mại, vì vậy việc làm giảm mức lãi xuất TPCP từ 1,5% -2% có một ý nghĩa hết sức quan trọng và sẽ góp phần làm giảm lãi xuất huy động của khối ngân hàng thương mại khi không tính thuế đối với hoạt động đầu tư TPCP.

– Theo dõi mấy phiên đấu giá TPCP gần đây (kỳ hạn 5 năm với lãi xuất 9,5%/năm ) thì không thành công , (chỉ bán được không quá 10% ). Nguyên nhân cơ bản là đặt mức lãi xuất thấp trong thời điểm hiện nay, nếu muốn phát hành thành công  thì Bộ Tài chính phải nâng lãi xuất huy động lên nhưng làm như vậy thì sẽ khó khăn trong việc giảm mặt bằng lãi xuất huy động của khối ngân hàng thương maị xuống được. Tuy nhiên nếu không tính thuế TNDN với TPCP thì Bộ Tài chính chỉ cần duy trì mức lãi xuất khoảng 8,5% là những phiên đấu giá vừa qua sẽ đạt được thành công tốt đẹp.

– Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào trái phiếu chính phủ cũng cần phải tính đến tác động làm khan hiếm tiền đồng cũng như  áp lực tăng giá VND nhất là những trái phiếu ngắn hạn, như vậy cần tạo cơ chế tăng cường huy động vốn từ các tổ chức tài chính trong nước và như vậy phải nâng lãi xuất ở mức hợp lý – Xử lý vấn đề này chỉ bằng giải pháp không tính thuế TNDN .  Khi chúng ta tạo được cơ chế tăng cường huy động vốn trong nước cho đầu tư trái phiếu chính phủ thì sẽ giải quyết được tốt bài toán mua ngoại tệ từ Ngân hàng nhà nước cho mục tiêu đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư gián tiếp nước ngoài vào cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước.

– Đề xuất của VAFI không phải là nhằm tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trái phiếu hay là làm thất thu ngân sách nhà nước. Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với thông lệ phổ biến trên thế giới. Khi góp ý xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân , VAFI cũng góp ý là không thu thuế TNDN trong đầu tư trái phiếu chính phủ, và đề xuất này đã được ghi nhận trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong lần làm việc gần đây với Tổ thường trực soạn thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ( sửa đổi ), đề xuất này cũng được Tổ Thường trực đồng ý.

2/ Đề xuất cụ thể của VAFI :

– Không tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động chuyển nhượng và lợi tức trái phiếu chính phủ . Trái phiếu chính phủ bao hàm :

+ Trái phiếu chính phủ được phát hành qua kênh Kho Bạc Nhà nước ;

+ Trái phiếu được phát hành từ Ngân hàng Phát triển VN ( theo Luật hiện hành thì được coi là Trái phiếu chính phủ ) ;

+ Trái phiếu của Chính quyền địa phương ;

+ Công trái, trái phiếu giáo dục ;

+ Trái phiếu chính phủ được Bộ Tài chính phát hành ra thị trường quốc tế ;

+ Tín phiếu ngân hàng nhà nước : Ngân hàng nhà nước phát hành và bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua với lãi xuất thấp nhằm thực hiện chương trình chống lạm phát , tuy nhiên các ngân hàng thương mại phải trả lãi xuất huy động theo lãi xuất thị trường ở mức rất cao so với lãi xuất đầu ra ( chênh lệch – 4%) . Việc không tính thuế thu nhập doanh nghiệp với tín phiếu ngân hàng sẽ giảm bớt khó khăn của hệ thống ngân hàng thương mại đồng thời đưa lãi xuất tín phiếu ngân hàng ở mức hợp lý hơn.

– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ( sửa đổi ) sẽ được Quốc Hội thông qua vào tháng 5/2008 và có hiệu lực ngày 1/1/2009. VAFI đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ ( chỉ cho những đợt phát hành mới ) và giải pháp này nên có hiệu lực ngay sau kỳ họp Quốc hội  tới vì :

+ Đây là 1 giải pháp rất quan trọng nhằm đạt được chương trình huy động vốn của chính phủ ;

+ Góp phần giảm ngay lãi xuất huy động của thị trường xuống, nhất là trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi xuất huy động của thị trường quá cao.

+ Có thể sớm cải thiện được cơ cấu huy động vốn giữa vốn nội và vốn ngoại, tiến tới tỷ lệ huy động vốn ngoại cho đầu tư trái phiếu chính phủ ( dài hạn ) chỉ chiếm 30% khối lượng phát hành.

+ Để giải pháp này được thực hiện ngay thì nên đưa vào nội dung Nghị Quyết của Quốc Hội.

 

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133