Để góp phần bình ổn thị trường tiền tệ, chống lạm phát và ổn định chính sách tỷ giá ….Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin đề xuất 1 số giải pháp như sau:
1/ Cần lộ trình hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ để giảm lãi suất huy động VND :
– Tại thời điểm này lãi suất huy động tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đã ổn định, đã giảm tình trạng căng thẳng trong huy động vốn với lãi suất cao, lãi suất huy động sẽ trong xu hướng đi xuống vào tháng 2/2011, tương ứng với chỉ số CPI giảm mạnh.
– Tháng 2/2011 sẽ là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng nhà nước có chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Theo VAFI, tỷ lệ khống chế bước đầu ở mức khoảng từ 3,0%-3,5% /năm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng . Việc áp đặt mức khống chế này sẽ góp phần hạ nhanh lãi suất huy động VND, đồng thời có tác dụng thu hẹp chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ giữa thị trường tự do và thị trường chính thức…
2/ Ngân hàng nhà nước nên xem xét lại chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ dùng làm vốn lưu động thu mua nguyên liệu, hàng xuất khẩu:
– Từ đầu Quí 2/2010 Ngân hàng nhà nước đã có chính sách cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được phép vay ngoại tệ để dùng làm vốn lưu động với lý lẽ:
+ Nhiều ngân hàng chưa giải ngân hết số ngoại tệ tiền gửi của dân cư, doanh nghiệp trong khi nguồn cung ngoại tệ cho thị trường còn thiếu ;
+ Cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ giải quyết được vấn đề trên, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu lại có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu để trang trải cho số vay trên ;
– Thực tế diễn ra như thế nào?
+ Các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu đã tích cực vay ngoại tệ, các nhà quản lý doanh nghiệp đã tính rằng vay ngoại tệ sẽ được hưởng chi phí lãi vay thấp hơn VND trong hoàn cảnh tỷ giá VND/USD đang bình ổn và chưa có dấu hiệu biến động mạnh. Thống kê sơ bộ của năm nay cho thấy tín dụng ngoại tệ tăng lên rất nhiều so với các năm trước.
+ Rõ ràng chính sách này đã làm cho cầu ngoại tệ tăng nhanh, dẫn tới việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên tới mức khoảng 5%/năm.
+ Lãi suất tiền gửi ngoại tệ của năm 2010 là cao hơn so với các năm trước, đặc biệt là so với năm 2008, 2009 khi nền kinh tế VN bị tác động nhiều bởi lạm phát cao ( năm 2008), bởi khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, bởi thiếu hụt ngoại tệ thanh toán và nhập siêu. Mức lãi suất huy động ngoại tệ trước quí1/2010 dao động khoảng 2%-3%/năm.
+ Khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng nhanh ( khoảng 5%) cộng với những dấu hiệu lạm phát….. đã kích thích nhiều người gửi tiền lựa chọn phương thức gửi tiết kiệm ngoại tệ và như vậy càng làm cho cầu ngoại tệ tăng lên, dẫn tới tỷ giá thị trường tự do tăng theo.
– Về vấn đề này, Ngân hàng nhà nước nên tổng kết đánh giá lại chính sách cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vay ngoại tệ. VAFI nhận định rằng thời điểm tháng 2/2011 là thời điểm thích hợp để bỏ chính sách này đi và sẽ tạo điều kiện hạ nhanh mặt bằng lãi suất huy động .
3/ Nghiên cứu cơ chế tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài :
– Mới đây Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc Hội thông qua, Ngân hàng nhà nước đang soạn thảo các văn bản hướng dẫn, đề nghị Ngân hàng nhà nước nên xem xét :
+ Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại lên mức 40% hoặc 35%;
+ Nghiên cứu cho phép NĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông nhưng không có quyền biểu quyết . Đây là kinh nghiệm hay của nhiều nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện tăng vốn hoạt động cho hệ thống NHTM;
+ Chẳng hạn như Thái Lan, cho phép NĐTNN sở hữu mức không quá 49%/vốn điều lệ đối với cổ phiếu phổ thông, ngoài ra họ cho phép NĐTNN được mua thêm cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết.
– Đối với các công ty niêm yết đang qui định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không quá 49%/VĐL, cũng đề nghị Bộ Tài chính và UBCKNN nghiên cứu cơ chế cho phép NĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho TTCKVN, đồng thời tăng cường thu hút nguồn vốn FII.
– TTCKVN đã trải qua hơn 10 năm hoạt động, đã phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng và biến động thị trường, những mặt tích cực và tiêu cực của dòng vốn FII đã bộc lộ hết , VAFI nhận xét tổng quan như sau :
+ Dòng vốn FII đa phần là tích cực, là đầu tư lâu dài và đa phần mang tính tổ chức đã tạo động lực ổn định và phát triển thị trường .
+ Dòng vốn FII cũng góp phần cải thiện cán cân thanh toán, nhất là trong giai đoạn hiện nay;
+ Mặt tiêu cực của FII không nhiều : như đầu tư ngắn hạn, rút vốn ồ ạt hay gây mất ổn định cho thị trường… Cơ quan quản lý nhà nước đã có những chính sách tốt để hạn chế những mặt tích cực này.
4/ Tiến trình cổ phần hóa DNNN cần phải đẩy nhanh tốc độ như các năm 2004, 2005, 2006;
– Trong các năm 2008, 2009, 2010 tiến trình cổ phần hóa bị giảm tốc mạnh, chỉ với ít DNNN được cổ phần hóa. (3 năm này không bằng ½ của năm 2005);
– Những vấn đề như trên được cho là do TTCK èo uột, rồi do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, bán cổ phần nhà nước sẽ không được giá;
– Tuy nhiên cần xem lại mục tiêu của cổ phần hóa là gì? Mục tiêu cơ bản là chuyển đổi cơ chế hoạt động của DNNN, đưa DNNN sang 1 thế giới minh bạch để tăng cường quản trị doanh nghiệp. Nếu tuân theo mục tiêu này thì không cần thiết phải bán nhiều tỷ lệ cổ phần nhà nước mà vẫn làm cho DNNN tiến bộ hơn, hiệu quả hơn. Những bài học thực tế từ Vietcombank, Vietinbank…. Đã chỉ ra điều đó.
– VAFI đề nghị trong năm 2011 phải có bước ngoặt trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN. Những người làm công tác đổi mới doanh nghiệp, nhất là cán bộ lãnh đạo phải có tư tưởng đổi mới, có sáng kiến đổi mới thì mới xứng đáng với nhiệm vụ của mình :
+ Chúng ta thực hiện đồng loạt tất cả DNNN thuộc diện cổ phần hóa để chuyển những đối tượng này thành công ty công chúng ;
+ Nếu TTCK không thuận lợi, thì tạm thời nhà nước nắm giữ cổ phần đa số . DN mà nhà nước năm giữ trên 90%/VĐL thực hiện niêm yết còn hiệu quả hơn rất nhiều DNNN mà NN nắm giữ 100% VĐL;
5/ Nên tập trung thực hiện việc bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang và đã cổ phần hóa :
– Những DNNN lớn như MobiFone, Sabeco, Habeco, PV Oil …đã xây dựng phương án thu hút đối tác chiến lược nước ngoài, chúng ta cần đẩy mạnh tiến trình bán. Được biết những đối tác này sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều so với mặt bằng giá thị trường hiện nay ;
– Việc đẩy nhanh thủ tục bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp này trong năm 2011 sẽ thu được hàng tỷ đô la cho ngân sách nhà nước, tạo một nguồn cung ngoại tệ không nhỏ cho thị trường và sẽ góp phần ổn định chính sách tỷ giá .