Góp ý chi tiết Dự thảo Thông tư về Chính sách Thuế trong lĩnh vực chứng khoán

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) đã có 3 văn bản phản biện về  Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán , với văn bản thứ tư này, VAFI góp ý chi tiết đi kèm với các đề xuất cụ thể để Thông tư mới mang tính khả thi , rõ ràng và dễ hiểu cho mọi đối tượng nộp thuế cũng như việc thi hành luật của các cơ quan thuế địa phương :

1/ Về Điều 1 qui định “ Đối tượng nộp thuế ”  

Nên chia thành 2 nhóm :

Nhóm 1 : Đối tượng nộp thuế có điều kiện hạch toán độc lập, có mã số thuế , thực hiện nộp thuế TNDN không theo phương thức thuế khoán ;

Nhóm 2 : Đối tượng nộp thuế không có điều kiện hạch toán độc lập, không có mã số thuế và phải áp dụng tính thuế thu nhập chứng khoán theo phương thức khoán ;

1.1/ Nhóm 1 bao gồm những đối tượng sau :

– Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, tổ chức pháp nhân…

– Các đối tượng tổ chức này được thành lập theo pháp luật trong nước, có điều kiện hạch toán kinh tế độc lập, có mã số thuế ;

1.2/ Nhóm 2 bao gồm các đối tuợng sau :

a/ Nhà đầu tư cá nhân trong nước ;

b/ Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài ;

c/ Tổ chức đầu tư trong nước không có hoạt động kinh doanh thường xuyên, không có mã số thuế :

– Các Bộ quản lý ngành đại diện cho cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp ;

– Các UBND tỉnh đại diện cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp ;

– Ban tài chính quản trị các cấp đại diện cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp ;

– Công đoàn đại diện vốn góp cổ phần của người lao động tại các doanh nghiệp cổ phần hóa ;

– Một số Hiệp hội ngành nghề trực tiếp đầu tư hoặc nhận ủy thác đầu tư từ các hội viên ;

d/ Các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngoài :

– Các công ty quản lý quỹ nước ngoài

– Các Quỹ đầu tư nước ngoài ;

– Các tổ chức đầu tư nước ngoài ;

2/ Điều 2 . Giải thích từ ngữ

– Khái niệm về chứng khoán : Nên viết lại các khái niệm theo Điều 6 Luật chứng khoán ( từ điểm 1 đến điểm 8 )

– Đưa vào khái niệm “Cổ phần ưu đãi cổ tức ” Theo Điểm 1 Điều 82 Luật Doanh nghiệp đã qui định “ cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. Cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty…” Với loại chứng khoán lưỡng tính này thì khoản chi cho cổ phần ưu đãi cổ tức được phép đưa vào chi phí – Đây là thông lệ thế giới đồng thời phù hợp với bản chất chứng khoán ;

– Đưa thêm đặc tính của Trái phiếu chuyển đổi là khi chưa đến thời gian chuyển đổi thì khoản lợi tức trả cho nhà đầu tư được phép đưa vào chi phí ;

– Trái phiếu phát hành quốc tế : Do Chính phủ hay doanh nghiệp trong nước phát hành ra thị trường quốc tế; Tổ chức phát hành chịu trách nhiệm khấu trừ tiền lãi trái phiếu ;

– Chứng chỉ lưu ký toàn cầu : Cần có định nghĩa theo văn bản của UBCKNN ;

– Đưa khái niệm “ Nhà đầu tư chứng khoán ” : Ai nắm giữ những loại chứng khoán qui định như trên là nhà đầu tư chứng khoán ;

– Thêm khái niệm “chuyển nhượng chứng khoán ” là hoạt động chuyển nhượng những loại chứng khoán qui định ở trên ;

3/ Về Điều 3 qui định về thuế giá trị gia tăng :

– Ghi trong Dự thảo là tương đối đầy đủ ;

– Tuy nhiên cần bổ sung những góp ý của VAFI cho đầy đủ và thuận lợi rõ ràng trong công tác thực thi pháp luật thuế ;

4/ Về Điều 4 qui định về thuế thu nhập doanh nghiệp :

– Để cho Thông tư rõ ràng, dễ hiểu thì mục này chỉ qui định cho các tổ chức được thành lập theo pháp luật trong nước thực hiện ( thuộc nhóm 1 ) ;

– Nên chia thành 2 nhóm cơ bản :

+ Với các tổ chức như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ coi các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán là ngành nghề kinh doanh chính ;

+ Với các tổ chức có hoạt động đầu tư chứng khoán song không phải là ngành nghề chính, hay có tính chất thường xuyên ;

+ Việc phân loại như trên sẽ dễ dàng trong việc qui định các khoản chi phí cho 2 nhóm đối tượng ;

5/ Điều 5 nên qui định các phương pháp tính thuế cho nhóm đối tượng chịu thuế khoán :

5.1/ Qui định về các sắc thuế phải nộp cho nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngòai :

– Nhóm cá nhân này chịu thuế khoán do không thể hạch toán chi tiết như các tổ chức doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật trong nước ;

– Về nghĩa vụ nộp thuế là bình đẳng như nhau trong mọi trường hợp, bao hàm cả cổ phiếu niêm yết và không niêm yết ; Không thể có một sự khác biệt nào ( Trong dự thảo Thông tư đã có qui định về sự khác biệt trong phương pháp tính thuế cổ phiếu của công ty không đại chúng );

– Thuế chuyển nhượng chứng khoán ( thông lệ nước ngoài gọi là thuế khoán ) : 0,1% trên giá bán cho từng giao dịch ;

– Đối với chứng khoán chưa niêm yết thì tính bằng cách nào ?

+ Nếu theo hợp đồng kinh tế thì có thể xảy ra trường hợp không trung thực ;

+ Theo thông lệ thế giới, để cho đơn giản , dễ thực hiện và bình đẳng công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau thì căn cứ vào mệnh giá cổ phần ;

+ Ví dụ : Giao dịch chuyển nhượng 100.000 cp cổ phiếu B với mệnh giá 1 cp=10.000 đồng, giá trị tính thuế là 1 tỷ và thuế phải nộp là 1 triệu đồng ;

+ Tất nhiên là phương pháp này chưa thể chính xác, trên thực tế có nhiều loại cổ phiếu không thanh khoản, giá rẻ như bèo và dưới xa mệnh giá , tuy nhiên không thể tìm ra được phương pháp tính hợp lý và đã là thuế khoán thì nhà đầu tư phải chấp nhận ;

+ Trong trường hợp giao dịch OTC này, cần qui định công ty cổ phần thu thuế trước khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cho các bên hoặc là công ty chứng khoán thu thuế nếu CTCK được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông ;

– Đối với thuế cổ tức, thuế lợi tức trái phiếu chịu thuế suất 5% ;

5.2/ Qui định về sắc thuế phải nộp cho tổ chức trong nước áp dụng thuế khoán :

– Thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1%

– Không có thuế cổ tức ;

– Thuế lợi tức là 0,1% ;

– Nếu thực hiện giao dịch chứng khoán không niêm yết thì :

+ Gía bán chứng khoán căn cứ theo hợp đồng mua bán ;

+ Cách thức thu thuế như tương tự như mục 5.1

5.3/ Qui định về sắc thuế phải nộp cho nhà đầu tư nước ngoài :

– Thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0.1% trên giá bán chứng khoán cho từng giao dịch, áp dụng cho chứng khoán niêm yết và không niêm yết như Thông tư 100/2004/TT-BTC ngày 20/10/2004 đã qui định ;

– Thuế lợi tức trái phiếu, thuế lợi tức tiền gửi là 5% ;

– Nếu thực hiện giao dịch chứng khoán không niêm yết thì phương pháp tính thuế, phương pháp thu thuế như mục 5.1, 5.2  ;

  1. Qui định về thuế cho “Quỹ đầu tư chứng khoán ” được thành lập theo pháp luật trong nước :

Cần phân định cụ thể các hoạt động ủy thác đầu tư để thuận tiện trong công tác thu thuế , nên chia thành 2 nhóm :

6.1/ Công ty quản lý quỹ quản lý ủy thác đầu tư cho từng đối tượng riêng lẻ :

a/ Quản lý cho nhà đầu tư cá nhân  :

– Nếu nhà đầu tư có mở tài khoản giao dịch chứng khoán thì phương pháp tính thuế và thu thuế theo qui định bình thường ( mục 5.1 đã nêu ) ;

– Nếu nhà đầu tư cá nhân không mở tài khoản giao dịch chứng khoán mà ủy thác cho công ty quản lý quỹ theo những hợp đồng riêng biệt thì công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thu thuế chuyển nhượng, thuế cổ tức và kê khai với cơ quan thuế ;

b/ Quản lý cho tổ chức đầu tư :

– Nếu là nhà đầu tư tổ chức trong nước không chịu thuế khoán và không có tài khoản giao dịch chứng khoán :

+ Phương pháp tính thuế như mục 4 ;

+ Các khoản cổ tức hay lãi từ đầu tư chứng khoán được công ty quản lý quỹ chuyển cho tổ chức đi ủy thác và tổ chức này có trách nhiệm kê khai nộp thuế theo Luật hiện hành;

– Nếu là nhà đầu tư nước ngoài chịu thuế khoán và có tài khoản giao dịch thì phương pháp tính thuế , thu thuế như qui định tại mục 5.3 ;

6.2/ Qui định về “thuế cho Quỹ đầu tư ”:

– Quỹ đầu tư không phải là 1 pháp nhân doanh nghiệp độc lập được thành lập để sản xuất kinh doanh như Luật doanh nghiệp qui định, vì vậy nó không có tư cách pháp nhân ;

– Quản lý quỹ đầu tư là quản lý mọi hoạt động đầu tư chung cho 1 tập thể bao gồm 4 nhóm đối tượng : nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài ( 3 nhóm này chịu thuế khoán ) và tổ chức đầu tư trong nước ;

– Quỹ không phải là pháp nhân doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà chỉ thể hiện là 1 sự ủy thác đầu tư của 1 tập thể cho công ty quản lý quỹ, cho nên không có bất kỳ khoản thuế nào cho quỹ đầu tư. Khi nói qui định thuế cho “ quỹ đầu tư ” thực chất là thể hiện việc thu thuế của từng nhóm đối tượng nhà đầu tư .

– Nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư đem vốn đi ủy thác tối thiểu không cao hơn so với cách thức họ tự đầu tư, do vậy thuế của quỹ đầu tư phải đảm bảo bình đẳng với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài . Còn nếu không đảm bảo sự ưu đãi hay bình đẳng thì chẳng có nhà đầu tư nào đầu tư vào chứng chỉ quỹ do vậy :

+ “Quỹ”  phải chịu thuế khoán , đây là giải pháp tạm thời, sau này khi sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì quỹ đầu tư sẽ không phải chịu bất cứ loại thuế nào – Đây là hướng đi của các nước phát triển để xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán ;

+ Thuế chuyển nhượng : 0,1% trên giá bán cho từng giao dịch chuyển nhượng,

+ Thuế lợi tức trái phiếu, lợi tức tiền gửi : 5% ;

+ Áp dụng sắc thuế này thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp ;

* Qui định về thanh lý quỹ đầu tư :

– Hết thời hạn hoạt động thì phải đóng quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư cũng có thể bị đóng trước thời hạn theo yêu cầu của đa số nhà đầu tư ( thể hiện bằng Nghị quyết của Hội nghị nhà đầu tư ) ;

– Thanh lý quỹ đầu tư dưới các hình thức :

+ Bán dần chứng khoán trong Danh mục đầu tư khi thời hạn gần hết ;

+ Bán toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư khác theo giá thỏa thuận tuân theo hợp đồng mua bán, trong trường hợp này cũng cần quy định cụ thể thuế chuyển nhượng danh mục đầu tư bằng 0,1% trên giá chuyển nhượng danh mục ;

+ Sau khi bán hết chứng khoán, Quỹ đầu tư chứng khoán chỉ còn tiền mặt và là cơ sở để công ty quản lý quỹ chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ sở hữu chứng chỉ quỹ. Những khoản vốn thu được sau thanh lý quỹ có thể dưới mức vốn điều lệ ban đầu hoặc trên số vốn điều lệ quỹ, sẽ không phải chịu bất kỳ loại thuế nào nữa .

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133