Mùa Đại hội cổ đông của các công ty đại chúng đang bắt đầu diễn ra và cũng như các năm trước, hầu như tất cả các công ty đại chúng đều rất vất vả trong việc mời cổ đông tới tham dự, sẽ có nhiều đại hội cổ đông ( tổ chức lần đầu ) phải bị hủy bỏ do không hội đủ qui định tại Điểm 1 Điều 102 Luật Doanh nghiệp qui định điều kiện tiến hành ĐHCĐ “ Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ….” – Đây là 1 điều kiện quá khó khăn cho việc tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, Vì vậy Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) xin có ý kiến như sau :
Ngày 27/3/2009 VAFI đã có văn bản số 613/HHĐTTC gửi các Bộ Ban ngành hữu quan phản ánh những trở ngại pháp lý làm cho nhiều ĐHCĐ bị hủy bỏ, nêu lên những ảnh hưởng từ các trở ngại trên, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục. UBCKNN cũng đã có công văn số 431/UBCK-QLPH ngày 25/3/2009 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh về vấn đề trên và đồng quan điểm với VAFI.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 3069/BKH-PTDN ngày 4/5/2009 trả lời công văn của SSC và VAFI về những vấn đề nêu trên và đề xuất “….Để phù hợp với điều kiện thực tế của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán, Quí Ủy ban có thể báo cáo Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ nghiên cứu ban hành văn bản quy định điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ của CTCP niêm yết trên TTCK trên cơ sở qui định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán “.
VAFI nhận thấy rằng các công ty đại chúng không chỉ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà còn phải tuân thủ và hoạt động theo Luật Chứng khoán, vì vậy nên qui định về điều kiện đặc thù tiến hành Đại hội cổ đông của công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán :
* Điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ của công ty đại chúng nên là :
– Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty qui định ;
– Truờng hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo qui định tại Khoản 1 Điều này thì được triệu tập cuộc họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp này, cuộc họp của ĐHĐCĐ được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp .
Để thấy rõ được tình hình cụ thể tại từng công ty đại chúng trong việc tổ chức đại hội cổ đông, đề nghị UBCKNN nên có văn bản gửi từng doanh nghiệp để báo cáo tình hình, đồng thời làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Chứng khoán.
VAFI hy vọng rằng nếu đề xuất như trên được ghi nhận trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ( dự kiến trình Quốc Hội thông qua năm 2010 ) thì mùa Đại hội cổ đông của các công ty đại chúng tiến hành trong năm 2011 sẽ thuận lợi rất nhiều.