Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin góp ý một số điểm vào Bản Dự thảo mới nhất về việc sửa đổi bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 như sau :
1/ Chuẩn hóa một số khái niệm chung như Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã cùng thống nhất khái niệm :
a/ Nên sửa khái niệm nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, Tại Điểm 2 Điều 1 của Bản Dự thảo có nêu “ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam”, qui định này là trái với Luật Quốc tịch khi cho phép công dân nước ngoài hay Việt kiều có 2 quốc tịch và nên qui định thống nhất theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, bởi vì 2 Luật này cũng qui định các hình thức đầu tư gián tiếp cho nên trong lãnh thổ Việt Nam không thể phát sinh 2 loại nhà đầu tư được
Điểm 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 có nêu: “ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại VN”.
b/ Cũng nên bổ sung thêm khái niệm nhà đầu tư trong nước theo Điểm 15 Luật Đầu tư để phân định rõ rệt nhà đầu tư trong nước và NĐTNN “ nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch VN, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”
c/ Tại Điểm 2 Điều 1 của Bản Dự thảo có nêu “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm……( những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài chiếm trên 51% ) nói như vậy khiến người đọc hiểu rằng đó là khái niệm về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng thực chất theo Luật Đầu tư 2014 thì nội dung trên qui định những tổ chức như vậy sẽ được coi là nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào những ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài .
Theo Điểm 17 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 qui định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông” Với qui định này, có lẽ 100% doanh nghiệp trên sàn HOSE, HNX là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ cần tối thiểu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 1 CP. Cho nên cần bổ sung khái niệm này vào bản dự thảo ;
d/ Còn 3 nhóm doanh nghiệp có yếu tổ nước ngoài nắm trên 51% ( như Điểm 2 Điều 1 của bản dự thảo đề cập ) được coi là nhà đầu tư nước ngoài (xét về mặt điều kiện kinh doanh và thủ tục đầu tư) cũng nên có cách gọi vắn tắt vì nhóm này sẽ được nhắc nhiều lần trong thực thi pháp luật và nên gọi vắn tắt là “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 51” hay 1 tên tắt nào đó cho dễ thực hiện.
2/ Khi chúng ta thực thi việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tại những ngành nghề không hạn chế đầu tư nước ngoài, thì điều tiên quyết là cần chỉ ra những ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, tuy nhiên trong Bản Dự thảo không đề cập:
a/ Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có đưa ra “ Phụ lục III là Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài”. Trong các loại hình doanh nghiệp này có qui định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 1 số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quy định mới này nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện xây dựng dự án đầu tư nhanh chóng, tránh rủi ro hay mất nhiều thời gian tiền bạc tìm hiểu pháp luật…
b/ Trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 58 nên đề cập tới căn cứ xác định nhóm ngành nghề còn bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chính là Phụ Lục III tập hợp Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.