Góp ý về công tác tổ chức thoái vốn nhà nước

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) có ý kiến về việc thoái vốn nhà nước & cách thức thu hút các nhà đầu tư chiến lược tại các đơn vị có vốn góp của SCIC  :

1/ Bình luận về công việc tổ chức thoái vốn tại SCIC :

– Nhìn  trang Web  SCIC để tìm hiểu thông tin về tình hình  thoái vốn thì thấy nội dung sau :

+ Công bố Danh sách 144 doanh nghiệp cần thoái vốn trên tổng số 832 doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước do SCIC đang quản lý trong Quí 4/2008 ;

+ Thông tin hết sức tóm tắt và sơ sài về 110 doanh nghiệp cần thoái vốn ;

+ Công bố lịch trình đấu giá và kết quả đấu giá bán cổ phần nhà nước của 1 số doanh nghiệp ;

– Cách thức công bố thông tin như trên có những hạn chế  :

+ Nhà đầu tư không thể biết được SCIC sẽ bán ra thị trường toàn bộ cổ phần nhà nước hay chỉ là hình thức bán bớt  cổ phần nhà nước, như vậy sẽ là hạn chế lớn trong công tác thu hút nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chiến lược tham gia ;

+ Thông tin về từng doanh nghiệp  hết sức nghèo nàn, chỉ có vài dòng, tại sao không công bố báo cáo tài chính trong vài năm cộng với hồ sơ định giá của từng doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá để nhà đầu tư có thể nắm bắt được tình hình tài sản cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp và từ đó lên kế hoạch kinh doanh ? Công việc này hết sức đơn giản vì chỉ là vài thao tác vi tính có đính kèm các file dữ liệu ?

+ Thời gian & địa điểm tổ chức bán đấu giá cổ phần đối với từng doanh nghiệp không được công bố .

+ Nhà đầu tư không thể xác định được doanh nghiệp nào đã tổ chức bán đấu giá cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nào chưa thực hiện được ?

+ Chắc chắn rằng trong năm 2008 SCIC chưa thực hiện xong việc thoái vốn tại 144 đơn vị, vậy kế hoạch thoái vốn của năm 2009 sẽ như thế nào ?

– Nghiên cứu danh sách 144 doanh nghiệp cần thoái vốn thì nhận thấy đây là những doanh nghiệp “còm”, đa phần có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, đều ở vùng xâu vùng xa. Có rất nhiều doanh nghiệp có qui mô vốn lớn và trung bình không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần thì không thấy có trong danh sách trên ;

– Cách thức công bố thông tin như trên là thiếu tính chuyên nghiệp, không công khai minh bạch, tạo kẽ hở cho cơ chế xin cho phát triển, đi ngược với chiến lược phát triển của SCIC là “ Nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư năng động, đồng thời là nhà tư vấn chiến lược cho các đơn vị có vốn góp của SCIC”. Nếu như các doanh nghiệp tư nhân cần bán cổ phần ra công chúng hay cần bán cho nhà đầu tư chiến luợc thì luợng thông tin mà nhà đầu tư nhận được gấp hàng vạn lần so với cách thức mà SCIC công bố. Rất mong SCIC học theo cách công bố thông tin từ các doanh nghiệp tư nhân.

– Nhìn chung công tác thoái vốn của SCIC chưa chú trọng tới việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, vì vậy sẽ làm cho tiến trình thoái vốn không đạt hiệu quả cao :

+ Trong bối cảnh thị trường chứng khoán như hiện nay, các nhà đầu tư chứng khoán chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư vào danh mục mà SCIC công bố  ;

+ Tuy nhiên đối với các nhà đâu tư chiến luợc, thường tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì họ không  đòi hỏi những doanh nghiệp thoái vốn phải kinh doanh hiệu quả, họ sẵn sàng đầu tư miễn là cơ hội tiếp cận thông tin được dễ dàng và thuận tiện ;

+ Thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp SCIC cần thoái vốn sẽ làm thay đổi căn bản phương thức quản trị doanh nghiệp , từ đó làm cho các doanh nghiệp thoái vốn hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, vì vậy đòi hỏi SCIC cần thay đổi qui trình tổ chức chào bán cổ phần nhà nước.

2/ VAFI kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác thoái vốn tại SCIC :             

– SCIC  nhanh chóng khắc phục những hạn chế như phân tích ở trên, đồng thời gắn việc thoái vốn với việc thu hút nhà đầu tư chiến lược ;

– Căn cứ  qui định hiện hành của nhà nước về Danh mục  ngành nghề mà nhà nước không cần nắm cổ phần nhà nước hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối, theo đó SCIC cần phân loại và mở rộng danh sách  thoái vốn. Trong 832 doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC đang quản lý, thì có đến trên 700 doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần. VAFI thấy rằng SCIC không thể quản lý được trên 50 doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước ( điều này cũng là không thể thực hiện đối với tất cả các công ty quản lý quỹ trong nước & nước ngoài đang hoạt động tại VN)   .

– Trên cơ sở phân loại Danh mục những doanh nghiệp cần thoái vốn, SCIC công bố ngay trên Website để cho các nhà đầu tư biết và chuẩn bị, đồng thời công bố lộ trình bán đấu giá cổ phần nhà nước đi kèm với thông tin doanh nghiệp như báo cáo tài chính, hồ sơ định giá doanh nghiệp lúc cổ phần hoá…..

– Bán thoả thuận cho các nhà đầu tư chiến luợc :

+ Để có thể quản trị tốt doanh nghiệp, thì các nhà đầu tư chiến lược luôn mong muốn được nắm cổ phần với tỷ trọng lớn từ 30%/vốn điều lệ trở nên ;

+ Việc tiến hành bán thoả thuận cho các nhà đầu tư chiến luợc có thể thực hiện khi SCIC công bố danh mục các đơn vị, không cần phải chờ đợi khi chào bán ra công chúng hoặc chỉ thực hiện khi việc bán ra công chúng là không thành công hoặc không bán hết .

– Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả :

+ Lựa chọn đối tác chiến lược cũng là 1 phương án ;

+ Tuy nhiên có thể thoái vốn bằng cách cho những doanh nghiệp này mua lại cổ phần nhà nước theo hình thức mua cổ phiếu quỹ.

+ VAFI đã khảo sát và thấy rằng rất nhiều đơn vị kinh doanh hiệu quả, có vốn góp của SCIC  có khả năng tài chính dồi dào để mua lại cổ phần nhà nước từ 10%- 30% theo giá thị truờng, nhất là các doanh nghiệp đang niêm yết lại càng thuận lợi trong các giao dịch thoả thuận.

+ Đối với các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mà không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì SCIC không nên nắm giữ quá 20%, việc không nắm giữ cổ phần chi phối sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng của các nhà đầu tư  .

– Bài học kinh nghiệm về việc nắm giữ cổ phần chi phối của SCIC tại “ Pacific Airline “ vẫn còn nóng hổi. Khi TTCK thuận lợi trong các năm 2006, 2007 thì SCIC không nghĩ tới chuyện huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước để giảm tỷ lệ của SCIC xuống thấp nhằm tạo nền tảng cho thúc đẩy quản trị doanh nghiệp . Khi PA gặp muôn vàn khó khăn thì SCIC từ chối quyền của cổ đông đa số để đem rủi ro tới cho các nhà đầu tư trong nước ? Nhắc đến chuyện này để VAFI khẳng định việc thoái vốn & thu hút nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản trị doanh nghiệp và tiến trình này cần phải thực hiện nhanh mà không cần đợi chờ thời điểm thuận lợi.

– Cần xác định lại mục tiêu cơ bản của việc thoái vốn là gì ?

+ Có phải là bán được cổ phần với giá cao vì vậy phải chờ thời điểm thuận lợi ? Tuy nhiên ngay cả khi kinh tế phục hồi và ổn định, nếu doanh nghiệp hoạt động kém cỏi thì khả năng bán cổ phần với giá cao khó có thể thực hiện được mà ngược lại, trường hợp công ty Bông Bạch tuyết là 1 ví dụ điển hình .

 

+ Nếu thực hiện nhanh việc thoái vốn, kể cả tiến trình thoái vốn diễn ra trong giai đoạn hiện nay sẽ thúc đẩy việc cải cách doanh nghiệp & làm cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững thì đó mới là thành công thực sự. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần những doanh nghiệp mạnh. Doanh nghiệp mạnh mang lại công ăn việc làm cho nhiều người đồng thời sẽ là “ con gà đẻ trứng vàng “ tức là hàng năm sẽ đóng góp nhiều thuế cho ngân sách nhà nước.

– Để tổ chức tốt công tác thu hút đông đảo các nhà đầu tư chiến luợc, nhà đầu tư tổ chức tham gia vào tiến trình thoái vốn của SCIC thì :

+ SCIC cần tổ chức nhiều Hội nghị các nhà đầu tư để công bố các chương trình thoái vốn của mình ;

+ Công bố những địa chỉ cụ thể cần liên hệ ;

+ Thuờng xuyên cập nhập thông tin về tình hình tài chính của Danh mục những doanh nghiệp cần thoái vốn ;

+ Chỉ đạo người đại diện trực tiếp cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tiếp đón các nhà đầu tư cũng như sẵn sàng cung cấp thông tin .

File Đính Kèm

Tin Liên Quan

024 3972 8133